Pháp: Cơ cấu lại các cơ quan tình báo

Thứ Tư, 26/09/2007, 07:15
Ngày 13/9 vừa qua, giới báo chí Pháp được "vào cửa tự do" tham quan trụ sở mới của cơ quan tình báo nước này khánh thành hồi tháng 5/2007 tại Levallois-Perret vùng Hauts-de-Seine và nghe Bộ trưởng Nội vụ Michèle Alliot-Marie thông báo về sự sáp nhập Cơ quan Giám sát lãnh thổ (DST) và Tổng cục Tình báo (RG)...

Mục đích của sự sáp nhập này là tránh cho các cuộc điều tra có sự trùng lặp và sự cạnh tranh không đáng có giữa các cơ quan tình báo, tạo điều kiện cho các cơ quan này phối hợp chặt chẽ với nhau hơn.

DST trước đây hoạt độâng trong hai lĩnh vực là tình báo và cảnh sát tư pháp chủ yếu về chủ nghĩa khủng bố. RG thì chuyên về phân tích và điều tra. Cơ quan được sáp nhập sẽ có trên 5.000 cảnh sát và được đặt tên là Trung tâm Quốc gia tình báo nội địa (DCRI).

Một số báo chí Pháp cho rằng đây chính là một FBI kiểu Pháp. Cơ quan mới thành lập này sẽ hoạt động trong 4 lĩnh vực: phản gián, chống khủng bố và các âm mưu lật đổ, đảo chính, tình báo kinh tế những việc liên quan tới người nhập cư bất hợp pháp, những vấn đề về y đức và biểu tình.

Sự cải tổ này kéo theo một sắp xếp nhân sự mới sâu rộng đối với Tổng cục Tình báo. Theo đó, bộ phận “bếp núc” gồm khoảng 100 công chức vốn chỉ lo những công việc quen thuộc sẽ được thuyên chuyển toàn bộ qua Cơ quan Cảnh sát tư pháp trung ương (DCPJ).

700 cảnh sát của RG thuộc Sở Cảnh sát thành phố Paris vẫn giữ nguyên nhiệm vụ. Khoảng 15-20% số công chức còn lại của RG đóng tại địa bàn các tỉnh phụ trách theo dõi diễn biến các cuộc biểu tình sẽ được rót vào các cơ quan thông tin tình báo của tỉnh, các cơ quan này chịu sự chỉ đạo của các cơ quan an ninh công cộng của tỉnh.

Ngoài 4 lĩnh vực trên ra, DCRI còn can thiệp vào cả một số lĩnh vực khác như trật tự công cộng, phát hiện âm mưu hình thành các băng đảng và bạo động đô thị. Về mặt tư pháp, các vụ việc do DCRI phụ trách sẽ được phối hợp với Tiểu ban Phụ trách chống khủng bố (SDAT) thuộc DCPJ.

Việc lựa chọn người đứng đầu DCRI sẽ chính thức được công bố vào đầu năm 2008, nhưng theo giới thạo tin, Bernard Squarcini, 51 tuổi, mới được chỉ định là Giám đốc DST ngày 27/6 vừa qua, một người thân cận của Tổng thống Nicolas Sarkozy, có nhiều khả năng sẽ trở thành người lãnh đạo cơ quan FBI kiểu Pháp này.

Theo văn phòng của Bộ trưởng Nội vụ Alliot-Marie, DCRI sẽ phải phối hợp được mạng lưới kiểm soát và theo dõi rất chặt chẽ của DST và khả năng phân tích và điều tra của RG.

Phát biểu với nhật báo Le Monde, bà Alliot-Marie  cho biết: “Sự hiệu quả của các cơ quan tình báo là một yêu cầu bắt buộc trong tình hình hiện nay. Và để có được sự hiệu quả đó thì cần phải có sự bổ sung, hỗ trợ và khả năng phối hợp giữa các cơ quan này”.

Trong một lá thư viết ngày 26/6/2007 gửi Frédéric Péchenard, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia, bà Alliot-Marie đã yêu cầu ông báo cáo về sự sáp nhập các cơ quan tình báo vào cuối tháng 9. Thực tế, Tổng thống Nicolas Sarkozy là người đưa ra yêu cầu sự cải tổ trên nhưng không được bà Alliot-Marie ủng hộ.

Phát biểu với phóng viên tờ Le Figaro, bà Alliot-Marie nhận định: “Các cơ quan tình báo của chúng ta có những cách làm việc khác nhau. Nếu gộp họ lại làm một để hy vọng có được trao đổi thông tin tốt hơn, thì tôi e trong thời gian ngắn khó mà đạt được. Ý tưởng sáp nhập như vậy đối với tôi là còn quá sớm”.

Còn Tổng thống Nicolas Sarkozy và cánh tay phải của ông là Claude Guéant thì cho rằng sự cải tổ này là để thích nghi với những “đe dọa mới”.

Các nghiệp đoàn cảnh sát cũng cho thấy sự lưỡng lự của họ trước quyết định cải tổ trên của Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Không hoàn toàn phản đối sự sáp nhập DST-RG, nhưng Nghiệp đoàn các quan chức cảnh sát (SNOP) cho rằng việc chuyển đổi những sứ mệnh của RG sang lĩnh vực an ninh công cộng xem ra không hợp lý lắm

Hà Bắc (tổng hợp)
.
.