Những nghi vấn xung quanh vụ tai nạn của Chuyến bay 981

Thứ Hai, 23/02/2009, 09:55
Vụ tai nạn của Chuyến bay 981 của Hãng Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ vào trưa ngày 2/3/1974 tại khu rừng Ernonville của Pháp được xem là một thảm họa của ngành hàng không thế giới với số nạn nhân lên đến 346 người. Tuy kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn là do lý do kỹ thuật, nhưng nghi vấn của nhiều luồng dư luận đều cho rằng vụ tai nạn là kết quả của một hành vi khủng bố.

Máy bay thực hiện Chuyến bay 981 là một máy bay phản lực DC-10 do Hãng McDonnell Douglas của Mỹ sản xuất vào năm 1971. Sáng ngày 2/3/1974, chuyến bay 981 bay tuyến thành phố Istanbul - Paris - London cất cánh từ sân bay Istanbul với 167 hành khách (trong đó có 21 người nước ngoài) cùng 13 nhân viên phi hành đoàn và đáp xuống sân bay quốc tế Orly của thủ đô Paris vào lúc 11h.

Vào thời điểm này, do nhân viên của Hãng Hàng không Anh (BEA) đình công nên các chuyến bay bay tuyến Paris - London và ngược lại đều bị đình trệ khiến hành khách dồn ứ tại sân bay Orly. Đây là lý do khiến nhiều hành khách mua vé đi London trên chuyến bay 981.

Đến 12h30, chuyến bay 981 mang theo 346 hành khách và phi hành đoàn cất cánh từ sân bay Orly trực chỉ sân bay Heathrow của thủ đô London. Tuy nhiên, chỉ 14 phút sau khi cất cánh, một tiếng nổ phát ra ở phía sau máy bay làm bung một cánh cửa ở thân trái khiến chiếc máy bay giảm áp lực và đâm sầm xuống khu rừng Ernonville và vỡ tan khiến 346 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp chặt chẽ để điều tra. Hỗ trợ cho công tác điều tra còn có các chuyên viên của Hãng McDonnel Douglas. Đến ngày 28/4/1974, gần 2 tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn, nhóm điều tra phối hợp đã đưa ra kết luận đầu tiên. Chuyến bay 981 gặp tai nạn là do sự cố kỹ thuật.

Cánh cửa thứ hai bên thân trái của máy bay đã bật chốt an toàn và bung ra khiến máy bay bị giảm áp khi đang ở cao độ 650m. Không khí bên ngoài tràn vào đã khiến máy bay chúc mũi xuống mặt đất.

Cơ trưởng người Thổ Nhĩ Kỳ Nejat Berkoz đã cố gắng giảm tốc độ bay để tạo thế cân bằng nhưng vẫn không mang lại kết quả. Hậu quả là chỉ trong vòng 72 giây, máy bay đã lao xuống khu rừng Ernonville và vỡ tung.

Tuy nhiên, kết luận điều tra này đã không nhận được sự tán thành của nhiều chuyên viên điều tra hàng không quốc tế cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người cho rằng, thế hệ máy bay DC-10 được thiết kế đến hai chốt an toàn tại các cửa hông nên không có lý do gì mà cả hai chốt an toàn đều bị bật tung khiến vụ tai nạn xảy ra.

Vì vậy, nhận định được nhiều người quan tâm là vụ tai nạn chỉ có thể là do phá hoại, vì nhiều nhân chứng ở mặt đất khai báo là họ có nghe một tiếng nổ phát ra từ chiếc máy bay trước khi nó đâm sầm xuống đất. Vậy thủ phạm là ai?

Chuyến bay 981 đang đợi cất cánh tại phi trường Orly của Pháp vào trưa ngày 2/3/1974.

Các phương tiện thông tin ở Thổ Nhĩ Kỳ đều nghi vấn thủ phạm gây ra vụ tai nạn là tổ chức khủng bố Những con sói xám (GWO) hay đảng Công nhân người Kurd (PKK). GWO là một tổ chức khủng bố hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan mật thiết với mafia quốc tế, còn PKK là một tổ chức vũ trang cực đoan đấu tranh đòi tự trị cho cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau khi bị buộc tội có liên quan đến vụ tai nạn, cả hai tổ chức khủng bố này đều bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong khi đó, Cảnh sát Pháp lại nghiêng về giả thuyết rằng vụ tai nạn là do Tổ chức vũ trang Hồi giáo cực đoan FIS ở Algérie gây ra. Từ năm 1973, FIS đã gây ra nhiều vụ khủng bố tại Pháp và Algérie nhằm buộc Pháp không hỗ trợ Chính phủ Algérie trấn áp các hoạt động của FIS.

Cảnh sát còn nghi vấn Mohammed Mahmoudi, 32 tuổi, một người Algérie nhập cư, làm việc tại bộ phận vận chuyển mặt đất của sân bay Orly là một thành viên của FIS. Lợi dụng việc được phép chuyển hành lý của hành khách lên chuyến bay 981, Mahmoudi đã lén cài bom phá hoại. Bị tạm giữ để điều tra, Mahmoudi chối phăng việc có quan hệ với FIS. Và do không có chứng cứ để buộc tội nên cảnh sát buộc phải trả tự do cho Mahmoudi.

Tuy nhiên, giả thuyết được cho là xác đáng nhất về vụ phá hoại chuyến bay 981 là do hành vi khủng bố của Tổ chức Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA). IRA đã tổ chức cài bom phá hoại chuyến bay 981 ngay tại sân bay Orly khi nắm bắt được thông tin về sự hiện diện của một nhóm điệp viên của Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) có mặt trên chuyến bay 981.

Nhóm điệp viên gồm 5 người này do Dan Applegate, chỉ huy bộ phận Bắc Ailen của MI-6, được lệnh từ Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra về  mối quan hệ bí mật giữa IRA và GWO. Theo nguồn tin tình báo thì IRA thông qua GWO đã tổ chức buôn lậu ma túy với số lượng lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Bắc Ailen rồi từ Bắc Ailen tuồn vào lãnh thổ Anh.

Sau khi đã thu thập các bằng chứng xác đáng về việc hợp tác buôn lậu ma túy giữa IRA và GWO, Dan Applegate cùng các đồng nghiệp quay về lại Anh trên chuyến bay 981 và cả nhóm điệp viên MI-6 đã tử nạn.

Giả thuyết còn cho rằng, có thể IRA đã mua chuộc được một nhân viên vận chuyển hành lý làm việc tại sân bay Orly mang bom hẹn giờ lên chuyến bay 981. Quả bom phát nổ không chỉ giết hại cả nhóm điệp viên MI-6, đối tượng chính cần phải loại trừ của IRA, mà còn khiến hàng trăm hành khách vô tội khác thiệt mạng.

Năm 1980, một thành viên IRA tên Graham Downley bị bắt giữ bởi Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) tại thành phố Belfast, đã khai báo rằng chính IRA đã tổ chức phá hoại chuyến bay 981 vào tháng 3/1974 để giết hại một nhóm điệp viên MI6 có mặt trên chuyến bay. Tuy nhiên, do những thông tin này không được chính thức công khai nên vụ tai nạn của chuyến bay 981 vẫn còn là một bí ẩn

Văn Hòa (theo Times Online Archives)
.
.