Nhiều vụ mất tích bí ẩn tại rừng Clapham

Thứ Tư, 25/11/2009, 16:45
Clapham là một ngôi làng nhỏ có dân số 357 người ở phía tây hạt Arun, vùng Sussex của Anh. Đây là một ngôi làng cổ được hình thành từ thế kỷ XIII nằm sát cạnh một khu rừng rộng đến 1.715 ha được gọi là rừng Clapham. Rừng Clapham chỉ được biết tiếng tại Anh từ thập niên 70 thế kỷ trước khi tại đây xảy ra nhiều vụ mất tích bí ẩn của người và vật nuôi kèm theo những hiện tượng tự nhiên kỳ lạ thu hút sự quan tâm của người dân Anh, cảnh sát và cả các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng.

Vào ngày 11/6/1972, trung sĩ cảnh sát Peter Goldsmith, 49 tuổi, một cựu lính đặc nhiệm Hải quân hoàng gia, một vận động viên thể thao, đã mất tích không để lại dấu vết khi đi tuần bằng xe đạp vào rừng Clapham. Vụ mất tích của Goldsmith đã gây sốc cho cư dân làng Clapham vì từ bao đời nay dân chúng Clapham vẫn an toàn khi vào rừng hái nấm hay dạo chơi.

Đến tháng 12/1972, xác của Goldsmith mới được tìm thấy trong một cái hố nhỏ được phủ bởi một bụi gai. Tuy nhiên, điều tra của cảnh sát lại không xác định được Goldsmith chết vì nguyên nhân gì do xác bị phân hủy.

Gần 3 năm sau, ngày 21/8/1975, xác của Leon Foster, 56 tuổi, cư dân làng Clapham đã nghỉ hưu được phát hiện trong một hốc đá cạnh một con suối nhỏ nằm trong rừng Clapham sau 3 tháng bị mất tích mà không tìm thấy vết tích. Lần này cảnh sát vẫn không xác định được nguyên nhân cái chết của Foster do xác bị phân hủy.

Vụ mất tích thứ ba xảy ra đối với giám mục của giáo xứ Clapham tên Harry Neil Snelling vào ngày 18/11/1978. Sáng hôm đó, mục sư Snelling báo cho mọi người biết sẽ đến thị trấn Goring lân cận để chữa răng. Vào thời kỳ đó, con đường ngắn nhất từ làng Clapham đến thị trấn Goring là phải đi băng qua rừng Clapham.

Gần 2 ngày không thấy bóng dáng của mục sư  Snelling quay trở về nên người trong giáo xứ liền báo tin cho cảnh sát. Cảnh sát đã đến tận phòng khám răng tại thị trấn Goring để điều tra thì chỉ được trả lời là sau khi được chữa răng, mục sư đã đạp xe quay về làng Clapham vào buổi trưa. Xác của mục sư Snelling được phát hiện trong một hốc cây vào tháng 2/1981, bởi một dân làng Clapham vào rừng để tìm con ngựa chạy lạc và biến mất không còn dấu vết. Cũng như hai lần trước, do thi thể đã bị phân hủy nặng nên cảnh sát không xác định được nguyên nhân cái chết của mục sư Snelling.

Vụ mất tích thứ tư xảy ra vào tháng 9/1982. Jillian Matthews, một phụ nữ 37 tuổi đã ly dị, mắc chứng hoang tưởng hay lang thang một mình vào rừng Clapham. Vào ngày 13/9/1982, Jillian được gia đình báo tin đã không quay về nhà. Mãi đến tháng 4/1983, xác của Jillian mới được tìm thấy trong một bụi mận gai. Cũng giống như các lần trước, do thi thể đã phân hủy và gặm nát bởi côn trùng nên cái chết của Jillian vẫn không xác định được nguyên nhân.

Các vụ mất tích liên tiếp xảy ra tại rừng Clapham mà không xác định được nguyên nhân đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà điều tra độc lập và cả những người hiếu kỳ đổ xô đến rừng Clapham để cố giải thích nguyên nhân của các vụ mất tích và được nghe dân làng Clapham kể về những hiện tượng khác lạ xảy ra tại rừng Clapham suốt một thời gian dài.

Từ thập niên 60, tại rừng Clapham đã xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ như những chùm ánh sáng chói lòa xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Nhiều người cho rằng, đó có thể là ánh sáng phát ra từ các vật thể bay lạ.

Tại một số khu vực của rừng Clapham còn xuất hiện hiện tượng một lực vô hình nào đó đẩy những người vào rừng hái nấm hay dạo chơi ngã chúi về phía trước hay giật lùi về phía sau kèm theo hiện tượng buồn nôn khó hiểu. Thường thì vào chiều tối hay những ngày nhiều mây xuất hiện trong rừng Clapham nhiều hình thù kỳ lạ trên những tán cây khiến nhiều người khiếp sợ. Chưa hết, vào đầu thập niên 70, tại rừng Clapham còn xuất hiện nhiều trường hợp các vật nuôi như chó, mèo, ngựa... chạy lạc vào rừng đã biến mất mà không để lại bất cứ dấu vết nào.

Năm 1989, trong cuốn sách có tựa đề  “Năng lực siêu nhiên hay hiện tượng tự nhiên”, nhà báo Toyne Newton, nhà khoa học Charles Walker và nhà điều tra độc lập Alan Brown đã đưa ra các giả thuyết để giải thích các vụ mất tích bí ẩn và những hiện tượng tự nhiên kỳ lạ tại rừng Clapham như sau:

- Tại rừng Clapham đã tồn tại các cấu trúc địa lý bằng đá vôi tại một số khu vực. Theo thời gian, đá vôi đã sản sinh chất Potassium 40 mà khi hòa quyện vào không khí sẽ tạo ra hiện tượng buồn nôn và gây ảo giác là chúi mũi về phía trước hay ngã giật về phía sau cho những người hít phải.

- Từ cuối thập niên 60, rừng Clapham là nơi tụ tập và ẩn náu của một giáo phái có tên gọi Những người bạn của Hacate (FoH). Thành viên của giáo phái này là cư dân nhiều làng lân cận với rừng Clapham. Giáo phái này thường bắt các vật nuôi chạy lạc vào rừng, giết chết để cúng tế. Có khả năng 4 dân làng Clapham bị mất tích từ năm 1972 đến 1982 đã bị giết chết khi phát hiện sự hiện diện của giáo phái này trong rừng Clapham.

Tuy cuốn sách “Năng lực siêu nhiên hay hiện tượng tự nhiên” thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhưng theo nhận định của cảnh sát thì đó vẫn chỉ là giả thuyết, đã nhiều lần cảnh sát tiến hành điều tra lục soát tại rừng Clapham, nhưng không hề phát hiện những dấu vết chứng tỏ có sự hiện diện của một giáo phái tại rừng Clapham là nguyên nhân gây nên các vụ mất tích kỳ lạ cùng vô số hiện tượng bí ẩn khác. Cho đến nay, những bí mật của rừng Clapham vẫn chưa được giải mã

Hoàng Phú (theo Paranormal Phenomenia)
.
.