Nhánh khủng bố Shebab hư trương thanh thế

Thứ Hai, 07/10/2013, 20:30

Vụ khủng bố đẫm máu xảy ra đầu tuần này tại Nairobi (Kenya) của những chiến binh Hồi giáo Somalia đã làm lộ ra một nhánh mới của Al-Qaeda tại châu Phi. Khi nhận trách nhiệm về vụ việc kinh hoàng đó trên mạng Internet, phe Hồi giáo Shebab đã chứng tỏ khả năng tấn công các mục tiêu nước ngoài tại vùng sừng châu Phi (Đông Phi). những tên khủng bố cảm tử đó là ai?

Khủng bố tự sát nhằm gây... tiếng vang

Phong trào này, có nghĩa là "tuổi trẻ" theo tiếng Arập, có nguồn gốc từ Liên minh các Tòa án Hồi giáo (UTI) được hình thành vào thập niên 2000 tại Somalia và chiếm lấy chính quyền vào năm 2006. Chế độ này không bị dân chúng ghét bỏ vì nó mang lại một trật tự tôn giáo nào đó, chấm dứt quyền hành của dân quân bộ tộc được thống lĩnh bởi các lãnh chúa. Nhưng sự trỗi dậy của một chính quyền mong muốn áp đặt luật Hồi giáo (sharia) khiến cho các nước láng giềng âu lo vì e sợ một sự lan nhiễm.

Được hỗ trợ bởi Mỹ, quân đội Ethiopia vượt biên giới sang lật đổ chính quyền Hồi giáo Somalia vào tháng 12/2006. Sự can thiệp này đã phân liên minh ra làm đôi: những kẻ ôn hòa chấp nhận sự hiện diện của quân đội Ethiopia; phần còn lại cực đoan hơn quyết định cầm lấy vũ khí để chống lại kẻ xâm lược. Cuộc thánh chiến của phe Shebab đã bắt đầu từ đây.

Việc tài trợ cho phe này được đảm bảo qua những vụ buôn lậu ma túy, cướp biển, kinh doanh vốn rất thịnh hành tại vùng Sừng. Chống lại Tổng thống Sharif Sheikh Ahmed, phe Shebab đã có nhiều chiến thắng tại miền Trung và Nam. Để đối đầu với lực lượng nổi dậy này, Lực lượng Liên minh châu Phi (Amisom) sang chiến đấu bên cạnh quân đội Somalia để đuổi phe Shebab ra khỏi Mogadiscio.

Cuối năm 2011, đến lượt quân đội Kenya đuổi Shebab ra khỏi thành phố cảng Kismaayo, cứ địa cuối cùng của phe Hồi giáo này. Vào thời ấy, Shebab thề sẽ buộc Kenya phải trả giá cho nỗi nhục đó.

Bị suy yếu nhiều, Shebab chính thức được Al-Qaeda hậu thuẫn từ tháng 2/2012. Họ được tiếp viện bởi nhiều chiến binh thánh chiến nước ngoài từ Afghanistan, Yemen hay thậm chí châu Âu. "Về mặt chiến lược Al-Qaeda đã hòa trộn vào Shebab vì biết phe này đã yếu đi. Sự liên kết này sẽ là gánh nặng cho phương thức hoạt động của Al-Qaeda. Do yếu hơn đối phương trên thực địa nên Shebab chọn cách khủng bố tự sát" - chuyên gia về vùng Sừng châu Phi Marc Lavergne cho biết.

Vào năm 2013, Shebab gia tăng những vụ tấn công ngoạn mục ở Mogadiscio (Somalia). Vào tháng 4, chúng tấn công một tòa án trước khi nhắm đến trụ sở LHQ vào tháng 6. Phấn khởi với chiến tích, đầu tháng 9 chúng ám sát Tổng thống Hassan Cheikh Mohamoud rồi tiến hành một vụ khủng bố kép làm chết 18 người tại Mogadiscio. Tuy phe này đã nhắm đến thủ đô Kenya, đặc biệt là các chuyến xe buýt, nhưng chưa bao giờ đạt đến quy mô như vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate mới đây.

"Chúng tôi cảnh báo Chính phủ Kenya và những ai ủng hộ ông ta. Nếu họ muốn có yên bình thì hãy rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi, ngừng can thiệp vào nội tình của chúng tôi, trả tự do cho các tù nhân của chúng tôi và ngưng tất cả mọi hình thức chiến đấu chống lại tôn giáo của chúng tôi" - phát ngôn viên Ali Mohamud Rage của Shebab tuyên bố trên Internet.

Thủ tướng Somalia Abdi Farah Chirdon đang dự họp tại LHQ về vấn đề Somalia đã đáp lại rằng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công Westgate ở nước láng giềng Kenya phải trả lời cho hành động của chúng. Ông nói thêm rằng "bọn khủng bố không có biên giới" và nhấn mạnh "thảm kịch đó đã giúp hai quốc gia xích gần lại hơn".

Thủ tướng Kenya được hỗ trợ bởi Liên minh châu Phi với 17.000 quân được phái đến Somalia, đã hứa sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống phe khủng bố Shebab. "Quan điểm của LHQ và tôi đối với phe Shebab tại Somalia là phải gia tăng các chiến dịch về mặt quân sự và cả chính trị".

Góa phụ đi tìm “thiên đường ngày mai”

Trong thành phần thực hiện vụ tấn công khủng bố, sự hiện diện của vài người nước ngoài và thủ lĩnh là một phụ nữ Anh mà Ngoại trưởng Kenya nói đến vẫn chưa được xác nhận chính thức.

Cũng cần nói qua về người phụ nữ bí ẩn này. Cô ta là người Bắc Ireland, 29 tuổi. Phía sau cặp mắt xanh biếc và đôi môi tô son đỏ chói là một trong những kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công Westgate. "Sherafiyah Lewthwaite, tự là Samantha, là một phụ nữ quả cảm. Chúng tôi rất sung sướng khi có cô trong hàng ngũ" - phe Shebab tuyên bố trên mạng xã hội Twitter trước khi tài khoản bị xóa bỏ.

Chào đời vào tháng 12/1983 tại Bắc Ireland, Sherafiyah Lewthwaite đã có thời thơ ấu bình dị tại Aylesbury, đông nam nước Anh cùng với bà mẹ Christine và người cha Andrew là lính trong quân đội Anh. Nhưng sự chia tay của 2 người đã ảnh hưởng đến Samantha. Cô đến sống với những người láng giềng và bị lôi cuốn bởi hơi ấm gia đình của họ. Bên cạnh họ, cô đã làm quen với đạo Hồi.          

"Đó là một đứa trẻ tràn đầy niềm vui, một người rất dễ thương, được cộng đồng Pakistan và Hồi giáo quý mến" - cố vấn thành phố Raj Khan trả lời với phóng viên BBC. Năm 15 tuổi, Samantha quy đạo: cô quyết định choàng khăn trùm mặt, rồi sau đó trùm kín cả người chỉ để lộ ra gương mặt và 2 bàn tay. Đến năm 18 tuổi, cô ghi danh vào Trường cao đẳng Đông phương học và Phi châu học ở London để học về chính trị và tôn giáo.

Rất thích các diễn đàn Hồi giáo, năm 2002 cô có một cuộc gặp gỡ sẽ làm thay đổi đời cô. Trên Internet, cô làm quen với Jermaine Lindsay, một thợ mộc người Anh gốc Jamaica. Cả hai gặp nhau lần đầu tiên trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq. Tiếng sét ái tình đã xảy ra. Không mất thời gian chờ đợi, hai người kết hôn trong một nghi lễ tôn giáo tại Aylesbury.

Có thai đứa con đầu lòng, Samantha Lewthwaite thường xuyên đến đền thờ Regent's Park ở London và đền thờ Leeds. Năm 2004, cô gặp Mohammad Sidique Khan, một người Anh gốc Pakistan. Gã này được xem như là bộ não chỉ đạo vụ khủng bố ngày 7/7/2005 tại London làm chết 56 người. Một năm sau đến lượt ông chồng Jermaine Lindsay cho nổ bom trên tuyến tàu điện ngầm Piccadilly ở trung tâm London. Vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Anh đó đã làm chết 27 người, trong số đó có cả tên khủng bố.

Hắn ta chết để lại một góa phụ đang mang thai đứa con thứ hai. Được Scotland Yard che chở sau khi "hợp tác" với cảnh sát, Samantha vẫn thoát được sự kiểm soát của họ. Cô biến mất một thời gian trước khi xuất hiện lại vào tháng 8/2011 tại Kenya. Giờ đây cô mang tên là Nathalie Faye Webb, công dân Nam Phi, kết hôn với Habib Ghani, một kẻ thánh chiến gốc Anh có biệt danh "Osama". Samantha có với người chồng một đứa con gái. Khi hỏi 2 người con lớn định sẽ làm gì trong đời, cả 2 trả lời ngay: "Chiến binh của Thượng đế".

Năm 2011 vợ chồng Samantha gặp thêm một người Anh nữa, Jermaine Grant, 30 tuổi, đã nhập đạo Hồi trong nhà tù Feltham, nơi cũng đã tiếp nhận Richard Reid, người đã định cho nổ chuyến phi cơ Paris-Miami vào tháng 12/2001. Cả 3 lập phương án tấn công quy mô nhắm vào các mục tiêu phương Tây tại thành phố Mombasa vào dịp lễ cuối năm. Thế nhưng họ không có thời gian thực hiện ý đồ. Cảnh sát đã tấn công vào nơi ẩn náu của họ tháng 12/2011. Tại đấy cảnh sát khám phá ra một kho thuốc nổ rất lớn. Jermaine Grant bị bắt tại chỗ. Không có dấu vết của Habib Ghani lẫn Samantha Lewthwaite.

Theo dấu vân tay, Samantha bị cáo buộc có hoạt động khủng bố nhằm cho nổ bom tại các trung tâm thương mại và khách sạn có du khách nước ngoài tại Kenya. Giờ đây cô ta được mệnh danh là "Góa phụ trắng" để liên tưởng đến những "góa phụ đen", tức các cô gái khủng bố tự sát người Chesnya đến Nga để phục thù cho cái chết của chồng họ.

Nhưng Samantha lại biến mất lần nữa trước khi tái xuất giang hồ vào tháng 9/2012 trên Internet. Trong một bài thơ có tựa đề "Thiên đàng ngày mai" được đăng trên Twitter, Samantha bảo rằng đã chán cuộc sống trốn chui trốn nhủi. Cô cho biết muốn hội ngộ trên thiên đàng với Aboud Rogo Mohammed, cựu thủ lĩnh Shebab đã bị giết

Mê Linh (tổng hợp)
.
.