Những điều chưa biết về trùm phát xít Hitler

Thứ Năm, 12/05/2005, 07:41
Theo nội dụng hai cuốn sách mới xuất bản, Hitler tên trùm phát xít ra lệnh kiểm tra cả nước dùng trong nhà vệ sinh cũng như nước dùng để luộc trứng cho hắn, xem có độc hay không.

Đó là hai cuốn sách "Das Buch Hitler" (Cuốn sách của Hitler) của Henrik Eberle và Matthias Uhl; "Hitlers Bombe" (Quả bom của Hitler) của Rainer Karlsch xuất bản nhân dịp 60 năm Ngày chiến thắng phát xít.

Theo nội dung của những cuốn sách trên, trong những ngày tàn của đế chế thứ ba, Adolf Hitler luôn sống trong một cảm giác lo lắng khiến cổ và tai hắn luôn đỏ như gà chọi.  Trước khi tự sát, Hitler đã ra lệnh cho tay phục vụ riêng tên là Heinz Linge phải tự tưới xăng và đốt xác hắn. “Anh cần phải làm sao để thi thể tôi không rơi vào tay người Nga - Hitler nói - Nếu không, họ rất có thể sẽ đem trưng bày thi thể của tôi tại Moskva và bọc sáp nó”.

Những chi tiết đáng ngạc nhiên về cuộc sống của Hitler đã được hai chuyên gia Henrik Eberle và Matthias Uhl của Viện Lịch sử hiện đại Berlin sưu tầm tại Cơ quan Lưu trữ Moskva. Trong đó chủ yếu là các biên bản thẩm vấn người hầu phòng Heinz Linge và viên sĩ quan tùy tùng Otto Guns trong suốt một thời gian kéo dài tới cả hai năm.

Hitler và con chó quý.

Linge và Guns đã phục vụ cho Hitler trong cả chục năm trời. Họ bị bắt làm tù binh vào ngày 2/5/1945 tại Berlin, chỉ vài ngày sau khi trực tiếp tham gia đốt xác tên trùm phát xít. Cả hai đã kể tất cả những gì mình biết về Hitler cho các nhân viên mật vụ Xôviết.

Năm 1955, hai người được trả tự do và trở về Đức cho tới khi qua đời: Linge mất năm 1980 và Guns, năm 2003. Theo các tác giả cuốn sách, trong cả 413 trang biên bản hỏi cung được đánh máy mà họ đã đọc, có ghi nhận rất nhiều chi tiết lý thú từ lời khai của hai nhân vật thân cận với Hitler.

Trong đó có kể về việc Hitler thường xuyên chửi mắng Goerin, về việc Hitler đã nổi điên như thế nào sau khi tay phó của hắn trong đảng phát xít là Rudolf Hess chạy trốn, về những mối quan hệ của Hitler với Eva Braun. Khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khoảng chục người phục vụ mới, Hitler đã mắng chửi Borman: “Tôi đã nhấn xuống bùn cả nhiều sư đoàn! Chẳng nhẽ lại không thể có được một vài kẻ rửa chén đĩa trong văn phòng mình hay sao?”.

Eberle và Uhl khẳng định, sở dĩ cơ quan mật vụ Xôviết thu thập được một lượng thông tin lớn như vậy là do Thống soái Stalin vẫn nghi ngờ về cái chết của Hitler. Ông không tin vào vụ tự sát của hắn trong hầm ngầm và cho rằng Hitler còn đang ẩn náu đâu đó. Để có thể làm rõ chân tướng sự việc, Stalin đã chỉ thị cho các cơ quan mật vụ phải tìm được những người thân cận với Hitler, cùng sống với hắn trong những thời khắc cuối cùng của nước Đức phát xít.

Trong thời gian tham dự Hội nghị Postdame vào mùa hè năm 1945, Stalin còn trực tiếp tới tận khu vườn nhỏ gần văn phòng cũ của Hitler, là nơi đã thiêu xác Hitler, Eva Braun và con chó của hắn. Tài liệu đặc biệt này hiện đang có hai bản. Bản chính có những ghi chú của Stalin được cất trong khu lưu trữ bí mật của điện Kremli. Năm 1959, theo chỉ thị của Khrutsev, người ta đã sao thêm một bản nữa và cất trong kho lưu trữ của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính Uhl đã phát hiện ra bản sao này và dịch nó từ tiếng Nga sang tiếng Đức.

Sau khi tờ “Bild” cho công bố một loạt các đoạn trích từ cuốn sách “Das Buch Hitler”, người dân Đức ngay lập tức bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến ấn phẩm này. Đặc biệt trong đó có những bằng chứng cho thấy, Adolf Hitler đã đích thân tham gia vào việc lập và thực hiện kế hoạch thảm sát hàng loạt người Do Thái (Holocaust).

Trong khi theo Matthias Uhl, những bằng chứng không thể bác bỏ về vai trò của Hitler trong kế hoạch điên rồ này - cướp đi mạng sống của khoảng 6 triệu người Do Thái - trước đó đã không thể tìm thấy. Các lời khai cho thấy, Hitler quan tâm đặc biệt tới việc thiết kế các phòng hơi ngạt và đã chỉ thị hỗ trợ hết mình cho các kỹ sư để xây dựng chúng.

Khi Himmler báo cáo về việc những phòng hơi ngạt này đang “vận hành rất tốt”, Hitler đã cười và nói, phương pháp tiêu diệt này “tinh tế và đỡ ồn hơn” so với việc xử bắn. Ngoài ra, cuốn sách còn nói, “Quốc trưởng đã chỉ thị cho Himmler sử dụng nhiều hơn nữa các xe tải có phòng hơi ngạt di động để tiết kiệm đạn cho quân đội khi phải xử bắn các tù binh Nga”.--PageBreak--

Cuốn sách cho thấy, mối quan hệ giữa Hitler với Eva Braun gần gũi hơn nhiều so với mọi người tưởng, đặc biệt là sau thất bại của quân Đức tại Stalingrad. Hitler đã mời người tình đến ở với hắn gần như hàng ngày. “Khi Hitler nghe thấy giọng của người tình, ông ta thường vội vã bước ra để chào đón. Hitler dẫn người tình vào phòng làm việc, nơi đã chuẩn bị sẵn socola, trà, rượu cônhắc, kẹo, hoa quả và sâm banh ướp lạnh.

Cả hai ở với nhau hàng giờ trong phòng - báo chí Đức đã trích dẫn một đoạn trong cuốn sách như vậy. Tuy nhiên, chuyện chăn gối dường như không xảy ra: Hitler thường ngồi đọc báo buổi chiều, còn Eva ăn kẹo socola. Sau nửa đêm, Quốc trưởng về phòng ngủ riêng, còn Eva cũng về phòng của mình”.

Ngoài những lúc nổi nóng, Hitler cũng có những giây phút thích đùa cợt. Khi nhận được tin Mỹ chính thức tuyên chiến với Đức vào tháng 12/1941, Hitler đã giễu cợt: “Xe hơi của chúng không bao giờ thắng trong các cuộc đua, còn máy bay Mỹ tưởng rằng nhanh nhưng động cơ của chúng không đáng một xu!”. Hitler nói: người Mỹ chỉ thành công trong những trò tầm thường và quảng cáo.

Những tài liệu được cuốn sách trích dẫn cho thấy, Hitler hoàn toàn bất ngờ trước việc Rudolf Hess chạy trốn sang Anh - khác với một số giả thuyết cho rằng, hành động này là do Hitler “đạo diễn” nhằm tìm cách ký kết hiệp ước hòa bình với người Anh. Linge đã trực tiếp chứng kiến việc Hitler đã sửng sốt và sau đó nổi khùng lên như thế nào, sau khi bị dựng dậy khi đang ngủ và được báo tin về vụ của Hess.

Còn cuốn sách thứ hai - “Hitlers Bombe” của tác giả Rainer Karlsch - thì lại cho rằng, Hitler từng dẫn đầu trong cuộc chạy đua chế tạo bom nguyên tử. Cuối năm 1944 và đầu năm 1945, theo khẳng định của Karlsch, tại Tiuringi và Biển Bắc, quân Đức đã tiến hành một vài vụ nổ thử nghiệm, trong đó có hàng trăm tù binh đã bị chết vì phóng xạ.

Tác giả cuốn sách này chủ yếu dựa vào tư liệu của một số nhân chứng và chuyên gia sử học từ CHDC Đức. Karlsch viết là đã tìm thấy ở vùng ngoại ô Berlin các dấu vết của “một lò phản ứng làm giàu uranium”.

Tuy nhiên, khác với cuốn sách thứ nhất, tác phẩm của Karlsch đã gặp phải không ít thái độ hoài nghi tại Đức, đặc biệt là từ phía các chuyên gia. Vấn đề là để xây dựng được lò phản ứng, các nhà vật lý Đức cần phải có nước nặng.

Tuy nhiên, kho dự trữ nguyên liệu này đã bị một nhóm đặc nhiệm của Anh với sự trợ giúp của những người yêu nước Na Uy phá hủy vào tháng 2/1943. Nhiều âm mưu tìm kiếm nước nặng của Đức sau đó cũng bị tình báo Xôviết chặn đứng khi còn đang trong giai đoạn triển khai

Quỳnh Lai (theo Bình luận quân sự độc lập)
.
.