Những kẻ kinh doanh thân xác người chết

Thứ Sáu, 18/09/2009, 16:30
Nghề kinh doanh thân xác người chết tại Viện Tutogen (Đức) lâu nay diễn ra bí mật chính vì cái gọi là "siêu lợi nhuận". Đó là nơi lấy xương và cơ phận của những xác chết ở Ukraina đem chế biến thành phẩm rồi bán lại, là một phần của thị trường toàn cầu trị giá nhiều tỉ USD tập trung tại Mỹ.

Nghề kinh doanh béo bở

Cựu kỹ sư Anatoly Korzhak bị bệnh mất tại thủ đô Kiev (Ukraina) ngày 5/8/2004. Thi thể ông được đưa qua phòng mổ pháp y thủ đô lúc 2h sáng. Ngay lúc đó, con gái Lena Krat của ông nhận một cú điện thoại yêu cầu đến phòng mổ pháp y vào sáng hôm sau để biết thêm chi tiết. Lần đầu đối diện với cái chết của người thân nên chị rất bối rối.

Trong lúc một nhân viên đại diện các chuyên gia pháp y trình bày chuyện gì đó về ghép da, chị không muốn nghe, nhưng người này nói rất nhiều trước khi bảo chị ký tên vào một bảng mẫu. Anh ta nói chị nên đồng ý cho lấy da ông cụ, vì nó có ích cho việc ghép da các nạn nhân bỏng sâu. Chị ký tên trong tâm trạng rối bời.

Giờ đây, thông qua các phóng viên của báo Spiegel tại Đức, chị bị sốc dữ dội khi biết Viện Pháp y thủ đô Kiev nọ gửi các cơ phận người chết đến một công ty tại Đức, Tutogen Medical GmbH, là đầu mối cung cấp số lượng lớn cơ phận sang thị trường mô cơ Mỹ. Ngoài da, gân, xương và xương sụn cũng được tranh thủ lấy khỏi các xác chết.

Trụ sở của Tutogen tại Neunkirchen Am Brand, thị trấn 8.000 dân ở miền Bắc Bavaria (Đức).

Xương và gân là những cơ quan thu hút Tutogen nhiều nhất. Tutogen sẽ xử lý và bán thành phẩm của mình cho hơn 40 quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia ước tính tại Đức hàng năm chỉ có khoảng 30.000 ca tạo hình xương (chủ yếu là các ca gãy xương đùi và cột sống).

Ngược lại, tại Mỹ hàng năm có đến cả triệu bộ phận xương được cấy ghép. Nền công nghiệp cấy mô còn phát đạt hơn, ước tính có tổng lợi nhuận hàng năm là 1 tỉ USD, theo nhà báo Martina Keller - đồng tác giả bài viết này và tác giả quyển sách "Cannibalized: The Human Corpse as a Resource".

Người trung gian

Tutogen sử dụng một người trung gian để tổ chức chuyển hàng từ Ukraina, đó là Tiến sĩ Igor Aleshenko, giáo sư pháp y, có nhiều mối quan hệ sâu rộng với các viện pháp y. Ông này làm việc cho Tutogen tại Ukraina suốt 10 năm qua, trở nên giàu có và hiện có 2 căn nhà tại Kiev và Moskov (Nga).

Ông ta từng được Tutogen thừa nhận là nhân vật "siêu giá trị", không bao giờ trả lời phỏng vấn, cũng không trả lời các câu hỏi gửi đến. Tại Ukraina, Aleshenko là Giám đốc Công ty Bioimplant chuyên khoa tách mô cơ. Do có quan hệ mật thiết với Bộ Y tế nên không bao giờ các chuyến hàng qua biên giới của Bioimplant bị thanh tra hay khám xét.

Tutogen cho biết, nguồn hàng thô sẽ chuyển cho các quốc gia giàu như Mỹ, nơi hàng tháng có rất nhiều nhu cầu về các cơ phận. Theo Vladimir Yurchenko, Giám đốc Viện pháp y đường Orangery (Kiev, Ukraina), hàng năm có khoảng 8.000 xác chết đưa đến phòng mổ của ông, thường lấy xương của 5.000 xác chết, trong khi chỉ có người nhà của khoảng 150 người đồng ý cho lấy cơ phận mà thôi. Tổng cộng có 20 cơ sở pháp y tại Ukraina có đăng ký với FDA để cộng tác với Tutogen, điều đó cho thấy Tutogen tại Đức thu hoạch rất nhiều cơ phận từ các xác chết ở Ukraina.

Phòng mổ xác tại thành phố Dnipropetrovsk (Ukraina).

Tutogen có phạm luật?

Khi chuyển cơ phận đến Mỹ, người ta không chỉ gửi đến Công ty mẹ Tutogen Medical Inc. tại bang Florida, mà còn gửi cho cả RTI - công ty cạnh tranh với Tutogen Medical Inc. (TMUS). Một bảng kê chi tiết ghi rằng, chuyến hàng từ Lugansk (Ukraina) giao ngày 7/12/2001, thành tiền 62.000 euro, nơi nhận "TM/RTI". Nếu Tutogen thật sự có vận chuyển mô chưa xử lý sang Mỹ, đây quả là hành vi mua bán mô trái phép để thu lợi nhuận riêng.

Trong một biên bản ghi nhớ ngày 4/4/2002, một nhân viên Tutogen từng cảnh báo không nên chuyển cơ phận chưa qua xử lý đến TMUS. Bởi vì theo Hans-Joachim Mônig, Giám đốc Viện Cấy ghép Mô và Tế bào của Đức, lấy mô và cơ phận thô từ 1 quốc gia rồi đưa sang quốc gia thứ ba là trái luật, phạm tội kinh doanh mô cơ trái phép. Các cuộc điều tra trước năm 2007 chống lại các đối tác của Tutogen tại Krivoy Rog, Kiev và Dnipropetrovsk (Ukraina) đều bị ách lại giữa đường.

Nhưng từ năm 2008, Văn phòng Viện Công tố tại Krivoy Rog mở cuộc điều tra mới, nhắm vào những hành vi lừa dối và ép buộc để tranh thủ sự đồng ý của gia đình người chết cho phép lấy mô cơ và các cơ phận khác để bán cho người cần cấy ghép. Các thành viên gia đình 17 người chết đã đồng ý ra làm chứng chống lại Tutogen.

Các viên chức điều tra tại Krivoy Rog và nhiều thành phố khác tin rằng, trong tất cả các trường hợp bị lấy đi mô và cơ phận, người nhà không biết người chết bị lạm dụng. Nhiều người khẳng định rằng họ không hề đồng ý cho ai lấy cơ phận người thân của mình. Thật ra họ bị lừa, bởi vì người đại diện cho các chuyên gia pháp y thường chỉ nói lấy đi một cơ phận nhỏ của người chết như một mẩu xương hay cơ gì đó, nhưng cuối cùng tất cả mô và xương bị "lóc sạch" rồi chuyển qua Đức.

Ngày 9/1/2009, Văn phòng Công tố quận Krivoy Rog chính thức nộp đơn kiện lên tòa án. Lena Krat, người phụ nữ Kiev nói ở đầu bài, rất mong những kẻ kinh doanh thân xác người chết phải ra tòa chịu trách nhiệm trước công lý, Bà nói: "Những kẻ tham tiền đó có tội với người chết. Tôi thật sự căm phẫn khi những chuyện vô đạo đức như thế vẫn ngang nhiên xảy ra"

Lệ Đào (theo Der Spiegel)
.
.