Những điều chưa biết về bí danh Lênin

Thứ Bảy, 03/06/2006, 08:00

Từ bao giờ và tại sao lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản Vlađimia Ulianốp chọn cho mình cái tên Lênin? Suốt nhiều thập niên qua vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, nhà báo lão thành Jacốp Xukhôtin ở Xanh Pêtécxbua lại biết chi tiết câu chuyện liên quan đến bí danh Lênin - một câu chuyện rất trữ tình và hoàn toàn nghiêm túc.

Jacốp Xukhôtin kể: Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc tháng 5/1945, tôi được cấp trên phân công hiệu đính cuốn sách “Bí danh của Lênin” do một nhóm các nhà nghiên cứu lịch sử và lưu trữ chuẩn bị. Tôi lưu ý trong bản thảo các tác giả đã phân tích xuất xứ của 148 bí danh mà Vlađimia Ulianốp từng sử dụng nhưng bí danh Lênin - cái tên quen thuộc với tất cả mọi người - thì lại không thấy đề cập đến. Tôi bèn đem thắc mắc của mình hỏi các tác giả cuốn sách và ngay lập tức nhận được câu trả lời nghiêm khắc: “Không nên đặt những câu hỏi ngoài phạm vi nhiệm vụ!”.

Mặc dù vậy nhưng sự mong muốn được biết sự thật luôn thôi thúc tôi để ý, tìm hiểu. Vào những năm đó có giả thuyết rằng Vlađimia Ulianốp lấy cho mình bí danh Lênin để ghi nhớ sự kiện cảnh sát Sa hoàng đàn áp bắn vào công nhân mỏ Sa khoáng Létxki nằm bên dòng sông Lêna ngày 4/4/1912. Tuy nhiên, giả thuyết này dễ dàng bị bác bỏ bởi vì bí danh và chữ ký Lênin xuất hiện trong các văn kiện còn sớm hơn năm 1912. Số phận may mắn đã đến với tôi năm 1948 khi tôi gặp được một người có thể khám phá điều bí mật liên quan đến cái tên Lênin. Đó là ông Mikhain Xinvin cựu thành viên đầu tiên của tổ chức Mácxít “Liên minh giải phóng giai cấp công nhân Nga”.

Xinvin kể cho tôi nghe về tình cảm lãng mạn thời thanh niên sôi nổi của Ulianốp. Lúc ấy là tháng 8/1893, chàng trai trẻ 23 tuổi mới từ thành phố Ximbiếc đến Pêtécxbua hoạt động. Chính Xinvin thu xếp Ulianốp ở trong một căn nhà gỗ rẻ tiền gần kề với hàng xóm thuê trọ là nữ ca sĩ dàn hợp xướng nhà hát ôpêra Marin: Êlêna Zarétxkaia.

Giữa Vôlôđia (tên gọi thân mật của Ulianốp) và nữ ca sĩ xinh đẹp Êlêna nảy sinh tình cảm trong sáng và lãng mạn. Thế nhưng, tai họa bỗng nhiên ập xuống khiến họ phải xa lìa. Đầu tháng 12/1895, Vlađimia Ulianốp bị bắt và bị Tòa án Sa hoàng xử đi đày 3 năm tận làng Xuxenxkôie ở Xibiri.

Đúng thời điểm quan trọng này xuất hiện cô giáo Nađezđa Crúpxkaia dạy học ở Pêtécxbua cũng là thành viên hoạt động trong nhóm Mácxít. Từ lâu Crúpxkaia đã yêu say đắm Ulianốp nhưng chưa được anh đáp lại. Giờ đây khi biết Ulianốp bị đi đày, Crúpxkaia đã có một hành động táo bạo. Cô bất ngờ xin gặp trực tiếp viên tỉnh trưởng Pêtécxbua tuyên bố mình là vợ chưa cưới của Ulianốp, đồng thời yêu cầu giải quyết cho hai mẹ con được đến nơi lưu đày tại làng Xuxenxkôie cùng anh. Thái độ cương quyết và hành động hy sinh cao cả của Crúpxkaia đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với Ulianốp. Chính ở làng Xuxenxkôie lạnh giá đó, Ulianốp quyết định đính hôn với người phụ nữ mà anh sẽ gắn bó suốt cuộc đời: Nađezđa Crúpxkaia.

Một thời gian sau, Ulianốp cũng có dò hỏi tin tức Êlêna Zarétxkaia nhưng nữ ca sĩ ôpêra xinh đẹp đã rời khỏi Pêtécxbua không để lại dấu vết. Để kỷ niệm tình cảm ban đầu nồng cháy, Ulianốp bèn lấy cho mình cái bí danh là Lênin nổi tiếng toàn thế giới.

Vì những lý do khác nhau, suốt nhiều năm qua, người ta không làm rõ xuất xứ bí danh của Lênin. Sự thực là ông già Xinvin đã từng giao hồi ký của mình cho Viện Bảo tàng Lênin ở Mátxcơva, nhưng lúc nhà báo Jacốp Xukhôtin được phép tiếp cận làm việc trong kho lưu trữ mật thì tập hồi ký không còn ở đó nữa

Ng.Đức Hải (theo Bí mật thế kỷ XX)
.
.