Ông Obama đã “lẩy cò” cho cuộc chiến Libya như thế nào?

Thứ Bảy, 19/11/2011, 15:47
Cuộc chiến Libya đã hạ màn. Tuy nhiên, ngay cả những người ít hiểu biết nhất về chính trị cũng có thể thấy cuộc chiến Libya chẳng phải là cuộc chiến của người dân Libya nhằm lật đổ một chính thể mà họ bị áp bức. Nó cũng chẳng phải là cuộc chiến của NATO như hằng được tưởng. Nó là cuộc chiến của Washington, một cuộc chiến đầu tiên thật sự của nội các Barack Obama…

Thử lật lại những tình tiết hậu trường vừa được cây bút Michael Hastings tiết lộ trên tờ Rolling Stone (ngày 27/10/2011).

Một cuộc gặp thất bại

Chiều ngày 14/3/2011, nhà triết học Pháp Bernard-Henri Lévy đứng bồn chồn ở sảnh sân bay Le Bourget ngoại ô Paris. Ông đang đợi một chiếc máy bay tư nhân chở một "chiến binh" Libya. 62 tuổi, Lévy là một trong những tác giả nổi tiếng nhất nước Pháp, một trong những thủ lĩnh có "máu mặt" của phong trào "Tân triết học" (Nouvelle Philosophie).

Gần như chẳng tháng nào mà Lévy không làm gì đó gây tranh cãi, từ chuyện bảo vệ những nhân vật dính dáng đến vấn đề lạm dụng tình dục như đạo diễn Roman Polanski hoặc cựu Chủ tịch IMF Dominique Strauss-Kahn, đến việc đưa ra chủ trương đối ngoại gì đó mà thường thì kết thúc trong... thất bại.

Năm 1993, ông từng thuyết phục bất thành Tổng thống Pháp François Mitterrand can thiệp vào chiến sự tại Balkans. Năm 2001, ông đích thân đứng ra dàn xếp cuộc gặp giữa thủ lĩnh Afghanistan Ahmed Shah Massoud với Tổng thống Jacques Chirac… Lần này, nhân vật mà Lévy đón chờ là Mahmoud Jibril, thủ lĩnh phe nổi dậy tại Libya. Lévy đã bí mật tổ chức cuộc gặp sắp diễn ra giữa Jibril và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Gaddafi với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice năm 2008 tại Tripoli.

Trước đó, Lévy đã thuyết phục Chính phủ Pháp chính thức công nhận thành phần đối lập Libya, tức Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC), dù chưa có quốc gia châu Âu nào ngả theo xu hướng tương tự. Do đó, cả Lévy và Jibril tin rằng, việc tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Mỹ là điều kiện tiên quyết.

Có chút ít trục trặc ban đầu cho cuộc gặp trên. Jibril, nhà khoa học chính trị từng dạy tại Đại học Pittsburgh, đã bị hải quan Pháp chặn ở sân bay. Dù trước đó vài ngày đã hội đàm với Tổng thống Nicolas Sarkozy tại Điện Élysée (cũng do Lévy dàn xếp) nhưng Jibril không có visa hợp lệ cho việc trở lại nước Pháp. Nhiều giờ trôi qua và Jibril vẫn bị kẹt cứng ở phi trường. Thế là cuộc hẹn lúc 17 giờ với bà Hillary như kế hoạch bị hoãn. Lévy đành phải bố trí lại lịch hẹn.

Sau khi Jibril thoát ra được khỏi sân bay, Lévy lập tức liên lạc với bà Hillary để kịp đưa thủ lĩnh phe nổi dậy Libya đến cầu kiến lúc 22 giờ, trước khi bà Ngoại trưởng Mỹ bay sang Cairo vào sáng sớm hôm sau. Lévy và Jibril hối hả lao vào chiếc Mercedes đen và phóng ào đến khách sạn Westin, nơi bà Hillary đang ngụ. 45 phút sau, Jibril bước ra khỏi phòng bà Hillary, với vẻ bực tức khó chịu. Hỏng việc rồi. Chẳng được xơ múi gì cả!

Được Lévy "mớm sẵn", Jibril nói với bà Hillary rằng, Mỹ cần phải ủng hộ một vùng cấm bay; cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy và thực hiện chiến dịch quân sự triệt hạ quân đội Gaddafi. Nếu Mỹ không can thiệp, Jibril nói, sẽ có những cuộc thảm sát hàng loạt, như từng xảy ra khi cựu Tổng thống Bill Clinton không hành động kịp thời trước cuộc chính biến ở Rwanda và vùng Balkans vào thập niên 90 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, có vẻ như lời cảnh báo của Jibril chẳng có ép phê. Để tránh bị ê mặt khi đụng độ cánh nhà báo tháp tùng bà Hillary, Jibril phải lẻn ra khách sạn bằng cửa sau, cùng Lévy về khách sạn Raphael. 1 giờ sáng, họ cùng ngồi soạn thông cáo báo chí - một hành động vớt vát cuối cùng để tìm kiếm dư luận ủng hộ quốc tế. Một giờ sau, họ hoàn thành, quyết định chờ đến sáng mới nhấn nút "gửi".

Washington tính toán những gì?

Từ cuối tháng 2/2011, Washington bắt đầu tăng cường thảo luận vấn đề Libya trong Phòng Tình huống. Nội các Obama chia thành hai phe. Một nhóm, gồm giới chức cấp cao Lầu Năm Góc và cố vấn an ninh, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, tỏ ra hoài nghi khả năng can thiệp bằng quân sự. Những câu hỏi cốt lõi của nhóm hoài nghi là: Liệu việc can thiệp quân sự có làm cho sự hiện diện của Mỹ tại IraqAfghanistan trở nên khó khăn hơn? Liệu việc can thiệp có dẫn nước Mỹ đến cuộc chiến thứ ba? Liệu việc can thiệp có làm hỏng sự hợp tác từ các nước trong cuộc chiến chống khủng bố?...

Trong khi đó, nhóm ủng hộ can thiệp lại tin rằng, nếu Mỹ đứng ngoài cuộc, một thảm họa nhân đạo tại Libya chắc chắn bùng nổ. Một trong những người ủng hộ can thiệp mạnh nhất tại Washington là bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), người từng có mặt trong Hội đồng An ninh quốc gia của nội các Bill Clinton.

Cùng quan điểm với Susan Rice là Samantha Power, cựu Giáo sư Harvard, tác giả quyển đoạt giải Pulitzer “A Problem From Hell”, một trong những cố vấn đối ngoại thân tín nhất của Obama hồi chiến dịch tranh cử tổng thống.

Phần mình, thoạt đầu Ngoại trưởng Hillary đứng về phe ngài Bộ trưởng Quốc phòng (không can thiệp bằng quân sự) nhưng sau đó lại ngả sang nhóm của Susan Rice. Ngày 12/3, trước chuyến công du Trung Đông, bà Hillary nhận biết rằng, các nước Arập có thể ủng hộ việc can thiệp lật đổ Gaddafi...

Trong hai tuần đầu tháng 3/2011, tất cả những gì ông Obama làm là lắng nghe các ý kiến mà gần như không đưa ra kết luận riêng. Để nhận định rõ hơn cục diện, Nhà Trắng còn mời một số chuyên gia từ bên ngoài vào. Một trong những người như vậy là Elliott Abrams, nhân vật vốn nổi tiếng từng chỉ trích không tiếc lời nội các ông Obama.

Abrams, từng ngồi ghế cố vấn Nhà Trắng ở những thời khắc quan trọng đối với bang giao quốc tế thời George W. Bush và Ronald Reagan, là 1 trong 40 nhà quân sự trong đó có "kiến trúc sư" cuộc chiến Iraq Paul Wolfowitz đã cùng ký thư gửi Tổng thống Obama vào tháng 2/2011, giục Washington nhanh chóng lật đổ Gaddafi.

Trong một buổi làm việc với nhóm chuyên gia, người ta còn thấy cả Tom Malinowski (thuộc Tổ chức Human Rights Watch; từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton), người có chủ trương ủng hộ hành động can thiệp quân sự…

Ngày 10/3/2011, khi quân đội Gaddafi tăng cường phản công, có vẻ như lực lượng NTC rõ ràng không đủ sức cầm cự. Tình thế như chỉ mành treo chuông khiến Jibril phải sang châu Âu gõ cửa cầu cứu. Tại Pháp, Jibril gặp bà ngoại trưởng Mỹ. Nhưng khổ thay, có vẻ như Washington không động lòng trắc ẩn…

Gaddafi và Obama tại cuộc họp G8 (italia) năm 2009.

Chiều hôm sau, 16 giờ, tại Phòng Tình huống, ông Obama tổ chức họp. Bà Hillary - vừa đến Cairo sau khi rời Paris - gọi về Washington, thông báo về cuộc gặp với Jibril, cho biết thêm: Liên minh Arập sẵn sàng ủng hộ hoàn toàn một vùng cấm bay tại Libya, giúp NATO có thể vô hiệu hóa lực lượng không quân của ông Gaddafi.

Ông Obama bắt đầu xem báo cáo tình hình chiến sự Libya, được Phó giám đốc Tình báo quốc gia Robert Cardillo đệ trình. Ít nhất 3 thành phố trước đó do NTC chiếm giữ, theo Cardillo, đã bị quân đội Gaddafi tái chiếm, trong đó có thành phố chiến lược Ajdabiya.

Đúng lúc đó, Đại sứ Libya Gene Cretz gọi đến từ Paris, thông báo rằng LHQ vừa nhận được báo cáo về một bệnh viện tại Libya với "những bức tường đầy máu trong khi toàn bộ thi thể đã bị chuyển đi". Còn nữa, Đại sứ Cretz nói thêm, Gaddafi đã từng "thảm sát 1.200 tù nhân" vào thập niên 90...

Trước loạt tin với diễn biến xấu dồn dập, Obama bắt đầu lật lá bài của mình. Ông quyết định NATO cần phải oanh tạc và làm tê liệt quân đội Gaddafi. Phải có một cuộc can thiệp bằng nắm đấm quân sự thật sự. "Quý vị đang nói với tôi rằng Benghazi có thể bị chiếm trong tuần này nhưng quý vị không cho tôi biết bất kỳ khả năng nào để ngăn chặn điều đó" - ông Obama nói sau 2 tiếng thảo luận - "Tôi muốn những khả năng thật sự!".

Khi yêu cầu nhóm cố vấn an ninh quốc gia đưa ra các kịch bản khác ngoài kế hoạch "vùng cấm bay", Obama ra lệnh sẽ họp lại lúc 21 giờ… Tại cuộc họp này, nội dung tập trung vào khả năng thuyết phục LHQ về một giải pháp quân sự mạnh tay dành cho Gaddafi. Obama ra lệnh cho Susan Rice trở lại LHQ và thực hiện chiến dịch vận động một nghị quyết cho phép NATO tấn công các mục tiêu trên bộ cũng như xử lý "mọi biện pháp cần thiết" để tiêu diệt quân đội Gaddafi…

Một học thuyết can thiệp kiểu mới phiên bản Obama?

Lúc đó, Gaddafi và con trai Saif vẫn không thể tin rằng NATO sẽ can thiệp. Ngày 17/3/2011, 2 ngày sau cuộc họp tại Phòng Tình huống Nhà Trắng, Gaddafi xuất hiện trên truyền hình Libya. Bằng ngôn ngữ và điệu bộ cực kỳ mạnh mẽ như thường thấy, ông nói rằng quân đội mình sẽ săn lùng và giết sạch phe nổi dậy. Đó chính là bài diễn văn đóng dấu chấm hết cho số phận Gaddafi.

Với cộng đồng quốc tế, việc Gaddafi tuyên bố giết sạch "không chút xót thương" lực lượng nổi dậy đã khiến họ kết luận rằng, chỉ có giải pháp can thiệp quân sự mới có thể chặn đứng cuộc thảm sát trả thù mà ngài đại tá sắp thực hiện. Ngay lúc đó, cậu con trai Saadi nhận ra rằng, cha mình đã đi một nước cờ sai.

Theo Jackie Frazier, nữ cố vấn doanh nghiệp người Mỹ làm việc cho Saadi tại Tripoli thời điểm trước chiến tranh, Saadi đã vội vàng lao lên chiếc xe Jeep và phóng đến nhà cha mình, nài xin ông đại tá rút lại lời đe dọa. Trong một nỗ lực khác nhằm ngăn LHQ không bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết can thiệp quân sự vào nước mình, Saadi còn cố móc nối và tung tin với Đài CNN rằng, Gaddafi sẽ không đưa quân đến Benghazi.

Hôm sau, "thái tử" Saif cũng cố gọi cho Ngoại trưởng Hillary, tin rằng có thể thuyết phục người Mỹ không dính vào "phương án chiến sự" Libya. Tuy nhiên, bà Hillary từ chối không nói chuyện, và yêu cầu Đại sứ Cretz gọi lại, thuyết phục đương sự nói với ông Gaddafi phải rút tất cả quân khỏi các thành phố và nhanh chóng từ bỏ quyền lực.

Thông qua một đường dây liên lạc với Mỹ, Saif còn cố gọi cho tướng Charles Jacoby (người chịu trách nhiệm hoạch định các chiến dịch quân sự tại Lầu Năm Góc) nhưng lần này cũng bất thành... Tuy nhiên, khi bom NATO dội xuống Libya, Gaddafi và các con ông lại tin rằng họ có thể lật ngược thế cờ.

Tháng 7/2011, 4 tháng sau khi cầm cự và chống trả chiến dịch oanh kích của NATO, niềm tin trên càng được củng cố. "Chúng tôi có một đạo quân 1 triệu người ngoài đường phố" - Saadi nói với Jackie Frazier, khi bà đến phòng anh ta tại tầng 23 khách sạn Corinthia ở Tripoli (trong khi thực tế sức mạnh quân sự của Gaddafi chỉ không đến 20.000 tay súng)...

Với Washington, trong những ngày đầu cuộc chiến, nội các của ông Obama luôn thận trọng giữ khoảng cách với NTC. Tháng 3/2011, bà Hillary vẫn lạnh nhạt trước thỉnh cầu "quyền trợ giúp từ bên ngoài" của Jibril (trong cuộc gặp tại Paris nói ở trên). Tháng 5/2011, khi đến Nhà Trắng, Jibril đã không được ông Obama tiếp (thay vào đó là một viên chức trong Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ).

Khi cục diện chiến sự bắt đầu nghiêng về phe nổi dậy, Washington mới bắt đầu công nhận NTC (một phần nhờ sự trợ giúp của hai hãng PR chính trị lừng danh là Patton Boggs và Harbour Group). Tháng 6/2011, Washington chính thức công nhận NTC là "tiếng nói của người dân Libya". 6 tháng sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hillary tại Paris, Jibril mới được Tổng thống Obama tiếp tại New York, với tư cách thủ tướng Libya tạm quyền...

Như vậy, với chiến thuật đứng sau hậu trường vận động chiến dịch quân sự tiêu diệt Gaddafi bằng công cụ NATO, ông Obama đã tiến hành một cuộc chiến can thiệp với tổn phí ít nhất có thể (1 tỉ USD), hoàn toàn không thương vong và tổn thất đối với quân đội Mỹ; và quan trọng nhất là không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến sự bất ổn chính trị Libya (nếu có) giai đoạn hậu Gaddafi. Đây có thể được xem là một học thuyết can thiệp kiểu mới của Mỹ, phiên bản Barack Obama!

Anh Vũ (tổng hợp)
.
.