Paris sẽ không còn là “kinh đô của ánh sáng”?

Thứ Sáu, 18/01/2013, 15:20

Xưa nay, Paris vẫn được thế giới mệnh danh là "kinh đô của ánh sáng" (la capitale lumière) bởi lẽ về đêm, có khoảng 58 triệu ngọn đèn các loại được thắp lên từ lúc mờ tối đến bình minh. Vào những lúc trời quang, từ trạm ISS trên vũ trụ, các phi hành gia cũng có thể nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của thành phố này.

Tuy nhiên, Paris có thể sẽ bị mất thương hiệu của mình vào năm nay, khi quy định  tắt đèn trên tất cả các đường phố, trong và ngoài các tòa nhà công cộng, văn phòng, cửa hàng, sòng bài, vũ trường, cầu cống, nhà thờ, di tích lịch sử - bao gồm cả tháp Eiffel, được thực hiện vào tháng 7, bắt đầu từ 1h đến 6h sáng để tiết kiệm điện. Quy định này cũng sẽ áp dụng cho tất cả những thành phố, thị trấn, làng mạc ở Pháp, và được coi như một phần trong kế hoạch cải thiện 20% hiệu quả năng lượng từ đây cho đến năm 2020.

Năm 2011, nước Pháp đón 81 triệu khách du lịch và 3/4 trong số này đều ghé qua Paris. Ngành công nghiệp du lịch Pháp hiện có 900 nghìn người làm việc. Một khảo sát của Bloomberg (là hãng tin hàng đầu thế giới chuyên về kinh doanh và thị trường tài chính), cho thấy chính ánh sáng từ những cửa hiệu, nhà hàng, quảng trường, công viên, rạp hát…, đã dẫn dắt khách du lịch đi từ phố này sang phố khác.

Alande, chủ nhà hàng nổi tiếng "Chó ngậm tẩu" ở quận 3, Paris, nói: "Khách hàng của tôi không muốn ngồi ăn trong bóng tối ở một thành phố của ánh sáng". Carine Roitfelds, chủ nhà hàng Gauloises, quận 1, nói thêm: "Không phải ai cũng thích những bữa ăn lãng mạn dưới ánh sáng của những ngọn đèn cầy. Ở Paris, không chỉ ăn mà khách du lịch còn muốn được nghe và nhìn ngắm nữa".

Paris về đêm ngập tràn trong ánh sáng.

Với khách du lịch, việc tắt điện từ 1h đến 6h sáng ít nhiều cũng gây ra những tác động tiêu cực, mặc dù quy định trên đến tháng 7 mới có hiệu lực. Umberto, một người Italia, cho biết: "Nếu tắt điện, Paris sẽ không còn là… Paris". Wroclaw, một đại gia trong ngành kinh doanh địa ốc người Ba Lan, hiện sở hữu một lâu đài trị giá 1,5 triệu euro ở quận 8, nói: "Tôi đủ khả năng mua một máy phát điện hoạt động 24/24h cho căn nhà của tôi. Nhưng tôi không thích chỉ mình tôi sáng khi tất cả chìm trong bóng tối". Garnier, nhân viên khách sạn Grand Hotel Du Havre thì hài hước hơn: "Cứ tăng giá điện đi, nhưng đừng cắt nó".

Lo sợ cho các tác động của việc tắt điện đối với nền kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại  Pháp, bà Sofy Mulle, nói với Bloomberg là cần có một cách tốt hơn: "Chúng ta phải tìm ra một giải pháp thân thiện với môi trường nhưng ít gây  tác động đến kinh tế và xã  hội".

Kế hoạch cắt điện nói trên đã được trình lên Tổng thống Francois Hollande. Theo ông Delphine Batho, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Pháp, thì mặc dù quy định xem ra không phù hợp với ý muốn của người dân, của các nhà kinh doanh và khách du lịch, nhưng nó sẽ tiết kiệm được năng lượng và tiền bạc. Ông Batho nói: "Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là thay đổi văn hóa. Chúng tôi thấy phải chấm dứt việc sản xuất nhiều năng lượng hơn mà nguyên do là chúng ta đang tiêu thụ nhiều hơn"

V.C. (tổng hợp)
.
.