Nhanh nhẩu đoảng, chậm chạp hư

Chủ Nhật, 11/12/2005, 13:00

Cục An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency, viết tắt NSA) vừa cho công bố gần 100 trang tài liệu nguyên là tối mật liên quan tới sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964. Washington thêm một lần phải "muối mặt" công nhận rằng, lý do để Mỹ đưa quân xâm lược Việt Nam thuở đó là ngụy tạo, do sai lầm của các lực lượng An ninh tình báo Mỹ.

Nghe gà hóa cuốc

Theo tờ "New York Times" số ra ngày 2/12, khi ấy, tình báo Mỹ đã cung cấp cho Nhà Trắng thông tin về việc hai tầu chiến Mỹ đang ở trong khu vực Vịnh Bắc Bộ đã bị tấn công hai lần, vào ngày 2 và 4/8/1964. Nhà Trắng đã lợi dụng thông tin này để Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson tuyên chiến với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, triển khai không quân ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam. Và ngay sau đó, Quốc hội Mỹ chấp thuận việc tiến hành chiến sự quy mô lớn ở Việt Nam... Tới năm 1968 đã có tới hơn 550 quân nhân Mỹ được đưa sang chiến trường Việt Nam. Những con số thống kê có thể còn chưa đầy đủ cho biết, cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm 58 nghìn lính Mỹ và hơn 3 triệu người Việt Nam thiệt mạng...

Tuy nhiên, ngay từ năm 2001, trong một bài viết lưu hành nội bộ NSA, một nhà nghiên cứu lịch sử tên là Robert J. Hanyok đã khẳng định rằng, tình báo Mỹ đã không dịch đúng những cuộc trò chuyện thu trộm được giữa những người Cộng sản Việt Nam và cố tình cung cấp cho Nhà Trắng những thông tin sai lệch trên cơ sở những sự kiện không được kiểm chứng kỹ càng. Sự thật là không hề có vụ tấn công tầu chiến Mỹ hôm 4/8/964...

Bài báo trên vừa được bóc dấu “tối mật” đã khiến dư luận Mỹ sửng sốt. Chiến tranh Việt Nam không phải là cuộc chiến tranh đầu tiên và cũng không phải là cuối cùng được bắt đầu trên cơ sở những lý do ngụy tạo. Trong danh sách những cuộc chiến tranh tương tự còn có cuộc tấn công của Mỹ vào quốc đảo Grenada, chiến tranh giữa Anh và Argentina ở đảo Folkland... Cuộc chiến Iraq hiện nay cũng từng được phát động trên cơ sở lời buộc tội "khẩu thiệt vô bằng" về việc Iraq dưới thời ông Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Cho tới nay, bất chấp mọi nỗ lực thanh sát, vẫn không hề có bất cứ một vật chứng nào củng cố lời buộc tội trên...

Nhanh nhẩu lắm khi là đoảng vị! Đấy là chưa kể tới nhiều trường hợp, khi mà các cơ quan an ninh tình báo đã lợi dụng nghiệp vụ để làm tổn hại quyền lợi quốc gia chung. Từ năm 1949 tới năm 1974, Quốc hội Mỹ từng phải bốn lần tiến hành nghe điều trần vì những vụ tai tiếng quốc tế do CIA gây nên.

Theo tác giả của tập sách "Ai theo dõi các điệp viên?", cho tới giữa những năm 70 của thế kỷ trước, rất nhiều cơ quan tình báo phương Tây đã là "quốc gia trong lòng quốc gia" với những đặc quyền giúp cho ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng không thể kiểm soát được. Điều này thực sự nguy hại tới xã hội.

Vẫn cần luật chơi riêng

Trong thế giới tư bản, về mặt nguyên tắc, hoạt động của các cơ quan an ninh tình báo thường đi trái với những quy chế phổ cập về quyền con người và dân chủ. Thí dụ, các cơ quan an ninh đã vi phạm luật đời tư bất khả xâm phạm khi buộc phải dùng camera theo dõi mọi người. Chính vì thế nên nhiều nước phương Tây đã cố gắng xây dựng những bộ luật có chất lượng cao để kiểm soát hoạt động của các cơ quan an ninh trong những khuôn khổ nhất định. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, luôn tồn tại nguy cơ các viên chức có quyền kiểm tra giám sát các cơ quan an ninh lại lợi dụng các đạo luật đó để tư lợi về chính trị hoặc kinh tế.

Nhưng tình hình đã thay đổi một cách cơ bản kể từ ngày 11/9/2001, khi xuất hiện "chủ nghĩa khủng bố mới". Khi đó, tất cả đều phải hiểu ra rằng, ranh giới mong manh giữa chiến tranh và hòa bình trên quy mô toàn cầu dường như đã bị xóa nhòa và không chỉ những quốc gia hay những tổ chức chính thống mới có thể gây nên chiến sự, mà ngay cả những tổ chức, nhóm, lực lượng nhỏ lẻ cũng có thể gây nên những chấn động quy mô lớn.

Nhu cầu chống khủng bố đã làm nảy sinh những vụ bắt bớ chỉ trên cơ sở hoài nghi từ phía các cơ quan an ninh tình báo về một đối tượng nào đó. Một số định chế nhà nước đã và đang tỏ ra không kịp thích ứng với những nguy cơ và mối đe dọa mới, và vì thế, rất dễ làm nảy sinh ra những vụ việc mới. Một số nhà nghiên cứu chuyên ngành cho rằng, nếu các định chế nhà nước có được khả năng phản ứng nhạy bén như các cơ quan an ninh tình báo thì chắc hẳn đã tránh được nhiều thảm họa.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ Loch Johnson đã xác định được rằng, năm 1995, Trung tâm chống khủng bố của CIA đã cảnh báo về việc chẳng bao lâu nữa Hoa Kỳ có thể trở thành mục tiêu tấn công khủng bố đường không vì các mạng lưới khủng bố đã lập kế hoạch cướp một số phi cơ và lái chúng nhằm vào các tòa nhà cao tầng. Trong giai đoạn từ năm 1995 tới 2001, CIA đã 12 lần gửi tới ban lãnh đạo chính trị cao cấp nhất Hoa Kỳ những cảnh báo tương tự, nhưng không hề nhận được một phản ứng thích đáng nào. Và như vậy, thảm họa 11/9/2001 không chỉ minh chứng cho sự bất lực của các cơ quan an ninh tình báo, mà còn chứng tỏ sự "chậm chạp hư" của bộ máy điều hành chính sự ở Mỹ.

Vấn đề hiện nay ở chỗ, luật chơi riêng dành cho các cơ quan An ninh tình báo cần được xác định rành mạch sao cho không làm tổn hại đến lợi ích chung của toàn xã hội, toàn quốc gia

Nguyễn Trung Tín (Tổng hợp tư liệu nước ngoài)
.
.