Những máy bay bí mật của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh giờ ở đâu?

Thứ Ba, 01/03/2005, 14:41
Những bí mật của Chính phủ Mỹ trong Chiến tranh lạnh, hoạt động gián điệp và những vụ bê bối khác của CIA, sự tiết lộ có liên quan đến hiện tượng UFO sau này được giải thích chi tiết trong báo cáo Roswell, những cuộc thử nghiệm phóng xạ bí mật che giấu công chúng của Bộ Năng lượng (sau đó là Ủy ban Năng lượng nguyên tử) đã khiến cho mối nghi ngờ rằng Chính phủ Mỹ đang “che giấu một điều gì đó” ngày càng tăng lên.

Ngày 17/4/2000, những bức ảnh hàng không do hệ thống vệ tinh thông tin vũ trụ KVR-1000 của Nga chụp toàn cảnh khu vực 51 đã được đăng tải trên mạng. Sau đó, theo yêu cầu của Hiệp hội Khoa học Mỹ, vệ tinh IKONOS ngày 18/4/2000 cũng đã công bố những bức ảnh khu vực căn cứ. Những bức ảnh đó cho thấy rõ địa điểm bí mật Chính phủ Mỹ đã từng tiến hành các cuộc thử nghiệm máy bay công nghệ cao trong suốt những năm Chiến tranh lạnh và chôn giấu các máy bay cho đến ngày nay.

 

Nằm giữa hàng nghìn mét vuông trong khu vực quân sự, trường bắn thử nghiệm Nevada là một căn cứ không quân bí mật, nơi Chính phủ Mỹ thử nghiệm các loại máy bay sử dụng công nghệ tiên tiến trong suốt 40 năm qua. Được biết đến với tên gọi Khu vực 51, nhưng địa điểm này chính là Groom Lake, The Ranch và dải Watertown, trực thuộc Ban quản lý phát triển kế hoạch chính phủ. Khu vực 51 là một cơ sở bí mật của Chính phủ Mỹ mà nhiều người chưa biết đến.

 

Những nỗ lực to lớn mà họ đã tiến hành để che giấu sự tồn tại của địa điểm thử nghiệm bí mật này chỉ bị những người dân trong khu vực phản đối khi biết những thông tin thái quá trong các cuộc họp báo công khai. Những người quan tâm đến khu vực 51 chính là những người tin vào vật thể bay không xác định (UFO), nếu không thì tin chắc rằng những chiếc máy bay lạ bị rơi hoặc xác của chúng được giữ tại đây.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Groom Lake từng là một bãi bắn thử nghiệm đại bác của Không quân, Lục quân Mỹ. Khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ trước, Hãng Lockheed bắt đầu tìm kiếm một địa điểm cách xa khu dân cư để thử nghiệm loại máy bay gián điệp mới U-2. Mặc dù đường băng khu vực này không thể sử dụng được nhưng đây lại là vị thế hết sức lý tưởng vì sự heo hút của nó. Vì thế, mùa hè năm 1955, một đường băng dài 5.000 feet đã bắt đầu được xây dựng với những khu nhà để máy bay và một số lều trại tạm thời của hải quân.

Một máy bay C-124 sau đó đã chở chiếc U-2 đầu tiên đến đây. Nó được lắp ráp lại, kiểm tra và ngày 4/8/1955, phi công Tony Levier đã tiến hành bay thử nghiệm lần đầu tiên. Đối với loại máy bay A-12, đường băng được kéo dài 8.500 feet, các thùng chứa nhiên liệu có khả năng đựng 1.320.000 gallon loại JP-7 được bổ sung, cũng như 3 nhà chứa máy bay và khoảng 100 lều bạt quân dụng. Tất cả có 8 khu nhà đã được xây dựng phía nam căn cứ để chứa các máy bay A-12.

Khoảng giữa những năm 80, một khu vực cất giữ vũ khí của căn cứ được xây dựng chủ yếu để hỗ trợ cho việc thử nghiệm vũ khí trong chương trình F-117A và có thể cả chương trình thử nghiệm tên lửa hành trình tiên tiến. Một số người cho rằng hoạt động bay thử nghiệm tại Groom Lake vẫn chưa kết thúc với loại máy bay chiến đấu tàng hình F-117A.

Họ đưa ra một số nguyên nhân như việc xây dựng đường băng mới chắc hẳn đã phải được bắt đầu sau khi chương trình F-117A đã công bố công khai; có rất nhiều báo cáo của những người quan tâm đến lĩnh vực hàng không cho thấy những tiếng ồn của máy bay và các chuyến bay vào ban đêm trong nhiều năm sau khi chương trình F-117A được công bố; việc năm 1995, Bộ Nội vụ Mỹ lấy gần 1.588 ha diện tích đất dân sự từ Văn phòng quản lý đất, tạo ra một vùng đệm an ninh để ngăn dân chúng quan sát các hoạt động quân sự tại Groom Lake.

Nằm cách đông bắc Las Vegas 90 dặm, Groom Lake rộng khoảng 15.360 ha với những đáy hồ khô cạn, đủ sâu để chôn giấu máy bay nằm rải rác quanh các vị trí được sắp đặt bí mật của chính phủ. Chẳng có tấm bia hay người nào để chứng tỏ đây là một địa điểm còn sót lại cuối cùng dành cho những máy bay công nghệ cao như máy bay thế hệ trước của máy bay phản lực chiến đấu tàng hình F-117A Nighthawk và máy bay trinh sát SR-71 Blackbird.

Tuy nhiên, những người làm việc ở đó và những nhà nghiên cứu lịch sử hàng không tham gia vào các chương trình được gọi là “quỹ đen” của Chính phủ Mỹ nói rằng, một số máy bay bị rơi và thất bại trong các cuộc thử nghiệm được chôn dưới các hố sâu tới 40 feet và bị những đống đất đá phủ kín. Theo lệnh của tổng thống, giới quan chức không quân không thể thảo luận hay thừa nhận địa điểm bí mật hay các hoạt động diễn ra gần Groom Lake.

Một công nhân cũ tại Groom Lake giấu tên nói rằng, năm 1982 anh ta đã nhìn thấy một số người đào bới ở đó suốt cả ngày. Những mảnh vụn của một chiếc máy bay được chôn sâu suốt nhiều tháng trong cái gọi là “Scoot-N-Hide”, một nhà xưởng cách xa đường giao thông nơi những chiếc máy bay bí mật bị cất giữ ngoài tầm quan sát của các vệ tinh đang quay quanh quỹ đạo trái đất. Anh ta nói: “Họ đặt nó trong một chiếc xe đặc chủng và đưa vào nhà chứa máy bay. Rồi một ngày nào đó, họ sử dụng dây cáp kéo nó ra khỏi khu nhà chứa và chôn xuống đất”.

Theo Peter, nhà nghiên cứu hàng không, người đã tìm thấy các tài liệu chuyến bay và đã phỏng vấn một số nhân viên hải quan đến chương trình Groom Lake vào năm 1955, hơn 10 chiếc máy bay được chôn sâu quanh các khu vực được bố trí sẵn. Nếu tính tất cả, những máy bay này trị giá ít nhất 600 triệu USD và thậm chí có thể lên tới 1 tỉ USD.

Ngày nay, thực tế những trang bị công nghệ cao vẫn đang tiếp tục bị che giấu bí mật và theo ông “chúng ta chẳng có lý do gì để tin rằng những việc này đã chấm dứt”. Merlin, người đã từng viết nhiều bài báo cho Trung tâm nghiên cứu bay của NASA Dryden tại căn cứ không quân Edwards thì cho rằng, những trang bị hiện nay nằm sâu 40 feet dưới mặt đất chính là công nghệ mũi nhọn vào thời điểm đó đã giúp Mỹ và cộng đồng tình báo chiếm ưu thế trước các đối thủ của mình.--PageBreak--

Ví dụ, ba thế hệ máy bay trinh sát gián điệp tầm cao U-2, A-12 và SR-71 đã từng xuất hiện tại Groom Lake, mỗi loại đều có khả năng vượt trội so với đối phương. Thậm chí có cả các loại máy bay cũ của Liên Xô trước đây, như loại MiG-23 điển hình những năm 70, do cộng đồng tình báo Mỹ thu được và tiến hành thử nghiệm tại Groom Lake để so sánh khả năng tấn công với máy bay Mỹ.


Năm 1982, địa điểm chôn giấu bí mật nằm gần một con đường đá sỏi, xung quanh là một hệ thống hầm chứa những tài liệu và nguyên liệu bị tiêu hủy thường xuyên trong nhiều năm (như các thùng sơn để tạo tính năng tàng hình cho máy bay). Trong một vụ kiện, những người công nhân ở đây cáo buộc rằng, họ đã mắc bệnh vì khói từ những chất độc đó.

 

Tuy nhiên, Không quân Mỹ đã từ chối công bố các tài liệu liên quan đến những vật liệu tiêu hủy ấy, viện cớ là vấn đề an ninh quốc gia. John Pike, quản lý trang web Global Security org – một tổ chức chính sách quốc phòng khu vực Washington, D.C, nói: “Ý kiến cho rằng Không quân Mỹ đã che giấu những sai lầm của mình tại Groom Lake đáng suy nghĩ”.

Theo Merlin, khu vực Groom Lake bao gồm:

- Một số máy bay A-12 từ những năm 60 thế kỷ XX, các thế hệ trước của máy bay trinh sát SR-71 Blackbird.

- 4 máy bay U-2 từ những năm 50, thế kỷ XX.

- Một số máy bay F-101 rơi năm 1965.

- 2 thân máy bay màu xanh dùng hỗ trợ công nghệ mới cho F-117A.

- Xác máy bay MiG-23 rơi năm 1984.

Theo Merlin, các quan chức ở đây muốn khôi phục lại một thân máy bay màu xanh được chôn đâu đó gần khu vực sắp xếp trang bị tại Groom Lake nhưng không thể tìm thấy. Anh ta cho biết thêm, có một kế hoạch khác chôn giấu chiếc máy bay do thám duy nhất, Tacit Blue – được trang bị các thiết bị cảm biến và rađa cho phép tiếp cận tới gần các khu vực chiến sự – nhưng sau đó kế hoạch bị hủy bỏ và máy bay được đưa vào Viện Bảo tàng Không quân Mỹ tại Ohio. Tacit Blue được kiểm tra tại Groom Lake từ năm 1982 đến 1985.

Tuy nhiên, không phải tất cả những máy bay được thử nghiệm bí mật đều được chôn tại Groom Lake, trong đó có chiếc F-117A sản xuất đầu tiên mang số No.785. Ngày 20-4-1982, khi nó cất cánh, viên phi công bay thử nghiệm của Hãng Lookheed Robert Riedenauer đã kiểm soát được máy bay, nhưng không hiểu vì sao nó lại bị rơi. Riedenauer và các quan chức không quân không nói địa điểm nó bị rơi – nhưng Merlin và những người khác khẳng định máy bay thực sự đã bị rơi tại căn cứ Groom Lake.

 

Trong lúc Riedenauer không thể nói về địa điểm vụ tai nạn thì anh ta công khai nói về việc làm thế nào anh đã thoát chết trong ngày hôm đó, khi mà hệ thống kiểm soát không thể điều khiển máy bay cất cánh mà thay vào đó đã đâm nhào xuống. Riedenauer giải thích trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi chỉ có 4 giây để nghĩ về điều đó”. Những nhân viên cứu nạn đã cố gắng cứu sống Riedenauer từ trong đám cháy đang bùng lên. Họ phải mất 20 phút để kéo anh ta ra khỏi buồng lái và sau đó anh ta phải điều trị suốt vài tháng trong bệnh viện.

 

Đây là chiếc đầu tiên trong số 59 máy bay tàng hình F-117A được chuyển cho không quân, chỉ riêng các cặp cánh của nó trị giá 46 triệu USD bị vỡ nát. Tuy nhiên, nhiều bộ phận của nó được thu nhặt lại và máy bay sau đó được chuyển trở lại Palmdale, Calif, nơi nó được dùng để trưng bày. Những chiếc F-117A sản xuất đầu tiên cũng được cải tạo để trưng bày, trong đó có chiếc số 780 tại công viên tự do căn cứ  không quân Nellis. Bob Pepper, thuộc căn cứ Holloman, New Mexico cho biết, những máy bay tàng hình bị hư hỏng được cất giữ tạm thời tại Holloman sau đó tiến hành thủ tục tiêu hủy cần thiết cùng với các máy bay quân sự khác.

Hiện nay, cơ chế tiêu hủy các máy bay không quân là do những công nghệ đó không được coi là bí mật nữa. Máy bay được chuyển tới căn cứ Davis – Monthan, gần Tucson, Ariz và người ta sẽ tái chế các nguyên vật liệu như nhôm và các kim loại khác từ máy bay. Mục đích của Chính phủ Mỹ là giữ bí mật các loại vật liệu có khả năng chế tạo máy bay tàng hình và bộ phận hợp thành ở những nơi bí mật để ngăn chặn các nước khác có được chúng.

Những bí mật của Chính phủ Mỹ trong Chiến tranh lạnh, hoạt động gián điệp và những vụ bê bối khác của CIA, sự tiết lộ có liên quan đến hiện tượng UFO sau này được giải thích chi tiết trong báo cáo Roswell, những cuộc thử nghiệm phóng xạ bí mật che giấu công chúng của Bộ Năng lượng (sau đó là Ủy ban Năng lượng nguyên tử) đã khiến cho mối nghi ngờ rằng Chính phủ Mỹ đang “che giấu một điều gì đó” ngày càng tăng lên.

 

Nhận thức này không phải là phi lý khi mà có rất nhiều bí mật xung quanh khu vực căn cứ Groom Lake. Tất nhiên, Chính phủ Mỹ đang che giấu một điều gì đó – một địa điểm thử nghiệm bí mật cho các loại máy bay công nghệ cao, nơi chôn giấu các loại máy bay trong cuộc Chiến tranh lạnh. Chính phủ Mỹ gần đây mới thừa nhận “sự tồn tại” của khu vực căn cứ bí mật này bất chấp những mối nghi ngờ và suy đoán của người dân trong suốt những thập kỷ qua

Hoàng Chung (Tổng hợp)
.
.