Những tiết lộ mới nhất về điệp viên lão thành Aleksey Kozlov

Thứ Ba, 10/01/2006, 10:45

Vào đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống, Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) mới cho tiết lộ thêm một tên tuổi siêu điệp viên nữa của họ - đó là Anh hùng nước Nga Aleksey Mikhailovich Kozlov, một chiến sĩ tình báo đã hoạt động 40 năm ở nước ngoài.

Đại tá SVR Aleksey Kozlov sinh năm 1934 tại làng Oparino (ngoại ô Vologda). Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông thi đậu vào Viện Quan hệ quốc tế Moskva năm 1953. Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, Kozlov được mời tới Lubianka (trụ sở KGB) và được đề nghị trở thành một điệp viên bí mật. Qua một thời gian đào tạo nghiệp vụ, chuyến đi đầu tiên của ông là tới Đức trong vòng 3 tuần, sau đó là đến Đan Mạch. Cuối tháng 10/1962, Kozlov tới Copenhaghen để thi vào một trường kỹ thuật chuyên đào tạo các chuyên gia vẽ kỹ thuật. Ông nhận tấm bằng tốt nghiệp của Đan Mạch để làm bình phong cho những hoạt động tiếp theo của mình.

Kozlov được trung tâm cấp cho một hộ chiếu giả của Đức. Để xóa dấu vết và ngụy trang tốt, ông được đề nghị phải qua lại nhiều nước khác nhau. Quốc gia đầu tiên mà Kozlov lựa chọn là Leban. Sau đó theo yêu cầu của trung tâm, ông tới Algeria, định cư ở đó một thời gian dài để chờ vợ cùng sang. Kozlov đã lập gia đình tại Moskva.

Trước khi sang với chồng, vợ của ông đã được huấn luyện thêm về nghiệp vụ và chuẩn bị sẵn một lý do thích hợp gặp chồng. Việc chọn Algeria để định cư hóa ra lại là một quyết định hết sức đúng đắn. Hai năm sau khi giành được độc lập, người Algeria đã xóa bỏ tất cả giấy tờ của những người nước ngoài đang sống ở đây từ trước. Nhờ đó, Kozlov dễ dàng có được vỏ bọc của một người Đức đã sống tại Algeria suốt 20 năm, tạo đà cho những chặng đường hoạt động tiếp theo.

Trụ sở SVR ngày nay.

Khi vợ có mang, cả nhà Kozlov được lệnh tới Tây Đức để hoàn tất thủ tục kết hôn của mình (khi đó hộ chiếu của cả hai vợ chồng đều là giả). Ban đầu cả hai tới Tunisia, sau đó là Hà Lan, Pháp rồi tới thành phố Stuttgart của Đức. Tại đó, Kozlov tìm được công việc của một lao công tại một tiệm hấp tẩy. Hai vợ chồng chính thức tổ chức đám cưới tại Đức, nhận được giấy tờ là công dân Đức và có hai đứa con chỉ trong vòng một năm.

Trở về Nga một thời gian, gia đình Kozlov lại sang châu Âu hoạt động. Tại thủ đô một quốc gia tại đây, vợ ông được nhận làm giáo viên dạy tiếng Đức ở một trường phổ thông, đặc biệt chuyên dạy cho con em các nhân viên trong khối NATO. Còn Kozlov trở thành tổng giám đốc của một doanh nghiệp hấp tẩy lớn. Cả hai vợ chồng đã khai thác được rất nhiều thông tin quan trọng để gửi về trung tâm trong giai đoạn này.

Cuộc đời điệp viên của Kozlov chuyển sang một bước ngoặt bất ngờ vào năm 1970, khi vợ ông bị bệnh nặng phải trở về nước và mất tại quê hương. Theo lệnh cấp trên, Kozlov vẫn tiếp tục đơn độc hoạt động tại các “điểm nóng” cần thiết cho việc khai thác thông tin. Trước tiên, ông chuyển tới sinh sống và kinh doanh tại Italia. Công việc của Kozlov đã giúp ông có được nhiều quan hệ tốt với các công ty chuyên sản xuất nguyên liệu và máy móc cho việc hấp tẩy. Họ đã đề nghị ông làm đại diện cho mình ở rất nhiều nước, trong đó có cả Italia.

Nhờ đó, Kozlov có điều kiện đi lại các nước như Ai Cập, Jordan, Israel, Kuwait, Leban, Arập Xêút v.v... Đó là lý do giúp Kozlov có rất nhiều nguồn tin giá trị: họ hàng các bộ trưởng tại Leban, sĩ quan quân đội và các chính trị gia Israel, rất nhiều bạn bè trong số các quan chức và cảnh sát Iran... Nhờ những thành công đặc biệt này, Kozlov đã được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ.

Năm 1977, Kozlov lần đầu tiên được lệnh tới Nam Phi, một quốc gia khi đó vẫn nằm dưới quyền cai trị của chế độ phân biệt chủng tộc. Tình báo Xôviết khi đó đang rất quan tâm về những mối quan hệ bí mật của quốc gia này với phương Tây. Đầu tiên, Kozlov tới Namibia, một nước thuộc địa của Nam Phi. Đây là nơi chính quyền phân biệt chủng tộc chuyên khai thác uranium làm giàu trước khi bán cho Mỹ. Trong khi về danh nghĩa, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia phương Tây khác đang áp dụng chính sách tẩy chay kinh tế đối với Nam Phi. Để có được nhiều thông tin, Kozlov đã qua lại nhiều quốc gia gần với Nam Phi như Zambia, Botswana, Malawi...--PageBreak--

Kozlov được giao một nhiệm vụ mới là tìm hiểu xem Nam Phi khi đó đã có được bom nguyên tử chưa. Vấn đề là từ năm 1978, thế giới đã ghi nhận một vụ nổ lớn tương tự như của bom nguyên tử ở phía nam bán cầu không xa Capetown. Điều này đã khiến cả Liên Xô và Mỹ đều rất quan tâm. Kozlov đã phát hiện và báo cho trung tâm về một phòng thí nghiệm nghiên cứu nguyên tử ở Pelendab, nơi được nghi ngờ là địa điểm chế tạo bom nguyên tử. Nhờ đó, Liên Xô đã biết được âm mưu của chính quyền Nam Phi khi đó đang nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử với sự giúp đỡ của Israel.

Năm 1980, Kozlov được lệnh quay trở lại Nam Phi. Tuy nhiên, khi vừa xuống sân bay Johanesburg, ông đã bị Cơ quan Phản gián Nam Phi bắt sau đó áp giải về thủ đô Pretoria. Kozlov bị giam giữ và tra tấn liên tục tại một nhà tù bí mật của mật vụ Nam Phi. Ông đã phải chịu đựng đủ mọi ngón đòn tra tấn cả thể xác và tinh thần. Kozlov đã không khai bất cứ điều gì, cho tới khi một nhân viên phản gián Tây Đức tới gặp trực tiếp ông. Hóa ra, người Đức đã phát hiện ra chiếc máy vô tuyến điện của ông, cuốn sổ mật mã cũng như bức ảnh có cái tên “A.M.Kozlov” viết đằng sau. Đến lúc này, Kozlov chỉ thừa nhận duy nhất một việc: ông là sĩ quan của tình báo Xôviết.

Kozlov đã phải trải qua những tháng năm nghiệt ngã tại khu tử tù của trại giam Pretoria. Trong khi đó, Trung tâm không biết được số phận của Kozlov ra sao, cho đến khi Thủ tướng Nam Phi Botha chính thức tuyên bố trên truyền hình và đài phát thanh về việc bắt giữ Kozlov. Kozlov phải ngồi tù cho đến tháng 5/1982, cho đến khi ông được đưa lên máy bay sang Đức.

Tại đây, ông và một số người khác được trao đổi với 10 người Đức và một sĩ quan quân đội Nam Phi đã bị bắt trước đó tại Angola. Hóa ra, nguyên nhân bại lộ của ông là do tên phản bội Oleg Gordievski, kẻ đã chính thức đào tẩu vào năm 1985.

Bốn năm sau khi trở về nước, Kozlov lại tham gia một chuyến công tác nước ngoài kéo dài tới 10 năm nữa. Kết quả là khi trở về ông đã được phong danh hiệu Anh hùng nước Nga. Tính ra, điệp viên lão thành Kozlov đã có thâm niên 40 năm hoạt động ở nước ngoài

Thái Quân (tổng hợp)
.
.