Nhà khoa học hạt nhân bị nghi làm gián điệp

Chủ Nhật, 21/04/2019, 09:23
Eric Burhop, nhà khoa học Anh gốc Australia, bị nghi là gián điệp cho Liên Xô và bị theo dõi trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bị giới chức Anh cáo buộc công khai và chưa bao giờ bị thẩm vấn.

Hai cảnh sát bám theo vị giáo sư đại học khi ông rời nhà ở ngoại ô London, Anh và đi bộ ra ga tàu hỏa. Ông là Eric Burhop, một người nhập cư Australia và trở thành nhà vật lý lý thuyết và hạt nhân hàng đầu ở Anh. Người bám theo Burhop là thành viên chi nhánh đặc biệt chuyên về an ninh quốc gia của Anh. Họ theo dõi Burhop cả ngày, từ khi ông rời nhà làm các công việc học thuật, ăn trưa trong căng tin trường đại học, ghé ngân hàng, mua một tờ báo…

Burhop chết năm 1980. Tài liệu cho thấy ông chưa bao giờ bị cơ quan an ninh Anh thẩm vấn cũng như chưa bao giờ bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp. Có thể ông cũng chưa bao giờ biết rằng mình bị giám sát. Câu chuyện về Burhop thể hiện cho sự đa nghi sâu sắc trong những thập kỷ đầu Chiến tranh Lạnh và cho thấy vô số thất bại tình báo của cơ quan an ninh Anh thời đó.

Thực tế mới

Lúc 7 giờ sáng 29-8-1949, một đám mây hình nấm bốc lên trên khu vực hẻo lánh ở thảo nguyên Kazakhstan. Sự kiện bí mật này đã thay đổi thế giới.

Tổng thống Mỹ Harry Truman nói trong một tuyên bố với người dân Mỹ một tháng sau vụ kích hoạt trên: “Chúng ta có bằng chứng rằng trong vòng vài tuần gần đây, một vụ nổ nguyên tử đã xảy ra ở Liên Xô. Kể từ khi năng lượng nguyên tử được con người giải phóng lần đầu tiên, có thể đoán được là các nước khác sẽ phát triển lực lượng mới này. Chúng ta luôn xem xét khả năng này”.

Eric Burhop (giữa) và gia đình tại nhà ở Surbiton, London ngày 22-7-1951.

Mặc dù giới chức Mỹ có thể luôn đoán Liên Xô sẽ gia nhập câu lạc bộ hạt nhân tại một thời điểm nào đó, nhưng tốc độ gia nhập của họ vẫn khiến Mỹ rất sốc. Nhiều tháng trước vụ thử ở Kazakhstan, cơ quan tình báo Mỹ vẫn đoán thời điểm sớm nhất mà Liên Xô có thể sở hữu bom hạt nhân là tới giữa năm 1953. Vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên của Liên Xô đã khiến thế độc tôn hạt nhân của Mỹ chấm dứt, dẫn tới tăng cường chi tiêu quân sự rất mạnh ở Mỹ khi Chiến tranh Lạnh leo thang.

Vụ thử cũng khiến Mỹ quyết định loại bỏ đồng minh khỏi nghiên cứu hạt nhân trong tương lai. Ba năm trước vụ thử của Liên Xô, Đạo luật Năng lượng Nguyên tử được Mỹ thông qua.

Theo đạo luật, mọi thông tin liên quan đến phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân được xếp vào dạng dữ liệu hạn chế tiếp cận, có nghĩa là không được chia sẻ với đồng minh. Lo ngại an ninh này dường như được chứng minh là đúng khi nhiều tháng sau vụ thử đầu tiên của Liên Xô, một nhà khoa học Anh thuộc nhóm phát triển bom của Mỹ là Klaus Fuchs đã rò rỉ thông tin cho Liên Xô suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2 và sau đó.

Các vụ bê bối gián điệp khác cũng diễn ra sau đó khi các thành viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh và cơ quan tình báo MI-6 hóa ra là điệp viên mật Liên Xô.

Đầu những năm 1940, nhiều nước chạy đua để trở thành nước đầu tiên hoàn thành một vũ khí nguyên tử mà khi đó vẫn là lý thuyết. Chương trình hạt nhân của Anh đi trước so với Mỹ. Các nhà khoa học Anh có nhiều phát hiện trong cách sử dụng urani phân hạch để chế tạo bom.

Khi Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2 cuối năm 1941 sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, tiền rót cho nghiên cứu hạt nhân ngày càng nhiều. Tháng 8-1943, các lãnh đạo Winston Churchill và Franklin Roosevelt đã ký bí mật Thỏa thuận Quebec, nhất trí rằng dự án phát triển bom hạt nhân chung sẽ nhanh chóng thành công nếu kết hợp các nguồn lực, bộ não của Anh và Mỹ.

Một số nhà khoa học Anh lỗi lạc đã tới làm việc cùng nhóm của J. Robert Oppenheimer ở Los Alamos. Họ gồm hai công dân Anh nhập tịch là một người gốc Đức Klaus Fuchs và một người gốc Australia Eric Burhop.

Chuyên gia hạt nhân Australia

Ông Burhop sinh ra ở Hobart, bang Tasmiania, Australia năm 1911. Là một người có tài và sớm phát triển, ông học rất giỏi và giành nhiều học bổng. Sau đó, ông học Toán và Vật lý tại Đại học Melbourne.

Năm 1932, ông tới Đại học Cambridge để làm việc trong phòng thí nghiệm Cavendish danh tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1970 về một dự án lịch sử, ông Burhop nói: “Tới Cavendish là một thời gian rất hào hứng. Đó là trung tâm vật lý hạt nhân của toàn thế giới”.

Ảnh về vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô ngày 29-8-1949.

Tại Cambridge, Burhop gặp một nhà vật lý Australia khác là Mark Oliphant, về sau là thành viên của Dự án Manhattan giúp dọn đường cho các nhà khoa học Anh tham gia chương trình hạt nhân của Mỹ. Năm 1944, khi đó đã là một công dân Anh, Burhop ược Oliphant tuyển mộ để làm việc trong dự án vũ khí hạt nhân Manhattan. Một nhà khoa học Australia khác là Harrie Massey cũng tham gia cùng họ.

Bị nghi ngờ và theo dõi

Trong thời gian này, Burhop lần đầu bị cơ quan an ninh theo dõi. Như nhiều người tại Cambridge lúc đó, ông không giấu diếm quan điểm chính trị cánh tả của mình và do đó cơ quan an ninh cho rằng ông là một thành viên của Đảng Cộng sản Australia trước khi rời nước này.

Theo tài liệu về Burhop do cơ quan an ninh Australia lưu giữ, đầu những năm 1940, ông diễn thuyết tại các sự kiện do các nhóm liên quan tới Đảng Cộng sản Australia tổ chức. Australia bí mật điều tra ông Burhop năm 1944 vào khoảng thời gian ông tới Mỹ và họ kết luận rằng ông là một người trung thành.

Mặc dù giới chức thời chiến ở Anh và Mỹ không tán thành sự nghiệp Cộng sản nhưng Liên Xô là đồng minh quan trọng nhất của họ trong chống chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. Và vì thế, việc Burhop bị nhiều nhà khoa học và học giả hàng đầu thời đó cho là có xu hướng Cộng sản cũng không ảnh hưởng tới vị trí công việc của ông.

Cảm tình với Cộng sản của ông Burhop không bị coi là quá bất thường cho tới khi Klaus Fuchs bị bắt năm 1950. Fuchs là một thành viên Đảng Cộng sản và là gián điệp cho Liên Xô.

Sau vụ việc, tình báo Anh nhận một báo cáo tối mật từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cảnh báo rằng: “Cuối năm 1945, có một nhà khoa học nguyên tử Australia làm việc trong một dự án năng lượng nguyên tử có liên lạc chặt chẽ với thành viên Đảng Cộng sản ở Brooklyn, New York và các quan chức Cộng sản cấp cao nhất ở Mỹ. Nhà khoa học nguyên tử Australia này chuyển mọi thứ mà ông ta biết về chương trình”. Báo cáo không nói rõ ai trong số 8 nhà khoa học bị FBI nghi là người nói trên.

Tại Anh, cơ quan tình báo MI-5 bắt đầu mở hồ sơ về các nhà khoa học Oliphant, Massey và Burhop, trong đó nghi ngờ sớm dồn lên Burhop. Sĩ quan A.F. Burbidge phụ trách vụ Burhop viết trong một biên bản tháng 5-1951: “Ngày càng rõ ràng rằng từ khi tới Anh tháng 11-1945, Burhop là một người Cộng sản. Mặc dù không được xác định rõ trong thông tin của FBI nhưng ông Burhop là người dường như giống nhất với nhà khoa học bị nghi ngờ”.

Mặc dù bị giám sát song Burhop chưa bao giờ bị cơ quan an ninh Anh thẩm vấn hay bị bắt với cáo buộc gián điệp. Theo bà Roff, điều này có thể là vì thông tin chỉ đường tới Burhop là nhờ phá được mật mã Venona của Liên Xô, khi đó sự việc này vẫn là thông tin tình báo mật. Bà nói: “Việc phá mật mã là tối mật với người Mỹ. Họ không muốn người Liên Xô biết là có thể làm điều đó”.

Trong khi Fuchs thừa nhận làm gián điệp sau khi bị thẩm vấn gắt gao và MI5 không phải tiết lộ thông tin về Venona, các tài liệu cho thấy giới chức Anh cảm thấy Burhop khó xử lý hơn và thẩm vấn ông có thể sẽ làm lộ thông tin là Mỹ và Anh đã phá được mật mã của Liên Xô.

Một bộ biên bản trong cuộc họp của Bộ Ngoại giao Anh cũng đề cập tới mối liên quan Cộng sản của Burhop nhưng nói thông tin này không được đề cập vì MI-5 có thông tin từ một nguồn bí mật không thể bị làm tổn hại. Biên bản có đoạn: “Tiến sĩ Burhop tuyên bố ông không phải là Cộng sản và chúng ta sẽ vướng vào tranh cãi vô ích với ông ấy nếu chúng ta khẳng định ông ấy là Cộng sản”.

Bà Darren Holden, một chuyên gia về nhà khoa học nguyên tử thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 tại Đại học Notre Dame Australia, cho rằng dù chính phủ Anh rất nghi Burhop nhưng họ không bao giờ có bằng chứng cụ thể về việc ông làm gián điệp.

Rắc rối với cuốn hộ chiếu

Trong giai đoạn này, nghi ngờ về Burhop tăng dần và ông vẫn bị giám sát chặt chẽ. Một báo cáo tháng 6-1951 viết: “Quan sát tại số 21 The Ridge, Surbiton lúc 10 giờ sáng. Burhop đạp xe về hướng Surbiton và trở về sau nửa tiếng với một hộp cây. Một lúc sau ông mặc đồ làm vườn và bắt đầu trồng cây”.

Tuy nhiên, tháng sau đó, Burhop không biết rằng mình đã buộc giới chức Anh phải hành động. Kể từ khi kết thúc chiến tranh, giống như nhiều nhà khoa học tham gia Dự án Manhattan, Burhop mất ảo tưởng vào vũ khí hạt nhân và cuộc Chiến tranh Lạnh đang leo thang nhanh chóng. Nhiều nhà khoa học hạt nhân giật mình trước vụ dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản. Họ cho đó là điều không cần thiết phải làm để chấm dứt chiến tranh cũng như để phô trương sức mạnh vũ khí mới. Một số nhà khoa học tham gia làm bom hạt nhân cảm thấy rất tội lỗi, có người cảm thấy rất tức giận vì đã làm ra một vũ khí diệt chủng.

Burhop là một trong số đó. Ông cảm thấy con đường duy nhất cần làm là ngăn Mỹ trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất và phổ biến năng lực hạt nhân. Nhà khoa học này bắt đầu tham gia hoạt động hòa bình và chống hạt nhân. Ông viết bài chỉ trích phương Tây vì gia tăng căng thẳng không cần thiết với Liên Xô, bày tỏ mong muốn hai bên sát cánh như trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tháng 7-1951, Burhop đăng ký tham gia chuyến đi Moscow trong phái đoàn nhà khoa học Anh do Hiệp hội Quan hệ Văn hóa với Liên Xô tổ chức. Khi biết về ý định này của Burhop, Bộ Ngoại giao Anh đã giật mình.

Ngày 18-7, hai ngày trước chuyến đi Moscow, Văn phòng Hộ chiếu viết thư thông báo cho Burhop rằng hồ sơ đi Moscow của ông bị hủy và bảo ông giao nộp lại. Theo biên bản họp của Bộ Ngoại giao, một trong những lý do là chuyến đi Moscow của ông sẽ tạo ra ấn tượng xấu nhất có thể ở Mỹ. Hộ chiếu của Burhop bị hủy để ngăn ông rời Anh.

Sau nhiều năm lan truyền trong cơ quan tình báo, cáo buộc Burhop là một người Cộng sản bí mật giờ đã công khai. Thông tin ông bị tước hộ chiếu lọt ra báo chí và câu chuyện nhanh chóng bị mổ xẻ.

Trong phỏng vấn tháng 7-1951, Burhop phản pháo chính phủ Anh mạnh mẽ: “Tôi làm việc vì hòa bình và hòa bình mà thôi. Chính phủ đã mang tôi ra thử nghiệm và vi phạm quyền công dân Anh của tôi… Tôi muốn tới Liên Xô vì tôi cho rằng chuyến thăm giữa những người thông thái ở hai bên Bức màn Sắt là cách duy nhất, tốt nhất để phá vỡ căng thẳng”.

Chính phủ Anh giờ phải xử lý vụ bê bối. Không thể công khai chứng minh Burhop là Cộng sản, giới chức Anh phải lùi bước, cấp lại hộ chiếu cho ông này sau khi ông đảm bảo sẽ không tới Liên Xô.

Tài liệu giải mật về Burhop cho thấy MI-5 theo dõi ông cho tới ít nhất năm 1958 và ngay cả sau khi ông được cấp lại hộ chiếu thì hoạt động của ông vẫn bị hạn chế vì ông không thể tới Liên Xô cũng như các nước đồng minh của Liên Xô.

Sau đó, Burhop tiếp tục làm việc tại Đại học London, có nhiều phát hiện quan trọng trong vật lý hạt nhân và lý thuyết. Năm 1963, ông được bầu vào Hiệp hội Hoàng gia, cơ quan khoa học danh tiếng của Anh.

Trong những năm 1950, ông làm tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu. Ông vẫn tích cực trong phong trào hòa bình và phản đối hạt nhân, hỗ trợ thành lập Hiệp hội Trách nhiệm xã hội trong khoa học Anh và tổ chức Hội nghị Pugwash về vấn đề khoa học và thế giới. Burhop qua đời ở London ngày 22-1-1980 do biến chứng liên quan ung thư dạ dày.

Thời gian Anh nghi ngờ và theo dõi Burhop là một giai đoạn hoang tưởng sâu sắc mà nguyên nhân bắt nguồn từ bối cảnh Chiến tranh Lạnh leo thang nhanh giữa phương Tây và Liên Xô, cũng như việc nhiều gián điệp trong giới tinh túy Anh bị bại lộ.

15 năm sau khi Burhop qua đời, chương trình Venona mới được giải mật. Lý do ông Burhop không bao giờ bị đối xử như Fuchs có thể là do cáo buộc ông là gián điệp không chắc chắn, không có bằng chứng xác thực.

Nhật Minh
.
.