Nhà tù bí mật của CIA ở Djibouti

Thứ Tư, 11/06/2014, 20:35

Trong suốt nhiều năm, Djibouti - quốc gia nhỏ bé ở vùng Sừng châu Phi và là đồng minh chủ chốt của Mỹ - đã phủ nhận việc cho phép Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lập một nhà tù bí mật trên lãnh thổ nước này để giam giữ các nghi can khủng bố Al-Qaeda. Nhưng, cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ về "chương trình giam cầm và tra tấn" của CIA kết luận rằng sự thật đã có vài người bị giam giữ bí mật tại Djibouti.

Mohammad al-Asad, người Yemen bị bắt giữ tại Tanzania vào ngày 27/12/2003, cũng lên tiếng khẳng định mình bị bịt mắt và chở bằng máy bay đến một địa điểm mà ông xác nhận nằm trên lãnh thổ Djibouti. Hai quan chức Mỹ giấu tên cũng cho biết trong báo cáo điều tra của Thượng viện (còn được giữ bí mật) có nêu trường hợp vài tù nhân CIA bị giam cầm tại một nhà tù bí mật của CIA ở Djibouti và ít nhất 2 người trong số đó bị bắt giam trái với luật pháp.

Mohammad Al-Asad, nay đã 54 tuổi và hiện đang sống ở Yemen, cho biết ông bị giam vào ngục và tra tấn liên tục sau khi được chở bằng máy bay đến một đất nước mà ông khẳng định là Djibouti. Al-Asad nói rằng: ông bị một phụ nữ Mỹ hỏi cung về mối quan hệ của ông với tổ chức từ thiện Hồi giáo Al-Haramain Islamic Foundation của Arập Xêút. Năm 1994, tổ chức Al-Haramain - về sau bị Bộ Tài chính Mỹ buộc tội ủng hộ khủng bố - thuê căn hộ trong tòa nhà mà Al-Asad sở hữu tại Tanzania.

Trong một cuộc phỏng vấn của Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar, Al-Asad khẳng định ông bị giam cầm suốt 2 tuần tại một nhà tù bí mật của CIA ở Djibouti trước khi được chuyển đến Afghanistan, nơi ông tiếp tục bị giam giữ suốt hơn một năm mà không bị buộc tội khủng bố hay tội danh gì khác. Sau khi được Mỹ trả tự do năm 2006, Al-Asad cố gắng buộc chính quyền Djibouti phải nhận trách nhiệm về việc giam giữ ông một cách trái pháp luật.

Năm 2009, Al-Asad tìm kiếm sự công bằng từ Ủy ban châu Phi về nhân quyền và Quyền các dân tộc (ACHPR) - tổ chức tương tự như tòa án đặt trụ sở tại Gambia, có quyền giải quyết các khiếu nại tố cáo về nhân quyền ở châu Phi đối với các quốc gia phê chuẩn Hiến chương châu Phi về nhân quyền và quyền dân tộc trong đó có Djibouti. Tuy nhiên, Roble Olhaye - Đại sứ Djibouti ở Mỹ - gọi Al-Asad là "kẻ nói dối" đồng thời nhấn mạnh: "Sự việc của Al-Asad đều dựa trên tin đồn và phỏng đoán. Không hề có chuyến bay nào mà Al-Asad tuyên bố là chở ông từ Tanzania đến Djibouti cả. Điều đó đã được kiểm tra bởi các luật sư của chúng tôi".

Nhưng, John Sifton cho rằng CIA có thể "dễ dàng can thiệp vào hoạt động thu thập dữ liệu" và "chiếc máy bay mà CIA sử dụng không để lại dấu vết nào khi bay vào và ra khỏi Djibouti". John Sifton là Giám đốc pháp lý ở châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) có hơn chục năm điều tra về chương trình dẫn độ và thẩm vấn của CIA.

Hồ sơ lịch trình các chuyến bay được thu thập bởi HRW và Tổ chức nhân quyền tại Anh Reprieve để làm cơ sở cho vụ kiện của Mohammad Al-Asad cũng cho thấy chiếc máy bay liên quan đến CIA đã bay vào và ra khỏi Djibouti. Nhóm luật sư của Al-Asad cũng có trong tay các tài liệu từ giới chức nhập cư Tanzania trong đó ghi nhận Al-Asad được chở đến Djibouti bằng chiếc máy bay của Hãng Hàng không Tanzanair sau khi người này bị bắt giữ hồi năm 2003.

Margaret Satterthwaite, giáo sư Đại học New York và luật sư đại diện cho Al-Asad, nhận định vụ án của Al-Asad sẽ mở đường cho các vụ án tương tự chống lại CIA. Djibouti là quốc gia đối tác chống khủng bố chủ chốt của chính quyền Mỹ trong hơn một thập niên và cũng là nơi quân đội Mỹ đặt căn cứ Lemonnier Camp (Trại Lemonnier). Không quân Mỹ sử dụng Djibouti làm căn cứ cho hạm đội máy bay vũ trang không người lái tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào các nghi can khủng bố Al-Shabab ở Yemen và Somalia.

Căn cứ quân sự Trại Lemonnier của Mỹ ở Djibouti.

Theo các nhà nghiên cứu nhân quyền, sau ngày 11/9/2001 các tù nhân CIA bị bí mật giam giữ và tra tấn tại Djibouti. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn tiếp tục chuyển các nghi can khủng bố đến Djibouti để giam giữ trong thời gian ngắn. Theo luật sư Satterthwaite, trong khi vai trò của các đối tác châu Âu như Ba Lan và Romania của CIA bị điều tra dồn dập thì sự hợp tác với tình báo Mỹ của các quốc gia như Djibouti vẫn chưa bị dò xét nhiều.

Jonathan Horowitz, chuyên gia pháp lý và an ninh quốc gia của Tổ chức phi chính phủ Sáng kiến Công bằng Xã hội mở (OSJI) đặt trụ sở tại New York, nhận định vụ án Mohammad Al-Asad đem lại cho ACHPR cơ hội để "tuyên bố các chính quyền châu Phi không được thông đồng với chính quyền các nước khác để vi phạm nhân quyền". Năm 2013, OSJI công bố báo cáo "Toàn cầu hóa tra tấn" trong đó ghi nhận 54 quốc gia, bao gồm Djibouti, thông đồng dẫn độ 136 tù nhân CIA.

Tổ chức phi đảng phái Dự án Hiến pháp cũng công bố báo cáo "Lực lượng đặc nhiệm về người tạm giam" xác nhận Djibouti là một đối tác quan trọng trong chương trình dẫn độ của CIA và tập trung mạnh vào vụ án Mohammad al-Asad để củng cố những kết luận của mình. Jonathan Horowitz tuyên bố "chương trình dẫn độ và tra tấn của CIA không thể thực hiện trên toàn cầu nếu không có sự hỗ trợ từ các quốc gia khác". Hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục củng cố mối quan hệ chống khủng bố với Djibouti

Diên San (tổng hợp)
.
.