Paulius - Số phận của một Thống chế phát xít chống lại Hitler

Thứ Bảy, 15/01/2011, 10:05
Ngày 8/8/1944, Paulius phát biểu trên Đài Phát thanh của Liên Xô hướng về Đức kêu gọi nhân dân Đức từ bỏ Hitler để cứu nước Đức...

Đầu tháng 2/1943, Tập đoàn số 6 của phát xít Đức do Thống chế Paulius cầm đầu đã bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt hoàn toàn tại mặt trận Stalingrad. Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chiến tranh của đế chế phát xít dành cho Đức thông báo quốc tang. Bản thân Hitler tham gia tang lễ tượng trưng dành cho Thống chế Paulius “đã ngã xuống ở chiến trường”. Hitler đã đặt lên trên quan tài tượng Thống soái có gắn kim cương.

Vào thời gian này, cùng với những tướng lĩnh còn sống bị bắt làm tù binh, Thống chế Paulius lúc đầu được đưa đến Beketopk, phía nam Stalingrad hoàn toàn không bị tàn phá, rồi sau đó được đưa đến ngôi làng nhỏ Zavarugino. Đã có một tiểu đoàn của Bộ Dân ủy nội vụ bảo vệ ông ta. Vừa chuyển đến đây, Paulius yêu cầu được gặp những đại diện của Bộ Tư lệnh Liên Xô. Giám đốc Sở Dân ủy nội vụ Stalingrad, Alexandr Voronin về sau này nhớ lại: "Khi thấy tôi, Paulius không đứng dậy, thậm chí không chào liền đưa ra một số yêu sách đòi hỏi quyền lợi cho bản thân”.

Paulius được cho uống vodka, mỗi ngày 200gr và được cung cấp báo để đọc (nhưng là báo của Liên Xô) và cho uống cà phê. Đã có những bức thư của vợ Paulius gửi cho hắn. Những nhân viên tình báo của Liên Xô đã liều mạng đến lấy thư để chuyển đến cho hắn từ Đức khuyên hắn cộng tác với Liên Xô.

Ngày 8/8/1944, Paulius phát biểu trên Đài Phát thanh của Liên Xô hướng về Đức kêu gọi nhân dân Đức từ bỏ Hitler để cứu nước Đức.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Paulius được gặp vợ ở Liên Xô. Ông ta cùng với vợ sống tại ngoại ô Moskva một thời gian dài. Họ còn được đi nghỉ ở nhà điều dưỡng ở Hắc Hải, nhưng với tên họ khác.

Một trong những hồ sơ lưu trữ đã tìm thấy bức ảnh của bộ trưởng thời đó, ông Cruglop gửi lên Stalin đề ngày 29/2/1952: "Vào đêm rạng sáng ngày 26/2/1952, cựu Thống chế Paulius bị bất tỉnh nhân sự trong thời gian ngắn. Có thể một thời gian dài sống như tù binh mà không được trở về nước nên ông ta bị rối loạn thần kinh. Tôi đề nghị cho ông ta về Cộng hòa Dân chủ Đức”.

Tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Paulius sống tại Dresden, có thời gian làm tư vấn cho Bộ Nội vụ. Những người Đức, đặc biệt những người có người thân bị chết ở mặt trận phía đông đã nguyền rủa Paulius còn sống mà không cứu được người thân của họ. Paulius mang món nợ này trong suốt những năm tháng còn lại của đời mình.

Đúng 14 năm, sau khi bị bắt làm tù binh, lúc 66 tuổi Paulius đã qua đời. Tang lễ tổ chức khiêm tốn, nhưng cũng có một số quan chức cao cấp và tướng lĩnh đưa tang. Tại một nghĩa địa của thành phố Baden, có một ngôi mộ khắc dòng chữ: "Thống chế Fridric Paulius sinh ngày 23/9/1890, mất ngày 1/2/1957"

Minh Quốc (theo Luận chứng và Sự kiện)
.
.