Những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Iran - Iraq

Thứ Sáu, 18/11/2016, 07:10
Chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan quyết định rằng, tốt hơn hết nên để mặc cho những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tiếp tục diễn ra nếu như chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh Iran- Iraq nghiêng về phía có lợi cho Iraq...

Trong cuộc chiến tranh Iran- Iraq (từ tháng 9-1980 đến tháng 8-1988), giới chức tình báo Mỹ biết rõ chính quyền Iraq dưới quyền thống lĩnh bằng bàn tay sắt của Saddam Hussein đã sử dụng các vũ khí hóa học gây nhiễm độc và tê liệt thần kinh (bao gồm khí độc sarin và mustard - mù tạt) trong những cuộc tấn công Iran nhưng họ đã không có hành động gì, hơn nữa còn cố gắng bưng bít thông tin này. Nhờ đó, phần thắng cuộc chiến nghiêng về phía Iraq và buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán.

Những tuần cuối cùng của cuộc chiến tranh Iran - Iraq, trong khi người Halabja chào đón quân đội Iran trong niềm vui thì Tổng thống Iraq Saddam Hussein và người em họ, Ali Hassan al-Majid, còn được gọi là "Ali Hóa học", quyết định thực hiện cuộc tấn công trả thù.

2 ngày trước khi thực hiện cuộc tấn công bằng khí độc, lực lượng không quân của Hussein bắt đầu ném bom xuống ngôi làng Halabja của người Kurd ở miền bắc Iraq. Có vẻ như cố vấn "Ali hóa học" muốn phá vỡ mọi cửa sổ các ngôi nhà trong làng này để ông ta có thể nhìn thấy rõ ràng hiệu ứng tử thần của cuộc tấn công bằng khí độc.

Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngôi làng Halabja của người Kurd phía bắc Iraq vào ngày 16-3-1988 là một trong những cảnh tượng kinh hoàng nhất trong lịch sử. Những thi thể nằm la liệt khắp mọi nơi trên những con đường vắng tanh vào đến các căn nhà tuềnh toàng trống hoác, những khu lều trại trú ẩn...

Tổng cộng có hơn 5.000 thi thể nằm rải rác xung quanh thị trấn, một số khác chết ở vùng lân cận, khi họ cố gắng vượt qua những ngọn núi trong cố gắng chạy vào lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này hãy còn là quá ít so với con số thật sự.

Hàng nghìn thường dân Halabja vô tội thiệt mạng sau vụ tấn công.

Gần 30 năm đã trôi qua nhưng những dấu vết của cuộc tấn công vô nhân đạo ấy dường như vẫn còn hiện diện. Chuyên gia về chiến tranh hóa học người Anh, Hamish de Bretton-Gordon từ 4 năm trước đã đề xuất với chính quyền người Kurd phương án khử nhiễm khu vực Halabja.

"Tại khu vực này, khi người dân xây dựng các tòa nhà mới, trong lúc đào móng, nếu gặp phải các túi khí mù tạt thì họ sẽ tử vong không lâu sau đó" - ông nói - "Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là giám sát khu vực, nếu chúng tôi phát hiện khí độc, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng mọi người không tiếp xúc với chúng".

Ông Gordon cho biết, cũng có thể xác định người cung cấp cho chính phủ Saddam các hóa chất được sử dụng tại Halabja. Đội ngũ chuyên gia đi cùng ông từng hy vọng sẽ tìm thấy các mẫu khí mù tạt trong các ngôi mộ tập thể, và nếu phá vỡ các thành phần phân tử cơ bản của nó, họ có thể tìm ra nguồn gốc của khí này.

Ông tin rằng, điều này sẽ giúp tìm ra quốc gia, thậm chí là nhà máy sản xuất, cung cấp các hóa chất ban đầu cho việc tạo ra khí mù tạt. Tuy nhiên, đối với các loại chất độc thần kinh thì không thể truy nguyên nguồn gốc của chúng.

Cho đến nay, chính quyền người Kurd vẫn chưa phê duyệt kế hoạch này một phần do họ muốn tham khảo ý kiến người dân trước khi đồng ý khai quật các ngôi mộ tập thể và muốn tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức quốc tế, một phần là do từ năm 2014, trước sức tấn công như vũ bão của lực lượng thánh chiến cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, người Kurd xoay ra đương đầu với kẻ thù mới, vì thế bi kịch của người dân Halabja không bao giờ có thể khép lại.

Từ lâu, chính quyền Mỹ luôn phủ nhận việc giới chức lãnh đạo thời đó cho phép Iraq sử dụng vũ khí hóa học đồng thời nhấn mạnh rằng, chính quyền Saddam Hussein không hề thông báo về điều này.

Nhưng Rick Francona - cựu đại tá Không quân Mỹ (USAF) và từng là tùy viên quân sự ở thủ đô Baghdad của Iraq năm 1988 - đã cung cấp những dữ liệu hoàn toàn trái ngược với những lời bao biện của Washington: chính quyền Mỹ đã nắm trong tay bằng chứng cho thấy những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân đội Iraq được bắt đầu từ năm 1983.

Ali Hassan al-Majid - biệt danh Ali hóa học là tác giả vụ tấn công bằng khí sarin vào làng Halabja.

Lúc đó, Iran cũng từng công khai lên tiếng về những vụ tấn công vũ khí hóa học nhằm vào quân đội nước này và sẵn sàng đưa vụ việc trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Song, Tehran khó chứng minh được điều gì trong khi nhiều bằng chứng thuyết phục về việc Iraq trong sử dụng khí độc trên chiến trường của nước này lại chứa đựng đầy đủ trong các báo cáo tuyệt mật gửi đến giới quan chức tình báo cao cấp nhất của chính quyền Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan quyết định rằng, tốt hơn hết nên để mặc cho những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tiếp tục diễn ra nếu như chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh nghiêng về phía có lợi cho Iraq. Thậm chí, nếu những cuộc tấn công như thế bị phát hiện thì CIA sẽ cố gắng tìm cách xoa dịu dư luận quốc tế.

Lúc đó, Iran nhiều lần công khai lên tiếng về những vụ tấn công vũ khí hóa học bất hợp pháp nhằm vào quân đội nước này và sẵn sàng đưa vụ việc trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhưng Tehran khó chứng minh được điều gì trong khi nhiều bằng chứng thuyết phục về việc Iraq trong sử dụng khí độc trên chiến trường của nước này lại chứa đựng đầy đủ trong các báo cáo tuyệt mật gửi đến giới quan chức tình báo cao cấp nhất của chính quyền Mỹ ở Washington.

Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, giới chức tình báo Mỹ từng bí mật cung cấp cho Saddam Hussein nhiều thông tin quan trọng về vị trí của quân đội Iran, bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh và bản đồ chi tiết về các cơ sở hậu cần cũng như khả năng phòng không của đối phương. Các hồ sơ giải mật của CIA cũng nêu chi tiết chuyện các quan chức Washington biết rõ quân đội Iraq sẽ sử dụng các tác nhân hóa học hủy diệt hàng loạt vào khi nào và quy mô như thế nào. Mọi thông tin về mức độ leo thang chiến tranh hóa học của Saddam Hussein đều được CIA liên tục cập nhật cho chính quyền Mỹ.

Các quan chức hàng đầu của CIA - bao gồm Giám đốc  CIA William J. Casey, người được xem là "cánh tay đắc lực" của Tổng thống Ronald Reagan - thường xuyên được báo cáo về vị trí của các kho chứa vũ khí hóa học của quân đội Iraq cũng như về việc Saddam Hussein chuẩn bị mua các trang thiết bị từ Italia để giúp đẩy nhanh tiến trình sản xuất bom và đạn pháo chứa tác nhân hóa học.

Bên cạnh đó, bộ phận lãnh đạo CIA cũng có trong tay đầy đủ các báo cáo cho biết Tehran sẽ có kế hoạch tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu lợi ích của Mỹ nằm ở Trung Đông, bao gồm những cuộc tấn công khủng bố, nếu như Iran tìm thấy bất kỳ bằng chứng cụ thể nào minh chứng cho việc Washington âm thầm tạo điều kiện cho Iraq sử dụng vũ khí hóa học.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (trái) và Giám đốc CIA William J. Casey.

Một tài liệu tuyệt mật của CIA vào tháng 11-1983 có ghi: "Nếu những cuộc tấn công của Iraq vẫn tiếp tục và quân đội Iran có cơ hội bắt giữ được quả đạn pháo chứa tác nhân hóa học có dấu nhãn của Iraq, thì lúc đó Tehran sẽ đưa bằng chứng lên LHQ đồng thời tố cáo Mỹ tiếp tay cho Saddam Hussein vi phạm luật pháp quốc tế". Trong một tài liệu khác nêu rõ: "Nếu người Iraq sản xuất hay sở hữu được một lượng lớn tác nhân mù tạt thì chắc chắn họ sẽ sử dụng chúng để chống lại quân đội Iran và các thành phố nằm gần biên giới".

Việc sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh bị ngăn cấm trong Nghị định thư Geneva năm 1925, song Iraq chưa bao giờ thông qua nó, còn Mỹ thông qua vào năm 1975. Nhưng mãi cho đến năm 1997 thì Quy ước toàn cầu về vũ khí hóa học (CWC, nghiêm cấm sản xuất, tích trữ, chuyển giao và sử dụng các tác nhân hóa học) mới được nhiều quốc gia thông qua - tức là nhiều năm sau cuộc chiến tranh Iraq - Iran.

Theo một cựu quan chức CIA giấu tên, những hình ảnh vệ tinh tình báo của Mỹ cho thấy người Iraq vận chuyển các tác nhân hóa học đến các ụ pháo trên mặt trận trước mỗi cuộc tấn công quân đội Iran như thế nào. Rick Francona cho biết, ông đã có báo cáo đầu tiên về quyết định sử dụng vũ khí hóa học của Saddam Hussein chống Iran vào năm 1984, khi đang làm nhiệm vụ tùy viên quân sự ở thủ đô Amman của Jordan.

Theo báo cáo của Francona, Iraq bắt đầu sử dụng tác nhân thần kinh Tabun chống lại quân đội Iran ở miền Bắc Iraq. Vào cuối năm 1987, các chuyên gia phân tích tình báo quốc phòng ở Washington lập Báo cáo mật mã tuyệt mật trong đó có phần mang tựa đề "Tại các cổng vào Basrah", cảnh báo cuộc tấn công vào mùa xuân năm 1988 mà Iran đang chuẩn bị sẽ quy mô hơn mọi cuộc tấn công trước đó và có thể chọc thủng các phòng tuyến của Iraq.

Tổng thống Reagan sau khi đọc xong báo cáo tuyệt mật này đã  ghi chú bên lề gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Frank C. Carlucci: "Chiến thắng của người Iran là điều không thể chấp nhận được". Ngay sau đó, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ được phép cung cấp thông tin tình báo chi tiết - bao gồm hình ảnh vệ tinh và một số thông tin nghe lén điện tử - cho Iraq về mọi động thái di chuyển quân của Iran.

Tất cả thông tin đều tập trung vào khu vực phía đông thành phố Basrah. Tình báo quốc phòng Mỹ cũng cung cấp cho Iraq dữ liệu về các cơ sở hậu cần của Iran, cũng như khả năng không quân và hệ thống phòng không của nước này. Tháng 3-1988, Saddam Hussein cho mở cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào ngôi làng Halabja của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Một tháng sau, người Iraq sử dụng sarin tấn công lực lượng Iran tập trung trên bán đảo Fao ở phía đông nam thành phố Basrah dẫn đến chiến thắng cuối cùng.

Theo Rick Francona, Washington rất phấn khởi trước kết quả quân đội Saddam Hussein chiếm được bán đảo Fao và ngăn chặn Iran tràn vào Basrah. Sau khi Iraq chiếm được bán đảo Fao, Rick Francona có mặt tại khu vực và tìm thấy hàng trăm dụng cụ tiêm atropine, chất thuốc chữa trị những tác hại chết người của sarin - bằng chứng cụ thể cho thấy quân đội Iraq sử dụng sarin trong cuộc chiến trên bán đảo này.

Tháng 4-1988, quân đội Iraq tiếp tục sử dụng sarin với số lượng lớn hơn gấp 3 lần trong cuộc tấn công quy mô có tên gọi "Chiến dịch Ramadan thần thánh". Các chuyên gia phân tích CIA không biết chính xác con số thương vong về phía Iran do không tiếp xúc với quan chức nước này song cho rằng, có thể là từ "hàng trăm" cho đến "hàng ngàn".

Theo tính toán của CIA, Iraq sử dụng khoảng hai phần ba trong tổng số vũ khí hóa học của nước này trong 18 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh với Iran. Sau khi chính quyền của Tổng thống độc tài Saddam Husein sụp đổ, "Ali hóa học" nhận bản án treo cổ ở tuổi 68.

Trong các phiên tòa xét xử Al-Majid, các công tố viên mở đoạn băng ghi cuộc đối thoại giữa ông ta và Saddam, trong đó Al-Majid nói: "Không để bất kể người Kurd nào, kẻ nào nói tiếng Kurd, sống sót". Những hình ảnh hiếm hoi về vụ hành quyết Al-Majid là hai bức ảnh xuất hiện trên truyền hình, trong đó ông ta mặc quần áo tù màu đỏ và cảnh ông ta bị trùm đầu bằng chiếc mũ đen đứng bên giá treo cổ.

Q.H.(tổng hợp)
.
.