Pakistan trước nguy cơ đảo chính

Thứ Sáu, 30/12/2011, 16:15

Pakistan - một cường quốc hạt nhân tại Nam Á, đồng thời cũng là nơi ẩn náu của không ít các phần tử Hồi giáo cực đoan - đang trên bờ vực của một cuộc đảo chính quân sự mới với những hậu quả không thể lường trước, hoàn toàn có thể bùng phát thành một “cuộc chiến tất cả chống lại tất cả”. Không phải ngẫu nhiên, việc đương kim Tổng thống Asif Ali Zardari bất ngờ ra nước ngoài trị bệnh hồi đầu tháng 12 cũng được đánh giá rất có thể là một hành động “né” đảo chính vì lo ngại sẽ bị chính quyền mới truy tố.

Bức tranh hỗn loạn

Vào thời điểm này, bất kỳ người nào muốn đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống chính trị tại Pakistan đều không thể tránh khỏi cảm giác đang sa vào một "trận đồ bát quái" vì nhiều lý do.

Thứ nhất, giới lãnh đạo dân sự, vẫn như từ trước tới nay, đang đặc biệt e ngại dè chừng trước các cơ quan mật vụ và quân đội vốn có ảnh hưởng rất lớn trên chính trường.

Thứ hai, ngay trong hàng ngũ các chính trị gia, trò đấu đá lẫn nhau để tranh giành chức vị và ảnh hưởng vẫn đang liên tục diễn ra, nếu như không muốn nói là ở mức độ trầm trọng hơn.

Thứ ba, ngay các tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội Pakistan cũng không chịu "chung một chiến tuyến" vì cũng có nhiều quyền lợi để tranh giành.

Tổng thống Asif Ali Zardari, người từ trước tới giờ vẫn bị chỉ trích là một chính trị gia yếu kém, thiếu khả năng và tham lam. Ông Zardari theo đánh giá đã giành được chiếc ghế tổng thống chủ yếu nhờ vào vợ mình - thủ lĩnh phe đối lập Benazir Bhutto bị ám sát từ năm 2007.

Người dân Pakistan tới giờ vẫn thường nhắc tới cái tên lóng "Asif 10%" của đương kim tổng thống, ý nói tới hành vi luôn đòi tiền hoa hồng 10% trước đây của ông ta. Zardari không thể không hiểu rõ âm mưu và quyền lực thực sự của giới tướng lĩnh, những người hoàn toàn có thể giúp chuyển chỗ của ông ta từ ghế tổng thống sang ghế… bị cáo. Có cùng chung một mối lo tương tự với Zardari là người bạn Thủ tướng Yousaf Raza Gillani.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Tham gia chấm phá vào bức tranh hỗn loạn này còn có cả hàng ngũ các chính trị gia địa phương, hoặc là nằm dưới sự giật dây của những trùm tài phiệt có ảnh hưởng, hoặc bản thân từ lâu đã ấp ủ mưu đồ cát cứ.

Bao che phía trên đầu giới tài phiệt vẫn là các quan chức quân sự và mật vụ với những khoản thù lao hậu hĩnh cho vai trò "bảo kê". Còn phải kể tới hàng ngũ các thủ lĩnh Hồi giáo có ảnh hưởng, đang nhận được sự giúp đỡ bí mật (đôi khi là công khai) từ các chính trị gia, trùm tài phiệt, giới quân sự vì những mục đích riêng của mình.

Trong cái bối cảnh quan hệ hỗn độn và rối rắm này, tất cả đều lên tiếng cáo buộc nhau vì những tội danh kiểu như tham nhũng, hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố v.v… Ngay cả giới lãnh đạo chóp bu tại Pakistan cũng đang nằm dưới nguy cơ bị điều tra về những cáo buộc trên.

Bức tranh tổng thể phức tạp của Pakistan còn phải bổ sung thêm một số đặc điểm địa - chính trị phức tạp khác. Phần biên giới giáp ranh với Ấn Độ từ lâu đã nằm trong tình cảnh bất ổn vì những tranh chấp lãnh thổ của hai bên.

Khu vực biên giới phía tây bắc trên thực tế đang nằm dưới quyền kiểm soát của các bộ lạc có quan hệ mật thiết với Taliban. Còn các thành phố lớn luôn sống trong sợ hãi vì những vụ khủng bố và sát nhân theo đơn đặt hàng diễn ra liên tục, trong khi đại đa số người dân vẫn sống trong tình cảnh nghèo đói tuyệt vọng.

Những diễn biến khó lường

Vào đúng lúc này, Tổng thống Zardari lặng lẽ bay sang Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với lý do chữa bệnh. Điều này làm xuất hiện nhiều giả thuyết cho rằng, Zardari thật ra đã định chuồn sớm trước nguy cơ bị lật đổ. Đất nước Pakistan thực tế đã lâm vào tình cảnh không có nhà lãnh đạo trên danh nghĩa.

Các phương tiện truyền thông đại chúng thi nhau đoán già đoán non xem Tổng thống có quay trở lại hay không? Còn các nhà phân tích bắt đầu tranh luận: Liệu đã diễn ra một cuộc đảo chính quân sự hay chưa? 

Trong khi đó, Thủ tướng Gillani lại liên tục có những hoạt động tích cực khác thường. Trên tivi và các trang báo, ông Gillani có vẻ muốn chứng minh cho người dân thấy quan điểm chống Mỹ kiên quyết của mình - cấm vận tải hàng trung chuyển cho quân NATO tại Afghanistan, đuổi hết các máy bay không người lái của Mỹ khỏi căn cứ quân sự Pakistan.

Đối với giới tướng lĩnh, Gillani cũng tìm mọi cách để thuyết phục về "sự trung thành" của mình. Thủ tướng Gillani nhấn mạnh, ông không phải là bạn bè với Zardari, trong khi bản thân ông và đảng của mình không biết gì đến lá thư của Tổng thống Zardiri bí mật cậy nhờ Mỹ (xem ANTG số 1116, ngày 30/11/2011).

Giới quân sự tất nhiên không khoanh tay đứng nhìn trước những biến cố này. Đầu tiên, các đại diện của Bộ Tổng tham mưu đã liên hệ với Tòa án tối cao, yêu cầu làm rõ nguồn gốc của lá thư trên cùng với những cá nhân liên quan.

Đồng thời, báo chí địa phương cũng cho biết, Giám đốc ISI, tướng Ahmad Shuja Pasha, đã có một chuyến công du bí mật tới một loạt quốc gia Arập láng giềng của Pakistan, thăm dò phản ứng của họ về khả năng một cuộc đảo chính quân sự mới.

Vở kịch phức tạp trên sân khấu chính trị Pakistan lại tiếp tục có một bước ngoặt kỳ lạ. Tổng thống Zardari tưởng chừng như đang bệnh nặng đã rất nhanh chóng bình phục để quay trở về đất nước. Có điều ông Zardari không quay trở về thủ đô Islamabad mà lại dừng chân ở thành phố lớn nhất Karachi, được cho là nơi tập trung đông đảo những lực lượng ủng hộ ông.

Tổng Tham mưu trưởng, tướng Ashfaq Parvez Kayani, có phải là người đang thực sự nắm quyền tại Pakistan?

Từ đây, Zardari đưa ra tuyên bố khẳng định, vẫn đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, chỉ có điều "chưa muốn quay trở lại thủ đô". Tổng thống tạm thời chỉ liên hệ với giới tướng lĩnh thông qua điện thoại và cả qua Thủ tướng Gillani!

Theo những người đã trực tiếp chứng kiến, đã từng có một cuộc điện thoại "kỳ lạ" diễn ra giữa tổng thống và giới quân sự. Thật ra, Zardari đã tình cờ gọi điện cho Thủ tướng Gillani vào đúng lúc ông này đang có cuộc thương thuyết với Tổng tham mưu trưởng, Tướng Ashfaq Parvez Kayani. Thủ tướng "tiện thể" trao điện thoại cho Kayani. Người ta chỉ nghe thấy Tổng tham mưu trưởng hỏi mỗi một câu: "Sức khỏe của ngài thế nào?". "Cám ơn, đã tốt hơn rồi" - Tổng thống cũng chỉ trả lời có vậy. Cuộc điện đàm giữa hai bên nhanh chóng kết thúc ở đây mà không nhắc chút nào tới các vấn đề chính trị. Có vẻ như cả hai bên đã thỏa thuận xong mọi vấn đề nên không còn có gì để nói với nhau nữa.

Tình hình chính trị tại Pakistan hiện nay có thể phác thảo bằng một vài nét "siêu thực" như sau: Tổng thống đã về nước nhưng chỉ ở lì một tỉnh mà chẳng điều hành cái gì; Thủ tướng có vẻ như đang chỉ đạo tất cả, nhưng thật ra chỉ dưới sự giật dây của giới quân sự.

Một số nhà quan sát hiện đã nhắc tới một nhân vật có khả năng xóa bỏ tình trạng mập mờ trên chính trường Pakistan. Đó là một cái tên đã rất quen thuộc - cựu Tổng thống Pervez Musharraf, người đã cầm quyền tại Pakistan trong suốt 9 năm liền, sau khi lật đổ chính quyền dân sự bằng một cuộc đảo chính quân sự năm 1999, hiện đang sống tại UAE.

Dù đang là đối tượng của một vài vụ án hình sự tại quê hương, nhưng Musharraf đối với nhiều người dân Pakistan vẫn là biểu tượng của sự trật tự, ổn định và một chính sách lãnh đạo kiên quyết.

Pervez Musharraf đang có tham vọng quay trở lại nắm quyền tại Pakistan.

Musharraf đã tuyên bố sẽ quay trở về nước vào tháng Giêng năm tới, bất chấp mối đe dọa từ các vụ án hình sự. Viên tướng này thực ra đã lường trước mọi khả năng. Những người bạn cũ quyền lực trong quân đội và ISI chắc chắn sẽ không để ông ta rơi vào tay của Tổng thống và Thủ tướng, bản thân giờ đây cũng đang mải lo giữ chiếc ghế (dù là trên danh nghĩa) của mình.

Hơn nữa, Musharraf chắc chắn không dám mạnh miệng tuyên bố trước cả thế giới về kế hoạch trở về của mình, nếu như không có những đảm bảo tự do nào đó, trong khi chỉ có quân đội giờ đây mới có thể đưa ra những đảm bảo này. 

Nói tóm lại, những cuộc mặc cả ráo riết về phân chia quyền lực trong hệ thống chính trị tương lai của Pakistan đang diễn ra ráo riết đằng sau những cánh cửa đóng kín. Nếu quá trình này thất bại, một cuộc đảo chính quân sự tại Islamabad sẽ là điều gần như không thể tránh khỏi.

Khi đó, Karachi và các khu vực phụ cận ủng hộ đương kim Tổng thống chắc chắn sẽ không thừa nhận sự thay đổi chính quyền này. Quá trình phân chia lại quyền lực trên đang tiềm ẩn một giai đoạn bất ổn lâu dài trong tương lai kèm theo những hậu quả không thể lường trước

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.