Nhân vật bí ẩn nhất trong thế giới tình báo Trung Đông

Thứ Bảy, 09/11/2013, 20:45

Theo tờ New York Times, có lẽ, vị tư lệnh quân đội quan trọng nhất trong cuộc chiến ở Syria lại không phải người Syria. Nhân vật bí ẩn này chính là Thiếu tướng Qassem Suleimani của Iran. Suleimani là chỉ huy lực lượng Quds, đơn vị tinh túy nhất của Vệ binh cách mạng Iran. Vị tướng này chuyên trách các hoạt động đặc biệt, thâu tóm mảng tình báo và quân sự, trở thành một tâm điểm khiến các cơ quan an ninh Mỹ phải đau đầu theo dõi rất sát.

Ông luôn nhún nhường tự nhận chỉ là một "quân nhân nhỏ nhất" trong hàng ngũ quân đội Iran nhưng lại được nhiều thủ lĩnh Hồi giáo ca ngợi là "hình ảnh sống của kẻ sẵn sàng tử vì đạo trong mọi cuộc cách mạng".

Trên thực tế, Qassem Suleimani là cái tên ít được người Mỹ biết đến song theo tiết lộ, ông là "điệp vụ quyền lực nhất ở Trung Đông" hiện nay. Bắt đầu chỉ huy lực lượng Quds cách đây 15 năm, Suleimani đã nổi như cồn với khả năng đứng sau cánh gà đạo diễn hàng loạt vụ.

Khi cuộc khủng hoảng chính trị Syria nổ ra và chế độ Assad có lúc tưởng chừng không thể cầm cự, Suleimani đã chỉ đạo Quds bắt đầu lên kế hoạch cứu Damascus (thủ đô Syria) - đồng minh lâu năm của ông trong suốt nhiều năm qua.

Chỉ huy lực lượng tinh nhuệ nhất Iran

Qassem Suleimani sinh ngày 11/3/1957, xuất thân từ gia đình nghèo khó ở tỉnh Kerman, Iran - nơi mà chính quyền trung ương không đọ nổi sức mạnh của các bộ tộc địa phương. 13 tuổi ông đã qua nhiều cơ cực, nghèo khó khi bắt đầu tự lao động chân tay để nuôi sống bản thân. Do vậy Suleimani chỉ học hết trung học, và xin vào làm tại một nhà máy lọc nước, sau đó chuyển sang nghề công nhân xây dựng.

Năm 1979, khi Suleimani tròn 22 tuổi, chế độ phong kiến Iran sụp đổ. Trước khí thế hừng hực của làn sóng cách mạng Hồi giáo, Suleimani gia nhập lực lượng Vệ binh cách mạng, tham gia mặt trận chiến tranh Iran - Iraq với nhiệm vụ đơn giản là vận chuyển nước uống và lương thực cho quân lính. Nổi tiếng với sự gan lì và dám mạo hiểm, Suleimani được chuyển sang nhóm biệt kích, luồn sâu vào biên giới Iraq trước vòng vây của quân Iraq.

Ông cũng tích cực tham gia chiến đấu chống bọn buôn lậu ma túy và chính quyền Taliban ở Afghanistan. Ông được miêu tả là "chuyên đi trộm dê" bởi lẽ nhiều lần, Suleimani táo tợn tới mức vẫn còn thừa thới gia đi bắt dê đem về cải thiện đời sống sau khi hoàn thành nhiệm vụ do thám hay ám sát.

Cuộc chiến giữa Iran và Iraq đã dẫn tới sự ra đời của lực lượng Quds - đội quân chiến đấu tinh nhuệ nhất Iran - với mục đích "xuất khẩu" hào khí cách mạng Hồi giáo sang các nước láng giềng. Năm 1998, nhờ gây dựng được tiếng tăm trong cuộc chiến, Suleimani được bổ nhiệm chức Tư lệnh trưởng Quds, xây dựng lực lượng này thành một tổ chức có thể vươn rộng hơn, gồm các bộ phận phụ trách tình báo, tài chính, chính trị và các chiến dịch đặc biệt. Bắt đầu từ đây, con người này tạo nên ảnh hưởng đáng kể không chỉ đối với chính trường Iran mà còn đến cả chính trị khu vực Trung Đông, khiến Mỹ buộc phải dè chừng.

Theo nhận định của giới quan chức Mỹ và Trung Đông, tướng Suleimani đảm nhận nhiều vai trò như tổ chức chiến dịch tình báo, vạch ra đường lối cho chính sách đối ngoại, chỉ huy mặt trận và cả nhiệm vụ lên kế hoạch khủng bố. Chuyên gia chống khủng bố Richard Clarke cho rằng, Suleimani đứng đằng sau mọi hoạt động bí mật của Quds cũng như nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran ra khu vực Trung Đông.

Qassem Suleimani quyết liệt chống đối bất cứ sự hiện diện nào của phương Tây ở Trung Đông, và chỉ hợp tác nếu điều đó đem lại lợi ích cho Iran.

Thật vậy, trong nhiều năm, lực lượng Quds xây dựng được một mạng lưới hoạt động rộng ở tầm quốc tế, tổ chức các chiến dịch quy mô nhằm vào các mục tiêu chính gồm Mỹ và Israel. Chỉ trong vòng 2 năm đã có tới 30 cuộc tấn công, một số do Suleimani lên kịch bản được thực hiện tận Thái Lan, Ấn Độ và cả Azerbaijan. Israel từng công khai lên tiếng chỉ trích Suleimani chỉ huy lực lượng Quds tiến hành một chuỗi những vụ mưu sát nhằm vào các nhà ngoại giao của Israel, phản đối động thái trợ giúp các phần tử Hezbollah và Hamas đối đấu với Israel.

Đầu năm 2004, tình báo Mỹ và Iraq phát hiện những chiến binh vượt biên giới phía Iraq để vào Iran nhận sự huấn luyện của Quds. Giới quan chức Mỹ lúc đó bộc lộ sự thất vọng khi thấy nhiều đồng minh của họ bên trong Iraq duy trì mối quan hệ khăng khít với tướng Qassem Suleimani. Ít lâu sau, giới lãnh đạo quân đội Mỹ ở Iraq bất ngờ tố cáo Quds đã cung cấp vũ khí cho chiến binh Hồi giáo Iraq, và từ đó dẫn đến việc Suleimani bị Bộ Ngoại giao Mỹ coi là kẻ ủng hộ khủng bố vào năm 2007.

Cũng theo giới quan chức Mỹ, Suleimani là người đề ra kế hoạch vũ trang cho các chiến binh Shiite ở Iraq để quấy rối lực lượng Mỹ ở nước này trong nhiều năm qua. Tháng 10/2011, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội tướng Suleimani có vai trò trong mưu đồ đánh bom mưu sát Đại sứ Arập Xêút tại một quán cà phê ở Washington D.C. Kế hoạch bị thất bại bởi kẻ cầm đầu băng ma túy Mexico, mà Suleimani thuê làm sát thủ, hóa ra là người thuộc cơ quan phòng chống ma túy Mỹ. Thậm chí, có nguồn tin tiết lộ sau vụ này, an ninh Mỹ đã soạn thảo sẵn kế hoạch để "khử êm" Suleimani.

Đáp lại, hơn 200 nhà lập pháp Iran đồng ký tên vào bản tuyên bố ủng hộ tướng Qassem Suleimani. Và trên trang web bằng tiếng Farsi (ngôn ngữ chính thức của Iran), các nhóm người Iran phát động một chiến dịch bảo vệ vị tướng với khẩu hiệu: "Tất cả chúng tôi đều là Qassem Suleimani".--PageBreak--

Làm mọi cách cứu đồng minh Syria

Không phải người Syria và cũng không liên quan đến kho vũ khí hóa học của chế độ Assad nhưng Qassem Suleimani là nhân vật đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong vụ khủng hoảng tại nước này. Phương Tây bắt đầu chú ý đến Qassem Suleimani nhờ sự gia tăng mạnh các hoạt động bay của Iran tới sân bay Damascus ở Syria. Các chuyến bay diễn ra mỗi ngày, mang theo vũ khí và đạn dược với số lượng "hàng tấn", cùng các sĩ quan từ lực lượng Quds.

Theo các nhà chức trách Mỹ, các sĩ quan này do Suleimani chỉ huy, trực tiếp tham gia điều phối các vụ tấn công, đào tạo chiến binh và thiết lập một hệ thống tinh vi nhằm theo dõi liên lạc của quân nổi dậy.

Tin tình báo còn tiết lộ bản thân Suleimani thực hiện nhiều chuyến đi bí mật đến Damascus để gặp gỡ Tổng thống Assad của Syria. Suleimani bay sang Damascus thường xuyên đến nỗi ông có thể đảm đương quyền kiểm soát cá nhân về sự can thiệp của Iran. Theo đó, tướng Suleimani đồng ý tăng cường sự hỗ trợ về quân sự cho nước này và tái khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Iran và Syria.

Ở Damascus, ông được cho là nắm giữ một vị trí chỉ huy lực trong một tòa nhà bí mật, nơi ông tập hợp một danh sách các sĩ quan đa quốc gia để đưa ra chiến trường, gồm các chỉ huy quân đội Syria, một tư lệnh Hezbollah, và một điều phối viên các phiến quân Shiite của Iraq.

Suleimani tổ chức lại bộ máy quân sự cho Syria, chấn chỉnh hàng ngũ quân đội, xây dựng kế hoạch tác chiến - phòng thủ và lập phương án bảo vệ thành lũy Damascus. Với kế hoạch tấn công mới được "cố vấn quân sự" Quds hỗ trợ, quân đội chính quy Syria bắt đầu lấy lại được nhiều vùng đã mất. Chưa dừng lại ở đó, Suleimani yêu cầu mở một tuyến đường cung cấp quân lương cho Syria thông qua biên giới phía Bắc Iraq. Ông còn xin Iran hỗ trợ thêm đơn vị bán vũ trang Basij để "chinh phục" cả đất nước Syria, tăng cường sức mạnh quân sự ở đây.

Tuy nhiên, khi chính phủ Assad bắt đầu chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học thì người đưa ra ý kiến phản đối đầu tiên chính là Suleimani. Sau này, để cứu đồng minh vì đã không nghe lời can ngăn, Suleimani làm mọi cách có thể: phái sĩ quan Quds sang hỗ trợ, kêu gọi Hezbollah lẫn các tay súng Shiite giúp đỡ, viện trợ tài chính và quân cụ. Với ảnh hưởng lên chính trường Iraq, Suleimani cũng thuyết phục được Baghdad cho Iran sử dụng không phận chở người và vũ khí đến Damascus.

Đích thân bộ trưởng giao thông Iraq, đồng thời là bạn thân nhất của Sulemani, đã "bảo kê" cho các chuyến bay trên, và phát biểu rằng: "Tôi rất quý Qassem Suleimani. Tôi sẽ làm mọi việc để hỗ trợ ông ấy".

Không quá bất ngờ khi Suleimani muốn níu kéo Assad bởi vì ông không muốn mất đi một đồng minh quan trọng nhất trong khu vực. Từ bỏ Syria không có trong từ điển làm chính sự của Suleimani, và ông từng nói rất cứng rắn thế này: "Syria là mặt trận của một cuộc kháng chiến và thực tế này không thể bị chối bỏ. Chúng ta có nhiệm vụ phải bảo vệ Hồi giáo bởi người Hồi giáo đang bị áp bức và chà đạp. Chúng ta phải bảo vệ Syria đến cùng!".

Suleimani đứng đằng sau mọi hoạt động bí mật của lực lượng Quds cũng như nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran ra khu vực Trung Đông.

Một nhân vật đáng gờm

Mặc dù khó biết được chính xác hoạt động của người đứng đầu lực lượng Quds, nhưng vai trò của tướng Qassem Suleimani ở Syria là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông nằm trong số những nhân vật quan trọng điều khiển Iran. Trong sự đối đầu địa chính trị âm ỉ giữa Mỹ và Iran, Qassem Suleimani được coi là một trong những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của nước cộng hòa Hồi giáo này nhằm mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Vai trò chủ chốt của Suleimani trong việc giám sát chiến lược địa phương của thủ đô Tehran và mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cao cấp đã biến ông thành nhân vật có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Iran. Giới tình báo phương Tây cho rằng, Suleimani luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran là Ayatollah Ali Khamenei. Cùng với giới lãnh đạo Iran, Suleimani quyết liệt chống đối bất cứ sự hiện diện nào của Mỹ trong khu vực, và chỉ hợp tác nếu điều đó đem lại lợi ích cho Tehran.

Suleimani đã tìm cách định hình lại Trung Đông theo ý của Iran, hoạt động như một nhà môi giới quyền lực và một lực lượng quân sự: ám sát các đối thủ, vũ trang cho các đồng minh, và trong gần một thập niên, chỉ huy một mạng lưới các nhóm phiến quân nhắm tới hàng trăm người Mỹ ở Iraq. Suleimani dường như được xếp vào hạng mục đặc biệt, một kẻ thù vừa đáng sợ vừa đáng ngưỡng mộ.

Mowwafak al-Rubaie - cựu Cố vấn An ninh quốc gia Iran được diện kiến Suleimani 3 lần trong những năm gần đây - nhận định Suleimani là nhà tư tưởng chiến lược sâu sắc và cũng là người sẵn sàng tử vì đạo của chính quyền Iran, gọi ông bằng biệt danh "ngọn giáo của Iran".

Trong khi đó, giới quan chức tình báo Mỹ và Anh so sánh vị tướng này với siêu điệp viên Xôviết hư cấu Karla trong tiểu thuyết về Chiến tranh lạnh của nhà văn John le Carré. Cả hai đều là bậc thầy chơi cờ và đều có chung mục đích là đối đầu với Washington D.C. Đầu năm 2008, tướng Suleimani gửi một thông điệp đến chỉ huy các lực lượng Mỹ đóng ở Iraq lúc đó là tướng David Petraeus, trong đó nhấn mạnh ông chính là người kiểm soát chính sách của Iran đối với Iraq, dải Gaza và Afghanistan.

Sau vụ này, David Petraeus cũng phải thừa nhận vai trò và ảnh hưởng của cái bóng Suleimani tại khu vực. Ông cho rằng phía Mỹ, ngoài việc nhìn nhận vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria, cũng cần phải có cái nhìn tương tự đối với Iran mà nhấn trọng tâm vào nhân vật Sulemani.

Trong một động thái hưởng ứng gần đây, Tổng thống Barack Obama ra một thông cáo tuyên bố đang cố gắng loại bỏ sức mạnh của Qassem Suleimani để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực Trung Đông. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách ngăn cản lực lượng Quds chuyển vũ khí vào Syria. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã 3 lần trừng phạt Suleimani.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ đã có biện pháp trừng phạt Công ty hàng không Yas Air của Iran do đơn vị này cung cấp phương tiện vận chuyển vũ khí đến Syria và được coi là nằm dưới sự kiểm soát của tướng Qassem Suleimani…

Anh Doãn - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.