Những tai nạn khó hiểu trên biển Bắc Hải 30 năm trước

Thứ Hai, 07/04/2008, 15:00
Cơn sốt săn dầu tại Bắc Hải thuộc điạ phận Na Uy vào những năm 70 của thế kỷ XX tạo ra nhiều giải thưởng lớn cho công việc nhưng nó đã cướp đi quá nhiều sinh mạng. Giờ đây, gia đình của các công nhân lặn bị thiệt mạng trong vùng biển Na Uy vẫn đề nghị chính phủ có trách nhiệm với họ.

Vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, Bắc Hải là một vùng sông nước kiểu miền Tây hoang dã của Mỹ. Nền kinh tế thế giới bị đẩy vào tình trạng suy thoái bởi giá dầu thô cao ngất ngưởng. Trong cơn khát săn dầu gần như bất tận đó, nhiều nguồn dầu dưới thềm đại dương chợt trở thành liều thuốc tiên cho các chính phủ phương Tây.

Với sức mê hoặc bởi giải thưởng cao, hàng trăm thợ lặn biển tham gia ngay chuyến “khai phá những mỏ dầu Bắc Hải tại các vùng biển thuộc địa phận Na Uy và Anh. Thân phận họ chẳng khác gì  phu đào mỏ, những người cách đó hàng thế kỷ từng đi tìm “vàng đen” tại các thung lũng và hoang mạc của Bắc Mỹ.

Thu nhập khổng lồ

Họ được biết đến dưới tên gọi “Những thợ lặn tiên phong”. Theo một bài báo được đăng vào năm 1975 trên tờ Time, một người thợ lặn tiên phong ở biển Bắc Hải thời đó có thể kiếm được 2.000 bảng Anh/tháng, tương đương với hiện nay là 14.000 bảng Anh. Nhưng theo những thợ lặn đã từ bỏ nghề ở cả 2 bên bờ Bắc Hải, con số thợ lặn giàu có tại Na Uy hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi sự bất an toàn bao giờ cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận.

Một mặt, theo những bà góa và gia đình người thợ xấu số, có nhiều tình huống rất khắc nghiệt khiến cho những “con bò mộng” to khỏe nhất ấy bị sốc chết. Họ cho rằng, Chính phủ Na Uy nói chung phải chịu hết mọi trách nhiệm, bởi vì chính phủ thường nhắm mắt làm ngơ trong trường hợp lặn sâu nguy hiểm. Thậm chí trong một số trường hợp, chính phủ còn tiếp tay cho các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Nói chung, tất cả những thợ lặn tiên phong được đối xử như vật thí nghiệm. Mặt khác, Chính phủ Na Uy, các hãng sản xuất dầu và các công ty quản lý thợ lặn chối bỏ hết mọi việc sai trái có thể xảy ra đối với họ. Ann Marie McCreath, đến từ tổ chức Gatehouse of Fleet tại Scotland, là một trong những người đi tìm lời giải đáp cho mọi người.

Những tai nạn khó hiểu

Tháng 3/1971, cha của Ann Marie McCreath là Mike Brushneen chết trong một vụ nổ trên con tàu lặn Na Uy mang tên Ocean Viking đậu tại Bắc Hải. Lạ lùng nhất là ông không hề được biên chế tham gia vào chuyến lặn hôm đó. Ông được thăng chức và chuẩn bị tái định cư cùng gia đình tại Aberdeen. Thế nhưng ông chủ của Mike lại muốn tiếp xúc với hoạt động bơm dầu và ra lệnh tìm ngay người có nhiều kinh nghiệm, và không ai có thể khiến ông chủ hài lòng hơn Mike Brushneen. Họ phải xử lý một trở ngại gì đó trên các đầu mố giếng (chúng đang trong giai đoạn sản xuất). Và Mike đã chết trong một tai nạn không có lời giải thích xác đáng.

Chỉ vài ngày sau đó, vợ và 3 đứa con của Mike được đưa từ căn nhà gia đình họ đang cư ngụ ở Stavanger đến Newcastle. Kể từ đó, vợ con của Mike chẳng nghe những người có trách nhiệm nói gì nữa. Không có biên bản tai nạn, trên giấy báo tử không ghi lý do tử vong. Những nỗ lực tìm kiếm thông tin từ các nhà chức trách trở nên vô vọng. Vợ Mike nói với Hãng tin BBC: “Tất cả chỉ vì lòng tham, tất cả họ thật sự cần tiền. Căn bản là giới chủ chỉ biết sử dụng những người đàn ông mạnh khỏe đó như các mẫu thiết bị – không hơn không kém”.

Tai nạn đó quá kinh khủng và làm tan nát cả gia đình họ. Ann Marie lớn lên trong sự khốn khó. Mẹ chị nuôi con bằng đồng lương còm cõi của mình, họ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của Chính phủ Na Uy. Chị nói: “Thật khó tin là ngay mới cách nay 25 năm, những chuyện như vậy lại cứ diễn ra trong những xứ văn minh!”. Cha của chị McCreath là 1 trong 17 thợ lặn chết vì làm việc trên thềm lục địa Na Uy, trong đó có 12 người Anh và 1 người Mỹ. Thân nhân của 4 thợ lặn Na Uy được Chính phủ tại Oslo bồi thường. Thế nhưng, chỉ có 3 gia đình người nước ngoài (2 Anh và 1 Mỹ) nhận được trợ cấp.

Cách nay 6 tháng, tình cờ Ann Marie nghe nói đến Tom Wingen khi nhập tên cha chị vào công cụ dò tìm trên Internet. Ông Wingen là người phát ngôn của Liên minh Các thợ lặn Bắc Hải ở Na Uy (NSDA), một tổ chức dự kiến vận dụng luật để đòi chính phủ đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ.

Luôn làm việc tập thể (họ có 24 thợ lặn nghỉ nghề), NSDA kiến nghị chính phủ là nên có mức trợ cấp cho lỗ hổng thu nhập của họ vì những thương vong liên quan đến nghề lặn. Họ đoan chắc là đã cống hiến cho sự đổi mới kinh tế của Na Uy từ bao lâu nay. Wingen nói: “Chúng tôi chỉ cần sự nhìn nhận công lao của chung mọi người, không chỉ cho người Na Uy mà cả người Anh nữa”...

Cơn sốt dầu tại Na Uy (1965-1990)

- 2.500 thợ lặn được cấp giấy chứng nhận thợ lặn Na Uy.

- 12 người Anh tử vong trong khu vực hải phận Biển Bắc của Na Uy.

- 123 thợ lặn tiên phong Na Uy bị tàn phế được bồi thường.

- Không có trường hợp thợ lặn tiên phong nước ngoài nào tàn phế được bồi thường.

Đinh Lệ (tổng hợp)
.
.