Phản ứng xung quanh việc thanh trừng các điệp viên cũ của Ba Lan

Thứ Hai, 23/04/2007, 09:00
Đã 4 tháng liên tiếp, đất nước Ba Lan vẫn chưa thể bình yên trở lại với một loạt những hành động thanh trừng các cựu điệp viên từng hoạt động dưới thời chính quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) trước đây.

Đã có hàng loạt các chính trị gia, quan chức chính phủ nổi tiếng đã bị buộc tội từng hợp tác với các cơ quan an ninh quốc gia của chế độ XHCN trước đây của Ba Lan hay Liên Xô. Một trong những nạn nhân đáng chú ý  là Stanislaw Wielgus, cựu Tổng giám mục của thủ đô Warsaw.

Những thông tin điều tra từ WSI

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 19/2/2007, khi Đại sứ Marek Edrys của Ba Lan tại Áo đã bị triệu hồi về Warsaw. Tiếp theo, những trát triệu hồi tương tự cũng được gửi tới Kristophe Shumski (Đại sứ Ba Lan tại Trung Quốc), Grigori Mihalski (Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ),  Kazimez Romanski (Đại sứ tại Kuwait) và cuối cùng là quan chức đại diện ngoại giao cho Ba Lan ngay tại LHQ.

Giải thích với phóng viên Hãng Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Anna Fotyga đã khẳng định, những quan chức ngoại giao cao cấp trên đã “được triệu hồi về Warsaw để tư vấn”.

Dù không có lời khẳng định công khai nào, nhưng không ai có thể nghi ngờ về việc, tất cả những vị đại sứ đã bị triệu hồi trên rất có thể sẽ bị buộc tội hợp tác với các cơ quan mật vụ của Liên Xô trước đây như KGB hay GRU.

Ngoài ra, nhiều quan chức Bộ Ngoại giao Ba Lan còn bị gán cho cái tội có tiếp xúc với Cơ quan Tình báo quân đội (WSI - Wojskowe Sluzby Informacyjne) trong chế độ XHCN trước đây của Ba Lan.

Quá trình điều tra suốt vài năm trước đó về hoạt động của WSI cho thấy, cơ quan này đã tuyển mộ được một số lượng lớn điệp viên hay cộng tác viên tại các công ty tư nhân, phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều cơ quan chính quyền, kể cả Bộ Ngoại giao.

Chẳng hạn như Đại sứ Marek Edrys của Ba Lan tại Áo (như theo một số nguồn tin nội bộ) đã bổ nhiệm một số điệp viên vào các vị trí ngoại giao theo gợi ý của WSI.

Tổng giám mục Stanislaw Wielgus.

Việc cố tình tiết lộ danh sách các cựu điệp viên, hơn nữa hiện lại đang là những quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền, có thể coi là chuyện chưa có tiền lệ cả ở Ba Lan cũng như trên thế giới. Nhưng đây lại là một chính sách đang được thi hành theo quyết định của Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan, bất chấp sự lo ngại và phản đối của không ít người dân tại quốc gia này. 

Ngày 17/2/2007, trên trang web chính thức của người đứng đầu Nhà nước Ba Lan đã xuất hiện một bản báo cáo dài 374 trang về những hoạt động trong quá khứ của WSI (cơ quan này mới bị chính thức giải thể vào tháng 9/2006).

Trong tài liệu có mô tả rất kỹ mọi chi tiết về các hệ thống tổ chức mà tình báo Ba Lan đã xây dựng từ nhiều năm trước đây. Để có được thông tin này, nhiều cơ quan tình báo nước ngoài sẵn sàng bỏ ra không ít tiền. Nhưng giờ đây, họ có thể tiếp cận hoàn toàn miễn phí qua Internet.

Điều đáng chú ý, trong báo cáo này không chỉ liệt kê danh sách của 10.000 nhân viên WSI, mà còn toàn bộ dữ liệu về hơn 2.000 điệp viên ngầm khác từng làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhiều người trong số này từng được đào tạo tại Liên Xô và nắm giữ các cương vị tùy viên quân sự tại nước ngoài ở nhiều thời điểm khác nhau.

Trong số này còn có 8 quan chức hiện vẫn đang phục vụ trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Ba Lan ở nước ngoài. “Kẻ đầu trò” trong chiến dịch tiết lộ thông tin tình báo này chính là cựu Bộ trưởng Nội vụ Anton Masirevik, từng “nổi danh” từ đầu những năm 90 thế kỷ trước khi cho công bố một danh sách những người Ba Lan bị nghi ngờ tiếp xúc với cơ quan tình báo Ba Lan và Liên Xô trước đây.

Phản ứng của công chúnh Ba Lan

Tháng 2/2006, Tổng thống Ba Lan đã ký một sắc lệnh giải tán WSI trong khuôn khổ một bước đi tiếp theo để cải tổ lại hệ thống các cơ quan nhà nước. Khi đó, cơ quan tình báo này còn bị buộc tội tham nhũng, cung cấp vũ khí trái phép cho các băng nhóm tội phạm hay cực đoan, tìm cách gây ảnh hưởng lên các chính sách của chính quyền hay thậm chí thu thập thông tin vì quyền lợi của Liên Xô cũ.

Cuộc đối đầu ngấm ngầm nhưng cũng hết sức quyết liệt giữa WSI và chính quyền dân sự Ba Lan thật ra đã kéo dài từ nhiều năm qua. Nhưng các quan chức lãnh đạo cơ quan này đã khôn khéo duy trì được hoạt động độc lập của mình trước khi bị giáng một đòn nặng nề vào năm 2004. Khi đó, WSI bị buộc tội cung cấp vũ khí (cả tên lửa) cho các băng nhóm cực đoan, dù mọi việc sau đó đã không thể chứng minh.

Tất nhiên, có không ít người dân Ba Lan đã bày tỏ sự phê phán kịch liệt đối với chính sách thanh trừng cơ quan mật vụ của chế độ cũ từ phía chính quyền.

Một trong số đó chính là cựu Tổng thống Lech Walesa, từng được coi là thủ lĩnh của phong trào "chống chính quyền Cộng sản" do Công đoàn Đoàn kết dẫn đầu. Trong bản báo cáo được tiết lộ trên Internet, Walesa cũng bị phê phán là đã không chịu hành động để làm suy yếu vị thế của WSI.

Vị tổng thống đầu tiên của Ba Lan đã tuyên bố rằng, Ba Lan đã “không còn là một đất nước tự do” với những chính sách kiểu như trên. Các cựu đảng viên Cộng sản và quan chức đại diện phe đối lập cánh tả cũng lên tiếng phê phán kịch liệt việc công bố tài liệu trên.

Họ đã gọi hành động này là thiếu khách quan, đồng thời khẳng định, “việc giải thể Cơ quan Tình báo quân đội là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Ba Lan”

Thái Quân (tổng hợp)
.
.