Những âm mưu đầu độc và sự phản bội đã tạo nên một Ivan bạo chúa?

Thứ Sáu, 05/08/2016, 07:00
Các sử gia cho rằng, tính khí hung bạo của Ivan IV, tức Ivan bạo chúa, hình thành một phần xuất phát từ tuổi thơ nhiều sóng gió của ông. Vị thái tử bé luôn có cảm giác cô độc, vì thường bị các Boyar của các dòng họ Shuisky và Belsky xúc phạm.

Có thể những tổn thương về tâm lý này đã khiến ông căm ghét các Boyar và bắt đầu hình thành tính tự vệ cực đoan, lúc nào cũng nhìn thấy xung quanh những kẻ luôn chực chờ ám hại mình để chiếm đoạt vương quyền.

Ivan IV là con trai của Hoàng đế Vasily III. Cậu bé được phong tước Đại Công tước Moskva theo khẩu dụ của vua cha. Khi Ivan mới lên ba thì vua cha băng hà. Mẹ ông, hoàng hậu Elena Glinskaya giữ vai trò nhiếp chính, nhưng bà cũng qua đời khi Ivan mới lên tám.

Ivan bạo chúa chết khi đang chơi cờ và cái chết này rất bí ẩn.

Sau đó, chức vụ nhiếp chính được các Boyar (tước vị quý tộc cao nhất của Nga hồi đó, chỉ sau những gia đình có quan hệ huyết thống với hoàng đế) thuộc gia đình Shuisky nắm giữ. Đại Công tước Ivan thường tâm sự với những người thân tín nhất rằng, từ nhỏ ông đã luôn có cảm giác cô độc, thường bị các Boyar của các dòng họ Shuisky và Belsky xúc phạm. Đến năm 14 tuổi, thái tử Ivan chính thức nắm quyền và đến năm 1547, lúc mới 16 tuổi thì xưng Sa hoàng, mở đầu cho một sự nghiệp hiển hách.

Vị hoàng đế trẻ đã xem xét lại các điều luật, thành lập một quân đội thường trực, thành lập nghị viện Nga đầu tiên cho các tiểu quốc phong kiến, hội đồng quý tộc, xác lập vị thế của Giáo hội với Hội đồng Trăm Tăng hội, thống nhất các lễ nghi và các quy định giáo hội trong toàn lãnh thổ Nga. Ivan IV ban hành quy chế tự quản tại các vùng nông thôn, chủ yếu ở các vùng Đông bắc Nga tập trung nông dân. Trong thời kỳ này, lần đầu tiên báo chí được in ấn.

Vào năm 1552, ông mở các cuộc tấn công và đánh bại Hãn quốc Kazan, sáp nhập lãnh thổ nước này vào nước Nga. Năm 1556, ông thôn tính Astrakhan và triệt tiêu chợ nô lệ lớn nhất trên sông Volga. Những cuộc chinh phục này đã biến nước Nga thành một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo. Ông cho xây dựng đại giáo đường Thánh Basil tại Moscow để kỷ niệm chiến thắng đã chinh phục Kazan.

Tính khí Ivan IV thay đổi rõ rệt nhất vào năm 1553 trong một trận ốm nặng đến mức tưởng không qua khỏi. Giây phút thập tử nhất sinh, trong đầu Ivan IV lóe lên ý nghĩ chính các Boyar âm mưu lật đổ mình, ông buộc họ thề phải trung thành với con trai ông, nhưng họ đã từ chối bởi nghĩ rằng Ivan IV sắp quy tiên. Khi ông bình phục, rất nhiều quý tộc đã bị giết hại.

Biến cố thứ hai xảy ra vào năm 1560, khi người vợ đầu tiên mà Ivan IV rất yêu quý qua đời. Ông là người từng ra lệnh thiết kế và xây dựng những khu vườn độc đáo, một số đã trở thành di tích văn hóa đến tận ngày nay tại thủ đô Moscow. Đó là những khu rừng trồng hàng ngàn cây táo, cây lê... chỉ dành cho người vợ yêu dạo chơi, chứng tỏ tình yêu sâu đậm của một bạo chúa. Ivan quy ngay cho các Boyar đã ra tay đầu độc bà.

Tính khí thất thường và hung bạo của ông càng về cuối đời càng lộ rõ khi việc cai trị và chinh phạt gặp thất bại. Cuộc chiến tranh Livonia kéo dài trong 24 năm, kinh tế kiệt quệ mà không giành được thêm một lãnh thổ nào về cho nước Nga.

Trong thập niên 1560, các cuộc tấn công của Ba Lan-Litva, những cuộc xâm lược của tộc Tarta, sự phong tỏa đường thương mại trên biển do người Thụy Điển, Ba Lan và Liên minh Hanseatic tiến hành cộng thêm những trận hạn hán và nạn đói tàn phá nước Nga dữ dội. Giá lương thực tăng gấp mười lần, 10.000 người chết vì bệnh dịch ở Novgorod. Đến năm 1570, bệnh dịch hàng ngày giết chết 600-1.000 người tại Moscow. Vị cố vấn được xem là thân tín nhất của Ivan IV, công tước Andrei Kurbsky, bỏ trốn sang Litva. Sau đó Andrei Kurbsky còn dẫn đầu quân đội Litva tàn phá vùng Velikiye Luki của nước Nga.

Sự phản bội này đã làm Ivan IV phẫn nộ và đau đớn. Sa hoàng đầu tiên của nước Nga dần trở nên bất ổn định về tinh thần và thể chất suy kiệt. Trong một tuần, ông ta chuyển từ trạng thái ăn chơi sa đọa nhất sang việc đi cầu nguyện và ăn chay tại một tu viện phía bắc. Chính trong thời gian này rộ lên tin đồn về một chuyện tày đình: Ivan bạo chúa đã hãm hiếp Irina, vợ của Fyodor, con trai ông ta.

Chiếc mũ giáp được phát hiện ở thị trấn Zvenigorod.

Vì Ivan bạo chúa hành xử ngày càng điên loạn mà những Oprichnik (các thành viên của một đội cận vệ riêng do chính Ivan bạo chúa thành lập) tại Malyuta Skuratov nhanh chóng biến tướng thành những kẻ cướp ngày, những tên sát nhân. Họ tàn sát các quý tộc và nông dân, bắt đàn ông thanh niên sung quân chiến đấu với Livonia.

Do thành phố Novgorod giàu mạnh tỏ ý bất tuân, Ivan bạo chúa đã ra lệnh cho đội quân Oprichnik giết hại những người dân thành phố này. Những lâu la trung thành đã đốt phá và cướp bóc thành phố cùng các làng mạc. Theo các tư liệu lịch sử, vào năm 1570, có đến gần 30.000 người đã bị giết hại, quá nửa trong số đó là thành phần quý tộc (vài tư liệu còn ghi nhận con số 60.000) trong vụ thảm sát Novgorod mãi lưu trong lịch sử.

Bi kịch lớn nhất của Ivan bạo chúa xảy ra 3 năm trước khi ông ta qua đời. Trông thấy cô con dâu ăn mặc "như một con điếm", ông ta đã đánh đập đến mức cô bị sẩy thai. Quá bất bình, con trai Sa hoàng đã cãi nhau một trận trời long đất lở với bố, khiến cơn điên giận của ông vua có bệnh thần kinh bùng phát. Trong cơn thịnh nộ, Ivan bạo chúa cầm cây gậy có đầu nhọn đánh vào đầu con trai khiến hoàng tử mất mạng.

Ivan bạo chúa băng hà vào năm 1584 ngay trong khi đang chơi cờ. Có giả thuyết cho rằng, ông ta chết đột ngột là do kết quả của một kế hoạch đầu độc bằng thạch tín diễn ra trong một quãng thời gian khá dài. Kế vị của ông là Thái tử Fyodor, nhưng vị Sa hoàng này đã trao hầu hết quyền hành cho người anh vợ là Boris Godunov.

Chẳng bao lâu sau, Godunov đã có ý định chiếm đoạt ngai vàng. Vào năm 1591, Godunov giết chết người em út của Fyodor là Thái tử Dmitri ở thị trấn cổ Uglich mà nhà thờ tuyệt đẹp mang tên St. Demetrius trên vũng máu là dấu tích ghi nhận sự kiện này còn tồn tại đến ngày nay. Godunov lên cai trị nước Nga và lấy tước hiệu Sa hoàng, nhưng sự cai trị này không bao giờ được chính sử công nhận.

Những năm đầu thế kỷ XVII, có một người tự xưng là Thái tử Dmitri xuất hiện ở Ba Lan.  Người đàn ông này không chỉ tuyên bố mình là hoàng tử Nga mà còn chuẩn bị đầy đủ cho con đường lên ngôi, kế tục ngai vàng.

Một người đàn ông tự xưng là con trai út của Ivan bạo chúa.

Đây là người đầu tiên đi vào lịch sử những vụ giả mạo thành viên hoàng gia kinh điển. Hoàng tử Dmitri thật được cho là đã bị ám sát khi còn bé. Tuy nhiên, kẻ giả mạo loan tin rằng mình đã trốn thoát khỏi vụ ám sát trên và tạm rời khỏi đất nước để lánh nạn. Với câu chuyện đó, Dmitri giả hiệu đã được đông đảo dân chúng Moscow ủng hộ.

Có tước hiệu và còn được lòng dân, đến năm 1604, Dmitri tiến hành xâm chiếm nước Nga và tại những vùng vừa thôn tính, ông ta còn lập ra luật lệ riêng. Sống trong ảo mộng vương quyền không lâu, đến năm 1605, do thi hành các chính sách cực đoan, ông ta bị lật đổ và ám sát. Nhiều người suy đoán rằng, tên thật của vị thái tử giả danh này là Grigory Otrepyev.

Tháng 2-2016, trong quá trình mở rộng xa lộ ở bên ngoài thị trấn cổ Zvenigorod, cách Moscow gần 30km về phía tây, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Nga đã tình cờ phát hiện kho vũ khí rất giá trị tại một ngôi làng có từ thế kỷ XVI - làng Ignatievskoe.

Mũ của các hiệp sĩ Nga thời Sa hoàng trong tranh của họa sĩ Sergey Miloradovich.

Đây chính là lãnh địa của dòng họ Dobrynins, một gia đình quý tộc Boyar. Nhóm nghiên cứu phát hiện tàn tích của 60 ngôi nhà bằng gỗ,  trong đó đáng chú ý nhất là một căn phòng nằm dưới lòng đất chứa đủ các loại vũ khí như gươm, mũ giáp trụ, thắt lưng, rất nhiều kiếm lưỡi cong, mũi tên và áo giáp Kolchugs... được cất giữ trong một chiếc rương. Và càng kinh ngạc hơn là dường như tất cả số vũ khí này đều chưa từng qua sử dụng.

Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể căn phòng dưới lòng đất này bị rơi vào quên lãng sau khi ngôi làng bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Điều này đã giúp nó tránh xa khỏi sự nhòm ngó của con người cũng như có được tình trạng gần như còn nguyên vẹn. Cổ vật nổi bật trong kho vũ khí 500 tuổi là một chiếc mũ giáp ít hoen rỉ nhất bên cạnh nhiều chiếc mũ cùng loại. "Những chiếc mũ giáp này được trang trí bằng vàng và bạc.

Chúng là vật dụng không thể thiếu của các hiệp sĩ Nga. Đây là loại mũ thông dụng mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở các viện bảo tàng như Viện Bảo tàng Kremlin Armoury, Viện Bảo tàng Hermitage hay Viện Bảo tàng Lịch sử" - Alexei Alexeyevn - nhà khảo cổ học phụ trách cuộc khai quật cho biết.

Tiến sĩ Asya Engovatova - Phó Giám đốc Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Nga - nói: "Chúng tôi chưa từng phát hiện một kho vũ khí nào tương tự như vậy ở khu vực Moscow, càng chưa từng tìm thấy những di tích khảo cổ đó ở các thành phố khác, đặc biệt là ở những ngôi làng nhỏ như thế này. Thật may là chúng tôi đã kịp thời phát hiện và khai quật kho báu này. Nếu không, tất cả những thứ quý giá đó sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình xây dựng đường cao tốc".

Việc phát hiện kho vũ khí này khiến các nhà khoa học hết sức phấn khích. Nó giúp làm rõ cách thức tổ chức quân đội của giới quý tộc Nga để thực hiện các cuộc chinh phạt dưới trướng Ivan bạo chúa. "Phát hiện này cho thấy mỗi gia đình quý tộc Nga thời đó đều có một kho vũ khí của riêng mình và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng phụng sự mệnh lệnh của Sa hoàng" - nhà khoa học Alexei Alexeyev cho hay. Các nhà khảo cổ cũng khẳng định, chủ sở hữu của kho vũ khí này - một người thuộc đội cận vệ Dobrynins.

Từ vị trí địa lý của thị trấn cổ Zvenigorod (gần Moscow), các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, chủ nhân của kho vũ khí thuộc quân đội Sa hoàng và nó được xây dựng để chuẩn bị cho một chiến dịch trong cuộc chiến với liên quân Ba Lan - Latvia. Thứ hai, chủ nhân của kho vũ khí này là thành viên của Oprichniki - đội cận vệ của riêng Ivan bạo chúa nổi tiếng với những vụ thanh trừng, đàn áp các nhà quý tộc Boyar.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.