Ông trùm “buôn bom” A.Q.Khan: Mạch ngầm

Thứ Tư, 22/12/2010, 10:35
Song song với việc sản xuất bom, Khan đã âm thầm xây dựng mạng lưới buôn bán ngầm các bí mật hạt nhân ra nước ngoài. Khan đặt trụ sở mạng lưới của mình tại Dubai - Tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi có khu mậu dịch tự do, với các thủ tục tạm nhập tái xuất dễ dàng nhất thế giới.

Công trường sản xuất

Tận dụng được thời cơ chính quyền Mỹ đang bị gây sức ép trước sự kiện ở Afghanistan vào những năm 80 thế kỷ trước, A.Q.Khan đã có thể nhập chương trình vào Pakistan một cách an toàn, đạt được yêu cầu độc lập với chính quyền về việc sản xuất bom. Sau gần chục năm ở Kahuta, Khan đã hoàn chỉnh được hệ thống máy ly tâm và tăng tốc công việc của mình. Nhờ có Khan mà Pakistan trở thành nước thứ 5 trên thế giới đã thành công trong quá trình làm giàu uranium.

Thành công này là quá đủ để Tổng thống đổi tên Phòng thí nghiệm thành Phòng Nghiên cứu Khan (KRL) từ ngày 1/5/1981. Với kỹ năng làm việc và buôn bán của mình, Khan đã nổi lên như một ngôi sao. Bên cạnh đó, nhờ tài tuyên truyền của Khan và của nhà nước, chương trình hạt nhân của Pakistan đã trở thành biểu tượng quan trọng của nền độc lập dân tộc, niềm tự hào và chủ quyền, là một phần đối nghịch trực tiếp với Mỹ và sức ép của nó về việc phải ngăn cản chương trình. "Kahuta là nơi được cả nước Pakistan ủng hộ, là một biểu tượng của một nước nghèo và đang phát triển".

Khởi đầu, Mỹ đã quá cường điệu những khó khăn mà Khan phải đối mặt trong quá trình sản xuất máy ly tâm và làm giàu uranium. Mặc dù từ năm 1982 CIA đã biết việc Pakistan tìm mua nguyên liệu đặc biệt cho quá trình sản xuất bom từ các công ty của châu Âu, tuy nhiên các tin tức tình báo ghi nhận tiếp theo lại không có bất kỳ nghi ngại nào rằng Khan đã phát triển đủ quá trình làm giàu để tạo ra bom hạt nhân. Sau này, Mỹ phải ân hận vì trong suốt một thời gian dài đã đánh giá quá chủ quan và mất cảnh giác với Pakistan.

Với mục tiêu ban đầu là làm giàu uranium, tiếp theo, Khan đã xúc tiến sản xuất vũ khí để bán cho cả Bộ Quốc phòng Pakistan và cho các quốc gia khác. Tổ hợp của Khan đã lấn sâu vào nền công nghiệp quốc phòng và là cầu nối giữa giới quân sự với nhà nước, với giới khoa học và khu vực kinh tế tư nhân. Giới quân sự ở Pakistan có vai trò chủ yếu trong nền kinh tế cũng như điều hành các tổ hợp lớn, và KRL là một phần quan trọng trong đó.

Đến năm 1991, Khan đã có 6.000 lao động có tay nghề cao và các nhà khoa học (bao gồm cả các kỹ sư) làm việc ở Kahuta, sản xuất ra tên lửa và mìn có giá trị 350 triệu USD. KRL đồng thời bán tên lửa đất đối không, hệ thống chống tăng, các loại mìn, vũ khí lazer và dàn phóng tên lửa. Khan điều hành một dây chuyền sản xuất hạt nhân bí mật, quá trình làm giàu và chương trình vũ khí đã tạo ra một thế giới ngầm trong quốc gia tại một địa điểm mà các cặp mắt tình báo không thể đột nhập vào. Với bước đi này Khan có thể đã trở thành nổi tiếng là vị cha đẻ của chương trình hạt nhân ở Pakistan.

Bom hạt nhân “made in Pakistan”

Buổi chiều ngày 27/5/1998, mọi công việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pakistan đã hoàn tất, thế giới nín thở hướng về đồi Chagai - nơi được chọn để thử quả bom đầu tiên của Pakistan. Hai ngày sau, Pakistan tiếp tục thử quả bom thứ hai. Thời khắc lịch sử đó đã ghi dấu đất nước này trở thành quốc gia Hồi giáo đầu tiên có bom hạt nhân, và là quốc gia thứ 7 sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Trước đó vào ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có 4 cuộc điện đàm để vừa hứa hẹn, vừa răn đe, yêu cầu Thủ tướng Sharif "kiềm chế", nhưng Thủ tướng Sharif nói rằng ông ta chịu sức ép của cả thế giới Hồi giáo: phải hoàn tất "trái bom đạo Hồi"! Vụ thử bom hạt nhân của Pakistan đã được thế giới Hồi giáo hân hoan chúc mừng. Bộ trưởng Ngoại giao Iran sau đó vài ngày đã tuyên bố: "Bây giờ thế giới đạo Hồi đã có thể sản xuất được bom của mình!".

Tuy nhiên, trong khi người Hồi giáo hân hoan bao nhiêu thì lực lượng hòa bình thế giới lại lo lắng bấy nhiêu. Bởi không chỉ lại có thêm một kho hạt nhân mới xuất hiện, mà nguy hiểm hơn là một đường dây buôn bán bí mật hạt nhân đã hình thành ngay trong lòng những quốc gia đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Điều này không loại trừ khả năng công  nghệ hạt nhân sẽ rơi vào tay các quốc gia và tổ chức khủng bố. Khan được tung hô như người anh hùng dân tộc, cha đẻ trái bom hạt nhân của Pakistan.

Song song với việc sản xuất bom, Khan đã âm thầm xây dựng mạng lưới buôn bán ngầm các bí mật hạt nhân ra nước ngoài. Khan đặt trụ sở mạng lưới của mình tại Dubai - Tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi có khu mậu dịch tự do, với các thủ tục tạm nhập tái xuất dễ dàng nhất thế giới. Là một người thông minh và có đầu óc chiến lược, Khan có dụng ý không tạo ra thị trường chợ đen (black market) ồn ào mà là một thị trường màu xám (grey market) kín đáo bằng cách khôn khéo lách các kẽ hở luật pháp ở những quốc gia chưa có các đạo luật kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu.

Cuộc hội kiến giữa A.Q.Khan (bên trái) với Tổng thống Pervez Musharraf, tháng 2/2004.

Những thương vụ đen và đỉnh cao quyền lực

Từ năm 1984, các nghiên cứu hạt nhân ở Iran được bắt đầu dưới sự giám sát của người phát ngôn của Quốc hội (sau đó là Tổng thống) - Hashemi Rafsanjani. Song song với sự nỗ lực trong nước, Iran đã hướng chú ý đến các chuyên gia từ nước ngoài để thúc đẩy chương trình. Iran bắt đầu tìm kiếm liên minh và công nghệ từ trong số rất nhiều các quốc gia muốn buôn bán công nghệ, gồm các nước như CHDCND Triều Tiên, Libya và các quốc gia khác. Iran cũng nhận thấy hãy còn một đối tác rất "tiềm năng", đó chính là  Pakistan. Những gì người Pakistan làm được đã bắt đầu được xuất khẩu cho Iran, điều đó tạo cho Iran tiếp cận gần hơn đến mục tiêu sản xuất bom. Bằng mọi cách, quá trình của Iran có lẽ rất gần với quá trình song song diễn ra ở Pakistan.

Năm 1985, lãnh đạo Iran đã quyết định bắt đầu công việc tự mình làm giàu uranium. Họ hiểu rằng Pakistan đã sản xuất được bom, rằng Khan là kẻ đã làm được điều đó và không cần giữ bí mật. Dưới thời Tổng thống Zia, những bước quan hệ đầu tiên giữa Pakistan và Iran về lĩnh vực hạt nhân đã diễn ra trên bình diện quan hệ nhà nước. Các nhà khoa học bắt đầu quay trở về, và đây là sự khởi đầu cho các thương vụ hợp tác giữa hai nước, và phía Iran bắt đầu nói về "Vấn đề hạt nhân phi hòa bình". Ở tầm quốc gia chính thức, sự hợp tác có giới hạn giữa Pakistan và Iran tiếp tục đến đầu những năm 90. Nhưng một sự hợp tác còn bí mật và mờ ám hơn nữa, cũng đã diễn ra thông qua các cuộc tiếp xúc riêng với Khan. Đối với Khan, đây bắt đầu là một mùa xuân ấm áp.

Một số báo cáo ghi nhận rằng tháng 1/1987, Khan đã bay trên máy bay riêng từ Islamabad đến Tehran để gặp gỡ các quan chức cao cấp của Iran. Bản thân Khan cũng không trực tiếp tham dự vào quy trình mua bán tại cuộc gặp ở Dubai năm 1987, nhưng ông ta là mắt xích quyết định của "hệ thống".

Sau cuộc gặp đầu tiên, "hệ thống" đã đưa ra lời chào hàng chính thức cho Iran, tất cả phục vụ cho mục tiêu tối hậu của Iran là: trở thành quốc gia tự sản xuất lò ly tâm và các linh kiện liên quan. Với sự giúp đỡ từ mạng lưới của Khan, chương trình làm giàu bí mật của Iran đã tiến rất xa vào năm 1995. Tới năm 2000, Iran đã sẵn sàng để bắt đầu xây dựng hai cơ sở làm giàu ở Natanz, một nhà máy định lượng có 1.000 máy ly tâm, khi tăng thêm nhiều hơn thì có 50.000 máy. Điều này đảm bảo đủ dung lượng để sản xuất uranium được làm giàu ở tỉ lệ cao - đủ để sản xuất từ 20 đến 30 trái bom hạt nhân mỗi năm.

Những gì Khan đã tiến hành với Iran vào những năm 80 cũng lặp lại tương tự với Bình Nhưỡng và Libya. "Hệ thống" đưa ra thông điệp để thế giới hiểu rằng họ sẵn sàng bán bất kỳ cái gì cho những ai quan tâm.

Từ những năm 80, vệ tinh tình báo Mỹ đã cảnh báo về chương trình tìm kiếm uranium của CHDCND Triều Tiên. Đến năm 1989, Bình Nhưỡng cho khởi động lò phản ứng Yongbyon và đã có đủ nhiên liệu để sản xuất plutonium cho 1-2 trái bom. Tuy nhiên phải đến những năm 1996-1997, mối liên hệ của Bình Nhưỡng với Pakistan mới trở nên thực sự "nguy hiểm".

Họ bắt đầu buôn bán lương thực, máy móc, dầu mỏ và cũng thời gian đó, các chuyến đi lại giữa A.Q.Khan và Islamabad với Bình Nhưỡng đã tăng lên, và các chuyến đến thăm CHDCND Triều Tiên cũng trở nên thường xuyên hơn. Những thỏa thuận về chương trình làm giàu uranium của CHDCND Triều Tiên sẽ bắt đầu với tốc độ cao và dường như đó là thời điểm bắt đầu sự trao đổi công nghệ làm giàu đổi lấy công nghệ tên lửa tầm xa.

Khan cũng đã có các chuyến thăm CHDCND Triều Tiên ít nhất 13 lần riêng trong khoảng từ năm 1997. Một vài năm sau, Tổng thống Musharraf thừa nhận rằng: "Có khoảng 12 chiếc máy ly tâm đã được gửi tới CHDCND Triều Tiên trong thời gian đó, bao gồm cả các bộ phận, linh kiện và các bộ phận tổng thành".

Người ta đánh giá rằng, không có Khan thì CHDCND Triều Tiên có thể vẫn có vật liệu cho bom hạt nhân từ các nguồn plutonium của họ. Nhưng các thương vụ của Khan với CHDCND Triều Tiên chắc chắn đã trợ giúp nước này tiến xa thế nào trong việc hiện thực hóa tham vọng hạt nhân.

Lúc này Khan đã trở thành một thương nhân tầm cỡ toàn cầu. Ngay từ những năm 80, Khan đã bắt đầu gặp gỡ các quan chức cao cấp của nhiều quốc gia trong một không gian từ Bắc Phi, vượt qua Trung Cận Đông, có lẽ tới cả châu Á với bất kỳ nhân vật nào, miễn là những người có lợi ích trong việc mua bán các sản phẩm công nghệ hạt nhân.

Trên đỉnh cao của thành công, Khan chưa bao giờ thấy ngượng khi phải nói cho thế giới biết những gì ông ta đang làm. Khan viết trên tạp chí kỹ thuật rằng, ông ta đã cảm thấy tuyệt vời thế nào khi thực hiện công việc và sử dụng các bài báo như một cách để quảng cáo miễn phí cho công nghệ mà ông ta có thể cung cấp. Những cuốn sách giới thiệu được Khan cho phát hành với những tiêu đề rất tự hào, trong đó liệt kê danh sách tất cả những gì người ta cần cho một chương trình hạt nhân và nêu rõ, họ sẵn sàng bán các sản phẩm đó cho nước ngoài.

Chính quyền Pakistan đồng thời cũng vào cuộc. Một quảng cáo xuất hiện trên báo chí Pakistan vào năm 2000 đã khơi dậy nhiều câu hỏi về vai trò của chính quyền trong việc tăng tốc độ tìm kiếm công nghệ hạt nhân. Tướng Mirza Aslam Beg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đã nói: "Pakistan có đầy đủ các hạng mục, những thứ đã được chào bán, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu suông".

Năm 1995, Khan bắt đầu cái mà người ta gọi là 5 cuộc tiếp xúc với Libya. Người Libya nôn nóng muốn có vũ khí hạt nhân và muốn biết, liệu Khan có thể cung cấp cho họ hay không? Các cuộc gặp tiếp tục diễn ra trong vòng 5 năm và 2 mẫu mới đã được chuyển đến Libya vào tháng 9/2000. Đây là một đột phá để bắt đầu hàng loạt đơn hàng cho 10.000 máy ly tâm P-2, đủ để sản xuất các vật liệu có đặc tính phân hạch, đủ khả năng sản xuất đến 10 quả bom/năm.

Việc chuyển giao còn gồm bản thiết kế cho một nhà máy, 12 tấn loại khí UF6 và hầu như toàn bộ các thiết bị đi theo. Kèm theo đó là các dịch vụ trọn gói. Với Iran và CHDCND Triều Tiên, Khan có thể đơn giản chỉ gửi các linh kiện từ Pakistan, còn Libya thì đã mua một chương trình đòi hỏi phải được lắp đặt đầy đủ, kể cả các bộ phận tổng thành của máy ly tâm. Cùng với việc phải cung ứng máy móc là khoản tiền hoa hồng có thể lớn hơn và đây được đánh giá là một hợp đồng lớn nhất mà họ có được.

Để thỏa mãn đầy đủ các thương vụ với Libya, mạng lưới bây giờ đã mở rộng đáng kể và phát triển thêm các nhánh mới, theo dự đoán có tới 30 công ty ở 12 quốc gia đã bị lôi kéo vào mạng lưới theo các cách khác nhau, với nửa tá các tụ điểm buôn bán ở 3 châu lục.

Trên thực tế, Khan đã mở rộng phạm vi hoạt động trong thập niên 90, sự tự do của ông ta mở rộng hơn vì phương Tây không có đủ thông tin về tham vọng của ông ta. Khan đã luôn bị nằm trong tầm theo dõi của cơ quan tình báo châu Âu và Mỹ, và được coi như một nhân vật quan trọng trong chương trình hạt nhân của Pakistan, nhưng vai trò của ông ta như một kẻ mua bán thì chưa bị hé lộ vào giữa những năm 90.

Vào năm 1996, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế  (IAEA) đã tính là có tới 12 quốc gia liên quan đến các thương vụ buôn bán hạt nhân phi pháp. Việc vạch ra những kẻ điều hành mạng lưới buôn bán này trên thực tế là không dễ dàng, nhưng hoạt động của một người trung gian bị lộ ra thì có thể biết được cả người cung ứng và người mua.

Một góc của tam giác này chính là kẻ hưởng lợi - Khan, có lẽ là kẻ sáng giá nhất. Nhưng liệu ông ta là kẻ mua hay người bán? Là một kẻ chủ mưu hay chỉ là một đầu mối? Những câu hỏi ấy không phải là dễ trả lời trong nhiều năm, khi Khan thực tế đang đứng ở trung tâm của sự kiện và lại đứng sau rất nhiều thương vụ mà mãi sau này mới hé lộ. Điều đó thậm chí còn là bí mật đến tận cùng khi Khan và hệ thống của ông ta đã trở thành nổi tiếng trong thế giới ngầm truyền bá hạt nhân.

(Còn tiếp)

Sỹ Hưng - Ngọc Mai
.
.