Ngân hàng UBS Thụy Sỹ: Danh tiếng… rơi cùng bê bối

Thứ Tư, 21/08/2013, 15:45

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn thông báo của Cơ quan Tài trợ mua nhà Liên bang Mỹ (FHFA) cho biết, UBS AG - ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, vừa phải chấp nhận nộp phạt 885 triệu USD cho chính quyền Mỹ để khép lại các cáo buộc bán chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản kém chất lượng. Theo đó, UBS AG đã tuyên bố sai về chất lượng các khoản vay bất động sản được dùng để đảm bảo cho hàng tỉ USD chứng khoán mà họ đã bán cho các tổ chức cho vay mua nhà của Chính phủ Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Các công ty này đã phải hoạt động dưới sự bảo lãnh của Chính phủ Mỹ từ năm 2008 khi họ bị mất khả năng thanh toán do thua lỗ từ các khoản cho vay cầm cố bất động sản dưới chuẩn.

Nổi tiếng là một trong những định chế tài chính bậc nhất Thụy Sỹ, thế nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, UBS AG đã liên tiếp vướng phải các bê bối gây suy giảm niềm tin nghiêm trọng, khiến nhiều ngân hàng lớn khác “đứng ngồi không yên”. Phải kể tới vụ Văn phòng Công tố Pháp ra thông báo chính thức điều tra cáo buộc Chi nhánh UBS AG tại Pháp giúp các khách hàng giàu có trốn thuế một cách có hệ thống. Hay chuyện UBS AG “nếm trái đắng” với khoản thua lỗ 2 tỉ USD khi chính một nhân viên giao dịch bất hợp pháp, mặc dù ngân hàng này đã tích cực tăng cường công tác an ninh.

Hàng loạt bê bối trốn thuế và thao túng lãi suất

UBS AG từ lâu đã bị nhiều nước nghi ngờ là nơi các nhà tài phiệt giấu tiền để trốn thuế. Ngân hàng Thụy Sỹ nổi tiếng về tính bảo mật này cũng là tâm điểm của một vụ bê bối đầu năm nay khi Bộ trưởng Ngân sách Pháp lúc đó, ông Jerome Cahuzac, giấu một khoản tiền khỏi sự truy vấn của cơ quan thuế. Ông Jerome sau đó phải từ chức và thú nhận đã cất giữ hàng trăm nghìn USD ở các ngân hàng Thụy Sỹ và Singapore trong hàng chục năm qua.

Đầu tháng 6, UBS AG bị điều tra sau khi cuốn sách có tên gọi "600 tỉ USD mất tích khỏi nước Pháp" được xuất bản, đưa ra những lời buộc tội và chỉ trích gay gắt việc ngân hàng này tình nguyện giúp đỡ giới siêu giàu Pháp trốn thuế có hệ thống. Nhà chức trách Pháp cho biết, hiện 3 giám đốc điều hành chi nhánh của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ tại đây đang bị điều tra. Tuy nhiên, đại diện của UBS AG bác bỏ cáo buộc cho rằng ngân hàng này dính líu đến những thương vụ phi pháp, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra.

Chưa đầy 2 tháng sau cáo buộc từ Pháp, UBS AG lại vướng phải nghi án bán các chứng khoán chất lượng kém cho khách hàng và tiếp tục bị điều tra theo yêu cầu của FHFA. FHFA đã kiện UBS AG về các chứng khoản đảm bảo bằng bất động sản là nhà ở trị giá 4,5 tỉ USD mà UBS AG đã trực tiếp tài trợ, và 1,8 tỉ USD chứng khoán loại tương tự của bên thứ ba được bán cho Fannie Mae và Freddie Mac. Các đơn kiện khẳng định Fannie Mae và Freddie Mac chịu lỗ ít nhất 1,2 tỉ USD chưa kể tiền lãi.

Để xoa dịu dư luận, phía UBS AG đã chịu chi trả 885 triệu USD. "UBS AG đã dự phòng đầy đủ cho khoản thanh toán này, vì lợi ích cao nhất của khách hàng và cổ đông của chúng tôi", Karina Byrne, người phát ngôn của UBS AG Chi nhánh Mỹ khẳng định. Bà Byrne cho biết, việc nộp phạt sẽ giúp ngân hàng này được giải phóng hoàn toàn trước các khiếu kiện tiềm tàng liên quan đến các chứng khoán được đảm bảo bằng những khoản cho vay bất động sản nhà ở.

Còn nhớ, UBS AG cũng gây tai tiếng lớn vào năm 2009 khi phải trả 780 triệu USD cho các cơ quan chức năng Mỹ, theo thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng trốn thuế của các tỉ phú Mỹ. Ngân hàng này thừa nhận đã giúp một số người Mỹ trốn thuế, nhưng chỉ cung cấp danh sách 300 khách hàng trong số 47 nghìn tài khoản bí mật của người Mỹ mà họ đang nắm giữ. Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc phải phát đi tín hiệu rằng, Ngân hàng UBS AG có thể bị kiện nếu không đáp ứng đầy đủ những thỏa thuận với Chính phủ Mỹ. Một thượng nghị sĩ khác cũng "dọa" UBS AG về việc luật pháp mới của Mỹ có chế tài phạt mạnh đối với việc trốn thuế tại nước ngoài.

Nhưng "cú ngã ngựa" đau đớn nhất xảy đến với ngân hàng nổi tiếng này vào cuối năm 2012, khi vụ bê bối thao túng lãi suất ngân hàng "Liborgate" bị phanh phui. Bê bối bắt đầu từ cuối tháng 6/2012 khi UBS AG tiết lộ rằng sẽ bỏ ra gần 500 triệu USD để chấm dứt cuộc điều tra của Anh và Mỹ về sự thao túng lãi suất liên ngân hàng Anh (Libor) và châu Âu (Euribor) từ năm 2005 đến 2009. Ít nhất có 45 cộng tác viên của UBS có dính líu hay biết rõ về các phương cách tác động đến lãi suất, và theo Cục Dịch vụ tài chính Anh (FSA), có ít nhất 2.000 hợp đồng không thỏa đáng đã bị ghi nhận.

Thực tế, Ngân hàng UBS AG phải nộp số tiền phạt khổng lồ là 1,5 tỉ USD vì đã thao túng lãi suất liên ngân hàng. Đây là số tiền phạt lớn nhất dành cho một ngân hàng dính líu tới vụ bê bối. Chưa hết, UBS AG phải nộp thêm hơn 100 triệu USD cho Cơ quan Kiểm soát thị trường Finma của Thụy Sỹ. Cơ quan này đã ra lệnh tịch thu toàn bộ số tiền lời có được một cách bất chính. "Trong cuộc điều tra, chúng tôi đã khám phá ra rằng một số cộng tác viên có thái độ không thể chấp nhận được. Thái độ của họ không phù hợp với các giá trị của UBS AG cũng như những tiêu chuẩn đạo đức rất cao mà chúng tôi mong đợi từ các cộng tác viên", Chủ tịch Finma tuyên bố.

"Cú ngã ngựa" đau đớn nhất xảy đến với ngân hàng nổi tiếng này vào cuối năm 2012, khi bị mất 1,5 tỉ cho vụ bê bối thao túng lãi suất ngân hàng.

UBS AG thậm chí còn bị phía Hồng Kông cáo buộc liên quan đến việc thao túng lãi suất liên ngân hàng Hồng Kông (Hibor) cùng nhiều tham chiếu khác tại châu Á. Trong một thư điện tử gửi cho Hãng Bloomberg, phát ngôn viên của UBS AG tại Hồng Kông từ chối cho biết mục tiêu của cuộc điều tra, nhưng tiết lộ sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan điều phối để giải quyết vấn đề liên quan đến một số lãi suất tham chiếu quốc tế.

Đánh rơi hình ảnh thời hoàng kim

Trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng UBS AG, không thể không nhắc tới vụ một nam nhân viên, được "vũ trang" chỉ với một chiếc máy tính nhưng đã khuấy đảo cả hệ thống ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ này hồi năm 2011. Chuyên viên giao dịch cổ phiếu 33 tuổi Kweku Adoboli đã gây ra khoản thất thoát khổng lồ tới 2 tỉ USD thông qua những giao dịch mờ ám. Thông tin chi tiết về vụ lừa đảo không có nhiều. UBS AG chỉ tiết lộ những mất mát tài chính họ phải gánh chịu xuất phát từ các "giao dịch không được phép". Ngân hàng nói rằng họ lỗ 2 tỉ USD, đủ lớn để khiến hoạt động làm ăn của cả một quý xem như thất bại.

Adoboli là tay lừa đảo trong nội bộ ngân hàng đã gây nên thiệt hại tài chính lớn thứ 3 trong lịch sử, bị kết án 7 năm tù giam. "Thành tích" của anh ta chỉ đứng sau Jerome Kerviel, kẻ khiến Ngân hàng Societe General thiệt hại 6,7 tỉ USD hồi năm 2008 và Yaduo Hamanaka, nhân vật thổi bay 2,6 tỉ USD tiền vốn của Tập đoàn Sumitomo trong những năm 90 thế kỷ trước.

Hồ sơ lưu trên mạng xã hội LinkedIn nói rằng Adoboli đã làm việc trong 5 năm qua tại đơn vị giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng UBS AG trong vai trò một nhà phân tích. Anh ta là người "ăn mặc bảnh bao", "nói chuyện có duyên" và trầm tính, không phải dạng thích đàn đúm tiệc tùng hay luộm thuộm bừa bãi. Nhìn chung, mọi thứ trong cuộc đời Adoboli đều cho thấy anh ta trông giống nghệ sĩ hơn là một nhân viên nhà băng. Anh ta giữ sự nghiệp và cuộc sống cá nhân khá tách biệt. Trên mạng xã hội Facebook, Adoboli nhận mình là dân nhiếp ảnh nghiệp dư, yêu âm nhạc và thích đạp xe. Bạn bè thân ít người biết anh ta là dân ngân hàng, chưa nói tới vụ bê bối làm mất đi 2 tỉ USD.

Đây có thể xem là đòn giáng nặng nề nhằm vào UBS AG đang vật lộn để khôi phục danh tiếng, sau khi thua lỗ nặng từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, các vụ bê bối trốn thuế và phải nhờ cậy khoản vay 60 tỉ USD từ chính phủ để tránh khỏi sụp đổ. Trong bối cảnh này, UBS AG luôn loay hoay tìm cách siết chặt quy định để khiến các giao dịch quy mô lớn không thể thực hiện được, hoặc nằm dưới sự kiểm soát. Tuy nhiên, các biện pháp này, dù được thiết kế để bảo vệ công chúng và cổ đông của các ngân hàng, xem ra đã thất bại. 

Với những món tiền phạt khổng lồ đó, UBS AG đã chịu lỗ từ 2 đến 2,5 tỉ USD mỗi năm. Tình thế ép buộc, ngân hàng này đã cắt giảm ít nhất 10.000 nhân sự trong khuôn khổ tái tổ chức sâu rộng hoạt động ngân hàng và giải tán phần lớn các mảng kinh doanh liên quan đến mua bán nợ. Ngân hàng này hiện chỉ tập trung quản lý tiền và đặt mục tiêu nâng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lên ít nhất 15% năm 2015. Thêm vào đó, UBS AG cũng sẽ cắt giảm 100 tỉ USD tài sản rủi ro cao cho đến cuối năm 2017, bằng cách giảm dần hoạt động mua bán nợ ở mảng ngân hàng đầu tư.

Hai nhà phân tích tại Morgan Stanley - Huw Van Steenis và Hubert Lam - nhận định: "Thị trường cần phải kiên nhẫn với UBS AG". Họ cũng cho rằng, thị trường tốt lên sẽ đẩy nhanh quá trình giảm nợ, giúp UBS AG có "lợi nhuận cao hơn tại các ngành kinh doanh chủ chốt”. Theo đó, dù xu hướng thị trường đang cải thiện và UBS AG vừa giành lại danh hiệu ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới nhờ dòng vốn đổ vào các quỹ khách hàng tăng mạnh trong năm qua, thì UBS sẽ vẫn tiếp tục "còn lắm lận đận".

Hình ảnh của một UBS AG với nền tảng nguồn vốn vững chắc, thận trọng trong quản lý rủi ro đã thực sự bị lu mờ hoàn toàn sau hàng loạt các bê bối. Giờ đây, gần như chẳng còn ai nhớ tới UBS AG với tư cách là định chế tài chính đóng góp tới gần 1/3 tăng trưởng kinh tế của Thụy Sỹ giai đoạn 1990-2009. Giới chuyên gia nhận định, Thụy Sỹ và các ngân hàng nước này từ lâu đã được hưởng lợi từ luật bảo vệ bí mật. Các dòng tiền nước ngoài đổ vào nhằm tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn đã tạo nên một mức lãi suất thấp, tạo điều kiện cho các công ty trong nước tiếp cận nguồn vốn vay với giá cực rẻ trong nhiều thập niên. Bây giờ, những gì là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các định chế tài chính của Thụy Sỹ trong suốt 80 năm qua lại đang để lại vết sẹo cho nền kinh tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí đầu tuần qua, cựu Chủ tịch UBS AG Gruebel nhận xét: "Danh tiếng là tài sản quan trọng nhất đối với một ngân hàng mà chỉ một hành động thiếu suy nghĩ có thể đánh mất thứ mà mất bao nhiêu mồ hôi công sức để gây dựng". Trong suốt gần 5 năm, ông và giám đốc điều hành cũ của UBS AG cố gắng xây dựng lại danh tiếng của ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, nhưng rốt cuộc kết quả vẫn chưa hề thỏa đáng. "Ngân hàng chúng tôi đã từng rất thịnh vượng, nhưng đúng là những gì tốt đẹp mà không biết giữ gìn sẽ chẳng tồn tại được lâu. Tính bảo mật của UBS AG bị phá vỡ, và cho tới bây giờ các thế hệ lãnh đạo mới đang tìm mọi cách xây dựng lại hình ảnh ngày trước. Nhưng xem ra, công việc này còn quá nhiều gian nan", ông Gruebel cho biết…

Thùy Dương - Lâm Anh (theo Bloomberg)
.
.