Ngoại trưởng Mỹ Kissinger từng muốn “đè bẹp” Cuba

Thứ Tư, 05/11/2014, 07:30

Sau 15 năm thất bại trong vụ Vịnh Con Lợn hòng lật đổ chính thể cách mạng ở Cuba, Cố vấn An ninh quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger lại muốn sử dụng sức mạnh quân sự để "đè bẹp" nhà nước XHCN đầu tiên ở Tây bán cầu.

Đó là một trong những nội dung thuộc số tài liệu mới được giải mật từ Cục Lưu trữ An ninh quốc gia Mỹ (DNSA), dựa theo Đạo luật Tự do tiếp cận thông tin (FOIA) do Tổng thống Mỹ  Lyndon B. Johnson (1908-1973) ban hành có hiệu lực từ đầu năm 1967. Tổng cộng 116 trang tài liệu mật của DNSA đã được công bố trong cuốn sách "Back Channel to Cuba. The Hidden History of Negotiations Between Washington and Havana" (Kênh trở lại. Lịch sử những cuộc đàm phán bí ẩn giữa Washington và Havana). Tiêu đề áp dụng cụm từ "Kênh trở lại" là một thuật ngữ phổ biến trong giới ngoại giao Mỹ, có nghĩa là kênh tái gặp gỡ chính thức, hoặc kênh bí mật để duy trì sự liên lạc giữa các bên đối nghịch thông qua trung gian.

Nội dung chủ yếu của cuốn sách nhằm liệt kê và phân tích các cuộc tiếp xúc cả chính thức lẫn bí mật, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cộng hòa Cuba, nhưng vẫn đưa đến thất bại do Washington luôn sử dụng chiêu bài dựa trên "thế mạnh" của một siêu cường. Đồng thời cuốn sách "Back Channel to Cuba..." cũng bóc trần đường lối ngoại giao hai mặt của chính giới Mỹ, trong khi vừa tiến hành đàm phán lại vừa thực hiện các kế hoạch mưu mô khác.

Thậm chí ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên tại Havana vào đầu tháng 4/1963 với mục đích cải thiện mối quan hệ giữa hai nhà nước, thông qua việc Cuba trao trả các công dân Mỹ bị bắt làm tù binh trong vụ Vịnh Con Lợn 2 năm trước đó, cũng như giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng tên lửa từng xảy ra vào tháng 10/1962, Trưởng đoàn Mỹ là Thượng nghị sĩ James George Donovan  trước khi ra về đã tặng Chủ tịch Cuba Fidel Castro một bộ đồ lặn, trong đó có chứa loại vi khuẩn tinh vi gây ô nhiễm ống thở, còn người mặc sẽ nhiễm một chứng bệnh nấm ngoài da khó lành. Tình báo Cuba đã kịp thời phát hiện “món quà khó quên này”.

Những trang tài liệu mật khác liên quan đến việc mưu sát nhà lãnh đạo Cuba do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành, thể hiện bằng những món quà tặng chứa chất độc gây chết người sau khi kết thúc đàm phán như vỏ sò khảm xà cừ, bút viết, xì gà...

Cố vấn An ninh Quốc gia H. Kissinger (phải) đề đạt ý kiến với Tổng thống G. Ford.

Nhưng đó chỉ là những chiêu trò ám sát cá nhân đơn lẻ, nổi bật trong đường lối đối ngoại của Washington là dựa vào "thế mạnh" sẵn có cả về quân sự lẫn chính trị. Vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước, lấy lý do ngăn chặn làn sóng cách mạng bùng phát ở châu Phi được quân tình nguyện Cuba hỗ trợ, Cố vấn An ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao H. Kissinger đã "tư vấn" cho Tổng thống Gerald Ford (1913-2006).

Nguyên văn ý kiến đề đạt của viên Ngoại trưởng ghi trong tài liệu mật, đề ngày 11/7/1976 như sau: "Nếu F. Castro đưa lực lượng tinh nhuệ nhất của ông ta sang Angola, Namibia, hoặc Rhodesia để hỗ trợ các phong trào kháng chiến giành độc lập, thì chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này sử dụng một cú đánh cực mạnh tiến chiếm hòn đảo".

Đáp lại, người đứng đầu Nhà Trắng yêu cầu phải là một chiến dịch đem lại thành công, chứ không phải một kế hoạch quân sự nửa vời... "Vụ Vịnh Con Lợn ngoài việc là một vết nhơ cho nước Mỹ, vô hình trung đã đề cao thanh thế của F. Castro", Tổng thống G. Ford nhấn mạnh. Tuy nhiên các trang tài liệu vừa giải mật không đề cập tới ý đồ của H. Kissinger, muốn dùng biện pháp quân sự hòng "đè bẹp" Cuba tiến triển ra sao...

Điều trớ trêu là chỉ 2 ngày sau khi đề xuất ý kiến tham mưu cho Tổng thống G. Ford, Ngoại trưởng H. Kissinger lại cử 2 đặc sứ của mình bí mật đến sân bay LaGuardia, nằm ở phía bắc thành phố New York để thảo luận với các đại diện Cuba về khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước(!).

Được biết, cuốn sách "Back Channel to Cuba. The Hidden History of Negotiations Between Washington and Havana" dày 592 trang, do 2 đồng tác giả nổi tiếng người Mỹ là William M. LeoGrande và Peter Kornbluh chấp bút, được Nhà xuất bản Trường đại học Tổng hợp North Carolina ấn hành vào ngày 4/8 vừa qua.

Giáo sư W. LeoGrande là cựu Hiệu trưởng Trường đại học Công vụ Mỹ (SPA) ở thủ đô Washington D.C, cũng là vị chuyên gia nghiên cứu và phân tích hàng đầu về châu Mỹ Latinh. Còn Tiến sĩ P. Kornbluh là Giám đốc Dự án lưu trữ các tài liệu về Cuba và Chile thuộc DNSA

Kim Dung (theo Secret Services)
.
.