Vụ “Watergate” của Croatia:

Người quyền lực nhất Cơ quan An ninh bị nghe lén

Thứ Ba, 20/11/2012, 14:45

Trong những ngày này báo giới Cộng hòa Croatia liên tục đăng tải những thông tin gây chấn động dư luận, liên quan đến chiến dịch nghe lén điện thoại quy mô của cảnh sát, khiến Thủ tướng Zoran Milanovic phải gọi đây là “vụ Watergate của Croatia” hay “Croatiagate”.

Mọi chuyện khởi sự khi tờ Vecernji List, một trong 2 nhật báo hàng đầu đất nước có trụ sở tại thủ đô Zagreb đưa một nguồn tin "sốt dẻo": Cục Chống tham nhũng và Bài trừ tội phạm có tổ chức (USKOK) trực thuộc Bộ Nội vụ Croatia, đã lạm quyền khi sử dụng hệ thống thu thập tin tức bí mật để nghe trộm điện thoại của các nhân vật cao cấp trong Cơ quan An ninh và tình báo quốc gia (SOA), cũng như Ban lãnh đạo Công ty Agrokor là đơn vị kinh doanh đóng góp nhiều nhất cho tổng thu nhập quốc dân.

Chiến dịch nghe trộm bị phanh phui một cách tình cờ, do các nhân viên USKOK ngoài việc yêu cầu cơ quan viễn thông cung cấp bảng kê điện thoại của các đối tượng hình sự, lại còn đòi cả chứng từ liên quan đến giới quan chức thuộc SOA và Hãng Agrokor "để xem có khớp không" (?!).

Trong khi giới hữu trách thay nhau lên tiếng xoa dịu dư luận, rằng hành động của cảnh sát hoàn toàn nằm trong khuôn khổ pháp luật; nhưng chẳng ai dám nêu đích danh quan chức SOA nào bị theo dõi với nguyên nhân ra sao? Rồi tới lượt tờ Jutarnji List, nhật báo lớn nhất Croatia đã vén bức màn bí mật cùng tên tuổi nhân vật bị nghe trộm điện thoại chính là Giám đốc SOA Josip Bulevic, người đã từ chức vào giữa tháng 10 vừa qua,  trước khi vụ scandal Croatiagate bùng phát. J. Bulevic lọt vào vòng ngắm của USKOK, dựa theo nguồn tin nội gián cho thấy ông ta thường xuyên giao tiếp với nhiều thành viên của các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên một câu hỏi vẫn còn để ngỏ là việc theo dõi  “sát sườn” ấy có hợp lệ không?

J. Bulevic lãnh đạo SOA từ năm 2008 khi đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ), chính đảng đối lập lớn nhất hiện nay đang cầm quyền dưới thời Thủ tướng Ivo Sanader, nhân vật tham nhũng cộm cán hiện bị giam giữ tại nhà tù Remetinec ở Zagreb. Qua 2 thập niên, từ một nhân viên cấp thấp J. Bulevic đã leo lên ghế Giám đốc SOA, nhờ vào sự nâng đỡ của thủ lĩnh HDZ Tomislav Karamarko, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong nội các I. Sanader.

Vẫn theo tờ Jutarnji List, thì việc nghe trộm điện thoại của J. Bulevic nằm trong khuôn khổ một chiến dịch đặc biệt chống tội phạm có tổ chức. Còn những người thân cận với Bulevic lại không tin là ông ta có quan hệ với mafia như khẳng định của giới truyền thông. Riêng các cựu nhân viên SOA bày tỏ nỗi ngờ vực, rằng một vị chỉ huy lão luyện như Giám đốc J. Bulevic làm sao lại hớ hênh sử dụng điện thoại công vụ để trò chuyện với thế giới tội phạm? Nhưng sự thật là USKOK muốn có danh sách các cuộc gọi trong bảng kê để bí mật theo dõi.

Tổng thống I. Josipovic (trái) cùng Thủ tướng Z. Milanovic trong buổi họp báo chung.

Đến thời điểm hiện tại giới hữu trách Croatia vẫn không khẳng định hay phủ nhận những phát giác trên mặt báo, nhưng tất cả đều cam kết là tin mật về các chiến dịch điều tra hình sự không còn lọt tới các tổ chức mafia nữa. Tuy nhiên, công luận Croatia vẫn còn lo ngại rằng, các đại diện công lực đã xâm phạm đời tư cá nhân. Các tin tức liên quan đến vụ scandal đều được truyền thông đưa lên trang nhất, hết báo này tới báo khác lần lượt đưa ra các câu hỏi đầy nghi vấn, rằng phải chăng nền an ninh quốc gia đang bị đe dọa?

Thủ lĩnh phe đối lập T. Karamarko lên tiếng đòi Bộ trưởng Nội vụ Ranko Ostojic phải từ chức ngay lập tức. Chính T. Karamarko từng là Giám đốc SOA từ năm 2006-2008, trước khi bàn giao cho người kế nhiệm là J. Bulevic. Cả Tổng thống lẫn Thủ tướng, cũng như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Croatia liên tục nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng, không có sự lạm quyền trong lực lượng cảnh sát và mọi hoạt động của họ đều tuân thủ theo quy định của luật pháp.

Người đầu tiên ra mặt bảo vệ danh dự của các nhân viên dưới quyền là Bộ trưởng Nội vụ. "Tôi cam đoan rằng những động thái bất thường không bao giờ xảy ra trong ngành cảnh sát", Bộ trưởng R. Ostojic quả quyết tại cuộc họp báo đặc biệt được tổ chức ở Văn phòng bộ vào ngày 2/11 vừa qua; đồng thời ông cũng loan báo sẽ tiến hành điều tra việc rò rỉ tin mật ra bên ngoài khiến báo giới dễ bề tiếp cận.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng R. Ostojic cho biết chỉ có 24 nhân viên cùng với trưởng phòng điều tra hình sự là được phép thu thập nội dung các cuộc điện đàm của số đối tượng tình nghi nào đó. Việc cấp phép do cơ quan công tố quyết định. Ngoài ra người đứng đầu ngành cảnh sát Croatia cũng tố cáo đang có một âm mưu giấu mặt, rắp tâm cản trở mọi phương cách bài trừ tham nhũng và trấn áp các tổ chức tội phạm của chính phủ.

Sự căng thẳng lên tới mức Tổng thống và Thủ tướng Croatia buộc phải mở một cuộc họp báo chung để trấn an dư luận. Cả Tổng thống Ivo Josipovic lẫn Thủ tướng Z. Milanovic đều chính thức tuyên bố, rằng các tổ chức bảo vệ pháp luật không làm gì sai trái khi thực thi nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Nội vụ R. Ostojic khẳng định nhân viên thuộc quyền không làm gì trái luật.

Trong buổi họp báo đặc biệt này, Tổng thống I. Josipovic cũng cho biết đã giao sứ mệnh điều tra cho Ủy ban Đối nội và An ninh quốc gia của Quốc hội, chứ không cần thành lập một ủy ban đặc biệt riêng như đòi hỏi từ phe đối lập. Ủy ban điều tra đã bắt đầu những phiên họp kín, do hồ sơ tài liệu thuộc chủ đề thảo luận đều được đóng dấu tuyệt mật. Người đứng đầu ủy ban này là nghị sĩ Miroslav Tudjman thuộc HDZ, cũng là con trai vị Tổng thống Croatia đầu tiên Franjo Tudjman (1922-1999). Ủy ban cũng đã xúc tiến thẩm vấn lãnh đạo các cơ quan mật vụ liên quan.

Trong phần trả lời câu hỏi của ký giả Đài Phát thanh Croatia, Tổng thống I. Josipovic cho biết, ông không chờ đợi những tình tiết mới gây chấn động sẽ được khám phá, nhưng hy vọng rằng kết quả điều tra "mang lại những đóng góp hữu ích nhằm làm sáng tỏ thực trạng đất nước", như nguyên văn lời ông. Đồng thời nguyên thủ Croatia khẳng định: "Đã đến lúc chấm dứt tình trạng để cho các bố già mafia biết được thông tin về các kế hoạch điều tra bí mật của cảnh sát". Còn Thủ tướng Z. Milanovic bổ sung thêm: "Xét theo khía cạnh truyền thông thì scandal này y hệt vụ Watergate xảy ra ở Mỹ vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nên có thể được gọi là vụ Croatiagate".

Trong phiên họp chính phủ thường kỳ của tháng 11, Thủ tướng Z. Milanovic chính thức cáo buộc rằng "vụ Croatiagate là một âm mưu kín đáo hòng hạ bệ uy tín của hệ thống an ninh quốc gia". Và để tránh phát sinh những vấn đề gây phiền phức mới, người đứng đầu nội các Croatia thông báo đã bổ nhiệm một cộng sự gần gũi là ông Dragan Lozanchic làm tân Giám đốc SOA

Kim Dung (tổng hợp)
.
.