Nguy cơ khủng bố bằng bom hạt nhân giữa thủ đô Mỹ

Thứ Năm, 21/06/2012, 13:30

Những ngày gần đây dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm tới một tài liệu mật, được đăng tải trên trang mạng của các cơ quan chính phủ hàng đầu về nguy cơ bọn khủng bố tấn công thủ đô Washington D.C bằng bom hạt nhân. Đồng thời tài liệu cũng phân tích những hệ lụy cùng biện pháp phòng tránh một khi kịch bản tương tự có thể xảy ra.

Bản nghiên cứu tổng hợp dày 120 trang được xúc tiến từ đầu tháng 11/2011, do Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia đồng soạn thảo, có tiêu đề "Các yếu tố chính trong kế hoạch khắc phục hậu quả khủng bố hạch tâm". Theo đó, vụ nổ hư cấu xảy ra cách Tòa Bạch ốc vài ngã tư đường, ngay đoạn giao nhau giữa phố 16 và phố K với sức công phá mạnh 10 kiloton (1 kiloton = 1.000 tấn thuốc nổ TNT quy ước). Sự tàn phá khủng khiếp theo tất cả mọi hướng trong vòng bán kính 800m sẽ diễn ra tức thì, các tòa nhà biến thành đống đổ nát không khác gì bức tranh thủ đô Berlin của Đức bị hủy diệt trong Thế chiến II.

Theo trục đông tây ở Washington D.C, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp là từ khuôn viên phía nam Nhà Trắng kéo dài đến trước trụ sở Cục Điều tra Liên bang (FBI), với rất ít khối nhà còn trụ lại được nhờ kết cấu vững chắc. Toàn bộ khu vực này sau nhiều ngày vẫn chưa thể tiếp cận do nồng độ phóng xạ quá cao. Tuy nhiên các địa điểm nổi tiếng tiếp giáp như dinh Tổng thống, trụ sở Quốc hội và Tòa án Tối cao, Đài tưởng niệm George Washington, cũng như 2 nhà tưởng niệm Abraham Lincoln và Thomas Jefferson đều không hề hấn gì. Riêng trụ sở Bộ Quốc phòng nằm bên kia bờ sông Potomac, nơi có 20.000 nhân viên thường xuyên làm việc chỉ bị vỡ kính cửa sổ do chấn động xung lực, khiến một số ít người bị xây xát nhẹ.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/18_lau1169-450.jpg
Lầu Năm Góc kề Washington D.C hầu như không hề hấn gì.

Đồng thời bản nghiên cứu cũng dự đoán thủ đô Mỹ với 618.000 dân, sau khi bom khủng bố hạt nhân phát nổ sẽ có 45.000 người thiệt mạng và 323.000 người bị thương. Con số này dựa trên xác suất so sánh tương đối, bởi cú nổ bom hạt nhân 10 kiloton mạnh gấp 5.000 lần vụ đánh bom tòa nhà Liên bang ở thành phố Oklahoma, thủ phủ tiểu bang cùng tên ngày 19/4/1995 khiến 168 người chết và 680 người bị thương. Ngoài ra, tỉ lệ sát thương tại khu vực bom nổ còn tùy thuộc vào độ cao của các tòa nhà, có thể ngăn chặn một phần lượng mảnh vụn bay tứ tán khắp nơi.

"Đây không phải là ngày tận thế, cũng không giống kịch bản thời Chiến tranh Lạnh - Đại tá dự bị Randy Larson, người sáng lập kiêm Giám đốc Học viện Anh ninh đối nội có trụ sở tại Washington D.C cho biết - Sự khác biệt nằm ở quy mô của vụ tấn công. Hỏa tiễn xuyên lục địa của thời Chiến tranh Lạnh giống như trái bom nguyên tử khổng lồ nổ tung giữa bầu trời khi tới đích, đằng này là một thiết bị hạch tâm xếp gọn trong chiếc xe đỗ ven đường rồi được kích nổ".

Quầng sáng của vụ nổ khủng bố có thể nhìn thấy từ xa hàng trăm cây số, trong khi đám mây hình nấm cao tới 8km chỉ tồn tại trong vòng vài phút đồng hồ. Luồng sáng mạnh đến độ có thể làm mù mắt mọi người trong vòng bán kính 19km, nghĩa là các tài xế trên xa lộ vành đai Washington D.C cũng nằm trong vòng ảnh hưởng. Bản nghiên cứu còn dự đoán bức xạ hạt nhân phát tán theo luồng gió sẽ đủ sức tiêu diệt những người ở gần địa điểm nổ trong 2 giờ đầu tiên. Sau đó đám mây phóng xạ sẽ dịch chuyển về phía thành phố Baltimore thuộc tiểu bang Maryland với nồng độ giảm dần.

"Thói tò mò theo bản năng chính là kẻ thù nguy hiểm nhất, cũng là nỗi bất hạnh lớn nhất khi có xáo trộn hạch tâm", cố vấn cao cấp Brian Jenkins thuộc RAND Corporation, một tập đoàn phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phát triển các phương sách phòng thủ khẳng định. Thông thường sau luồng ánh sáng kỳ quái phát ra từ vụ nổ, mọi người trong các tòa nhà kế cận sẽ đổ xô tới cửa sổ để quan sát, mà không biết rằng xung lực sóng có thể làm vỡ tất cả các tấm kính trong bán kính 5km chỉ 10 giây sau đó, khiến họ dễ bề bị thương trước khi nhiễm phóng xạ nồng độ cao.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/18_nga1169-450.jpg
Ngã tư giữa phố 16 và phố K với Nhà Trắng ở phía cuối đường.

"Nhưng bên ngoài khu vực nổ, sự sống vẫn được bảo tồn", các tác giả của bản nghiên cứu khẳng định. Cụ thể ở trường hợp này đòi hỏi những người sống trong vòng bán kính 80km nên nhanh chân xuống trú ẩn dưới các tầng hầm, đợi khoảng 7 tiếng đồng hồ sau cho lượng phóng xạ nguy hiểm tiêu tan hết. Với những ai đang ở trên mặt đất khi bom hạt nhân phát nổ, tốt nhất khi xuống tới chỗ trú ẩn phải cởi bỏ ngay quần áo cũng như giày dép trên người, đồng thời chải tóc thật kỹ nhằm loại trừ các phân tử tích trữ từ đám mây phóng xạ bất chợt rơi xuống.

Còn các cơ sở y tế cấp cứu cũng bị tác động nặng nề. Chí ít 4 bệnh viện thuộc khu trung tâm Washington D.C bị phá hủy, trong khi 4 bệnh viện đa khoa khác bị ảnh hưởng vì nhiễm xạ. Sau cú nổ, giới hữu trách chỉ còn cách ban hành thông tin cảnh báo bằng những phương tiện như sóng phát thanh, các kênh truyền hình, thư điện tử, tin nhắn điện thoại di động, cũng như trao đổi qua các mạng xã hội Twitter và Facebook.

Tuy nhiên, các tác giả bản nghiên cứu lại không đề cập tới việc làm sao bọn khủng bố có thể đem bom hạt nhân lọt vào trung tâm đầu não chính trị của nước Mỹ, nơi có hệ thống cảm biến bức xạ tối tân cũng như nhiều thiết bị kiểm tra kỹ thuật khác có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cũng chẳng hiểu do đâu mà giao lộ giữa phố 16 với phố K lại được chọn làm địa điểm hành động, gây hoang mang cho cư dân đang ngụ xung quanh? Rồi tài liệu mật chỉ được dùng trong cơ quan công quyền mà không phổ biến rộng rãi, nhưng lại đăng tải công khai trên mạng Internet…

"Chúng ta thường coi nổ bom hạt nhân như từng xảy ra với 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản gần 7 thập niên trước, nhưng với kịch bản này thì thủ đô Washington không bị tàn phá nghiêm trọng đến mức bị tê liệt hoàn toàn", cố vấn cao cấp B. Jenkins kết luận

Q.Phú (theo The Washington Post)
.
.