Ông trùm “buôn bom” A.Q.Khan: Tan rã

Thứ Hai, 27/12/2010, 15:45
Tháng 5/1998, khi đứng trên đồi Chagai ngắm nhìn các dải mây phủ kín dãy núi phía xa, Khan nhận ra rằng mình đang ở đỉnh cao quyền lực. Pakistan đã có bom hạt nhân. Khan giờ đây đã là một thần tượng của cả dân tộc.

Vai trò là một doanh nhân buôn bán hạt nhân của Khan cũng đã đạt đến cực điểm: thương vụ với Iran đã hoàn tất, các chuyến hàng với CHDCND Triều Tiên đang được thực hiện, và một khách hàng mới - Libya cũng đã tiếp xúc... hy vọng sẽ có thêm nhiều khách hàng khác nữa.

Nhưng, sự xuất hiện ngày một nhiều của các khách hàng cũng đồng thời cô lập Khan với xã hội và làm ông ta càng không tự nhận thức tỉnh táo được vai trò của mình. Khan bắt đầu tạo ra sự đối lập trong nước, và do các hoạt động khuếch trương quá rùm beng, ông ta đã trở thành tâm điểm chú ý ở nước ngoài. Chính tham vọng to lớn của Khan cũng là điểm khởi đầu bước đi xuống của ông ta.

Lần theo dấu vết

Suốt cả những năm 90, các cơ quan tình báo phương Tây đã đánh mất dấu đường dây của Khan. Người ta nhận ra thương vụ của ông ta với Iran từ cuối những năm 80. Nước Đức cũng tin rằng, Iraq có thể là cả Iran và CHDCND Triều Tiên đã nhận một số linh kiện trong dây chuyền làm giàu từ Pakistan vì họ thấy các thiết bị lưỡng dụng đã được chuyển tới các quốc gia này từ cuối những năm 80.

Nhưng khi ấy Khan được xem như một vai chính trong vở diễn, với các vai trò như một cơ quan của nhà nước. Nghi vấn về việc một cá nhân có vai trò gần như độc lập, như một doanh nhân quốc tế lúc đó chưa hình thành rõ nét.

Cuối những năm 90, đường dây của Khan có thể đã bị phát giác bởi các cơ quan tình báo của Anh và Hoa Kỳ. Một trong những dấu hiệu gây chú ý của công luận chính là các chuyến đi thường xuyên và không bình thường vòng quanh thế giới của ông ta. Đào sâu vào các tin tức tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, Cơ quan Tình báo quân sự bắt đầu chú ý đặc biệt đến một tình tiết là: Khan thường xuyên đến các địa điểm buôn bán bất bình thường.

Thông tin về việc Khan thường xuyên đi lại, và địa chỉ các tuyến đường đi của ông ta làm gia tăng các nghi vấn. Theo các ghi chép lưu lại thì: trong vòng 5 năm, từ năm 1999 cho đến 2004, ông ta thường xuyên đến Afghanistan, Ai Cập, Iran, Bờ Biển Ngà, Kazakstan, Kenya, Mali, Manitania, Morocco, Niger, Nigeria, CHDCND Triều Tiên, Arập Xêút, Senegal, Sudan, Syria, Tunissia, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Trung Quốc.

Từ nghi vấn đầu tiên xung quanh chuyến đi mờ ám của Khan, năm 1999, CIA đã quyết định tổ chức các hoạt động điều tra tiếp theo. Cơ quan Tình báo Anh cũng bắt đầu để ý các cuộc gặp của các nhân vật quan trọng trong mạng lưới của Khan ở Dubai. Họ nhận thấy Pakistan có lẽ chưa bao giờ làm gì để phá vỡ nguyên tắc không truyền bá hạt nhân, và phần còn lại của thế giới phải tin rằng, mọi hoạt động của quốc gia này luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Thời điểm năm 1998-1999, Nhật Bản cũng bắt đầu nghi vấn về Khan và Nga cũng đặt dấu hỏi việc hợp tác hạt nhân giữa Iran, CHDCND Triều Tiên và Pakistan.

Ở Washington, các hoạt động tình báo về mạng lưới của Khan bắt đầu triển khai ồ ạt vào cuối triều đại Clinton. Vào lúc đó, chưa ai tin là mạng lưới toàn cầu này sẽ đi đến hồi kết. Họ cần có đủ cơ sở để mở cánh cửa bí mật của hệ thống và tạo ra khả năng xóa sổ nó. Bản chất quốc tế của mạng lưới ngầm này đưa đến hậu quả là các quốc gia khác cũng sẽ bị nghi vấn, nhưng ở thời điểm đó, các thông tin tình báo quá nhạy cảm để chia sẻ và chưa đủ hoàn chỉnh để kết tội.

Dường như sự tự tin của Khan đã bị lung lay chính vào lúc việc điều tra có tiến triển, màn sương mù bao phủ các hoạt động của Khan dần được xua tan. Vào tháng 4 năm 2000, Cơ quan Tình báo Anh đã có được bằng chứng cơ bản về việc, mạng lưới của Khan đã cung cấp các thiết bị làm giàu cho ít nhất một khách hàng ở khu vực Trung Đông, thông qua ngả Libya.

Trong khi bức tranh tình báo đã được khắc họa thì Khan vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục bán hàng, vẫn tiếp tục chuyển giao các vật liệu và kiến thức cho Libya và CHDCND Triều Tiên. Vào cuối năm 2001 và đầu năm 2002, một bản thiết kế vũ khí hạt nhân đã được chuyển giao cho Libya. Các chuyến bay của Khan vẫn tiếp tục đến Bình Nhưỡng, và theo dự đoán của CIA thì số lượng vật liệu được chuyển giao ngày càng nhiều. Liệu đã có thể ngăn chặn hành động của Khan sớm hơn không?

Mặc dù hoạt động của tình báo đã được gia tăng từ năm 2000, nhưng đến tận năm 2002 thì bức tranh rõ ràng về hoạt động của Khan mới được cảnh báo cụ thể. Chuông báo động bây giờ đã rung lên ở London. Mỗi một buổi trưa ngày thứ Tư, các quan chức cấp cao tình báo và các nhà lập pháp của Anh lại gặp nhau tại một căn phòng trong tòa nhà ở Quảng trường Whitehall. Các thông tin về Khan trở nên rất nhạy cảm trong các phiên họp của Ủy ban Liên hợp tình báo JIC.

Việc chui sâu vào tìm hiểu mạng lưới của Khan đã đem đến một cách nhìn thống nhất, không chỉ đối với hoạt động của ông ta mà còn là cả thế giới rộng lớn các hoạt động của các quốc gia nguy hiểm khác. Bao nhiêu quốc gia bị lôi kéo vào? Mạng lưới của Khan lớn thế nào? Do tín hiệu cho thấy có thể có khách hàng tiếp theo, vậy vị khách này là ai? Liệu có phải là Syria hay Ai Cập? Hay Sudan? Hay Arập Xêút? Liệu câu trả lời có còn phải chờ đợi lâu không, và hiển nhiên nếu chờ đợi có nghĩa là sẽ có thêm các vật liệu nguy hiểm sẽ tiếp tục được truyền bá.

Hai Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh và CIA của Mỹ đã thảo luận đi đến thống nhất rằng, sẽ quá nguy hiểm nếu để mạng lưới tiếp tục hoạt động. Nhưng câu hỏi khó nhất không phải là có hành động chống lại Khan hay không, mà là câu hỏi phải làm thế nào? Nếu chỉ đơn giản: hoặc là lật nhào cả hệ thống, hoặc tiếp tục theo dõi, thì lựa chọn đã là dễ dàng hơn, nhưng làm thế nào để có thể lật nhào cả hệ thống?

Các cuộc tranh luận ở Washington trở nên gay cấn. Khi tin tình báo cho biết, các vật liệu hạt nhân được truyền qua các quốc gia bạn bè, một vài quan chức muốn đối thoại trực diện với các chính quyền này để có sự phối hợp quốc tế, nhưng nghiệp vụ tình báo không cho phép, đơn giản là vì việc ngăn chặn một chuyến hàng không thể phá vỡ được hoạt động của doanh nghiệp đó, nhưng sẽ đánh động cho cả hệ thống. Việc thông báo cho các quốc gia khác cũng là cả một vấn đề, ít nhất cũng vì vật liệu thường đi qua các quốc gia bạn bè, trong đó có cả các thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn.

Phối hợp hành động

Ngay sau chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Bill Clinton vào tháng 3/2000, dưới sức ép của dư luận, Tổng thống P.Musharaf buộc phải ra lệnh điều tra mọi hoạt động của Khan. Tuy nhiên, lúc này uy tín và sự nổi tiếng của Khan còn lớn hơn cả Musharaf, và vì vậy Tổng thống phải rất thận trọng. Hơn nữa lúc đó ở Pakistan, Khan đang được coi là người anh hùng dân tộc.

Washington và London cần cho thế giới thấy là họ đã nhúng tay vào, nhưng lại không được phép tiết lộ nguồn thông tin. Họ dùng các thông tin tình báo bí mật rồi đưa lên mạng công cộng, nhưng làm sao để thực hiện được điều đó? Và rồi một sự kiện bất ngờ đã đến. Do không biết đã có điệp viên chui vào mạng lưới, một trong số các khách hàng đã quyết định (vì các lý do riêng của họ) lật tẩy trò chơi.

Kết quả là tháng 10/2003, Mỹ chặn một chiếc tàu chở hàng của Đức, được cho là đang vận chuyển đến Libya những thành phần cho khoảng 1.000 máy ly tâm. Người ta tin rằng, vụ bắt giữ chiếc tàu Đức và cuộc tấn công Iraq do Mỹ đứng đầu có thể thuyết phục lãnh đạo của Libya, Đại tá Muammar Gadhafi, từ bỏ chương trình hạt nhân do mạng lưới Khan cung cấp.

Sau đó Đại tá Muammar Gadhafi đã chuyển giao cho Mỹ và Anh một số lớn các tài liệu về một mạng lưới liên quan đến Khan bao gồm những công ty bình phong, những nhà tài chính, thương nhân và các nhà máy trải rộng khắp thế giới từ Dubai đến Malaysia và một vài thủ đô ở châu Âu. Sự xuất hiện bất ngờ của những tài liệu này như một đòn quyết định trong cuộc chiến chống lại A.Q. Khan.

Trước sức ép ngày càng tăng, cuối năm 2003, ông Musharaf mới nhóm họp hội đồng chỉ huy quốc gia để chấm dứt vai trò cố vấn của Khan và quản thúc Khan tại nhà. Sau rất nhiều sức ép và nỗ lực, Khan đã phải ký một bản thú tội dài 12 trang và đồng ý phát biểu trên truyền hình phát ra toàn thế giới. Trong bài phát biểu mà những người tổ chức khôn khéo yêu cầu nói bằng tiếng Anh (để người Pakistan bình thường không hiểu), Khan đã xin lỗi đồng bào của mình, nhận hết trách nhiệm về những gì gây ra. Ông ta kết thúc bài phát biểu bằng câu “Cầu Đức thánh Allah bảo toàn an ninh cho Pakistan!”.

Tổng thống mỹ B.Obama và tổng thống nga D.Mevedev ký kết hiệp ước START II ngày 8/4/2010.

Thế giới phi hạt nhân - liệu có khả thi?

Với lý do bệnh tật, Khan đã được chính quyền Pakistan ân xá từ đầu năm 2010. Mặc dù đường dây buôn bán đã bị phá vỡ, nhưng nhiều bí mật công nghệ hạt nhân đã bị truyền bá đến bây giờ thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ các bí mật này có thể đã rơi vào tay những thế lực nguy hiểm. Sự ra đời và những hậu quả để lại của đường dây buôn bán hạt nhân bí mật của A.Q. Khan là bài học lớn cho nhân loại, đặt ra trước thế giới những vấn đề lớn và nóng phải tập trung giải quyết ở quy mô toàn cầu.

Tháng 8 vừa qua, khi tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân của hai quả bom hạt nhân của Mỹ thả xuống Nhật Bản, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lại lần nữa nói lên nguyện vọng về "một thế giới phi hạt nhân".

Trước đó ngày 6/4, Tổng thống B.Obama đã có bài phát biểu về chính sách hạn chế trong sử dụng vũ khí hạt nhân, tiếp theo ngày 8/4  là lễ ký Hiệp ước START-II giữa Nga và Mỹ để thay thế START-I ký từ năm 1991.

Liên tục trong tháng 4/2010 là Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Washington với sự có mặt của 47 nguyên thủ quốc gia, tiếp theo đó là Hội nghị về thực hiện Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tất cả là những nỗ lực của thế giới nhằm ngăn chặn nạn truyền bá hạt nhân, đặc biệt trong hoàn cảnh thế giới đang đối mặt với chủ nghĩa khủng bố.

Người ta cũng không loại trừ khả năng là tổ chức Al-Qaeda và Bin Laden cũng đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân và bom bẩn. Tuy nhiên mơ ước về một thế giới phi hạt nhân (Nuclear-free world) dường như vẫn là một điều xa vời.

Mặc dù hồi tháng 4 vừa qua, 2 vị tổng thống B.Obama và D.Medvedev đã thảo luận với nhau về phương án số O (Global Zero). Các nhà phân tích rất thận trọng khi đưa ra những lập luận về phương án này khi cho rằng, quá trình truyền bá hạt nhân đã đi quá xa, hay như người ta thường nói là đã vượt quá "điểm dừng". Trong khi thế giới vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về nhận thức của các quốc gia kể cả các quốc gia sở hữu hạt nhân và các quốc gia đang tìm kiếm để sở hữu loại vũ khí này. Nguy hiểm hơn, một số còn cho rằng sở hữu hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm an ninh cho mình, đó chính là lập trường của Iran và CHDCND Triều Tiên.

Trong kỷ nguyên mà chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa ở khắp nơi thì thế giới cần đưa ra một phiên bản mới cho Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống B.Obama đã phải tuyên bố: Đối tượng chính không phải là các quốc gia trong câu lạc bộ hạt nhân mà là các quốc gia, tổ chức khủng bố, là nạn buôn bán chợ đen và nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay những thế lực đen.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi vợ chồng Marie Curie và Anbert Einstein đưa ra các phát minh của mình về khả năng giải phóng năng lượng hạt nhân. Không lâu trước khi qua đời, Anbert Einstein đã phải thốt lên, ông rất ân hận nếu phát minh của mình đã gián tiếp gây ra vụ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Ngay sau khi Mỹ thả hai quả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki, trên trang bìa cuốn tạp chí Atomic Scientists đã vẽ bức tranh với hình tượng kim đồng hồ đếm ngược cho đến nửa đêm (ý nói ngày tận thế) chỉ còn 7 phút! Quá nửa thế kỷ qua, loài người đấu tranh để ngăn cản tiếng tích tắc đồng hồ không di chuyển tiếp. Thế giới có thể sẽ không có một Albert Einstein, một Marie Curie thứ hai, nhưng nhân loại hoàn toàn có đủ sáng suốt để tạo lập một thế giới phi hạt nhân với phương án số O-Global Zero - trước khi bị phá hủy vì chính những phát minh của mình

Sỹ Hưng - Ngọc Mai
.
.