Những người Anh làm điệp viên hai mang

Thứ Tư, 12/10/2005, 16:13

Trung tuần tháng 7/2005, khi Melita Norwood, 93 tuổi, nữ điệp viên người Anh, làm việc lâu đời cho tình báo Liên Xô, qua đời tại quê nhà Bexleyheath vì tuổi già, báo the Guardian của Anh đã có bài viết về những người Anh làm điệp viên hai mang. Dưới đây là một số điệp viên nổi bật.

John Symonds

Năm nay  đã 68 tuổi, tóc màu xám trắng hơi hói đầu, John Symonds là một biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc. Năm 1965, Symonds được Tổng cục Tình báo Anh (MI-6) tuyển dụng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực vũ khí và thu thập các thông tin về hạt nhân của đối phương, chủ yếu là Liên Xô và Pháp. Nhờ cái mã hào hoa, Symonds luôn chinh phục được những phụ nữ làm việc tại sứ quán hoặc tổng lãnh sự nước ngoài để moi tin.

Theo báo The Guardian, điệp vụ nào Symonds cũng thành công và sau mỗi vụ, Symonds đều... ái ân với người phụ nữ đó. Vì thế, Symonds còn được gọi là Romeo Symonds, từng thú nhận mình làm được việc là nhờ quyến rũ đàn bà để moi tin.

Năm 1973, một điệp viên hai mang người Pháp, tên Marcel, làm việc cho tình báo Liên Xô, móc nối Symonds làm việc cho KGB. Có mật danh Scot, Symonds được một điệp viên Liên Xô huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật hạt nhân và cách thu thập thông tin. Trở thành điệp viên hai mang, Symonds đi khắp châu Âu, có khi đến Mỹ để moi tin tình báo về kỹ thuật hạt nhân của Pháp, Mỹ, đương nhiên là cả của Anh và CHLB Đức cho Liên Xô.

Đến năm 1980, Symonds thôi làm việc cho MI-6 và tình báo Liên Xô, nghỉ hưu, trở về quê nhà ở Old Bailey, miền Nam nước Anh. Năm 1991, điệp viên hai mang người Pháp tên Marcel, người đã móc nối Symonds làm việc cho KGB, bị phản gián Pháp bắt giữ qua lời khai báo của Farewell, mật danh của một nhân viên tình báo Liên Xô bội phản, đã khai ra Symonds. Thế là Symonds bị bắt giữ và bị một tòa án Anh xử phạt hai năm tù giam về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo nước ngoài.

Sau khi được trả tự do vào năm 1994, Symonds mở một cửa hàng bán báo ở quê nhà và thi thoảng viết bài cho báo The Times và The Guardian.

Melita Norwood

Melita Norwood.

Melita Norwood sinh năm 1912 ở một thị trấn nhỏ gần thành phố Southampton, miền Nam nước Anh, trong một gia đình có cha là người Latvia (vốn là một nước cộng hòa ở vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ) và mẹ là người Anh. Melita Norwood còn có tên gọi khác là Melita Sianis.

Năm 1932, khi còn là sinh viên Đại học Southampton, bà trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Anh. Sau khi được đào tạo tại Trường Tình báo Cambridge, Norwood được tuyển vào làm thư ký cho Hiệp hội Nghiên cứu những chất kim loại không phải sắt của Anh (BNFMRA), là tổ chức chuyên về vũ khí hạt nhân chế tạo từ plutonium, uranium-238, cùng các hóa chất độc hại khác.

Người móc nối cho Norwood làm điệp viên hai mang là Vasily Mitrokhin, một nhân viên tình báo Liên Xô. Hoạt động cho tình báo Liên Xô, Norwood có mật danh là Hola. Với tư cách là thư ký của BNFMRA, Norwood đã thu thập được những thông tin cực kỳ quan trọng về chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Anh và một số các quốc gia phương Tây từ cuối thập niên 30-40 rồi chuyển giao cho tình báo Liên Xô. Nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đánh giá cao mọi thông tin tình báo do Norwood cung cấp.

Chồng của Norwood tên Hilary, là giáo sư toán, ông qua đời vào năm 1986. Năm 1979, Norwood cùng chồng có đến thủ đô Moksva và được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Sao đỏ hạng nhất. Tình báo Anh không hề hay biết việc này.

Rất tôn thờ người anh hùng du kích Che Guevara, Norwood đã cho dựng tượng ông trong vườn nhà mình để mỗi ngày chiêm ngưỡng. Tuy nghỉ hưu từ năm 1972, nhưng đối với tình báo Liên Xô, Norwood vẫn tiếp tục công tác đến năm 1977. Năm 1999, khi Vasily Mitrokhin tiết lộ danh sách những điệp viên người Anh làm việc cho tình báo Liên Xô, bà Norwood đã thú nhận mọi hành động của mình khi bị thẩm vấn bởi phản gián Anh. Thế nhưng, do tuổi cao Norwood không bị truy tố về tội phản quốc.

Vào ngày 10/9/1999, nữ điệp viên hai mang Melita Norwood đã tổ chức một cuộc họp báo trên hè phố ở phía trước ngôi nhà của mình tại Bexleyheath, một vùng ngoại ô về phía đông nam thủ đô London.  Hôm ấy bà đã đọc rành rọt từng chữ trong bản tự thú do chính mình viết: “Tôi đã làm điệp viên cho tình báo Liên Xô từ năm 1937. Tôi cung cấp tin tình báo về vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ. Tôi không làm điều đó vì tiền. Tôi làm bởi muốn giúp Liên Xô phá vỡ một hệ thống vũ khí chống lại họ. Tôi muốn  người dân Liên Xô sống trong hòa bình, được giáo dục tốt và chăm sóc sức khỏe tử tế...”. Sáu năm sau, vào chiều ngày 16/7/2005, Melita Norwood qua đời.

Raymond Fletcher

Raymond Fletcher.

Là dân biểu Hạ viện Anh từ năm 1964 đến năm 1983 và là đảng viên Công đảng, Raymond Fletcher luôn hô hào chống lại một thế giới có hạt nhân. Năm 1967, Fletcher được móc nối hoạt động tình báo cho Liên Xô khi tham gia nhóm trung tả có tên gọi Tribune. Tôn chỉ của nhóm là đấu tranh chống lại một thế giới có hạt nhân, chống Anh và Mỹ thiết lập hệ thống tên lửa đạn đạo nhắm vào Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Không những hoạt động cho tình báo Liên Xô, Fletcher còn hoạt động cho cả tình báo Tiệp Khắc. Năm 1985, Fletcher thôi không làm dân biểu và ông nghỉ hưu vào năm 1986. Gần cuối đời, ông nghiện rượu nặng và mất năm 1991 trước khi bị truy tố về tội phản bội Tổ quốc.

Vic Allen

Vic Ailen là giáo sư giảng dạy môn vật lý tại Đại học Leeds và là cộng tác viên chương trình hạt nhân của Anh. Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Leeds, Ailen được tình báo Liên Xô chiêu mộ và đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho tình báo Liên Xô về phát triển chương trình hạt nhân của Anh. Ngoài ra, Ailen còn hoạt động cho cả tình báo Đông Đức. Hiện nay, ông đang sống những năm tháng cuối đời tại Hainsworth House ở vùng Yorkshire. Cũng giống Melita Norwood, Vic Ailen không bị truy tố về tội phản bội Tổ quốc, khi bị phát hiện vào năm 1999, do tuổi đã cao.

Richard Clements

Richard Clements, năm nay 69 tuổi, nguyên là biên tập viên của báo Herald Tribune và từng là bạn thân của thủ lĩnh Công đảng Neil Kinnocks. Được tình báo Liên Xô tuyển dụng cùng lúc với Vic Ailen, Clements có nhiệm vụ cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin tình báo giá trị về kho vũ khí của Mỹ đặt tại Anh và Tây Đức sau Thế chiến II. Ngoài tình báo Liên Xô, Clements còn làm việc cho tình báo CHDC Đức. Bị phát hiện vào năm 1999 nhưng Clements cũng không bị truy tố về tội phản bội Tổ quốc.

Tom Driberg

Tom Driberg.

Cũng giống Raymond Fletcher, Tom Driberg là đảng viên Công đảng và là dân biểu Hạ viện Anh. Năm 1971, Driberg được tình báo Liên Xô tuyển dụng. Cả Vic Ailen, Richard Clements và Tom Driberg họp thành nhóm điệp viên làm việc cho tình báo Liên Xô, đồng thời cộng tác với tình báo CHDC Đức. Bị phát hiện vào năm 1999, Tom Driberg bị truy tố về tội phản bội Tổ quốc nhưng đã qua đời một năm sau đó vì bạo bệnh

H.P (theo Archives of The Guardian)
.
.