Những bước thăng trầm của MI-5

Thứ Bảy, 19/12/2009, 09:25

Sự kiện gây xôn xao dư luận nước Anh trong thời gian gần đây là việc cho ấn hành một cuốn sách đặc biệt, đánh dấu một thế kỷ hoạt động của Cơ quan Phản gián đối nội MI-5 (1909-2009). Tác giả là Giáo sư Christopher Andrew, nhà nghiên cứu đầy uy tín thuộc Trường đại học Tổng hợp Cambridge danh tiếng, người đã bỏ ra 7 năm ròng để hoàn thiện cuốn sách độc đáo này.

Trong thời Chiến tranh lạnh, MI-5 vấp phải thất bại nặng nề, khi không khám phá nổi mạng lưới điệp viên Xôviết kỳ cựu do siêu điệp viên Kim Philby chỉ huy, cũng như nhiều tổ chức gián điệp nằm vùng khác do KGB hậu thuẫn.

Một trường hợp tiêu biểu khác là điệp viên cộm cán kiêm nghị sĩ kỳ cựu John Stonehouse hoạt động cho Cơ quan Tình báo Tiệp Khắc (STB) ngay từ thập niên 60 của thế kỷ trước, người từng giữ trọng trách Bộ trưởng Hàng không rồi Bộ trưởng Bưu điện và Viễn thông trong Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Harold Wilson. Tuy MI-5 có đặt nghi vấn về nhân vật cao cấp này, nhưng rốt cục hồ sơ của J.Stonehouse cũng đành gác lại do phản ứng khôn ngoan của đương sự. Ngoài ra, trong nội các của Thủ tướng H.Wilson còn có hai điệp viên cự phách khác là Bob Edwards làm việc cho KGB và Will Owen hoạt động cho STB được MI-5 khám phá hết sức tình cờ.

Một nguồn tin "động trời" nữa được tiết lộ trong cuốn sách liên quan đến giai đoạn cầm quyền của H.Wilson hồi thập niên 70, khi đương kim thủ tướng chấp nhận "tặng" 14 triệu bảng Anh (tương đương 500 triệu bảng thời giá hiện nay) cho chính thể của Đại tá Muammar Gaddafi ở Libya, ngõ hầu khiến Tripoli chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Tổ chức ly khai quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Nhưng "thỏa thuận ngầm" do MI-5 đứng ra xúc tiến bị đột ngột ngưng trệ do phía Libya đòi giá quá cao, những 51 triệu bảng (tương đương 1,5 tỉ thời điểm hiện tại) là khoản tiền phải được trình ra Quốc hội xem xét và đương nhiên sẽ không được chấp thuận.

Trong cuốn sách dạng best-seller của mình, tác giả C.Andrew còn đề cập tới một vấn đề nhạy cảm khác là MI-5 luôn chịu sức ép từ giới chính khách thủ cựu. Ví như "bà đầm thép" Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng Công đảng khét tiếng trong những năm 80 từng yêu cầu MI-5 cho biết tên tuổi nhóm cầm đầu cuộc đình công kéo dài của giới thợ mỏ Anh, tiềm ẩn nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế đất nước. Nhưng ban lãnh đạo MI-5 đã thẳng thừng cự tuyệt, cùng lời biện minh rằng đó là một hành động vi hiến vượt quá thẩm quyền cho phép. Hay như lời đề nghị từ Bộ Quốc phòng Hoàng gia sau đấy cũng bị bác bỏ, khi lãnh đạo MI-5 từ chối cung cấp danh sách các tổ chức chống đối việc triển khai vũ khí hạt nhân...

Thể theo yêu cầu của nguyên Giám đốc MI-5 Stephen Lander nhằm công khai hóa các hoạt động phản gián, góp phần khỏa lấp những dị nghị cố hữu trong công chúng. Ngay từ đầu năm 2002, Giáo sư C.Andrew đã tiếp xúc với kho lưu trữ đồ sộ chứa đựng  hơn 400 nghìn trang tài liệu, lột tả những thành công cũng như thất bại của cơ quan tình báo trọng yếu này. Số tư liệu tuyệt mật ấy được đúc kết thành một ấn bản hy hữu, đáp ứng tiêu chí thiết yếu của lãnh đạo tình báo Anh cốt lấy lại niềm tin trong công luận

T. Hồng (tổng hợp)
.
.