Những tòa lâu đài bay

Thứ Tư, 04/12/2013, 08:45

Chuyên cơ của nữ Thủ tướng Angela Merkel là chiếc A-340 đồ sộ dài gần 70m, trị giá hơn 200 triệu euro do Hãng Airbus của Pháp sản xuất, được đặt làm riêng vào năm 2006 ngay sau khi bà trở thành người đứng đầu nội các. Nội thất cao cấp trên chuyên cơ là một hệ thống liên hoàn bao gồm phòng tiếp khách, phòng làm việc, phòng ngủ, nhà ăn có quầy bar, phòng tắm rộng rãi, phòng spa, phòng thư giãn, giải trí với mạng wifi tốc độ cao…

Đôi điều hé mở về đội chuyên cơ của Chính phủ Đức

Tại CHLB Đức từ lâu nay tồn tại một đội ngũ máy bay hùng hậu chuyên phục vụ những chuyến di chuyển trên không của các thành viên chính phủ. Đội chuyên cơ Đức vốn nổi danh trong giới kiểm soát không lưu quốc tế qua mật hiệu "Biệt đội Adenauer", mang tên vị Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức sau Thế chiến II Konrad Adenauer (1876-1967), cùng dòng chữ tiếng Đức "Bundesrepublik Deutschland" (CHLB Đức) khổ lớn sơn dọc thân phi cơ.

Đó là nói về chuyên cơ cấp nhà nước dành cho các chức danh như tổng thống hay thủ tướng thuộc sở hữu của chính phủ, còn chuyên cơ của các thành viên nội các thường được thuê bao theo thời hạn từ Hãng Lufthansa, công ty hàng không dân sự lớn nhất nước Đức cũng như ở châu Âu, với dòng chữ "khiêm nhường" hơn là "lufthansa.com" sơn trên thân. Tuy nhiên, số lượng chính xác có bao nhiêu chiếc máy bay trong biên chế của "Biệt đội Adenauer" vẫn luôn là ẩn số với công chúng, bởi được liệt vào hàng “dữ liệu nhạy cảm về an ninh quốc gia”.

Theo lời Ians Barfse, Đội trưởng "Biệt đội Adenauer" thì trước đây, tình trạng gặp sự cố kỹ thuật luôn xảy ra với các chuyên cơ của chính phủ. Ví như radar viễn thông không bắt liên lạc được với đài kiểm soát không lưu do bị… đóng băng, hay phải đáp khẩn cấp xuống rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ vì… hết nhiên liệu, hoặc hệ thống điện tử điều khiển trong buồng lái bất thần ngừng hoạt động do bị chuột gặm đứt dây dẫn…

"Nhưng thời gian gần đây, các sự cố trên đã được khắc phục triệt để, do ngân sách nhà nước tỏ ra hào phóng khi quyết định trang bị cho đội chuyên cơ những chiếc máy bay phản lực siêu thanh đời mới", Đội trưởng I. Barfse cho biết.

Chuyên cơ của nữ Thủ tướng Angela Merkel là chiếc A-340 đồ sộ dài gần 70m, trị giá hơn 200 triệu euro do Hãng Airbus của Pháp sản xuất, được đặt làm riêng vào năm 2006 ngay sau khi bà trở thành người đứng đầu nội các. Nội thất cao cấp trên chuyên cơ là một hệ thống liên hoàn bao gồm phòng tiếp khách, phòng làm việc, phòng ngủ, nhà ăn có quầy bar, phòng tắm rộng rãi, phòng spa, phòng thư giãn, giải trí với mạng wifi tốc độ cao…

"Sự cố" lớn nhất từng xảy ra với cỗ chuyên cơ siêu sang này được cả thế giới biết đến hơn 2 năm trước, vào cuối tháng 5/2011 khi Thủ tướng A. Merkel sang thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ. Chuyến bay đặc biệt do phi công lão luyện Barfse làm cơ trưởng.

Khi sắp tiếp cận không phận Iran thì chúng tôi nhận được lệnh cấm từ sân bay quốc tế Tehran, buộc phải bay lòng vòng trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 tiếng đồng hồ, chờ những cuộc thương thuyết rốt ráo giữa Berlin và Tehran để Iran mở lại không phận theo quy chế ưu đãi ngoại giao - Cơ trưởng Barfse nhớ lại - Lúc ấy vào khoảng nửa đêm nên vị khách duy nhất đã yên giấc.

Bãi đỗ dành riêng cho chuyên cơ chính phủ ở sân bay quốc tế Berlin.

Rạng sáng hôm sau, trước khi đáp xuống New Delhi, nữ Thủ tướng đột ngột xuất hiện trước cửa buồng lái cùng câu chào xã giao: "Này các chàng trai, đêm qua các cậu có ngủ ngon không?". Theo yêu cầu của bên an ninh, chúng tôi chưa được phép báo cáo với Thủ tướng về sự cố mới xảy ra, để đầu óc bà tập trung vào chuyến thăm viếng lần đầu tiên tới Ấn Độ.

Điều đáng nói ở đây là một chiếc chuyên cơ khác trong biệt đội chở các bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng, tuy cất cánh ở Berlin sau chúng tôi nhưng lại đến New Delhi trước, do không bị phía Iran "cấm cửa".

Khi được hỏi về khoản thu nhập hàng tháng, tuy không cho biết cụ thể nhưng Đội trưởng Barfse than thở là "chỉ bằng 1/3 mức lương của các đồng nghiệp bên Hãng Lufthansa". Thu nhập trung bình của phi công thuộc Công ty Hàng không dân dụng Lufthansa là 15.000 euro/tháng, suy ra lương nhận được mỗi tháng của cơ trưởng trong "Biệt đội Adenauer" là 5.000 euro. Ngoài ra, Barfse cũng thừa nhận do thu nhập thấp nên nhiều phi công đã bỏ đi, đầu quân cho những nơi khác có mức lương cao hơn.

Các ông chủ dầu mỏ ARập tại một buổi triển lãm máy bay cá nhân.

"Trong thực tế, ngay từ đầu năm 2009 chính phủ đã có quy định riêng, theo đó mọi thành viên thuộc biệt đội chuyên cơ đều phải là quân nhân đang tại ngũ trong Không lực Đức - Barfse cho biết thêm - đồng thời Bộ Quốc phòng cũng bổ sung khoản trợ cấp cho mỗi phi công là 600 euro/tháng. Nhưng khoản ưu đãi này cũng như lương tháng sẽ bị cắt giảm đáng kể vào cuối năm 2014, theo kế hoạch thắt chặt ngân sách của chính phủ".

Vấn đề nổi cộm khác là sự lãng phí khi sử dụng chuyên cơ, do nhiều trụ sở cấp liên bang vẫn còn đóng ở Bonn, thủ đô cũ của Tây Đức khi nước Đức chưa tái thống nhất mà không di dời về Berlin. Hành khách chen chúc tại sân bay Bonn thường mục kích những cỗ phi cơ phản lực khổng lồ, nhưng chỉ chở số ít người thuộc một cơ quan cấp bộ nào đó đến và đi, gây ra nỗi bất bình trong dân chúng…

Tiêu biểu là trường hợp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu khoa học, bà Johanna Wanka, từng bị truyền thông Đức lên tiếng chỉ trích khi một mình bay trên chiếc chuyên cơ Boeing 747-400 tốn kém, thay mặt Chính phủ Đức đến Rome dự lễ đăng quang của tân Giáo hoàng Francis, tháng 3/2013.

Trước thực trạng duy trì đội bay chuyên cơ đông đảo và lãng phí, khi bị báo giới chất vấn, phát ngôn viên Steffen Seibert của Chính phủ Đức đã cho biết: "Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vấn đề căn bản ở đây là Biệt đội Adenauer đáp ứng nhanh chóng nhu cầu di chuyển của các chính khách hàng đầu. Tiết kiệm thời gian cùng hiệu suất công việc còn quan trọng hơn là tiền bạc!".--PageBreak--

Dịch vụ vương giả phục vụ thú chơi máy bay của các ông chủ mỏ dầu Trung Đông

Trung Đông có thể chỉ chiếm gần 1/10 doanh số máy bay phản lực tư nhân được bán ra trên toàn cầu, nhưng các hành khách của những chiếc máy bay sang trọng này lại có những yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Faisal Ghazi Kayal - Giám đốc điều hành của Hãng Hàng không tư nhân Saudia hoàn toàn đồng ý rằng các "thượng đế" của mình luôn có những đòi hỏi rất khó đáp ứng.

Tình hình cạnh tranh quyết liệt để nắm bắt thị phần nhỏ nhưng mang lại những khoản lợi nhuận siêu "khủng" khi ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực kinh doanh máy bay phản lực tư nhân. Theo Hiệp hội Kinh doanh hàng không Trung Đông, mức tăng trưởng của thị trường này dự kiến sẽ lên đến khoảng 12% trong hai năm tới. Để đạt được con số này, các hãng hàng không sẽ phải nỗ lực rất nhiều và không chỉ dừng lại ở mức độ sản phẩm tuyệt hảo.

Ông Kayal cho biết: "Mỗi chuyến bay phải là một trải nghiệm hoàn hảo. Cuộc hành trình chưa kết thúc khi máy bay hạ cánh, mà chúng tôi còn phải suy nghĩ về điểm dừng chân, về khách sạn mà chúng tôi sẽ đưa khách đến".

“Cung điện bay” trong chiếc Boeing 747 của Hoàng tử ARập Xêút - Al Waleed.

Trải nghiệm của khách hàng với những tiện nghi trên máy bay chỉ là một phần nhỏ của cả quá trình. Nhưng các nhà sản xuất máy bay phản lực tư nhân và các công ty trang thiết bị hàng không luôn cố gắng vượt qua mọi giới hạn để đáp ứng tất cả nhu cầu của các "thượng đế" thích du hành trên không.

Cuối tháng này, Lufthansa Technik đã sẵn sàng thử nghiệm buồng tắm hơi đầu tiên của mình trên một chiếc Boeing 737. Đây không phải là một công việc dễ dàng vì việc tạo ra áp lực và nhiệt độ cao trong cabin thực sự là một mối nguy hiểm khi đang lưu thông trên không. Kể cả sự ngưng tụ hơi nước cũng không được phép hình thành bên trong hoặc trên cấu trúc của máy bay.

Đối với những khách hàng của Kayal - những người muốn được đối xử như các vị vua, Hãng Royal Jet sẽ phục vụ họ như với các thành viên của gia đình hoàng gia Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Công ty này thuộc hai chủ sở hữu là Hãng Hàng không Abu Dhabi và Presidential Flight Authority, hãng chuyên trách các dịch vụ bay của hoàng gia.

Các nhà sản xuất kinh doanh máy bay phản lực khác như Gulfstream tìm kiếm mô hình lớn hơn bằng cách phổ biến việc kinh doanh của mình trong khu vực. Họ coi trọng việc phổ biến mô hình dịch vụ của mình đến những nhóm khách cao cấp di chuyển cùng gia đình hơn là chú trọng vào những phân khúc khác trên toàn cầu. Tại Trung Đông, đa phần khách hàng sở hữu máy bay phản lực tư nhân có xu hướng đi du lịch với gia đình nhiều hơn khách hàng trong các khu vực khác.

Những nhu cầu có liên quan đến vấn đề văn hóa được quan tâm đặc biệt. Shane O'Hare - CEO của Hãng Royal Jet cho biết: "Những khách hàng Arập thường có mong muốn tách bạch các khu vực riêng dành cho nam giới và phụ nữ, họ cũng rất cụ thể khi chọn vị trí của phòng ngủ. Điều quan trọng là các phòng ngủ được nằm gần phía đầu của máy bay, trong khi đối với một số thị trường khác, vị trí ưa thích lại là được nằm gần phía sau, vì thế hình thức là rất quan trọng.

Trong những tòa lâu đài bay này có cả rạp chiếu phim, phòng tắm bằng đá cẩm thạch, bể cá, phòng hòa nhạc, phòng hạnh phúc, nhà bếp, ghế nạm vàng" -  theo Nick Gleis, nhiếp ảnh gia may mắn được tham quan và cho phép chụp hình lại nội thất bên trong của những chiếc máy bay cá nhân được thiết kế sang trọng bậc nhất này. Nhiều người trong số các chủ sở hữu muốn giữ kín danh tính, vì vậy khoảng 90% công việc của Nick Gleis chưa bao giờ được công chúng nhìn thấy.

Lộ trình trên không cũng có "taxi dù"

Theo Hiệp hội Kinh doanh hàng không Trung Đông, Arập Xêút cùng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất chiếm khoảng 70% thị trường máy bay phản lực tư nhân ở Trung Đông và Bắc Phi nhưng vẫn có những trở ngại tiềm ẩn cho các công ty kinh doanh máy bay tư nhân. Một trong những vấn đề lớn nhất mà họ gặp phải trong khu vực là "thị trường xám" (gray market) - nghĩa là máy bay đã thuộc sở hữu của cá nhân sau đó được cho thuê lại mà không cần phải qua giám sát pháp lý (hoặc phải trả các chi phí) như các công ty này.

O'Hare cho rằng: "Việc này cũng giống như taxi dù. Có một mạng lưới  hoặc những người môi giới lo liệu mọi việc và chắc hẳn là họ sẽ phá giá những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Chúng tôi thích cạnh tranh nhưng chúng tôi muốn cạnh tranh công bằng và hợp pháp. Đây là một ngành kinh doanh rất đắt đỏ, mọi giới hạn đều mong manh, và chúng tôi muốn nó là một ngành công nghiệp của các tổ chức kinh nghiệm trong ngành hàng không chứ không phải là công nghiệp hàng không của những người đam mê".

Đây là một trong những lý do khiến các công ty như Royal Jet và Hàng không tư nhân Saudia quan tâm đến việc làm nổi bật sự an toàn của máy bay, an ninh hàng không, kinh nghiệm của phi công, cũng như mức độ dịch vụ của họ.

Kayal cho rằng, nhiều nỗ lực đang được thực thi trong toàn hệ thống và cuối cùng mọi thứ cũng sẽ ổn định như trong bất kỳ thị trường phát triển nào. Từ đây đến lúc đó, các công ty máy bay phản lực tư nhân vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ sang trọng và tung những "chiêu bài" cần thiết để đảm bảo thu hút khách hàng

Quang Dũng – Trần Hồng (theo Deutsche Welle)
.
.