"Ngày chủ nhật đẫm máu" - Cuộc chiến của hồi ức và thực tại

Thứ Hai, 13/02/2012, 11:35

Tuy tình hình chính trị đã có tiến triển tốt nhưng tình trạng xung khắc và đối đầu về tôn giáo tại Bắc Ailen vẫn chưa hoàn toàn lụi tắt.

Từ năm 1972, cứ mỗi Chủ nhật cuối của tháng 1 Brian Brace lại đi bộ. Ông đi qua lại 39 lần trên đoạn đường của khu phố Thiên Chúa giáo ở Londonderry để tưởng nhớ 14 người bạn đã chết do đạn của quân đội Anh vào ngày Bloody Sunday (Chủ nhật đẫm máu).

Ngày 30/1/1972 đã trở thành dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử Bắc Ailen, biểu tượng cho thời kỳ "hỗn loạn" và nỗi thống khổ của cộng đồng Thiên Chúa giáo ít ỏi trong xứ sở Ulster Tin Lành.

Nhưng ở tuổi 64, người đàn ông với miệng cười thiếu răng, 2 gò má đỏ hồng do giá rét và do những vại bia không biết năm nay ông còn đi được không. Trong khi thành phố kỷ niệm lần thứ 40 cái ngày đẫm máu đó, cộng đồng Thiên Chúa giáo lại bị chia rẽ.

Có nên tiếp tục cuộc đi bộ hay có hành động khác? Đây là một cuộc tranh luận tạo nên một cuộc chiến hồi ức thật sự và cho thấy tính phức tạp của một đất nước văn minh vẫn đang âm ỉ ngòi nổ thù nghịch.

Có công lý không?

"Những gì diễn ra vào ngày Chủ nhật đẫm máu chưa được biện minh và không thể biện minh. Thật không hay" - những lời tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron vang lên trong Hạ viện ngày 15/6/2010. Lần đầu tiên các nạn nhân trong ngày Chủ nhật đẫm máu đã được tuyên vô tội và tất cả trách nhiệm đều quy cho 9 binh sĩ và 1 sĩ quan Anh.

Bộ Quốc phòng Anh đề nghị bồi thường cho gia đình các nạn nhân, còn các quan tòa lại không vội vã gì trong việc xem xét vụ việc của những quân nhân đó mà đa số đều có huy chương.

Liệu 14 nạn nhân kia đã được trả lại công bằng chưa? Người thân của các nạn nhân cho rằng, cuộc điều tra không tiến triển, "không lần ngược lên cao để xem lệnh nổ súng phát xuất từ đâu". Họ cũng cho rằng "những kẻ chịu trách nhiệm phải bị xét xử và kết án như bất cứ tội phạm chiến tranh nào".

Tất cả họ đều từ chối nhận tiền bồi thường của Chính phủ Anh và kêu gọi đi bộ lần nữa vào ngày Chủ nhật 29/1. Đã có gần 1.000 người tham gia cuộc đi bộ, không nhiều so với các năm trước với 20.000 người.

Với nhiều người khác, đã đến lúc "nên kết thúc những cuộc đi bộ đó" - theo lời của John Kelly (có người anh đã gục ngã trên rào chắn ở phố Bogside) hiện là điều phối viên của bảo tàng "Derry Tự do" và phát ngôn viên của các gia đình nạn nhân. Tuy vẫn đòi hỏi phải truy tố những quân nhân Anh chịu trách nhiệm nhưng ông cho rằng "giai đoạn đó không nằm trong tay người dân ở Derry mà là Chính phủ Anh".

Đó là một lý lẽ đủ để chấm dứt những cuộc đi bộ, "tiến về phía trước và tránh kéo dài mãi mãi sự căng thẳng giữa cộng đồng người Thiên Chúa giáo và người Tin Lành.

Để sống tốt, nên sống cách biệt

Từ sau Hòa ước Good Friday ban hành năm 1998, mối quan hệ giữa 2 cộng đồng đã dịu lại rõ rệt. Thế nhưng thành phố Londonderry vẫn còn chịu dấu ấn sâu đậm của sự đối kháng lịch sử đó. Ở một bên bờ sông Foyle là thành phố cổ, bao quanh là các thành lũy, biểu trưng cho kiến thúc Thiên Chúa giáo Bogside.

Bên kia bờ sông là khu Tin Lành trải dài đến mút mắt với những lô đất đều đặn nằm trên sườn đồi. Một thành phố nhưng có 2 tên - Derry đối với người Thiên Chúa giáo (hiện chiếm đa số), Londonderry đối với người Tin Lành và giới chức hành chính Bắc Ailen. Một thành phố nhưng có 2 quốc tịch: Ailen ở phía Bogside và Anh ở bên kia sông Foyle.

Các ấn phẩm tưởng niệm các nạn nhân Bloody Sunday tại Bogside.

Dù đã có những sự di dời dân chúng vì hòa bình nhưng vẫn còn một số cộng đồng co cụm bên hai bờ sông. Gần 200 người Tin Lành tiếp tục sống trong khu "The Fountain" ở giữa những người Thiên Chúa giáo. Vỉa hè và đèn đường được tô màu cờ Anh và người dân trong khu phố vẫn tiếp tục gìn giữ các bức vẽ trên tường kêu gọi "No surrender" (Không đầu hàng), khẩu hiệu nổi tiếng của người Tin Lành từ vụ phong tỏa thành phố năm 1689.

Tuy hiện nay một người Thiên Chúa giáo có thể đi qua những con hẻm trong đó nhưng vẫn bị dòm ngó một cách ngờ vực. Theo Margaret Tolley, 38 tuổi, cư dân tại đấy từ lúc chào đời, ngày kỷ niệm “Chủ nhật đẫm máu” đến gần luôn là một mối lo âu.

"Tuy tâm trạng mọi người đều đã lắng dịu nhưng người ta biết đang sống trên một thùng thuốc súng và mọi tia lửa đều có thể khiến sự việc bùng lên. Chỉ cần vài kẻ quá khích hành động có chủ ý cũng đủ để biến một cuộc diễu hành thành bạo loạn" - cô cho biết.

Hơn cả một cuộc đi bộ, đó là "truyền thống"

Bên bờ sông phía người Tin Lành sinh sống, nhận thức cũng giống thế. Jackie Dunlop, 47 tuổi, nhân viên bưu điện, cho rằng “Chủ nhật đẫm máu” là một truyền thống thuộc về lịch sử của Londonderry, giống như những cuộc diễu hành vào tháng 8 của Hội đoàn Orange" (tổ chức Tin Lành trung thành với Hoàng gia Anh, nổi tiếng vì những sự khiêu khích cộng đồng Thiên Chúa giáo).

Theo bà, sự biểu dương lực lượng và phô trương sức mạnh với cộng đồng đối lập đã nhường chỗ cho giá trị lịch sử và văn hóa của các cuộc đi bộ. Tuy bà thừa nhận rằng những vụ bạo loạn vào năm 2011 tại Belfast đã gây tổn hại cho sự ổn định của Bắc Ailen nhưng bà không nghĩ rằng "cách hồi tưởng về lịch sử có thể kìm hãm sự hòa giải dân tộc".

Dù các cộng đồng vẫn còn bị tách biệt - từ lúc còn bé với hệ thống học đường phân chia rõ rệt 2 cộng đồng - nhưng lại gắn bó mật thiết với nhau. Nơi giới trẻ, sự căng thẳng giữa 2 cộng đồng ngày càng ít nhận ra hơn.

"Tôi có nhiều bạn bè Tin Lành và điều đó không có gì khác biệt cả. Ngược lại chúng tôi thường đùa cợt lẫn nhau về sự khác biệt đó bằng cách cường điệu hóa" - sinh viên Darren McLannen, 28 tuổi, cho biết. Theo Giáo sư luật Peter Shirlow ở Đại học Queen, sự tự do và cởi mở đó của giới trẻ "là đảm bảo cho đất nước tiến triển theo hướng tốt".

"Mắt đổi mắt thì tất cả đều mù"

Danny McGrory, 57 tuổi, đã chào đời và lớn lên trong khu Bogside. Năm 1981, ông nhận 1 viên đạn của lính Anh vào vùng bụng lúc đang đứng với một nhóm bạn ngoài đường. Vài tháng sau, một thành viên của IRA (Quân đội Cộng hòa Ailen) đến kêu gọi ông cầm lấy vũ khí. "Lúc ấy tôi không nhận, nhưng nhiều người trong khu phố đã làm vì họ tức giận và thấy không có giải pháp nào khác".

Hiện nay đã nghỉ hưu, ông chờ rất lâu mới kể lại chuyện của mình cho các con nghe. "Tôi chờ cho đến khi chúng đủ tuổi để hiểu và bằng bất cứ giá nào cũng phải tránh để chúng nuôi mối hận thù". Ông dẫn lời của Gandhi: "Mắt đổi mắt thì tất cả đều mù".

Tuy nhiên, bạo lực vẫn còn lảng vảng tại Bắc Ailen. Mới đây, 2 quả bom đã phát nổ ở trung tâm Londonderry nhưng không gây thiệt hại về người. Đây là một vụ được gán cho các nhóm ly khai của IRA vốn luôn kêu gọi giải phóng đất nước "khỏi bọn xâm lăng Anh".

Các nhóm bán quân sự vũ trang đã gia tăng những hành động bạo lực từ nhiều năm qua luôn tuyển mộ lính mới trong giới trẻ bị mất phương hướng do khủng hoảng kinh tế. Và vào ngày kỷ niệm Bloody Sunday có thể họ sẽ nảy ra những ý tưởng mới.

"Điều chủ yếu là phải đảm bảo sự toàn vẹn chủ quyền của dân tộc Ailen, không cần biết bằng cách nào" - Francie Mackey giải thích; ông là Chủ tịch Phong trào vì chủ quyền của 32 huyện. Tại Londonderry, sự trỗi dậy của phong trào này trên chính trường lại gợi ra những hồi ức đau thương.

"Thật khủng khiếp khi nghĩ rằng vào thế kỷ XXI vẫn còn nhiều người tin rằng vũ khí có thể là phương tiện đem lại hòa bình" - cô Linda Fargul, 23 tuổi, nhân viên thu ngân trong siêu thị, thổ lộ.

Tuy nhiên, lối biểu dương sức mạnh của nhóm tân cộng hòa đó dường như không làm gia tăng sự căng thẳng trong dân chúng. "Ngược lại, vụ ám sát viên cảnh sát Thiên Chúa giáo Ronan Kerr ngày 2/4/2011 đã gắn kết các cộng đồng lại thay vì chia rẽ. Vì ông ta đã sinh ra và sống suốt đời tại Derry, ông thuộc về Derry trước khi là Thiên Chúa giáo hay Tin Lành" - Giáo sư chính trị học Adrian Guelke ở Đại học Queen giải thích.

Tuy các lý tưởng Cộng hòa và Bảo thủ đã suy yếu qua năm tháng để nhường chỗ cho một sự sống chung thực dụng nhưng các vụ đánh bom vẫn nhắc người ta nhớ đến sự ổn định mong manh của Londonderry và cùng với nó là cả xã hội Bắc Ailen

Minh Luân (tổng hợp)
.
.