“Người thứ sáu” trong nhóm điệp viên nổi tiếng tại Cambridge

Thứ Bảy, 20/10/2007, 07:30
Nhóm bộ ngũ điệp viên huyền thoại tại Cambridge (bao gồm các nhân vật trí thức và quý tộc như Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt và John Cairncross) từ lâu đã được xếp vào danh sách những mạng lưới điệp viên nổi tiếng nhất của tình báo Xôviết.

Trên thực tế, nhóm này thật ra còn phải bổ sung thêm một điệp viên xuất sắc là Victor Rothschild. Nhiều chi tiết mới về điệp viên bị quên lãng này mới được tiết lộ trong thời gian gần đây.

Nathaniel Mayer Victor Rothschild sinh tại London vào ngày 31/10/1910. Cha của ông chính là một trong 5 anh em nổi tiếng của gia tộc Rothschild, từng thành công trong việc xây dựng cả một mạng lưới ngân hàng quốc tế tại London, Paris, Vienna, Frankfurt và Napoli vào đầu thế kỷ XIX.

Đến năm 20 tuổi, Victor Rothschild bắt đầu bước chân vào học tại Cambridge, được coi là một trong những môi trường học tập danh tiếng nhất của nước Anh. Cũng tại đây, Rothschild đã có dịp làm quen và bắt đầu có cảm tình với các lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản.

Cảm thấy hết sức bất bình trước chính sách chống Do Thái mà Hitler đã triển khai sau khi lên nắm quyền tại nước Đức, Rothschild đã bí mật gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1932 mà không tiết lộ cho bất cứ ai trong gia đình mình.

Tại Trinity, Rothschild có dịp làm quen và kết bạn với người bạn cùng lớp Kim Philby, được coi là điệp viên hàng đầu của nhóm bộ ngũ Cambridge. Rothschild còn có quan hệ thân thuộc với một điệp viên khác trong nhóm này là Guy Burgess, từng đóng vai trò là cố vấn tài chính trong văn phòng của mẹ ông.

Victor Rothschild ở tuổi 23 và 63.

Tuy nhiên trong nhóm bộ ngũ, người có quan hệ mật thiết hơn cả đối với Rothschild chính là Anthony Blunt, một nhà quý tộc danh giá có mẹ là chị họ của Bá tước Stratmore, con gái của ông này lại lấy Vua George VI. Như vậy, Anthony Blunt chính là anh em họ xa của Nữ hoàng Elizabeth II đang trên ngai vàng nước Anh hiện nay.

Không ai ngờ Anthony Blunt lại là một đảng viên Cộng sản trẻ tuổi và là nhân vật quan trọng trong mạng lưới tình báo của bộ ngũ Cambridge. Chính vì vậy, sau khi phát hiện ra mạng lưới này, chỉ huy Cơ quan Phản gián đối ngoại Anh  (MI-6)  đã phải thốt lên: “Tất cả đều đã mục ruỗng hết, khi xung quanh chúng ta đầy rẫy các điệp viên của Cộng sản!”.

Gia nhập hàng ngũ cộng sản để chống Hitler

Trên thực tế, Rothschild và những người bạn trên của ông ban đầu là các thành viên của một câu lạc bộ thượng lưu Apostles, là nơi tập trung những người có quan điểm thân mácxít. Đây là một tổ chức thu hút được sự chú ý đặc biệt của tình báo Xôviết, khi đó đang đẩy mạnh chiến thuật tuyển mộ các thanh niên trí thức tại Anh.

Tháng 8/1934, Rothschild được Kim Philby trao cho một tấm vé xem hòa nhạc, dặn ông nhất định phải tới để gặp mặt một nhân vật quan trọng. Tại đây, Rothschild đã gặp gỡ Theodor Mally, một người gốc Hungary, là điệp viên tuyển mộ của tình báo Xôviết.

Ông đã nhanh chóng đồng ý cộng tác với Liên Xô trên cơ sở ý tưởng chung chống lại chủ nghĩa phát xít (Rothschild cho rằng chỉ có Liên Xô là quốc gia duy nhất có khả năng đánh bại Hitler). --PageBreak--

Dù không nổi tiếng như các thành viên trong bộ ngũ, nhưng Victor Rothschild lại là người thu hút được sự chú ý đặc biệt nhất của tình báo Xôviết, nhất là sau khi ông được bầu vào Thượng viện Anh năm 1937, thay thế cho người bác đã mất.

Đây là vị trí đặc biệt quan trọng để Rothschild có thể khai thác những thông tin chính trị hàng đầu. Không chỉ có vậy, Rothschild ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh đã từng trải qua một khóa đào tạo quân sự tại London, trong một phòng thí nghiệm bí mật ở Porton-Dawn, nơi chuyên nghiên cứu các loại vũ khí sinh hóa của Anh.

Với địa vị chính trị của mình, Rothschild có những mối tiếp xúc thường xuyên với Bộ Ngoại giao), tình báo Anh cũng như cả cơ quan mật mã của nước này. Ông có dịp gặp gỡ thường xuyên với các quan chức lãnh đạo mật vụ Anh và cả bản thân Thủ tướng Churchill.

Chính nhờ sự gần gũi với Churchill, Rothschild có giai đoạn còn được giao nhiệm vụ kiểm tra đồ ăn phục vụ Thủ tướng. Ông là một trong những người đầu tiên biết được về âm mưu của phát xít Đức nhằm đầu độc Churchill.

Trước chiến tranh, Victor Rothschild sống tại trung tâm London, trong một căn hộ được ông thuê ở Bentinc-Street.

Tháng 9/1940, Rothschild và người vợ đang mang thai, do lo ngại bom đạn của phát xít Đức, đã quyết định dọn tới ở tại một căn nhà ở ngoại ô London, trao lại căn hộ cũ cho hai đồng đội là Burgess và Blunt. Thế là căn hộ ở giữa London của Rothschild nhanh chóng trở thành một địa điểm tiếp nhận và thu thập thông tin tình báo hàng đầu tại Anh.

Đây là nơi thường xuyên lui tới để gặp gỡ trò chuyện của nhiều quan chức tình báo và chính trị cấp cao là bạn bè của Blunt và Rothschild. Chính vì vậy, nhà văn John Costello của Anh trong một cuốn sách của mình đã ví căn hộ trên như một “bộ chỉ huy của tình báo Xôviết tại London”.

Làm sáng tỏ vai trò điệp viên của Rothschild

Có thể nói, một phần nguyên nhân dẫn tới sự “không nổi tiếng” của Victor Rothschild so với các bạn bè trong bộ ngũ Cambridge chính là khả năng giữ bí mật rất tốt của ông. Sau khi Donald Maclean và Guy Burgess phải chạy sang Liên Xô vào năm 1951, Rothschild vẫn tiếp tục cộng tác với tình báo Xôviết nhưng với mức độ giảm dần vì lo ngại nguy cơ bại lộ.

Dù biết rất rõ quan hệ thân thiết của Rothschild với các thành viên trong nhóm bộ ngũ, nhưng phía mật vụ Anh đã không thể chứng minh và buộc tội hoạt động tình báo của ông.

Rothschild vẫn tiếp tục đảm nhiệm những cương vị quan trọng khác nhau trong xã hội Anh, bất kể những lời dị nghị. Sau một vài cương vị lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và kinh tế, Victor Rothschild vẫn được tín nhiệm đảm trách các vấn đề an ninh hàng đầu của Anh, chẳng hạn như vai trò là cố vấn an ninh của Thủ tướng Margaret Thatcher.

Trong giai đoạn 1971-1974, ông còn là người đứng đầu của Central Policy Review Staff, một ủy ban cao cấp chuyên tư vấn về các chính sách cho chính phủ, cho tới khi bà Thatcher chính thức cho giải tán.

“Nhân vật thứ sáu” của nhóm bộ ngũ Cambridge qua đời vào năm 1990 khi ở tuổi 80. Mãi tới năm 1993, tức là sau khi Liên Xô tan rã, nhiều quan chức đã về hưu của KGB mới chính thức thừa nhận vai trò điệp viên của Victor Rothschild.

Sau khi tiếp xúc với Đại tá KGB Yuri Modin, nhà văn phương Tây Roland Perry đã viết trong một cuốn sách của mình: “Theo Modin, Rothschild chính là chiếc chìa khóa để giúp mạng lưới Cambridge xâm nhập vào Cơ quan Tình báo Anh.

Nhờ có các quan hệ của mình, ông ta đã giúp giới thiệu Burgess, Blunt cho nhiều quan chức tình báo cao cấp của Anh như Stewart Menzies, Dick White và Robert Vansittart”

Thái Quân(tổng hợp)
.
.