Nỗi lo các đảo quốc trước những vụ thử hạt nhân của Mỹ

Thứ Hai, 28/08/2006, 08:30

Trước khi được đưa ra sử dụng, bao giờ các loại vũ khí tối tân cũng được đem thử nghiệm. Mặc dù biết rõ tính chất nguy hiểm của các loại vũ khí này, thế nhưng bất chấp tất cả, nhiều nước sở hữu các loại vũ khí nguy hiểm như bom nguyên tử vẫn cho thử ngay tại những nơi mà con người đang sinh sống.

Các vụ thử hạt nhân của Mỹ trên các đảo quốc tại khu vực Thái Bình Dương đã gây ra nỗi lo lớn đối với các đảo quốc. Trong suốt thời gian vài năm gần đây, nhiều đảo quốc tại Thái Bình Dương đã đâm đơn kiện nước Mỹ, đòi nước Mỹ phải bồi thường thiệt hại về những gì nước Mỹ đã gây ra khi họ tiến hành các vụ thử hạt nhân trên các đảo quốc cũng như các khu vực lân cận. Mới năm ngoái, đảo quốc - nước Cộng hòa Marshall đã yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho họ một khoản tiền là 3 tỉ USD, bởi vì trong quãng thời gian từ năm 1946 tới năm 1958, nước Mỹ bất chấp sự an nguy của cư dân trên các đảo quốc đã cho tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân trên quần đảo Marshall. Những vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ không chỉ biến cảnh đẹp của hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nhiệt đới” này thành “địa ngục chôn các loại vũ khí hạt nhân” của nước Mỹ mà còn phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái biển của cả một khu vực rộng lớn tại Thái Bình Dương.

Nước Mỹ lý luận rằng để bảo vệ lãnh thổ, nước Mỹ cần phải có những cuộc thử vũ khí hạt nhân, địa điểm lý tưởng với họ là Thái Bình Dương. Vào tháng 8/1945, sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Liên Xô cũng đã nhanh chóng chế tạo thành công bom nguyên tử. 4 năm sau, Liên Xô đã lần đầu tiên cho thử thành công bom nguyên tử. Tin tức này lập tức được truyền tới nước Mỹ, quả bom này đã khiến Nhà Trắng cũng như các quan chức trong Lầu Năm Góc giật mình lo lắng.

Tại thời điểm đó một thực tế hết sức rõ ràng là, ưu thế sở hữu vũ khí hạt nhân độc nhất vô nhị của Mỹ đã không còn nữa. Nước Mỹ đã cảm thấy không thực sự an tâm, họ muốn vượt lên Liên Xô. Vậy là nước Mỹ lại dốc toàn lực vào việc chế tạo loại vũ khí hạt nhân mới - đó chính là bom khinh khí. Muốn chế tạo thành công loại bom này để có thể đưa vào sử dụng thì cần phải có một loạt các cuộc thử nghiệm để nắm chắc các thông số hoạt động cũng như mức độ công phá của nó. Và quần đảo Marshall ngoài khơi Thái Bình Dương đã được Mỹ lựa chọn để tiến hành các vụ thử.

Vào tháng 1/1946, sau nhiều cuộc họp và thương thảo tại Ủy ban Năng lượng và Nguyên tử Mỹ, cuối cùng Mỹ đã đi đến quyết định là sẽ thử các loại vũ khí hạt nhân trên quần dảo Marshall ngoài khơi Thái Bình Dương. Quần đảo Marshall nằm ở giữa Thái Bình Dương, diện tích đất của đảo là 181km2, quần đảo được hợp thành bởi hơn 1.200 đảo nhỏ, phân bố trên 2.000.000km2 bề mặt nước, có nhiều cư dân sinh sống. Vào những năm cuối Thế chiến II, chiếm được quần đảo này từ tay Nhật Bản, ngay lập tức Mỹ đã biến nó thành một cứ điểm quân sự vô cùng quan trọng.

Tháng 2/1946, quân đội Mỹ  bắt đầu cho xây dựng các công trình quân sự trên đảo Bikini, người dân tại đảo này bị buộc phải rời khỏi đảo, và chuyển tới sống tại một đảo nhỏ hơn cách đó 200km. Còn một điều cũng vô cùng nguy hiểm khác là: Quân đội Mỹ đã không nói cho những người dân ở đây biết về những nguy hiểm mà họ sẽ gặp phải khi tiến hành các vụ thử hạt nhân. Và hậu quả mà họ phải trả một cái giá vô cùng đắt cho những vụ thử vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ.

Trải qua hơn nửa năm chuẩn bị, vào ngày 1 và ngày 25/7/1946, Mỹ đã liên tục tiến hành hai vụ thử hạt nhân, sức công phá của hai vụ thử trên đã khiến các cư dân của đảo Marshall một phen kinh hoàng, thế nhưng đó chỉ là phần nổi của “tảng băng hiểm họa” mà họ không được phép biết.

Vào tháng 6/1952, toàn bộ những lý luận về thiết kế của bom khinh khí đã được hoàn tất. Sau đó 2 năm, vào tháng 10/1954 quả bom khinh khí đầu tiên đã được hoàn thành, hàng ngàn người Mỹ bao gồm các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về vũ khí cũng như các tướng lĩnh và quan chức trong quân đội, Chính phủ Mỹ đã có mặt tại quần đảo Marshall. Vào ngày 1/11/1954, quả bom khinh khí đầu tiên có tên gọi “Mike” đã được thử tại quần đảo Marshall. Được biết quả bom này có sức công phá lớn gấp 500 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Sóng xung kích và bức xạ ánh sáng của quả bom rực sáng cả một vùng không gian Thái Bình Dương. Những người được chứng kiến đã miêu tả lại rằng: Cả địa cầu bừng sáng như có một mặt trời nhân tạo thứ hai vậy.

Ngày 1/3/1954, một quả bom khinh khí có sức công phá tương đương với 6.000.000 tấn TNT đã được đưa đến đảo Bikini. Vào 6 giờ 45 phút, quả bom khinh khí này đã được kích nổ ở độ cao cách mặt đất 2m. Sức công phá của quả bom đã khiến cho toàn thể quần đảo rung lên, các máy quan sát của Mỹ đã phát hiện ra rằng hai hòn đảo ở gần đó đã bị xóa sổ hoàn toàn. Các máy bay quan sát của Không quân Mỹ đã phát hiện ra địa điểm của vụ thử bây giờ đã biến thành một cái hồ rất sâu, diện tích hơn 2km2 , sâu 80m, trong vòng bán kính hơn 200km đều nhìn thấy quầng sáng của vụ nổ, ánh sáng của nó còn mạnh hơn cả ánh sáng mặt trời. Sau vụ nổ đó các nhà khoa học đã dự tính rằng, sức công phá của quả bom khinh khí này giải phóng ra một năng lượng tương đương với năng lượng của 15.000.000 tấn TNT, tức là vượt dự tính ban đầu hơn 2 lần, gấp hơn 1.000 lần quả bom đã thả xuống Nagasaki của Nhật Bản. Quả bom này trở thành loại vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất vào thời kỳ đó.

Do không lường hết uy lực của quả bom, quân đội Mỹ đã không kịp thời di dời hết những cư dân quanh khu vực đó cũng như tàu thuyền đánh cá của ngư dân các nước, do vậy đã gây ra một thảm họa ô nhiễm hạt nhân trên biển. Cụ thể một diện tích 20.000km2 mặt nước biển đã vĩnh viễn bị ô nhiễm, đồng thời gây ra hàng loạt hiện tượng kỳ quái về môi trường, môi sinh tại khu vực này. Nhiều người dân tại đây sau khi bị nhiễm phóng xạ cũng đã bị chết dần hoặc mắc rất nhiều căn bệnh lạ, họ đã phải trả giá quá đắt khi họ trở thành những vật hy sinh cho những mục đích chính trị của nước Mỹ.

Quần đảo Marshall bị phá huỷ vì 67 lần thử vũ khí hạt nhân

Theo thống kê, từ năm 1940 tới năm 1990, nước Mỹ đã tiến hành hàng nghìn vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó chỉ riêng quần đảo Marshall đã diễn ra 67 vụ thử, trong số này có 23 vụ diễn ra trên hòn đảo Bikini. Chỉ trong năm 1954, tổng số lượng chất nổ mà quần đảo này hứng chịu đã lên tới con số 10.000.000 tấn. Bụi phóng xạ còn theo mây và gió tán phát tới nhiều nơi trong hòn đảo gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho những người dân nơi đây. Ngoài ra môi trường và thổ nhưỡng của quần đảo cũng có những thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Các chuyên gia phóng xạ Liên Hiệp Quốc cho rằng cách duy nhất để làm cho quần đảo này “sạch” trở lại là phải hốt hết 10cm đất bề mặt của cả quần đảo, thay vào đó là một lớp đất khác. Còn những chỗ có thử vũ khí thì không bao giờ còn cơ hội để khắc phục nữa. Trải qua mấy chục năm, tất cả lực lượng quân sự, tàu chiến, vũ khí Mỹ hiện đã không còn nữa, nhưng những hậu quả đau thương mà quân đội Mỹ để lại cho quần đảo và khu vực Thái Bình Dương là không thể xóa nhòa

Nguyễn Hoà (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.