Pakistan bí mật hợp tác với CIA

Thứ Tư, 06/11/2013, 14:50

Theo các hồ sơ tuyệt mật của CIA và các tài liệu ngoại giao của Pakistan mà tờ Washington Post có được từ người tố giác Edward Snowden. Mặc dù đã nhiều lần phản đối kịch liệt chiến dịch dùng máy bay không người lái (drone) ám sát của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), song thật ra trong suốt nhiều năm dài, các quan chức chóp bu trong chính quyền Pakistan đã bí mật chấp thuận chương trình và thường xuyên nhận được báo cáo mật về các cuộc tấn công cũng như các số liệu về thương vong.

Nhiều tài liệu mật do Trung tâm Chống khủng bố của CIA (CTC) soạn thảo được chia sẻ với chính quyền Pakistan trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các tài liệu này chỉ mô tả sự thành công của những cuộc tấn công bằng drone giết chết hàng chục mục tiêu Al-Qaeda và nhiều lần khẳng định không có thương vong trong dân thường!

Trong những năm đầu của chiến dịch, thậm chí CIA còn sử dụng các đường băng của Pakistan cho phi đội Predator hoạt động. Ngoài ra, các tài liệu mật còn tiết lộ sự dính líu sâu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong chương trình ám sát có mục tiêu.

Thỏa thuận ngầm giữa Washington và Islamabad

Các tài liệu của CIA mô tả chi tiết ít nhất 65 cuộc tấn công bằng drone ở Pakistan được dán nhãn "tuyệt mật" nhưng lại cho phép tiết lộ với chính quyền Pakistan, đồng thời cũng phơi bày sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Washington và Islamabad mặc dù hai bên đều có sự hợp tác bí mật trong chương trình này. Các tài liệu mật mô tả 15 cuộc tấn công drone diễn ra từ tháng 12/2007 đến tháng 9/2008 và mục tiêu được chọn là các phần tử cao cấp của Al-Qaeda.

Theo các đánh giá độc lập, chiến dịch đã giết chết 3.000 người bao gồm hàng ngàn chiến binh Hồi giáo và hàng trăm dân thường. Năm 2013, diễn ra 23 cuộc tấn công drone, thấp hơn cao điểm năm 2010 với 117 vụ. Vụ tấn công mới nhất diễn ra vào ngày 29/9 vừa qua tiêu diệt 3 chiến binh thuộc mạng lưới Haqqani ở North Waziristan.

Một số tài liệu mật còn cho biết vai trò trực tiếp của Pakistan trong việc chọn lọc mục tiêu. Ví dụ, một đề mục năm 2010 mô tả một mục tiêu do tình báo Pakistan ISI chọn cho CIA. Hồ sơ mật cũng chứa đựng nhiều tên mã như là SYL-MAG - viết tắt của Sylvan Magnolia - tương ứng với chiến dịch drone bí mật. Tên mã về sau được đổi thành Arbor-Hawthorn.

Do cần định danh quá nhiều nghi can khủng bố Al-Qaeda cũng như các căn cứ quân sự của chúng cho nên CIA thấy cần thiết phải sử dụng tên mã. Ví dụ, tên mã MSC-215 dùng cho căn cứ Miran Shah và SC-5 cho căn cứ Spailpan số 5 ở South Waziristan.

Các tài liệu cũng xác nhận cái chết của hàng chục nghi can điệp viên Al-Qaeda, bao gồm Rashid Rauf - công dân Anh bị giết chết năm 2008 vì "giúp tổ chức vụ đánh bom năm 2007 nhằm vào các chuyến bay qua Đại Tây Dương xuất phát từ Anh".

Các thành viên của Mạng lưới Haqqani ở North Waziristan.

Các mục tiêu được phê chuẩn nhiều khi chỉ dựa vào hành vi đáng ngờ của đối tượng mà camera của drone dò thấy trong khi nhân thân của những người này chưa được xác định một cách rõ ràng. Ngày 14/1/2010, một nhóm 17 người tụ tập tại khu vực nghi ngờ là trại huấn luyện của Taliban. Sau khi camera giám sát của chiếc drone phát hiện nhóm người này đang tiến hành những hoạt động hít đất, chạy, đấu võ… giống như là huấn luyện ám sát, một chiếc drone đã lên đường “triệt hạ mục tiêu”.

Ngày 23/3/2010, drone của CIA đã phóng tên lửa tấn công một "đối tượng đáng quan tâm" trong khu vực nghi ngờ của Al-Qaeda. Theo CIA, người đàn ông này đã gây chú ý khi "tổ chức 2 cuộc họp bên trong ôtô và đổi xe khác 3 lần trong suốt chặng đường đi". Một số mục tiêu khác bị drone tấn công bởi vì họ có thái độ bất thường khi có mặt ở một địa điểm đáng ngờ.

Ngày 11/5/2010, 12 người bị giết chết vì CIA cho rằng "có lẽ" họ dính líu đến những cuộc tấn công xuyên biên giới chống lại quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Do "những cuộc tấn công bằng drone được CIA phê chuẩn" một cách bừa bãi mà rất nhiều dân thường bị giết chết - 152 người bị chụp mũ "chiến binh" mất mạng và 26 người khác bị thương trong 6 tháng đầu năm 2011. Thực tế là vậy nhưng hồ sơ mật về những cuộc tấn công bằng drone của CIA khi chia sẻ với chính quyền Pakistan lại hoàn toàn không liệt kê số thương vong của dân thường! Sau khi tiến hành phỏng vấn những người may mắn sống sót và tích cực thu thập bằng chứng, cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) về 9 cuộc tấn công drone ở Pakistan từ giữa tháng 5/2012 đến tháng 7/2013 kết luận có ít nhất 30 dân thường bị giết chết trong những cuộc tấn công này.

Mới đây, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney chính thức thừa nhận các cuộc tấn công bằng drone "dẫn đến những cái chết của dân thường" song vẫn biện hộ chương trình của CIA có độ chính xác cao và nói rằng có "khoảng cách lớn" giữa đánh giá của chính quyền Mỹ và các nhóm điều tra độc lập. Một vài tài liệu mật dán nhãn "đề tài có thể tranh luận" dành riêng cho DDCIA (viết tắt chức danh của Phó giám đốc CIA) Michael J. Morell - người thường xuyên báo cáo về chương trình drone của CIA cho Husain Haqqani, Đại sứ Pakistan ở Mỹ.

CIA cũng chia sẻ với Islamabad và ISI các bản đồ và hình ảnh chụp các chiến dịch drone tiến hành ở Pakistan. Các bản đồ thể hiện những chi tiết được đánh dấu đơn giản, bao gồm các dấu lửa màu cam thể hiện những địa điểm tấn công; còn các hình ảnh chụp tiết lộ quang cảnh khu nhà hay xe cộ trước đó và sau khi bị tên lửa Hellfire tiêu diệt, trong đó một số dấu mũi tên đánh dấu các xác chết giữa đống đổ nát.--PageBreak--

Sự dính líu sâu của NSA vào chương trình drone

Chuyện này xuất phát từ một email vô thưởng vô phạt của một phụ nữ gửi cho chồng. Nó có thể là một trong hàng triệu email được các cặp vợ chồng gửi cho nhau mỗi ngày, nhưng email này gây sự chú ý đặc biệt cho NSA bởi vì chồng của người phụ nữ đang nằm trong tầm ngắm của CIA. Vài ngày sau đó, Hassan Ghul - phó tướng của trùm khủng bố Osama bin Laden - bị giết chết trong một cuộc tấn công bằng drone ở Pakistan.

Những tài liệu mà Edward Snowden trao cho tờ Washington Post khẳng định Ghul bị giết chết vào ngày 1/10/2012 ở Mir Ali và còn tiết lộ sự dính líu sâu của NSA vào chương trình drone của CIA - Trung tâm Chiến lược chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama và chương trình dùng drone tấn công dựa rất nhiều vào khả năng thu thập một lượng khổng lồ các thông điệp email, cuộc gọi điện thoại cũng như các thông tin khác của Tình báo tín hiệu (SIGINT).

Hassan Ghul - người được các tài liệu mật ghi tên là Mustafa Haji Muhammad Khan - bị Mỹ theo dõi từ năm 2003 khi một tù nhân Al-Qaeda tiết lộ Ghul đi cùng một trong những tên không tặc đến một căn nhà ở Pakistan vào  năm trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Hassan Ghul bị Mỹ bắt giữ năm 2004 và khai ra mạng lưới giao liên của Osama bin Laden trước khi bị giam 2 năm tại một nhà tù bí mật của CIA ở Đông Âu.

Năm 2006, Mỹ giao trả Ghul về Pakistan. Vừa được thả ra Ghuh lập tức quay lại với Al-Qaeda, giúp tổ chức này tái lập các mạng lưới hậu cần cũng như di chuyển người và tiền bạc ra vào Pakistan. Giới chức CIA tin rằng, Ghul có mối quan hệ với Lashkar-e-Taiba, nhóm chiến binh cực đoan từng nhận được sự ủng hộ ngầm của ISI.

Bản đồ thể hiện những cuộc tấn công drone của CIA nhằm vào vùng Waziristan từ ngày 1/12/2009 đến ngày 21/1/2010.

Ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ về Hassan Ghul, tài liệu của Edward Snowden còn tiết lộ nhiều chi tiết về sự hợp tác phức tạp giữa CIA và NSA trong chương trình drone. Cụ thể là, NSA tập trung khám phá và cung cấp thông tin tình báo cho CIA về các mục tiêu cụ thể. Mới đây, người phát ngôn của NSA tuyên bố: các chiến dịch của cơ quan này là nhằm "bảo vệ quốc gia và các lợi ích quốc gia trước các mối đe dọa như là khủng bố và việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Trong trường hợp của Hassan Ghul, NSA triển khai các công cụ gián điệp mạng, bí mật kiểm soát các laptop, thu thập các file âm thanh cũng như các thông điệp khác và giám sát những đường truyền radio để xác định vị trí của Hassan Ghul. Và, cuối cùng email của người vợ đã giúp CIA tiêu diệt Ghul.

Để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ, NSA lập ra một đơn vị bí mật gọi là Nhóm Sứ mạng liên kết chống khủng bố hay CT MAC có nhiệm vụ truy lùng những mục tiêu khủng bố khó tìm nhất. CT MAC đã trải qua một năm miệt mài truy tìm dấu vết của Hassan Ghul và mạng giao liên của ông ta. Nếu không có sự hợp tác của NSA thì, theo tờ Washington Post, CIA khó có cơ may tiêu diệt được đối tượng này.

Theo tiết lộ của Edward Snowden, NSA đã phân công một số chuyên gia phân tích cao cấp đến Trung tâm Chống khủng bố của CIA (CTC) đồng thời triển khai nhiều nhân viên khác đến làm việc bên cạnh các đối tác CIA ẩn thân trong mỗi đại sứ quán hay căn cứ quân sự Mỹ ở hải ngoại.

Hình ảnh một khu nhà trước khi bị tấn công do drone chụp ở North Waziristan (trái) và hình ảnh khu nhà sau khi bị tấn công.

Theo một cựu sĩ quan tình báo Mỹ về hưu có kinh nghiệm về Afghanistan và Pakistan, điểm nóng theo dõi của NSA là "Các khu vực bộ tộc do chính quyền liên hiệp quản lý" hay gọi tắt là FATA - vùng tây bắc Pakistan được giới thủ lĩnh Al-Qaeda chọn làm căn cứ. Nhân viên NSA hiếm khi mạo hiểm rời khỏi những cánh cổng an ninh của Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad. Các chiến dịch gián điệp đòi hỏi cài đặt thiết bị cảm biến gần một khu nhà nào đó của Al-Qaeda sẽ được giao cho Trung tâm Chiến dịch thông tin của CIA (IOC) - tổ chức chuyên trách về các thiết bị công nghệ cao và sứ mạng gián điệp gần sát mục tiêu - đảm trách.

Một cựu sĩ quan tình báo Mỹ giấu tên so sánh tiềm lực của NSA với IOC và cho biết: "Nếu muốn giám sát toàn bộ FATA, NSA chắc chắn phải có nhân lực đông hơn 10 lần, ngân sách hoạt động mạnh hơn 20 lần và năng lực trí tuệ cao hơn 100 lần". 

Nhờ vào các công cụ gián điệp hữu hiệu nhất - ví dụ thiết bị giúp bí mật cài đặt phần mềm gián điệp vào máy tính có tên mã là UNITEDRAKE  và VALIDATOR - do bộ phận có tên gọi là Phòng Chiến dịch Xâm nhập thích ứng (TAO) - một đơn vị hacker tuyệt mật của NSA  - phát triển mà NSA thu thập được một lượng lớn thông tin số, bao gồm file âm thanh, hình ảnh và động tác gõ bàn phím. TAO còn mở rộng hoạt động chống khủng bố hợp tác với CIA ra khỏi biên giới Pakistan, đột nhập các hệ thống máy tính của các nhánh Al-Qaeda ở Yemen và khắp châu Phi; giúp NSA lập bản đồ chi tiết về mọi sự di chuyển của các phần tử khủng bố giữa Yemen, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Libya và Iran.

Chỉ tính riêng một cuộc đột nhập duy nhất của TAO đã giúp NSA thu thập được 90 tài liệu và 30 thông điệp mã hóa của Al-Qaeda cùng với hàng ngàn thông điệp chat trên Internet giữa các phần tử khủng bố. Thậm chí, sau khi giết chết Hassan Ghul ở Mir Ali, vai trò của NSA trong chương trình drone của CIA vẫn chưa kết thúc

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.