Những “đao phủ - chính khách” ở châu Phi

Thứ Tư, 26/04/2006, 08:00

Mỗi người một vẻ, một tính cách nhưng tất cả họ giống nhau ở một điểm: tàn bạo và nợ máu với người dân khi đương chức đương quyền.

Cựu tổng thống Liberia Charles Taylor 

Charles Taylor, từng được gọi là “Gã Charles đao phủ”, đã được đưa từ nơi ẩn náu trở về thủ đô Liberia Monrovia, và từ đây một máy bay trực thăng của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa y bay tiếp tới Sierra Leone. Hôm 3/4/2006, y đã phải nghe bản cáo trạng tại Freetown, thủ đô Sierra Leone. Nước Anh đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ xét xử Taylor tại Den Haag ở Hà Lan.

Việc bắt giữ Taylor là một thành công nhất thời trong cuộc đấu tranh vì nhân đạo và công lý trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Phi đã trao nhà độc tài từng trị vì ở nước mình cho một tòa án độc lập xét xử.

Charles Taylor đã thực hiện các cuộc tàn sát đẫm máu, có thể nói đây là những vụ giết người theo kiểu công nghiệp. Y phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh đẫm máu ở Tây Phi từng làm cho hàng chục vạn người bị tàn sát, hãm hại. Riêng trong cuộc nội chiến ở Liberia mà y đóng vai trò chủ chốt đã có tới 250.000 người bị thiệt mạng. Sau khi cuộc chiến tranh ở Liberia chấm dứt, y lại xúi giục, kích động một số cuộc bạo loạn ở các nước láng giềng GuineaSierra Leone. Tổ chức “Small Boys Units” được y cung cấp vũ khí và nhận thanh toán bằng kim cương. Y khét tiếng về sự tàn bạo như chặt chân tay những người bị bắt giữ. Sau thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu ở Liberia tháng 8-2003, y lẩn trốn sang miền Đông Nigeria. Từ đó, y và thuộc hạ thân tín sống đầy xa hoa trong những ngôi biệt thự lộng lẫy ở thành phố biển Calabar ở Niger.

Cựu tổng thống Liberia Charles Taylor 
Tuy nhiên, cuộc sống vương giả của Taylor đã chấm dứt. Dưới áp lực mạnh mẽ và kiên trì của Chính phủ Mỹ và Liberia, Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo tuyên bố, Taylor phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình trước tòa án. Tuy nhiên, ông ta chỉ nói chứ không làm. Lực lượng bảo vệ trước dinh thự ở Calabar tuy đã rút đi nhưng Taylor vẫn chưa bị bắt. Ông ta thông báo cho quyền Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson-Sirleaf: Nếu muốn bắt giữ Taylor thì bà phải tự đến Calabar mà bắt". Và gã tị nạn nổi tiếng này đã bị bắt trong tình huống khá tình cờ.

Hissenè Habré

Là tên độc tài bị lật đổ từng có quyền sinh, quyền sát ở Tschad. Từ nhiều năm nay Habré bị những thế lực chống đối căm ghét y theo dõi, lùng tìm dấu vết. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, hàng nghìn người chống đối y từng bị kìm kẹp, tra tấn đến chết trong những nhà hầm, trại tập trung của cơ quan mật vụ. Bị lật đổ năm 1990, y cùng vợ con và thuộc hạ thân tín chạy trốn sang thủ đô Dakar (Senegal) và ở đây 10 năm trong những khu biệt thự sang trọng với người hầu kẻ hạ. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng, tố cáo tội giết người hàng loạt của tên đao phủ này.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao ở Dakar đã đình chỉ vụ án. Vấn đề này nay được chuyển sang Cơ quan Công tố ở Bỉ. Quốc trưởng Senegal Abdoulaye Wade cách đây 4 năm đã bắn tín hiệu sẵn sàng trao Habré cho Bỉ xét xử. Dù có đầy đủ chứng cứ nhưng vụ việc này vẫn giậm chân tại chỗ. Giữa các nhà lãnh đạo châu Phi và Cơ quan Tư pháp châu Âu thiếu sự hợp tác chặt chẽ, thực sự, bản thân một số nhà lãnh đạo lo cho số phận của chính bản thân mình một khi các luật lệ của Tòa án quốc tế ở Den Haag được áp dụng. Nhiều vị tổng thống các quốc gia thành viên AU đã lên tiếng không tán thành việc đưa Habré sang xét xử tại Tòa án quốc tế ở Hà Lan. Tổng thống Congo Denis Sasso Nguesso cho rằng “việc làm này sẽ là một sự lăng mạ phẩm giá của châu Phi”.

Cựu thủ tướng Mengistu Haile Mariam - Đồ tể của Ethiopia

Y là kẻ đã không từ một loại vũ khí và phương tiện chiến tranh nào, từ bom na pan, bom bi cho đến gieo rắc đói khát cho dân chúng để tiến hành chiến tranh. Hàng trăm nghìn nông dân Ethiopia đã bị chết trong các khu định cư. Những tên tay sai giết người vô cùng tàn bạo của Mengistu hành xử không khác gì lũ đồ tể Polpot ở Campuchia. Xác các đối thủ bị giết hại chỉ được trao trả lại cho thân nhân sau khi họ đã nộp đủ “đạn phí”.

Kể từ khi bị lật đổ hồi tháng 5/1991, Mengistu Haile Mariam sống trong một tòa biệt thự quét sơn trắng ở phố Cowie Road 2, thủ đô Harare thuộc Zimbabwe. Tổng thống Robert Mugabe không để cho bất cứ ai được cưỡng bức y trở về Addis Abeba, khi y tới “Garden City Hosptial” ở Johannesburg (Nam Phi) điều trị bệnh tim. Dù Chính phủ Nam Phi cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho y nhưng sau khi Đại sứ Ethiopia đệ đơn yêu cầu trao trả tên tội phạm này cho Nhà nước Ethiopia thì Chính phủ Nam Phi đã thay đổi ý kiến. Mengistu đã vội vàng lên máy bay tức tốc rời khỏi Nam Phi và không ngớt lên án Pretoria là những kẻ vong ân bội nghĩa.

Cựu tổng thống Uganda Idi Amin Dada

Được coi là tên hung thần khát máu nhất trong lịch sử châu Phi giai đoạn hậu thuộc địa. Y đã được sống yên bình 25 năm liền sau ngày bị lật đổ tại thành phố cảng Dschiddah thuộc Arập Xêút. Y chết ở tuổi 75 vì bệnh thận. Các nhà lãnh đạo Arập Xêút luôn coi y là một “Big Daddy” và đối xử với y hết sức rộng rãi. Y được cung cấp nhà cửa, đồ ăn thức uống và mọi thứ cần dùng khác. Trong gara của y bao giờ cũng có vài chiếc ôtô đời mới nhất. Không phải người Arập không biết y đã từng sát hại 300.000 người dân vô tội, nhưng Idi Amin Dada được coi là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, hàng ngày y đi nhà thờ hành lễ hai lần và điều này được các nhà lãnh đạo Arập Xêút đánh giá rất cao.

Từ trái sang: TT Cộng hoà Tschad Hissenè Habré; Cựu thủ tướng Ethiopia Mengistu Haile Mariam và Cựu TT Uganda Idi Amin Dada.

Duy có một lần quan hệ bạn hữu giữa Amin và các vị chủ nhà Arập Xêút suýt bị đổ vỡ. Đó là năm 1989. Theo lời kể của Amin thì y đã từ chốn lưu vong bay trở về Congo nhằm tụ tập, chiêu mộ quân sĩ hòng tái chiếm Uganda. Việc không thành, nước chủ  nhà Arập Xêút chỉ cho phép Amin trở lại nếu y thề trong tương lai sẽ không tiến hành các hoạt động chính trị, quân sự phiêu lưu, mạo hiểm và không được trả lời phỏng vấn. Những tội ác man rợ, phi nhân tính của y như: vứt các đối thủ chính trị xuống hồ nuôi cá sấu, từng bắt những tù nhân vác búa tạ choảng nhau cho đến chết. Đặc biệt, y không bị phương Tây coi là một tên giết người hàng loạt mà chỉ bị coi là một gã điên khùng ngốc nghếch.

Hoàng đế Bokassa của Trung Phi

Từng là lính lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Pháp và có chỗ dựa là những người bạn cũ. Năm 1979, Bokassa bị lật đổ đã chạy trốn sang Pháp và được nước Pháp che chở. Năm 1986, Bokassa liều lĩnh về thăm quê cũ và đã bị bắt giữ. Người Pháp biết quá rõ về gã đao phủ bệnh hoạn này. Sau khi vừa giành được quyền lực, Bokassa đã đánh chết hàng trăm học sinh vì các em dám biểu tình phản đối quy chế đồng phục. Thậm chí y còn dám ăn thịt tù nhân. Vậy mà y vẫn được nước Pháp trọng đãi. Bokassa bị tuyên án tử hình năm 1987, sau giảm xuống án tù chung thân và chỉ sau vài năm y đã được trả tự do. Năm 1996, Bokassa đã chết để lại 17 người vợ và khoảng 50 đứa con

Thu Trang (Theo Spiegel)
.
.