“Người phá đập” cuối cùng ở Anh: “Đừng gọi tôi là người hùng”

Thứ Tư, 11/06/2014, 22:40

George Johny Johnson, nhân chứng người Anh tham gia trận Dambuster duy nhất còn sống đã bộc bạch về cuộc sống của ông kể từ sau trận đánh nổi tiếng cũng như cách nhìn nhận của những người trẻ tuổi ngày nay đối với thế hệ đã tham gia chiến tranh.

Phi đội trưởng Geogre Johny Johnson có lẽ là nhân chứng sống cuối cùng của một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong Thế chiến II, tuy nhiên, ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi được gọi là người hùng.

"Đối với tôi, hai từ "người hùng" không có nghĩa lý gì cả" - người đàn ông hiện đã 92 tuổi cho hay: "Tôi chỉ hoàn thành công việc với tất cả những khả năng mà tôi có, chỉ có điều tôi đã may mắn hơn, và vẫn còn sống sót đến bây giờ".

Tuy nhiên chính ông Johnson lại thường xuyên trở thành tâm điểm của sự quan tâm đối với "Những hoạt động trừng phạt" - còn được biết đến với tên: Cuộc tấn công phá đập (Dambuster) diễn ra vào tháng 5-1943 với mục tiêu là 3 đập sâu nằm trong thung lũng Ruhr của Đức với mục đích ngăn cản những nỗ lực gây chiến của Đức. Đây được coi là một nhiệm vụ bất khả thi.

Ông Johnson chính là người lái máy bay Lancaster ném bom xuống đập Scorpe. Những phi hành đoàn khác trong phi đội 617 đã phá hủy đập Môhne và Edersee, khiến ngập lụt nghiêm trọng xảy ra trong thung lũng.

Những loại bom được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ lần ấy có thể chọc thủng mạng lưới bảo vệ những công trình của Đức. Tuy nhiên, ở trận đánh cuối cùng, trong số 8 máy bay được chỉ định tấn công đập Scorpe, chỉ có 2 máy bay phá được vòng vây. Ba chiếc bị bắn hạ, 3 chiếc phải quay về vì thất bại. Theo kế hoạch ban đầu là họ phải thực hiện 5 vụ đánh bom để có thể phá hủy hoàn toàn đập Scorpe.

Geogre 'Johny' Johnson (phía trên bên tay trái) và các đồng đội trong phi hành đoàn ném bom Lancaster, năm 1943.

Mặc dù 53 trong tổng số 132 đồng đội của ông Johnson đã hy sinh trong trận chiến, nhưng thành công chung của nhiệm vụ vẫn được bộ máy tuyên truyền của Anh ca ngợi hết lời. Thâm chí, người ta còn dựng một bộ phim về Dambuster do Michael Anderson làm đạo diễn vào năm 1955.

Sau lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Dambuster vào năm 2013, ông Johnson đã quyết định viết tự truyện về vai trò của ông trong trận chiến, thể theo nguyện vọng của ba đứa con, cũng như đáp lại sự quan tâm của giới trẻ về trận chiến này. "Trận đánh đã chứng minh cho Hitler thấy rằng những gì họ cho là bất khả xâm phạm thì Không quân Hoàng gia Anh đều có thể phá hủy được".

"Sau trận đánh, công việc sản xuất ở Ruhr đã bị trì trệ đáng kể, và điều này có nghĩa những công nhân đang xây dựng bức tường phòng thủ dọc bờ biển Đại Tây Dương sẽ được điều về để sửa chữa đập. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là nó đã có ảnh hưởng lớn đến tinh thần người dân nước Anh, giống như một bước ngoặt chiến tranh vậy, cho dù trận đánh có gây tranh cãi hay không, nhưng nó đã để lại một ấn tượng mạnh" - Johnson viết.

Năm 21 tuổi, Johnson tham gia lực lượng Không quân Anh và được cử sang Mỹ  tham gia khóa đào tạo dành cho phi công, nhưng ông đã trượt do gặp trục trặc khi hạ cánh một mình. Khi quay trở về, ông được đào tạo thành xạ thủ dự bị, rồi chuyển sang vị trí ném bom.

Chính ở vị trí này, ông đã được yêu cầu tham gia một phi đội đặc biệt thực hiện nhiệm vụ tối mật. Ông đã kết hôn ngay trước khi trận đánh Dambuster diễn ra vài tuần, và họ sống hạnh phúc với nhau suốt 60 năm, đến khi vợ ông qua đời vì căn bệnh ung thư.

Gia đình Johnson hiện đang sống ở Bristol. Trên thế giới chỉ còn 3 người đã từng tham gia nhiệm vụ này vẫn còn sống: một cựu phi công ở New Zealand, một xạ thủ ở Canada. Và người thứ ba chính là Johnson

Hoàng Như (tổng hợp)
.
.