Nhọc nhằn hành trình đến với “miền đất hứa”

Thứ Năm, 17/05/2018, 12:40
Châu Âu được biết đến là khu vực giàu có, an toàn và dễ tiếp cận nhất đối với cư dân tới từ Trung Đông và châu Phi. Một số nước châu Âu còn có chính sách chào đón người tị nạn. Vì vậy, lục địa già trở thành “miền đất hứa” của hàng trăm nghìn người tị nạn từ những nơi chìm trong bạo lực và nghèo đói của Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, hành trình đến với “miền đất hứa” không hề đơn giản. BBC mới đây đăng tải bài viết của phóng viên Colin Freeman, kể về những nhọc nhằn của những người di cư Nigeria trên hành trình tìm đường đến với châu Âu.

Hơn 3.000 người di cư Nigeria đã không đến được châu Âu và họ vừa được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đưa về nước. Trước đó, nhiều người trong số họ đã phải bán tất cả tài sản để chuẩn bị cho chuyến đi và giờ đây họ không biết phải đối diện với gia đình như thế nào?

Những người di cư Nigeria khám sức khỏe tại thành phố Benin sau khi được đưa về nước. Ảnh: Getty Images.

Evans William, một người di cư Nigeria kể, anh đã bán tất cả mọi thứ, từ giường, tủ lạnh, tivi, cho đến quần áo, điện thoại di động. Sau khi vay mượn thêm, cuối cùng anh cũng có đủ tiền trả cho các tay buôn lậu đưa anh rời Nigeria qua sa mạc Sahara đến Libya. Evans William đã tiêu tốn tổng cộng mất 750 bảng Anh (khoảng 1.000 USD)  nhưng điều đó không khiến anh lo lắng. Anh nghĩ rằng một khi đặt chân được đến châu Âu, anh có thể nhanh chóng kiếm đủ tiền vừa để trả nợ vừa để có vốn quay về nước làm ăn.

Song mọi việc lại hoàn toàn không như thế. Sau 6 tháng khốn khổ ở Libya, nơi anh bị các tay buôn lậu bắt làm việc không công, cuối cùng Evans William cũng lên được một chiếc thuyền chòng chành để băng qua Địa Trung Hải. Thế nhưng, chiếc thuyền đã bị Cảnh sát biển Libya chặn lại. Evans William và 140 người di cư khác bị đưa vào một trại tạm giữ.

Đến lúc ấy thì Evans William đã quá chán ngán. Khi tác giả gặp Evans William hồi tháng 4-2018 thì anh vừa mới trở về thành phố Benin ở miền Nam Nigeria, nơi anh và hàng trăm người di cư khác đang lưu trú tại một khách sạn được chính phủ trưng dụng. Trước đó, họ đã được IOM, một cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên giúp đỡ những người di cư bất hợp pháp có mong muốn về nước, đưa trở lại Nigeria bằng đường hàng không.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya giải cứu những người di cư gặp nạn ngoài khơi trên đường đến châu Âu. Ảnh: Getty Images.

Ngoài vé máy bay miễn phí, họ còn được ở lại khách sạn vài đêm và được nhận 200 bảng Anh tiền tiêu vặt để tạm ổn định cuộc sống. Họ cũng được hỗ trợ học nghề để có cơ hội kiếm sống tốt hơn. Nguồn tài chính này được trích ra từ một quỹ trị giá 3 tỉ bảng Anh do Liên minh châu Âu (EU) thành lập vào năm 2015 – thời điểm cuộc khủng hoảng người di cư trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

EU hy vọng rằng bằng cách đem lại những cơ hội tốt hơn ở quê nhà có thể thuyết phục những người di cư rời Libya  - nơi được cho là có đến 700.000 người đang chờ đợi để vượt Địa Trung Hải đến châu Âu - quay về nước. Cho đến nay, đã có hơn 3.000 người di cư Nigeria trở về nước và trong năm nay dự kiến sẽ có thêm 20.000 người khác hồi hương.

Cũng như Evans William,  nhiều người trở về hầu hết đều không một xu dính túi. Trong khi thể hiện sự đánh giá cao, những người di cư cho rằng hỗ trợ học nghề hiện chủ yếu vẫn là những nghề quá cơ bản như cắt tóc, may vá hay làm nông. Đối với những người từng mơ ước được đặt chân đến châu Âu, điều này có phần nào đó gây thất vọng.

Nhiều người chỉ còn cách cố sống cố chết đến bằng được châu Âu bởi vì bố mẹ đã phải bán hết gia sản để cho họ làm lộ phí đi đường. Không ai muốn quay về mà không có xu nào dính túi. Họ cũng không muốn phải thừa nhận bản thân đã bỏ lỡ những gì vốn được mặc nhận là cơ hội đổi đời có một không hai.

Evans William thậm chí còn không muốn về nhà cho dù đó có thể là nơi duy nhất anh sẽ có được chỗ ngả lưng một khi tiêu hết khoản tiền tiêu vặt. “Tôi vẫn không muốn ở lại Nigeria. Lần sau, tôi sẽ cố tìm cách đến châu Âu một cách hợp pháp”, Evans William nói.

Bi đát hơn vẫn là Abibu, một thanh niên trên cùng chuyến bay về nước với Evans William. Đó là chàng trai có một vết sẹo trên mặt và hay cau mày mỗi khi nói chuyện. Abibu cho biết, mẹ cậu ta đã phải bán mảnh đất duy nhất của bà để cho cậu làm lộ phí đến châu Âu. Cậu thậm chí còn không báo cho mẹ rằng mình đã về nước. “Nếu mẹ thấy tôi, bà ấy sẽ ốm vì lo lắng. Hàng xóm rồi sẽ bàn tán chuyện mẹ phải bán hết đất đai để tôi đi châu Âu thế mà tôi lại thất bại!”, Abibu chia sẻ.

Khi được hỏi về dự định tương lai, Abibu cho biết trước hết cậu sẽ tìm cách kiếm tiền bởi số tiền tiêu vặt được nhận chỉ bằng một phần nhỏ những gì cậu đã bỏ ra để đến Libya. Cậu nói sẽ cân nhắc tới đề xuất học nghề cắt tóc hoặc làm nông. Thế nhưng, cậu cũng nói một cách bất cần đời: “Biết đâu để có tiền tôi lại phạm pháp.

Có vẻ như cậu sẽ làm thật chứ không phải đùa và tác giả tự hỏi tại sao Abibu lại có vết sẹo trên mặt.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Peter - một linh mục người Nigeria - nói với Abibu rằng quyết định thoát ly khỏi quê nhà là do cậu chứ không phải vì ai khác. Ông khuyên cậu liên lạc với mẹ để bà ấy được vui khi biết cậu vẫn còn sống.

Bà ấy sẽ vui sao? Cách đây hai năm, tại một trại tạm giữ những người di cư ở Libya, tác giả cũng đã được một người Gambia nhờ chuyển lời nhắn tới gia đình. Khi nhấc máy, tác giả cứ nghĩ sẽ có những giọt nước mắt hạnh phúc. Thế nhưng, ở đầu dây bên kia, họ lại chỉ hỏi: “Thế thì sao, nó vẫn chưa đến được châu Âu à?”.

Vĩnh An
.
.