Người giết Thủ tướng Hendrik Verwoerd - cha đẻ chế độ Aparthei ở Nam Phi

Thứ Sáu, 28/07/2006, 14:08

Chưa bao giờ người dân da đen ở Nam Phi lại bị đối xử thậm tệ ngay chính tại quê hương mình như dưới thời Thủ tướng Hendrik Verwoerd. Chế độ phân biệt chủng tộc, còn gọi là Aparthei, do chính Verwoerd khai sinh đã tước đi mọi thứ, kể cả quyền được sống của người da đen.

Không những bị cộng đồng quốc tế lên án, Verwoerd còn trở thành đích ngắm cần phải thanh toán. Đã có hai vụ sát hại nhắm vào y mà một vụ đã cướp đi mạng sống của Verwoerd vào năm 1966.

Hendrik Frensch Verwoerd sinh ngày 8/9/1901 tại thành phố Amsterdam của Hà Lan. Mới 2 tuổi, y đã cùng gia đình đến định cư tại Nam Phi. Thời sinh viên, Verwoerd theo học tại Đại học Stellenbosch ở thành phố Johannesburg và học rất giỏi. Vì vậy mới 23 tuổi mà y đã có trong tay bằng cử nhân và chuẩn bị làm luận văn tiến sĩ. Năm 1927, Verwoerd đến Đức để nghiên cứu về tâm lý và xã hội học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình. Chính quãng thời gian sinh sống và học tập tại Đức mà Verwoerd đã bị tác động sâu sắc bởi chính sách chủng tộc của đảng Quốc xã nhen nhóm và bắt đầu lan rộng tại nhiều quốc gia châu Âu.

Sau khi quay về lại Nam Phi với học vị tiến sĩ tâm lý và xã hội học, Verwoerd được mời giảng dạy tại Đại học Stellenbosch. Năm 1936, y bắt đầu gây chú ý cho dư luận bằng một sự kiện ra mắt ấn tượng, đó là ký vào một tuyên bố cùng 6 chính trị gia khác  ủng hộ chế độ Quốc xã do Hitler cầm đầu ở Đức và chống lại việc cho người Do Thái ở Đức và Áo đến định cư tại Nam Phi. Năm 1937, Verwoerd tham gia sáng lập đảng Quốc gia và khai sinh ra tờ báo có khuynh hướng cực hữu có tên gọi Die Transvaler.

Với những lời lẽ sặc mùi phân biệt chủng tộc, phản đối việc Nam Phi tham gia chiến tranh thế giới bên cạnh Đồng minh, Verwoerd được đánh giá  là một nhân vật thân Quốc xã tại Nam Phi.

Năm 1945, Verwoerd bắt đầu tham gia chính trường với tư cách là nghị sĩ Quốc hội khi đảng Quốc gia của y giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm đó. Đến năm 1950, Verwoerd được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Quốc nội. Ngày 2/9/1958, sau khi Thủ tướng J.G. Stridom qua đời vì bệnh tật, Vewoerd được bầu làm Thủ tướng và bắt đầu áp dụng chế độ phân biệt chủng tộc khắc nghiệt khiến cho người dân da đen ở Nam Phi bị dìm trong biển máu và nước mắt. Mọi cuộc phản kháng đều bị đàn áp dã man. Chính trong thời gian cầm quyền của Verwoerd mà nhà hoạt động chính trị Nelson Mandela đã bị bắt giữ rồi sau đó đưa đi lưu đày trên đảo Robben.

Vào ngày 9/4/1960, khi đến tham dự lễ khai mạc Hội chợ triển lãm nông nghiệp toàn quốc tại khu Witwatersrand phía tây thành phố Johannesburg, Verwoerd đã bị một trại chủ người da trắng tên David Pratt, 52 tuổi, bắn hai phát súng vào đầu. Nhờ được cứu chữa kịp thời, Verwoerd may mắn thoát chết. Thủ phạm David Pratt, bị bắt giữ ngay sau đó, là một người Nam Phi gốc Do Thái.

Khai báo với cảnh sát, Pratt cho biết muốn giết hại Verwoerd vì chính sách phân biệt chủng tộc của ông ta đã buộc hàng trăm nhân công người da màu làm việc cho trang trại của y phải bỏ trốn về phía nam khiến cho Pratt phải phá sản do ruộng đồng bị bỏ hoang. Bị tuyên phạt tù chung thân vào tháng 9/1960, đến tháng 10/1961 Pratt tự tử bằng cách treo cổ.

Thế nhưng 6 năm sau, khi xảy ra vụ mưu sát lần thứ hai, thì số phận đã không mỉm cười với Thủ tướng Verwoerd. Vào ngày 6-9-1966, một không khí căng thẳng bao trùm Quốc hội Nam Phi. Đó là do các cuộc tranh luận, đấu khẩu quyết liệt giữa Verwoerd và Leabua Johnathon, Thủ hiến người da đen tại bang Lesotho, nơi có đông đảo người da đen sinh sống.

Lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày 6/9/1966, khi từ Dinh Thủ tướng đến Quốc hội để tiếp tục cuộc tranh luận, Verwoerd đã bị Dimitri Tsafendas, đại biểu Quốc hội một người mang 2 dòng máu Do Thái và da đen, tiến đến sát chỗ ngồi rút dao đâm nhiều nhát vào người  Verwoerd. Một nhát dao trí mạng trúng tim đã cướp đi sinh mạng của Verwoerd ngay sau đó.

 Nhiều người cho rằng chính cộng đồng người Do Thái sinh sống ở Nam Phi đã mượn tay Tsafendas để tiếp cận và thanh toán Verwoerd do có mối thâm thù từ cuối những năm 30, khi Verwoerd kiến nghị từ chối việc để cho người Do Thái ở Đức và Áo đến tị nạn tại Nam Phi. Hành động này của Verwoerd đã khiến cho vô số người Do Thái ở Đức và Áo bị chế độ Quốc xã giết hại. Người ta nghi ngờ rằng chính Harry Oppenheimer và Anton Ruppert, đều là chủ ngân hàng người Do Thái ở Nam Phi, đã đứng đằng sau vụ giết Verwoerd.

Trong khi đó lại xuất hiện nguồn tin cho rằng chính tình báo Mỹ đã giật dây và đạo diễn vụ giết Verwoerd. Bởi khi đó Nam Phi là một nước phát triển hùng mạnh, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới và không hề đếm xỉa đến Mỹ. Sau khi Verwoerd chết, tân Thủ tướng Nam Phi Johanne Vorster liền tuyên bố hợp tác với Mỹ vô điều kiện.

Về phần mình, do không khai báo bất cứ điều gì với cảnh sát nên Tsafendas được xác định mắc chứng tâm thần và thoát khỏi án tử hình, nhưng buộc phải giam giữ suốt đời tại nhà tù Zonderwater ở thành phố Cullinan và qua đời tại đó vào năm 1999, mang theo bí mật về vụ đưa Thủ tướng Verwoerd xuống mồ

Hoàng Phú (Theo History Chanel)
.
.