Nghi vấn xung quanh cái chết của ông Yesser Arafat

Thứ Tư, 12/09/2007, 10:30

Tháng 12/2001, lực lượng vũ trang Israel đã tiến hành bao vây tổng hành dinh của ông Yesser Arafat tại Ramallah, phá hủy phần lớn khu dinh thự, và ông Arafat đã bị giam hãm ở đó gần giống như một tù nhân cho tới khi ngã bệnh tới mức phải di chuyển khẩn cấp bằng máy bay tới Paris để chữa trị vào tháng 10/2004.

Tuy nhiên, bệnh tình của ông đã nặng tới mức không thể cứu chữa được nữa. Trước đó, ông Arafat cũng đã tiên đoán trước được số phận của mình khi tuyên bố rằng Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã có ý định thủ tiêu ông. Những lo ngại đó là có cơ sở khi ông Uri Dan, một cộng sự thân tín của Sharon, tiết lộ có thể ông Yesser Arafat đã bị đầu độc chết.

Uri Dan trước khi mất đã xuất bản một cuốn sách tại Pháp với nhan đề “Ariel Sharon - Chân dung sâu kín”, trong đó, Dan buộc tội cựu Thủ tướng Israel đã ám sát Tổng thống Palestin Yesser Arafat bằng cách đầu độc ông này.

Dan khẳng định rằng, vào đầu năm 2004, qua điện thoại, Sharon đã trình bày kế hoạch ám sát ông Arafat với Tổng thống Mỹ George Bush và đã nhận được sự nhất trí của ông Bush.

Chính quyền Bush lúc đó rất không hài lòng với những gì ông Yesser Arafat đã làm, và bày tỏ mong muốn nhà lãnh đạo Palestin phải từ bỏ quyền lực và sẽ bị thay thế bởi một người khác.

Tuy nhiên, Mỹ cũng không có ý định ám sát ông. Nhưng ai biết được điều gì trong mối quan hệ giữa ông Bush và Ariel Sharon? Tổng thống Yesser Arafat qua đời tại Paris ngày 11/11/2004, ở tuổi 75.

Ông đã được chuyển tới đó ngày 29/10/2004 cho tới khi qua đời, ông chưa một lần tỉnh lại. Các bác sĩ người Pháp đã có một bản báo cáo dày 558 trang giải thích khá cụ thể về tình trạng bệnh tật của ông Arafat.Họ đã miêu tả bệnh lý phức tạp mà họ gọi là “bệnh máu đông phát tán trong mạch máu” (DIC), một căn bệnh gây ra do bị nhiễm khuẩn ác tính.

Theo như lời các bác sĩ, hệ thống mạch máu của ông Arafat đã bị các cục máu đông làm cho tắc nghẽn, tiểu cầu và các chất gây đông máu bị giảm khiến cho cơ thể không thể kiểm soát được sự chảy máu và có thể gây ra xuất huyết dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng DIC chỉ là nguyên nhân thứ yếu gây ra cái chết của ông Arafat. Điều đó có nghĩa là, theo họ, có thể có một nguyên nhân khác dẫn đến cái chết của ông Arafat. Nhưng họ đã không đưa ra lời bình luận nào.

Ông Arafat có thể đã bị đầu độc, một chất độc hiệu nghiệm có tác dụng từ từ và rất khó phân tích. Chất độc này bằng cách nào đó tiêm nhiễm vào cơ thể Arafat ngay tại tư dinh của ông ở Cisjordanie.

Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng, cụ thể để chứng minh điều đó. Nhưng vị bác sĩ riêng, người gắn bó với ông Arafat trong thời gian hơn 25 năm, DC Ashraf Al Kurdi, lại khẳng định điều đó là sự thật.

Ông giải thích rằng, người kế nhiệm ông Arafat, Mahmoud Abbas, đã từ chối không cho phép tiến hành khám nghiệm tử thi. Kurdi nói: “Họ không muốn làm như vậy. Khi có đề nghị tiến hành khám nghiệm, họ đã nổi giận. Abbas cho rằng điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với nước Pháp”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Kurdi đã cho rằng, thật “ngớ ngẩn” khi tin như vậy. Việc khám nghiệm tử thi sẽ chẳng làm cho phía Pháp mếch lòng. Và thực tế là, ở Jordanie, khám nghiệm tử thi trong các trường hợp nghi ngờ phạm tội là việc làm bắt buộc để xác định nguyên nhân cái chết.

Rất có khả năng ông Arafat bị đầu độc, cho nên các bác sĩ người Pháp đã đồng ý với việc khám nghiệm, dĩ nhiên là trong trường hợp chính quyền Palestin không ngăn cản.

Nhưng điều này xảy ra có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa chính quyền Palestin với Israel và Mỹ, và phải chăng Mahmoud Abbas, người luôn ủng hộ chính sách ôn hòa với Israel và mong muốn có một quan hệ đối tác dễ chịu với Thủ tướng Ehud Olmert, đã có lệnh tiến hành việc ngụy trang cho cái chết của ông Arafat?

Kurdi cho biết nhà lãnh đạo Palestin trước khi ốm không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe, ngoại trừ một khối u lành khiến ông hay bị máy môi và run tay. --PageBreak--

Ông Kurdi chỉ được nhìn thấy ông Arafat 16 ngày sau khi ông ngã bệnh. Đó là thời điểm người Jordanie chuẩn bị chuyển ông Arafat tới Amman, để sau đó, người Pháp đưa máy bay đón đến Paris. Al Kurdi đã không thể tới sớm hơn do những chỉ dẫn nghiêm ngặt từ vợ của ông Arafat, bà Suha.

Cuối cùng, khi được triệu tập tới, ông thấy ở đó có một nhóm bác sĩ người Tuynidi, Hy Lạp và Palestin. Lúc đó, Kurdi đã chứng kiến một mảng da màu đỏ nhạt trên mặt và nước da vàng nhợt của ông Arafat và ông tin rằng đó là những dấu hiệu của việc bị đầu độc được biểu hiện ra bên ngoài.

Như vậy, trước khi được chuyển tới Paris, trọng lượng cơ thể ông Arafat đã giảm một nửa, khuôn mặt ông bị mẩn đỏ và nước da trở nên tái vàng. Kurdi cũng nói thêm rằng, trước đó, ở Ramallah, ông Arafat đã nói ông nghĩ là bị đầu độc và đang chết dần.

Còn một lý do nữa khiến người ta càng nghi ngờ nhiều hơn về căn bệnh và cái chết kỳ lạ của ông Arafat. Bởi vì, 14 tháng trước (11/9/2003), nội các Israel đã quyết định “loại bỏ” nhà lãnh đạo Palestin, khi bóng gió nói muốn trục xuất ông Arafat hay mưu sát ông.

Lúc đó ông Ehud Olmert (khi đó còn giữ chức Phó thủ tướng Israel) đã tuyên bố trên phương tiện truyền thông Israel sau cuộc họp nội các rằng, vấn đề là chúng ta thực hiện điều đó như thế nào? Trục xuất ông ta là một cách, và giết hại ông ta cũng là một cách.

Trong một buổi diễn thuyết trước công chúng (trước khi bị hôn mê sau một cơn đau tim), ông Arafat đã nói “nếu chế độ khủng bố của Sharon thực hiện lời đe dọa trục xuất hay ám sát tôi, nhân dân Palestin sẽ tiếp tục đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền độc lập cho Palestin”.

Thời gian này, chính phủ nhiều nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Palestin, đồng thời cáo buộc rằng, lời đe dọa không úp mở của chính quyền Israel là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

Với những ai theo dõi lịch sử hình thành Nhà nước Israel cả trước và sau khi nhà nước này được thành lập năm 1948 sẽ thấy rằng âm mưu ám sát ông Arafat không có gì lạ. Israel đã có một quá khứ dài với rất nhiều cuộc mưu sát ở trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm vào những ai bị xem như là mối đe dọa cho Nhà nước Do Thái.

Yesser Arafat từng có mối quan hệ khá phức tạp với chính quyền Israel. Năm 1969, Yesser Arafat, Chủ tịch Mặt trận giải phóng Palestin (OLP) là kẻ thù của chính quyền Israel, nhưng sau đó lại trở thành đồng minh và rồi lại trở thành kẻ thù của chính quyền Israel. Ông Yesser Arafat đã ký với Israel Hiệp định Oslo và sau đó là một tuyên bố trên nguyên tắc tại Nhà Trắng năm 1993.

Hiệp định đó đã có lợi cho phía Israel và trao cho ông Arafat cơ hội rời khỏi Tunis (nơi ông sống lưu vong sau khi bị buộc phải rời Liban năm 1982, thời điểm Israel chiếm đóng nước này) để trở về lãnh thổ Palestin bị chiếm đóng. Ông phải chấp nhận một vài điều kiện của Israel.

Tất cả chỉ thay đổi khi phong trào Intifada nổ ra tại đền thờ Al-Aqsa ngày 28/9/2000 sau chuyến thăm của Ariel Sharon. Chuyến thăm đã kích động những người Hồi giáo, bởi họ cho rằng như vậy là Jerusalem đang bị chiếm đóng. Phong trào diễn ra liên tục cho tới ngày ông Arafat mất, và sau đó là cuộc bầu cử dân chủ thành lập chính phủ do Hamas đứng đầu vào tháng 1/2006.

Như vậy, nếu sự thực Ariel Sharon đã ra lệnh ám sát ông Yesser Arafat, đó cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, hành động đó lại có được sự hậu thuẫn của Mỹ, quốc gia thường can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, khiến dư luận càng tin rằng ông Arafat bị đầu độc dẫn đến chết, để gây khó khăn cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân Palestin

Anh Tiến - Ngọc Hiệp (theo National Security and Intelligent)
.
.