Người lính Mỹ cuối cùng ở CHDCND Triều Tiên

Thứ Bảy, 21/04/2007, 10:00
Nếu không có sự phát hiện của hai nhà làm phim người Anh thì đến nay, vẫn chưa có ai ở ngoài CHDCND Triều Tiên biết rằng trên đất nước Đông Á này còn có một người lính Mỹ cuối cùng đã sống ở đó suốt 45 năm qua.

Chuyện anh ta đến đây trong trường hợp nào và sống ra sao trong gần nửa thế kỷ qua đang là đề tài của một bộ phim tài liệu có tên "Crossing The Line", tạm dịch là "Vượt qua giới tuyến".

Hai nhà làm phim người Anh Dan Gordon và Nick Bonner từng đến CHDCND Triều Tiên thực hiện hai bộ phim tài liệu, một nói về đội tuyển bóng đá của nước này, một về chương trình huấn luyện vận động viên điền kinh cho một sự kiện thể thao quan trọng hàng năm gọi là Mass Games.

Nhờ được sự tín nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng, 6 năm sau, họ có dịp tiếp cận với một người sau này là nhân vật chính của bộ phim "Vượt qua giới tuyến" kể trên.

Anh ta tên là Joe Dresnok, lớn lên trong một nhà nuôi trẻ mồ côi ở bang Virginia (Mỹ) rồi gia nhập quân đội Mỹ, đóng quân ở vùng phi quân sự chia cách giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều vào những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước.

Năm 1962, Dresnok rơi vào tâm trạng tuyệt vọng vì vừa ly hôn với người vợ đang sống ở Mỹ. Một đêm nọ, anh ta rời khỏi nơi đóng quân để la cà ở các hộp đêm mà không có giấy phép của cấp chỉ huy, đến khi trở lại đơn vị, phải đối mặt với một quyết định ra trước tòa án binh vì tội bỏ ngũ trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 15/8/1962, vào buổi trưa, trong lúc mọi người đang dùng bữa, Dresnok trốn khỏi doanh trại, đi lang thang trong khu phi quân sự, bỗng nhiên phát hiện mình đang lạc vào một... bãi mìn và trong lúc tìm lối ra an toàn, anh lọt vào tầm ngắm của đội tuần tra biên giới CHDCND Triều Tiên.

Họ vây lấy anh, có người muốn hạ sát anh cho thỏa lòng căm thù người Mỹ nung nấu từ lâu. Cuối cùng, anh đã được đưa lên tàu hỏa, chở về thủ đô Bình Nhưỡng để thẩm vấn.

Một buổi sáng, khi mở mắt dậy sau song sắt trại giam, anh giật mình, không tin ở mắt mình nữa. Trước mặt anh là một lính Mỹ đang ngồi ủ rũ như đã bị bắt giam từ lâu rồi. Anh ta tên là Larry Abshier, đào ngũ trước Dresnok 3 tháng. Hai năm sau, lại thêm 2 lính Mỹ đào ngũ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Poster phim "Crossing The Line" do Joe Dresnok thủ vai chính.

Sự hiện diện của cả 4 lính Mỹ trong nhà giam là cơ hội để CHDCND Triều Tiên đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền chống lại Washington trong lúc cuộc chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm giữa hai khối Đông - Tây.

Hình ảnh họ được in lên bìa các tạp chí, với vẻ mặt phấn chấn, sung sướng của những người đã thành công trong việc chống lại đường lối quân sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tiếng nói của họ được ghi âm và phát trên loa hướng sang bên kia vùng phi quân sự, đến tận các đơn vị lính Mỹ đóng trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Bốn năm trôi qua như thế và cả 4 người cảm thấy đã quá đủ. Họ quyết định chạy trốn vào Sứ quán Liên Xô để xin tị nạn chính trị, song họ bị từ chối và bị dẫn giải cho chính quyền Triều Tiên.

Biết không thể nào xoay chuyển tình thế, Dresnok tìm cách thích ứng với nó. Anh bắt đầu chuyên tâm học tiếng Triều Tiên, khảo sát phong tục tập quán của họ và dần dần hội nhập cùng xã hội Đông Á này.

Một trong những việc đầu tiên mà anh cùng các đồng đội tham gia trong xã hội Triều Tiên là... đóng phim. Năm 1978, trong bộ phim tuyên truyền đầu tiên, Dresnok thủ vai một sĩ quan Mỹ hung bạo cai quản một trại tù binh và cảm thấy... hãnh diện với vai diễn này.

Sau đó, anh thủ vai chính trong  hàng chục phim khác, dịch các tác phẩm của lãnh tụ Kim Nhật Thành ra tiếng Anh và đi dạy tiếng Anh tại một số trường.

Không lâu sau, Dresnok có được điều mà anh không có được tại Mỹ: một gia đình đầm ấm. Anh cưới một phụ nữ Đông Âu, có hai con, nhưng không may, người vợ này mất sớm.

Cuối cùng, anh lấy một cô gái, con một phụ nữ Triều Tiên và một nhà ngoại giao châu Phi. Chính quyền Bình Nhưỡng cấp cho anh một căn hộ nhỏ và một khoản trợ cấp hàng tháng đủ cho cuộc sống bình thường...

***

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi hai nhà làm phim Dan Gordon và Nick Bonner đến Bình Nhưỡng thì chỉ có Dresnok là người lính Mỹ duy nhất còn có mặt ở CHDCND Triều Tiên.

Abshier đã qua đời sau một cơn suy tim, Parish cũng chết vì suy thận, còn Jenkins thì được phép đi định cư ở Nhật Bản theo vợ là người Nhật. Tính ra, Dresnok đã sống trên đất nước Triều Tiên gần 45 năm.

Rượu, thuốc lá và gánh nặng tuổi tác đã làm cho người lính Mỹ trẻ trung ngày nào trở thành một ông lão, nhưng ông xác định với Gordon và Bonner là không còn có ý định rời bỏ đất nước Triều Tiên, nơi ông đã sống trong một khoảng thời gian dài với biết bao kỷ niệm vui buồn.

Với chính quyền Bình Nhưỡng, ông như một công dân mới của họ. Những lúc vô cùng khó khăn, hàng triệu người thiếu đói, song ông không hề bị cắt khẩu phần gạo hàng tháng. Có lẽ tình cảm tại “quê hương” thứ hai đã níu kéo ông ở lại nơi này

Lê Nguyễn (theo ABC News)
.
.