Bí ẩn vụ án hai vợ chồng nhà khoa học điệp viên Rosenberg

Thứ Tư, 24/02/2016, 13:35
Bài "Giải mã hành động của nhà vật lý hạt nhân người Mỹ trong chiến dịch "Venona" đã đề cập đến mạng lưới cung cấp các bí mật về vũ khí nguyên tử mà nước Mỹ đang triển khai thực nghiệm cho phía Liên Xô. Cùng với nhà vật lý hạt nhân lỗi lạc Alvin Hall còn có đồng nghiệp của ông và các nhà khoa học khác.

Khi đường dây này bị  FBI và CIA lần ra, có hai vợ chồng nhà khoa học người Do Thái bị bắt rồi bị tử hình trên ghế điện. Vụ án này cho đến nay vẫn còn nhiều góc khuất trong khi nhiều người trong cuộc đã là người thiên cổ.

Nạn nhân của chủ nghĩa McCarthy

Ngày 29-8-1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Trong khi Moscow hân hoan, phấn khích bao nhiêu thì ở phía bên kia đại dương, người Mỹ tức tối, hoang mang bấy nhiêu như gặp phải cơn địa chấn bởi từ nay họ đã không còn độc quyền thứ vũ khí nguy hiểm, được coi như một cứu cánh cho địa vị bá chủ toàn cầu nữa. Mượn gió bẻ măng, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tung nhân viên đặc vụ đi thám thính khắp nơi, lập hồ sơ liệt không ít học giả, nhà nghiên cứu Mỹ vào danh sách những phần tử thân Cộng sản, gián điệp quốc tế nguy hiểm, tạo bầu không khí chống Cộng ngột ngạt, căng thẳng khắp nơi trên nước Mỹ.

Ethel Rosenberg và anh trai David Greenglass.

Giám đốc FBI Edgar Hoover đã phải lao tâm khổ tứ, dành không ít công sức "phá" vụ án gián điệp bom nguyên tử chấn động thế giới. Bởi nó không chỉ giúp Hoover báo công lĩnh thưởng, mà còn trợ giúp cho công tác tuyên truyền chính trị chống Liên Xô, tạo dư luận cho việc bắt giữ những nhân sĩ tiến bộ và tấn công vào "thế lực cộng sản chủ nghĩa". Dưới sự hậu thuẫn của Hoover, vụ án gián điệp bom nguyên tử đã nhanh chóng có được những manh mối đầu tiên.

Chuyên gia kỹ thuật David Greenglass làm việc tại Phòng thí nghiệm nguyên tử tại Los Alamos bị FBI bắt vào tháng 6-1950. David Greenglass khai rằng, ông ta đã nhận tiền của một điệp viên tên là Harry Gold để cung cấp cho tình báo Xôviết những thông tin về dự án của phòng thí nghiệm ông ta đang làm việc. Ông ta tố cáo em rể của mình- khoa học gia Julius Rosenberg chính là người đã xúi giục, vạch kế hoạch cho ông ta làm việc này.

Hai vợ chồng Rosenberg khi bị dẫn giải ra tòa.

Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bắt Julius Rosenberg ngày 17-7-1950, và để gây sức ép, một tháng sau, vợ ông, nữ khoa học gia Ethel Rosenberg cũng bị bắt. Tháng 3-1951, hai vợ chồng bị quy kết tội "mưu phản, làm gián điệp". Đây là thời kỳ cao trào của làn sóng chống Cộng sản do Thượng nghị sĩ McCarthy chủ xướng với luận điểm khét tiếng: "Phải khẩn trương ráo riết chống “làn sóng đỏ” đang tràn tới nước Mỹ qua những kẽ hở trong công nghệ vũ khí hiện đại do Mỹ độc quyền nắm giữ".

Ủy ban Điều tra các hoạt động chống Mỹ do Thượng nghị sĩ McCarthy thành lập có nhiệm vụ "nhổ bật rễ" những người theo chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ. Đang trong thời kỳ Chiến tranh lạnh với Liên Xô, việc thành lập ủy ban này có nghĩa là Washington quyết tâm chống lại những đảng viên Cộng sản và các giá trị mà họ theo đuổi. Viện trưởng Viện Công tố Irving Saypol, người được mệnh danh là "sát thủ của làn sóng đỏ" yêu cầu áp dụng hình phạt cao nhất đối với vợ chồng Rosenberg.

Thật ra, ngay từ đầu những năm 30, cái tên Rosenberg đã nằm trong hồ sơ của FBI. Khi học đại học, nhà vật lý tương lai này đã có sự liên hệ với một tổ chức sinh viên cấp tiến và sau khi đi làm lại bị người khác tố cáo là "đảng viên Cộng sản". FBI cũng làm luôn một cuộc điều tra đối với vợ của Rosenberg, bà Ethel. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn: Ethel đã ký tên mình vào thư kêu gọi yêu cầu được tham gia tranh cử của đảng Cộng sản Mỹ.

Trong nhà tù Sing-Sing gần New York, hai vợ chồng Rosenberg dứt khoát không nhận tội "làm gián điệp cho Liên Xô" dù nếu nhận tội thì họ may ra có thể thoát khỏi hình phạt cao nhất là "ngồi ghế điện" (tử hình). Ông bà Rosenberg bị kết án tử hình ngày 29-3-1951. Năm 1952, vụ án Rosenberg bắt đầu gây nên làn sóng phản tỉnh dư luận. Những người Cộng sản và yêu chuộng công lý cho rằng, vợ chồng Rosenberg vô tội, hình phạt tử hình gán cho họ là bất công, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Hai cậu con trai bé bỏng Michael, 10 tuổi và Robert, 6 tuổi.

Một chiến dịch nhằm cứu vợ chồng Rosenberg được phong trào Cộng sản phát động trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức quần chúng "Bảo vệ Rosenberg" được thành lập, nhiều nhà hoạt động xã hội, khoa học, nghệ thuật nổi tiếng lên tiếng bảo vệ Rosenberg. Đặc biệt ở Pháp vang lên nhiều  tiếng nói mạnh mẽ từ những nhà hoạt động xã hội và nghệ thuật như Maurice Druon, Francois Mauriac, Aragon, Picasso…

Giáo hoàng Pière XII cũng lên tiếng yêu cầu Chính phủ Mỹ cần ra tay khoan hồng đối với vợ chồng Rosenberg. Nhưng tất cả những lời phản đối, những yêu cầu của dư luận thế giới đều không lay chuyển được những "cái đầu lạnh" trong Chính phủ Mỹ để họ có thể thay đổi hình phạt đối với Rosenberg. Ngày 19-6-1953, ông bà Rosenberg bị xử tử hình trên ghế điện. Họ đã trở thành nạn nhân điển hình cho một thảm kịch từ sự sai lầm về pháp lý.

Mãi 40 năm sau, vào năm 1995, CIA mới mở kho tài liệu để công khai hóa nội dung lưu trữ từ năm 1939, được biết dưới mật danh "Chiến dịch Venona", còn mật danh của ông bà Rosenberg trong vụ án là “Antenne” và “Liberal”. Những cứ liệu trong tài liệu mật cho thấy Antenne và Liberal không trực tiếp chuyển những bí mật vũ khí nguyên tử cho tình báo Xôviết, tuy có chuyển cho họ rất nhiều tài liệu quan trọng trong công nghệ hàng không. Những bí ẩn xung quanh "vụ Rosenberg" được giải mã một lần nữa vào năm 1999 qua lời kể của điệp viên người Nga Alexandre Feliksov. Ông này công nhận rằng đã nhận được những chỉ dẫn rất quan trọng của Rosenberg về công nghệ điện tử và hàng không.

Theo cuốn hồi ký của điệp viên Alexandre Feliksov, Julius Rosenberg được tình báo Xôviết tuyển mộ vào đúng ngày Quốc tế lao động năm 1942. Sau khi người này bị triệu hồi về Liên Xô năm 1944, công tác liên lạc với hai vợ chồng Rosenberg được giao cho Feliksov. Thông qua Feliksov, Julius và vợ ông đã chuyển hàng ngàn tài liệu có giá trị quân sự quan trọng mà họ thu thập được, ví dụ như mẫu thiết kế hoàn chỉnh chiếc phản lực P-80 Shooting Star của Hãng Lockheed kèm theo hàng trăm tài liệu giá trị từ Ủy ban Cố vấn hàng không quốc gia.

Tuy nhiên, giá trị nhất là các thông tin về dự án nguyên tử Manhattan tối mật mà nhà Rosenberg khai thác được từ David Greenglass, anh trai của bà Ethel! Dưới sự hướng dẫn của Feklisov, Julius Rosenberg còn tuyển mộ được nhiều cá nhân cảm tình với tình báo Liên Xô KGB như Joel Barr, Alfred Sarant, William Perl và Morton Sobell.

Những lời khai chết người của bà chị dâu

Các tài liệu lưu trữ cho biết cho tới phút chót, cả hai vợ chồng Rosenberg đều khẳng định mình vô tội và không cung khai về hoạt động tình báo đã làm cho Liên Xô. Người ta vẫn biết rằng anh trai của bà Ethel đã khai nhận về hành động của em rể và em gái trước tòa để bảo toàn mạng sống. Nhưng theo các tài liệu được giải mật, chính lời khai của chị dâu Ruth Greenglass mới là cơ sở để tòa án khép vợ chồng bà Ethel vào tội chết.

Ngày 19-6-1953, Julius và Ethel Rosenberg bị đưa lên ghế điện tại nhà tù Sing-Sing, New York.

Trước tòa, Ruth Greenglass liên tục cung cấp những thông tin chết người. "Cô có biết Julius Rosenberg là người mang thẻ đảng viên Cộng sản không"? - "Ồ! tôi chẳng bao giờ thấy cái thẻ, nhưng tôi tin anh ta là người Cộng sản". "Vậy, cô có biết Ethel Rosenberg cũng là người mang thẻ đảng viên Cộng sản?" - "Với Ethel, tôi chưa bao giờ thấy cái thẻ, nhưng tôi tin cô ta là người Cộng sản". Ruth kể với bồi thẩm đoàn rằng, hồi tháng 11-1944, Julius Rosenberg đã buộc bà ta phải thuyết phục chồng về việc chuyển các bí mật nguyên tử cho phía Liên Xô. "Julius đã cố gắng trong hai năm để liên lạc với những người, tôi đoán là điệp viên của Liên Xô, để anh ta có thể giúp đỡ người Nga..." - Ruth khai. "Thế Ethel có tham gia cuộc nói chuyện không?" - "À, cô ta yêu cầu tôi phải thuyết phục David".

Ruth Greenglass cho biết, David chẳng bao lâu sau đã xuôi theo lời đề nghị của hai vợ chồng Rosenberg và đã bắt đầu lấy cắp nhiều thông tin bí mật từ Phòng thí nghiệm nguyên tử Los Alamos. Tháng 5-1950, khi FBI bắt đầu khép vòng vây, nhà khoa học Julius đã đề nghị hai vợ chồng Greenglass chạy trốn. "Anh chị phải đi thôi" - Ruth kể lại lời của Julius - "Đi đâu cơ?". "Tới Liên Xô" - Julius trả lời. Tuy nhiên Ruth đã không rời khỏi nước Mỹ. Bà ta khai rằng, bản thân sợ sẽ bị những người Xôviết xử bắn (!). Sau này Ruth còn khai rằng, Ethel đã trực tiếp đánh máy các thông tin quan trọng về chương trình nguyên tử của Mỹ để chồng gửi cho tình báo Liên Xô. Dựa vào chi tiết này, tòa đã đánh giá bà Ethel là đồng phạm hàng đầu của chồng và xử bà tội chết.

Ngày 19-6-1953, trước khi mặt trời lặn, Julius và Ethel Rosenberg đã bị đưa lên ghế điện tại Ossining, New York. Bà Ethel chết sau 5 lần giật điện, vì đầu bà quá nhỏ nên không đội vừa chiếc mũ da gắn những điện cực dẫn dòng điện giết người. Hai vợ chồng để lại hai con trai- Michael, khi đó 10 tuổi và Robert, 6 tuổi. Nhà Meeropol, bạn bè của vợ chồng Rosenberg, nhận Robert và Michael làm con nuôi. Hai đứa trẻ được nuôi nấng cẩn thận và được mang tên họ mới. Hai anh em chỉ lấy lại tên Rosenberg khi quyết định lật lại vụ việc.

Do có thành tích "hợp tác với nhà chức trách", David Greenglass chỉ bị xử 10 năm tù. Ông ta vẫn sống cho tới năm 2014 dưới một cái tên khác. Thời gian cuối đời, David  Greenglass mới thú nhận tất cả những lời khai trước tòa của ông ta… là giả. Tuy nhiên, David Greenglass không hề tỏ ra hối hận vì hành động đó đã góp phần cướp đi mạng sống của em gái mình. Còn Ruth thì không bị bất cứ cáo buộc nào và được trả tự do. Bà ta qua đời vào tháng 4-2008 ở tuổi 83, sau nhiều năm sống chui nhủi ở New York cũng dưới một cái tên giả.

Sam Roberts, phóng viên tờ New York Times từng viết một cuốn sách về vụ Rosenberg, nói: "Người ta sợ Nga, họ sợ một cuộc chiến hạt nhân. Người ta cho rằng Cộng sản sắp chiếm Mỹ đến nơi. Thực tế là có nhiều người Cộng sản xâm nhập nước Mỹ, nhưng chưa bao giờ có nguy cơ thực sự với sự toàn vẹn của Mỹ". Hai vợ chồng nhà Rosenberg chắc chắn đi theo đường lối Cộng sản. Tuy nhiên, David Greenglass, anh trai Ethel cũng là nhân chứng đưa ra hầu hết bằng chứng để buộc tội họ, về sau thừa nhận rằng đã hư cấu câu chuyện để mình thoát tội.

Còn Robert Rosenberg, con trai của hai tử tù trong vụ án có thể nói là đáng hổ thẹn nhất nước Mỹ nhớ lại:"Tôi biết là bố mẹ tôi đã chết khi bản án được thi hành. Tuy nhiên, anh tôi kể lại rằng, tôi vẫn hỏi khi nào chúng tôi được gặp bố mẹ". Robert trần tình: "Nếu ông (Julius) khẳng định đó là đóng góp cho cuộc chiến, thì tôi không biết người ta sẽ kết luận ông làm sai điều gì. Với tuổi thơ của mình, vào thời điểm có con, tôi nhận ra rằng sẽ không tham gia hoạt động chính trị nguy hiểm, có thể tôi là người biết hậu quả của nó rõ hơn ai hết".

Cuối thập niên 80, Robert Meeropol (Robert vẫn dùng họ này để tỏ lòng tôn kính cha mẹ nuôi) khi thành lập quỹ từ thiện với tên gọi "Quỹ Rosenberg vì trẻ em". Nhóm này viện trợ tài chính cho gia đình các nhà hoạt động chính trị có con cái bị thiệt thòi vì "hoạt động và niềm tin chính trị của cha mẹ họ".

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.