Những nhà máy vũ khí bí mật của Hamas

Chủ Nhật, 16/05/2021, 13:23
Cách đây không lâu người dân thành phố Hebron (Palestine) đã nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ ngay khi thức giấc: hàng trăm binh lính và cảnh sát Israel khệ nệ xách từng đống súng ống từ trong một ngôi nhà ra ngoài lề đường, để lẫn lộn với các loại máy tiện, máy cưa.

Sau đó, cảnh sát cầm máy khoan đến và búa tạ để phá tường lấy ra rất nhiều hộp đạn giấu bên trong. Đây chỉ là một trong hàng chục cuộc đột kích của Israel nhắm tới những nhà máy vũ khí bí mật của Hamas tại dải Gaza.

Kể từ khi phong trào Hồi giáo Hamas đi vào hoạt động vào năm 1987, lực lượng này coi việc tự tổ chức sản xuất vũ khí là nhiệm vụ tối quan trọng. Tuy Israel đã tìm mọi cách để ngăn chặn nhưng Hamas hiện đã có đủ khả năng tự sản xuất đủ vũ khí để kéo dài cuộc chiến du kích tại dải Bờ Tây.

Những ngày đầu

Cố lãnh tụ của phong trào Hamas, giáo sư Abdel Aziz Al-Rantisi, từng đưa ra những lời cảnh báo sau: “Chúng ta đang chống lại một kẻ thù mạnh gấp nhiều lần chúng ta về mặt vũ khí, nên sự lựa chọn duy nhất của Hamas là tự phát triển vũ khí có thể lấy lại thế cân bằng”. 

Không lâu sau đó, vị giáo sư bị ám sát bởi máy bay không người lái của Israel. Tầm nhìn mà ông để lại đã thúc đẩy Hamas xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất khí tài quân sự của riêng mình.

Khi đó Hamas vẫn dựa chủ yếu vào vũ khí lạc hậu do các nước Trung Đông khác sản xuất, trong khi quân đội Israel được trang bị những khí tài hiện đại nhất mua từ Mỹ. Mohsen Abdullah Shehadeh, lãnh đạo phụ trách các lực lượng quân sự của Hamas, đã cho thành lập một nhà máy vũ khi bí mật tại trại tị nạn al-Shati.

Nhà máy này ban đầu sản xuất súng lục “Goldstar” copy các mẫu súng Walther PP và PPK của Đức. Vì công nhân không có kinh nghiệm nên việc sản xuất vô cùng khó khăn, lượng phế phẩm rất nhiều. Không nản chí, Mohsen Abdullah Shehadeh lại bắt tay vào nghiên cứu mẫu Carl Gustaf m/45 để chế tạo ra mẫu súng tiểu liên đầu tiên của Palestine mang tên Carlo.

Cận cảnh khẩu súng chống tăng Al-Battar do Hamas sản xuất.

Dưới sự lãnh đạo của Muhammad al-Dhaif, (biệt danh Abu Khaled), Hamas ngày càng mở rộng quy mô hoạt động sản xuất. Họ đã có đủ khả năng để tự sản xuất những loại vũ khí bộ binh phổ biến như súng AK-47, lựu đạn, súng chống tăng RPG-7,... với chất lượng không thua kém các sản phẩm sản xuất tại nhiều quốc gia Trung Đông khác.

Thành quả lớn nhất của Hamas là nghiên cứu thành công mẫu tên lửa Qassam-1. Tên lửa có thể mang  60 kg TNT bay trong bán kính từ 2-3 km. Sau đó, Hamas tiếp tục cải tiến Qassam-1 lên các mẫu Qassam-2, Qassam-3 và Qassam-4. Độ chính xác và sức công phá của những loại tên lửa tầm gần này nhờ thế cũng tăng lên, biến chúng trở thành một mối đau đầu dai dẳng với Israel.

Chất lượng pháo cối do Hamas sản xuất không quá khác so với sản phẩm từ các nước Đông Âu.

Mạng nhện

Israel rút khỏi dải Gaza vào năm 2005. Hai năm sau đó, phong trào Hamas đã đẩy được các lực lượng trung thành với Fatah rút lui từ Gaza đến Bờ Tây, để lại khu vực này cho Hamas toàn quyền nắm giữ. Hamas hiểu rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Israel tấn công dải Gaza bằng tên lửa và máy bay ném bom, nên một trong những điều đầu tiên họ làm là cho xây dựng một mạng lưới đường hầm khổng lồ.

Những đường hầm này là nơi để Hamas đặt nhà kho, bệnh viện, cơ quan chỉ huy, và những cơ sở quan trọng khác. Hệ thống đường hầm được xây dựng bài bản, có tường bê tông, đường điện và đường nước nên hoàn toàn có thể trở thành nhà máy sản xuất vũ khí. 

Mặt khác, nhiều nhánh của đường hầm xuyên qua biên giới Palestine - Ai Cập nhằm giúp Hamas buôn lậu được vũ khí trong khi bị Israel cấm vận.

Tổng chỉ huy quân sự của Hamas trong thời kỳ này là Ahmed al-Jabari. Ahmed còn gửi nhiều cá nhân có tài năng khoa học sang Syria và Iran để bồi dưỡng kiến thức.

Nhờ vào những cá nhân này mà trang thiết bị khí tài của Hamas có những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây. Hiện nay Hamas sở hữu cả một mạng lưới những silo tên lửa Fajr-5 ngầm có thể tấn công các mục tiêu trong bán kính 72 km với độ chính xác trên 80%.

Số vũ khí và máy móc quân đội Israel thu giữ được từ một nhà máy của Hamas.

Cái chết từ trên cao

Hiện nay Hamas giảm dần các chiến dịch đối đầu trực tiếp với quân đội Israel. Phong trào này vẫn còn đang hồi phục những tổn thất từ việc đối đầu trực diện quân đội Israel vào mùa hè năm 2019. 

Ngoài ra Hamas cũng phải dồn nguồn lực đối chọi với đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở Bờ Tây. Dự báo trong tương lai gần Hamas sẽ tiếp tục tiến hành khiêu khích và đột kích Israel bằng tên lửa tầm gần.

Trong biên chế hai đơn vị tên lửa chính của quân Hamas là Al-Quds và Al-Nasser Saladin ngoài tên lửa Fajr-5 kể trên còn có hàng trăm quả pháo phản lực M-21OF cùng xe phóng BM-21 Grad. 

Số vũ khí này được Hamas mua từ các kho quân sự của Liên Xô (cũ) sau đó tự nghiên cứu cải tiến. Tầm bắn của pháo M-21OF cải tiến là 40 km trong khi độ chính xác tăng lên khoảng 1,25 lần.

Sau nhiều lần cải tiến từ mẫu Qassam-1, hiện nay Hamas có thể tự sản xuất tên lửa J-89 (tầm bắn 80 km) và R-160 (tầm bắn 160 km). Tuy chỉ mới được sử dụng trong một số ít lần Hamas tấn công các cơ sở quân sự quan trọng nằm sâu trong biên giới Israel, nhưng hai mẫu tên lửa này đã thể hiện rất rõ khả năng của mình.

Đối với Hamas, vấn đề thật sự là hệ thống tên lửa phòng không “Vòm Sắt” của Israel. Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2011, hệ thống này đã đánh chặn hàng trăm quả tên lửa bắn từ Palestine. 

Bộ Quốc phòng Israel hiện đang triển khai chương trình củng cố và mở rộng mạng lưới “Vòm Sắt” để bảo vệ quốc gia này khỏi mọi mối nguy từ các nước láng giềng.

Nếu muốn cuộc tấn công thành công thì Hamas buộc phải bí mật cho xe phóng tên lửa Fajr-5 chạy sang Ai Cập rồi mới cho bắn. Nhưng mỗi quả tên lửa đã dài 6m và nặng 907 kg. Hamas khó có thể chuyển tên lửa qua biên giới Ai Cập mà không bị quân Israel đóng tại bán đảo Sinai phát hiện ra ngay.

Một quả tên lửa cất cánh từ Israel để đánh chặn rocket của quân Hamas.

Hiện Hamas  đã và đang đầu tư mạnh vào việc sản sản xuất máy bay không người lái (UAV). UAV quả là một món quà “trên trời rơi xuống” đối với Hamas. Nhờ mẫu máy bay Ababeel-1 mà lần đầu tiên Hamas sở hữu khả năng do thám và tác chiến trên không.

Ngoài sản xuất UAV, Hamas cũng đã chế tạo thành công một số loại tên lửa không đối đất, tạo lợi thế cho bộ binh khi chiến đấu trong khu đô thị. Trong trường hợp có mục tiêu cần được phá huỷ hoàn toàn, Hamas sẽ gắn thật nhiều thuốc nổ vào chiếc Ababeel-1 để biến nó trở thành “bom bay” sở hữu sức công phá và độ chính xác đáng kinh ngạc.

Về phần mình, Israel đang làm mọi cách để cản trở việc Hamas sản xuất và nhập khẩu vũ khí. Các lực lượng Israel liên tục đột kích những mục tiêu nằm bên kia biên giới, đơn cử như vụ máy bay Israel dùng tên lửa phá sập một nhà máy đạn dược của Sudan hồi tháng 10 vừa qua. Trước sự phản đối của các quốc gia có chủ quyền bị xâm phạm, Israel đã tỏ thái độ cứng rắn tuyên bố “Sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ an ninh quốc gia.”

Mặt khác Shin Bet (Cơ quan Mật vụ Israel) và Mossad (Cơ quan Tình báo ngoại quốc Israel) thường xuyên tổ chức ám sát những cá nhân quan trọng trong mạng lưới cung cấp vũ khí cho Hamas. 

Vào năm 2010, một nhân viên ngoại giao Hamas bị ám sát bằng thuốc độc khi đang trú tại một khách sạn ở thủ đô Beirut của Liban. Có tin đồn rằng nạn nhân đến Beirut nhằm đàm phán một đơn hàng vũ khí.

Tên lửa R-160 có khả năng bắn xa 160km.

Sáu năm sau tại thành phố Sfax của Tunisia, một kỹ sư Hamas tên là Mohamed Zouari bị bắn chết. Mohamed là nhà sáng chế đã phát minh ra mẫu UAV Ababeel-1. Sau khi cách mạng Tuynidi thành công vào năm 2011, Mohamed trở về sống tại thành phố quê hương của mình.

Vào một ngày nọ trong lúc ông ta đang đi trên đường thì bất ngờ bị một chiếc xe tải chặn đầu. Hai tay súng nhảy từ trên xe tải xuống và xả 21 phát đạn vào Mohamed. Trước khi cảnh sát kịp đến hiện trường, đã có kẻ hack vào camera giao thông tại góc đường xảy ra vụ việc và xoá đi toàn bộ đoạn phim bằng chứng.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.