Pakistan: Ngừng các chương trình tiêm chủng phục vụ hoạt động tình báo

Thứ Năm, 19/06/2014, 16:15

Lisa Monaco, cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Barack Obama phụ trách chống khủng bố và an ninh nội địa, hôm 20/5 đã viết một bức thư gửi cho lãnh đạo các trường học y tế hàng đầu nước Mỹ trong đó đưa ra lời hứa rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng lại các chương trình hay nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng ngừa bệnh để làm bình phong cho hoạt động tình báo.

Bà Monaco viết rằng, quyết định ngừng sử dụng các chương trình tiêm chủng trá hình cho hoạt động tình báo đã được Giám đốc CIA John Brennan đưa ra vào tháng 8/2013. CIA cũng sẽ không tìm cách thu thập mẫu ADN hay các vật liệu di truyền khác thông qua các chương trình như tiêm chủng. Chính sách của CIA được áp dụng trên phạm vi toàn cầu (đối với các hoạt động của CIA), không phân biệt đối tượng là người Mỹ hay người nước ngoài.

Việc Nhà Trắng thông báo CIA ngưng sử dụng các chương trình tiêm chủng trá hình cho hoạt động tình báo được cho là có nguyên nhân từ những hệ lụy tai hại mà cơ quan này đã gây ra cho các hoạt động y tế tại Pakistan kể từ sau chiến dịch truy lùng và tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden vào tháng 5/2011.

Tháng 1/2013, 12 vị giám đốc các trường y tế công cộng Mỹ đã gửi cho Nhà Trắng một bức thư tập thể trong đó chỉ trích CIA lợi dụng chương trình tiêm chủng để phục vụ chiến dịch săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden.

Mọi người còn nhớ, khi chiến dịch truy lùng Bin Laden kết thúc và báo chí truyền thông đưa tin rầm rộ về một thắng lợi hoành tráng của tình báo Mỹ trong cuộc chiến truy lùng và tiêu diệt Bin Laden, quân đội và tình báo Pakistan như bị một cú tát vào mặt, bởi một chiến dịch tình báo bí mật được triển khai ngay trong lòng Pakistan mà ISI - Cơ quan tình báo quân đội Pakistan không hề hay biết.

Một phần trong chiến dịch đó là các chương trình tiêm chủng ngừa bệnh viêm gan B được CIA lợi dụng để trích lấy mẫu ADN cư dân trong khu vực nghi ngờ là nơi trú ẩn của Bin Laden, sau đó sàng lọc, đối chiếu với mẫu ADN người thân gia đình Bin Laden nhằm xác định những đứa con của trùm khủng bố này, để từ đó lần ra nơi trú ngụ của hắn ta và gia đình.

Để thực hiện kế hoạch của mình, CIA đã tuyển dụng bác sĩ Shakil Afridi trực tiếp thực hiện việc tiêm vắcxin. Sau khi thông tin về chiến dịch tiêm vắcxin được tiết lộ, Afridi đã bị ISI bắt và xét xử vì tội hợp tác với tình báo Mỹ và hiện vẫn đang thụ án tù.

Các hệ lụy đối với công tác y tế công cộng ở Pakistan được xem là nghiêm trọng hơn. Kể từ sau chiến dịch truy lùng Bin Laden, các nhân viên y tế tham gia chiến dịch y tế dự phòng chống bệnh bại liệt ở Pakistan đã trở thành mục tiêu tấn công của các phiến quân Pakistan.

Hãng tin BBC cho biết, ,đã có 60 nhân viên y tế chống bại liệt và nhân viên an ninh đi kèm bị giết chết trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 4/2014. Trong năm 2012, hai chỉ huy phiến quân Taliban đã ra lệnh cấm các đội y tế phòng chống bệnh bại liệt hoạt động tại khu vực mình kiểm soát nhằm trả đũa việc CIA sử dụng máy bay không người lái lạm sát người Pakistan.

Lệnh cấm có hiệu lực và các bậc cha mẹ trong vùng đã từ chối đưa con mình đi tiêm chủng ngừa bệnh bại liệt. Những bậc cha mẹ nào vẫn cho con tiêm chủng phải thực hiện một cách bí mật nếu không muốn bị Taliban tấn công.

Đầu tháng 5/2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo bệnh bại liệt đã tái bùng phát trở lại và trở thành dịch bệnh nguy hiểm ở Pakistan. Virus bại liệt hiện đang xuất hiện trở lại tại 10 quốc gia trên thế giới, trong đó Pakistan là quốc gia có dịch nghiêm trọng nhất.

WHO cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận 77 ca bại liệt, trong đó có đến 61 ca ở Pakistan. Còn trong năm 2013, toàn thế giới có 416 ca bại liệt được ghi nhận, Pakistan có 93 ca

N.K. (tổng hợp)
.
.