Những cuộc trao đổi bí mật giữa 2 nhà nước Đức trong thời chiến tranh lạnh

Thứ Bảy, 17/08/2013, 11:05

Tâm điểm trong đợt giải mật mới nhất từ kho hồ sơ lưu trữ khổng lồ của Cơ quan An ninh quốc gia CHDC Đức (Stasi) trước đây, là tập tài liệu dày hàng nghìn trang đề cập tới những cuộc trao đổi với phía CHLB Đức trong hơn 4 thập niên của thời Chiến tranh lạnh.

Theo đó, sau quá trình đàm phán căng thẳng đưa tới một thỏa thuận bí mật, được ký kết giữa Cơ quan Tình báo Stasi của CHDC Đức và Cục Tình báo CHLB Đức (BND) dưới thời cố Thủ tướng Konrad Adenauer (1876-1967), người đứng đầu Chính phủ đầu tiên khi Nhà nước CHLB Đức hình thành sau Thế chiến thứ II. Tinh thần bao trùm của thỏa thuận này là "người Đức tự giải quyết nội bộ với nhau không có sự can thiệp từ bên ngoài", do vậy ngay cả Ban lãnh đạo Điện Kremlin ở Moskva (Nga), cũng như giới chức cao cấp phương Tây đều không hay biết gì về các cuộc trao đổi bí mật kéo dài.

Hồ sơ về thỏa thuận nêu trên ghi cụ thể phía đối tác là Bộ Các vấn đề chung của nước Đức, một cơ quan cấp liên bang tuy danh chính ngôn thuận thuộc nội các của Thủ tướng K. Adenauer, nhưng trong thực tế nằm trong vòng kiểm soát của BND. Danh sách các tù binh chiến tranh, điệp viên, các thành viên thuộc những gia đình ly tán... đều được cả Stasi lẫn BND lên lịch trao đổi cụ thể; ngoại trừ những trường hợp đặc biệt không được trao trả do một phía đơn phương từ chối vì nguyên nhân tối quan trọng nào đó...

Cây cầu nổi tiếng Glienicke ngăn cách Đông và Tây Berlin.

Tài liệu lưu trữ về các cuộc trao đổi bí mật là một trong những tập hồ sơ của Phòng Các chương trình hành động đặc biệt thuộc Stasi, liệt kê chi tiết cùng ảnh chụp minh họa về nhiều đợt trao trả khác nhau. Có lúc Berlin đơn phương trao trả cho Bonn (thủ đô của CHLB Đức trước đây), mà không đòi hỏi phía đối tác phải đổi lại số người tương ứng. Nhưng với đa phần các trường hợp còn lại, cả 2 bên liên quan đều thống nhất danh sách đề nghị trước khi tiến hành trao đổi.

Địa điểm trao trả và tiếp nhận người thường diễn ra tại cây cầu Glienicke, địa danh nổi tiếng tiếp giáp giữa Đông và Tây Berlin, cũng là "lỗ hổng" duy nhất của bức tường Berlin dài hàng chục kilômét. Đôi khi để tránh sự dòm ngó không đáng có, địa điểm trao đổi được chuyển sang chỗ khác nằm trên lằn ranh phân chia 2 nước được thỏa thuận trước.

Một cuộc trao trả tù nhân vào đầu tháng 2/1986.

Trong 4 thập niên của thời Chiến tranh lạnh, tổng cộng đã có gần 5.000 tù nhân và người hoạt động cho đối phương bị giam cầm, 5.015 người lớn và 590 trẻ em thuộc 2.600 gia đình có người thân thất lạc trong chiến tranh đã được 2 phía trao trả cho nhau. Đỉnh điểm diễn ra các cuộc trao đổi ồ ạt thuộc về giai đoạn từ năm 1963-1964, trước thời điểm đường biên giới giữa 2 nhà nước Đức chính thức được cắm mốc, thể hiện chủ quyền quốc gia đầy đủ mang tính pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, để tránh tổn thương về mặt tâm lý khi khơi gợi lại quá khứ, tài liệu giải mật không công bố danh sách cùng tên tuổi cụ thể của những cá nhân đã được trao trả từ cả 2 phía.

Đón con trẻ Tây Đức trở về đoàn tụ với gia đình ở phía Đông.

Danh tính công khai duy nhất được tiết lộ là 2 luật sư Juergen Stangl ở Tây Berlin và Wolfgang Vogel ở Đông Berlin, 2 nhân vật nổi tiếng quá cố từng tham gia tích cực vào những cuộc dàn xếp giúp cấu thành các bản danh sách trao trả cụ thể. Ngoài ra là linh mục Tin Lành Ludwig Geist, vị cha cố thường đứng ở đầu cầu Glienicke làm lễ rửa tội cho những bộ hài cốt được trao trả…

Đồng thời, hồ sơ của Stasi cũng cho biết mức kinh phí 889 triệu mark Đức (DM), là số tiền mà Berlin và Bonn đã bỏ ra để duy trì những cuộc trao đổi bí mật. Cụ thể hơn, chỉ tính riêng từ năm 1962 đến 1969, 2 phía đã chi tổng cộng tới 226 triệu DM cho "chương trình hành động đặc biệt" này.

Các chính phủ kế tiếp nhau ở cả Đông lẫn Tây Đức vẫn tiếp tục chính sách nhất quán về những cuộc trao trả bí mật, với địa điểm trao đổi ngày càng kín đáo hơn cho tới khi bức tường Berlin sụp đổ, mở đường cho việc tái thống nhất nước Đức vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khiến sách lược này không còn cần thiết nữa

Q.Phú (theo Secret Services)
.
.