Những chính khách Công đảng Anh làm điệp viên nội gián

Thứ Sáu, 06/11/2009, 15:30
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Anh là một trong những quốc gia phương Tây được các quốc gia XHCN chọn làm địa điểm để triển khai các hoạt động tình báo.  Đây là lý do khiến Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) đẩy mạnh các hoạt động theo dõi, điều tra để cố phá vỡ các mạng lưới điệp báo nằm vùng, bắt giữ các điệp viên nội gián.

Vào ngày 10/10/2009, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ngành Tình báo Anh, MI-5 đã cho công bố hồ sơ về hoạt động nội gián của 3 chính khách thuộc Công đảng (đảng Lao động-LP) là John Stonehouse, Bernard Floud và Will Owen.

1- John Stonehouse

John Stonehouse sinh ngày 28/7/1945 tại thành phố Southampton của Anh. Stonehouse gia nhập Công đảng vào năm 16 tuổi và được bầu làm đại biểu Quốc hội Anh vào năm 1957. Năm 1956, trở thành Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác các xí nghiệp toàn nước Anh. Năm 1967, Stonehouse được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Hàng không. Năm 1968 là Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật và đến năm 1969 làm Bộ trưởng Bộ Thông tin trong nội các chính phủ của Thủ tướng Harold Wilson. Năm 1971, Stonehouse thôi làm việc cho chính phủ và chuyển sang kinh doanh nhưng vẫn giữ chức vụ đại biểu Quốc hội.

Năm 1974, Stonehouse bị điều tra về tội tham nhũng và để tránh bị bắt giữ, Stonehouse đã dựng lên kịch bản tự tử chết tại một bãi biển ở bang Miami của Mỹ vào ngày 20/11/1974. Thực ra, Stonehouse đã đem theo một số tiền lớn trốn đến Australia để sinh sống cùng nhân tình tên Sheila Buckley. Tháng 12/1974, Stonehouse được phát hiện đang sống tại thủ đô Paris của Pháp và liền bị bắt giữ, sau đó giải giao về Anh. Vào ngày 7/4/1976, Stonehouse đã lãnh án 7 năm tù giam và buộc phải từ nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội. Nhưng chỉ thụ án đến năm 1979, Stonehouse được trả tự do vì bị bệnh nặng và đã qua đời tại thành phố Southampton vào ngày 14/4/1988.

MI-5 bắt đầu thiết lập hồ sơ theo dõi, điều tra đối với Stonehouse vào năm 1969 do nghi vấn ông này là điệp viên nội gián làm việc cho Cơ quan Tình báo Tiệp Khắc (StB). MI-5 cho rằng StB đã tuyển dụng Stonehouse vào thời kỳ ông còn làm Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác các xí nghiệp toàn nước Anh từ năm 1956 đến 1964. Trong thời gian này, Stonehouse đã nhiều lần đến tham quan, công tác tại một số các quốc gia XHCN Đông Âu, trong đó nhiều nhất là Tiệp Khắc.

Hoạt động nội gián của Stonehouse càng được MI-5 khẳng định từ khai báo của một điệp viên StB đào thoát tên Robert Husak vào năm 1982, rằng Stonehouse là điệp viên nội gián của StB tại Anh và mang mật danh “Tom”. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, do Stonehouse đang bị bệnh tim nặng và đã thôi hoạt động nội gián nên MI-5 quyết định không bắt giữ Stonehouse và sau đó xếp hồ sơ theo dõi, điều tra về ông ta.

2- Bernard Floud

Bernard Floud sinh ngày 22/3/1915 tại thành phố Epsom, hạt Surrey, ngoại ô thủ đô London. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, Floud gia nhập quân đội, tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai từ năm 1939 đến 1942, sau đó quay về lại Anh làm việc tại Bộ Thông tin. Floud gia nhập Công đảng vào năm 1937 và năm 1959 được bầu làm đại biểu Quốc hội. Năm 1964, Floud chuyển sang làm việc trong ngành truyền thông và có nhiều chuyến công tác đến các quốc gia XHCN Đông Âu.

Năm 1965, MI-5 nghi vấn Floud được tình báo Liên Xô tuyển dụng khi đang thực hiện một số chuyến công tác đến Liên Xô. Năm 1966, Thủ tướng Harold Wilson có ý định bổ nhiệm Floud làm Bộ trưởng Thông tin trong nội các chính phủ của mình nhưng gặp phản ứng quyết liệt của MI-5. Ngày 8/10/1967, Thủ tướng Wilson chấp thuận để MI-5 thẩm vấn Floud. Đích thân thanh tra cao cấp Peter Wright, người đứng đầu bộ phận thẩm vấn của MI-5 trực tiếp tra hỏi, thẩm vấn Floud suốt hai ngày liền.

Ngày 10/10/1967, do không chịu nổi áp lực và cường độ của cuộc thẩm vấn, Floud đã tự tử bằng thuốc ngủ và khí monoxyde carbon thải ra từ xe hơi của mình tại nhà ở khu St-Pancras của thủ đô London. Mãi đến năm 1997, trong cuốn sách có tựa đề “Spycatcher” của mình, cựu chỉ huy bộ phận thẩm vấn của MI-5 Peter Wright đã tiết lộ rằng khi bị thẩm vấn, Floud đã thú nhận làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô và do lo ngại phải lãnh án tù nặng nên đã chọn  cách tự tử.

3- Will Owen

Will Owen sinh ngày 18/2/1901 tại thành phố nhỏ Bedwelly, miền Trung nước Anh. Owen gia nhập Công đảng vào năm 1920 và chính thức tham gia các hoạt động chính trị từ năm 1923. Từ năm 1932 đến 1938, Owen là người đứng đầu Công đảng tại thành phố Leicester và năm 1948 làm việc tại Bộ Thông tin. Năm 1954, Owen được bầu làm đại biểu Quốc hội Anh và là nhân vật tích cực phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ trước.

Năm 1969, một điệp viên StB tên Joseph Frolik khi đào thoát đầu thú với phía Mỹ  đã tiết lộ danh tính một số viên chức và chính khách phương Tây, trong đó có Owen, đang cộng tác với StB. Theo điều tra của MI-5, Owen đã chuyển giao cho StB nhiều thông tin, tài liệu quan trọng liên quan đến nhiều dự án mật của quốc gia khi còn làm việc tại Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Anh. Vào ngày 15/1/1970, Owen bị bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, Owen đã được trả tự do theo yêu cầu của chính phủ và Quốc hội do lo ngại vụ Owen làm điệp viên nội gián sẽ tác động mạnh đến chính trường Anh. 

Owen qua đời vào ngày 3/4/1981

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.