Nhật Bản: Thành lập Cơ quan Tình báo đối ngoại

Thứ Năm, 17/03/2011, 02:50
Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản cho thành lập một cơ quan tình báo đối ngoại của riêng mình theo kiểu mẫu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh.

Theo các tài liệu mật mới được công bố trên WikiLeaks, cơ quan tình báo của đất nước mặt trời mọc sẽ tập trung mũi nhọn hoạt động của mình vào việc thu thập thông tin về các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, cũng như tham gia ngăn chặn các đợt tấn công của bọn khủng bố. 

Tờ The Sydney Morning Herald của Australia hôm 21/2 vừa qua đã công bố một tài liệu mật gây chú ý đặc biệt  dựa trên các tiết lộ mới nhất của WikiLeaks. Cụ thể đó là một công văn khẩn của Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo, trong đó cho biết Nhật đã khởi động một dự án nhằm thành lập cơ quan tình báo đối ngoại của riêng mình.

Quyết định quan trọng trên đã được thông qua từ tháng 9/2008 dưới thời nội các của Thủ tướng Yasuo Fukuda, và sau đó cũng được người kế nhiệm Taro Aso ủng hộ. Theo kế hoạch, Cơ quan Tình báo đối ngoại sẽ được Tokyo xây dựng từng bước do Nhật chưa hề có kinh nghiệm hay kiến thức cần thiết để tiến hành các chiến dịch tình báo. Ban đầu, cơ quan này được phát triển từ Cục Nghiên cứu thông tin trực thuộc quyền điều hành của thủ tướng (còn gọi là Naicho), có các kiểu mẫu được mô phỏng theo hai cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ và Anh là CIA và MI-6. Trong quá trình này, CIA sẽ tham gia hỗ trợ cho cơ quan tình báo non trẻ này.

Như vậy, đây là cơ quan tình báo đối ngoại đầu tiên của Nhật kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước đó, do lo ngại những bê bối về ngoại giao, Chính phủ Nhật đã không xúc tiến bước đi này. Nhưng đến tháng 10/2008, sau các cuộc hội đàm với người đứng đầu Cục Nghiên cứu thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó là Randall Fort, người đồng cấp bên phía Nhật là Hideshi Mitani tuyên bố, việc thành lập cơ quan tình báo là mục tiêu ưu tiên của Nhật Bản.

Nhiệm vụ chính của cơ quan tình báo mới này của Nhật là tập trung theo dõi các nước láng giềng như Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, cũng như ngăn ngừa hoạt động khủng bố. Ông Mitani từng thừa nhận, Tokyo trước đó nhận được những thông tin đầy đủ nhất về nguyên thủ Kim Jong Il của CHDCND Triều Tiên không phải từ những nguồn tin mật, mà chỉ từ cuốn hồi ký của tay đầu bếp cũ người Nhật của ông này, một nhân vật có bút danh là  Kenji Fujimoto.

Hãng tin AFP dẫn lời một chuyên gia cao cấp giấu tên cho biết, tình báo Nhật trước mắt sẽ không tuyển mộ những nguồn tin là người nước ngoài. Cơ quan này dự tính thu thập thông tin qua mạng lưới đông đảo các thương gia và phóng viên của Nhật Bản trên khắp thế giới. Còn nguồn kinh phí hoạt động cho mạng lưới này sẽ lấy từ các quỹ bí mật của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Nhật.

Theo các chuyên gia nước ngoài, Nhật Bản trên thực tế cũng đã có một vài cơ quan tình báo nhỏ. Đầu tiên có thể kể tới Cục Nghiên cứu thông tin đã nhắc ở trên, cũng như một số cơ quan tình báo của quân đội, hải quân và Bộ Ngoại giao - tất cả đều dần mở rộng phạm vi hoạt động theo thời gian. Nếu như Naicho trước đây chỉ tập trung vào phân tích nghiên cứu, thì các cơ quan tình báo của quân đội đã được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong đó có cả vệ tinh. Nhật hiện đang sử dụng một nhóm vệ tinh của mình để làm nhiệm vụ do thám các vùng lãnh thổ của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và khu vực Viễn Đông của Nga

Thái Quân (tổng hợp)
.
.