Pháp: Diện mạo mới của tình báo đối ngoại

Thứ Sáu, 07/12/2012, 00:45

Cơ quan Tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) đang tập trung nỗ lực tuyển mộ 690 nhân viên mọi ngành nghề, trong đó bao gồm 420 kỹ sư và kỹ thuật viên, để đáp ứng nhu cầu nhân sự từ nay cho đến năm 2014. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, điệp viên DGSE được tuyển dụng ngay sau khi rời trường đại học. Ngoài ra, DGSE cũng cố gắng xây dựng tiếng tăm và thuyết phục công dân Pháp thay đổi cách nhìn về tổ chức tình báo của đất nước.

Từ SDECE đến DGSE

Vào mùa hè năm 1937, chỉ huy Paillole của bộ phận chuyên về nước Đức của tình báo Pháp đề nghị đến Bộ trưởng Chiến tranh Pháp lúc đó là Edouard Daladier kế hoạch ám sát Adolf Hitler nhưng không được chấp thuận. Theo kế hoạch của Paillole, một chuyên gia bắn tỉa người Pháp sống ở Berlin sẽ mai phục trong căn hộ đối diện với trại lính, nơi mà Hitler thường đến thăm mỗi tháng một lần để ám sát trùm phát xít Đức. Nhưng, câu trả lời của Daladier là "không được ám sát nguyên thủ một quốc gia láng giềng!".

Tháng 3/1940, tức 3 năm sau, tình báo Pháp tiếp tục cảnh báo về việc quân đội Đức Quốc xã đi vòng quanh phòng tuyến Maginot (được xây dựng nhằm ngăn chặn  quân Đức bất ngờ tràn vào đất Pháp) nhưng cấp lãnh đạo quân đội vẫn cố tình làm ngơ. Những chi tiết này - được thuật lại trong cuốn sách mới của 3 đồng tác giả là cựu điệp viên Roger Faligot, Jean Guisnel và Rémi Kauffer - minh họa rõ nét về mối quan hệ khó khăn, đôi khi gây thiệt hại, giữa giới chính khách Pháp và cơ quan tình báo. Cuốn sách của 3 đồng tác giả chứa đựng những câu chuyện huyền hoặc mà đôi khi đến mức khó tin và chưa từng được công bố.

Trong Thế chiến II, tình báo quân đội Pháp được tướng De Gaulle cho phép sát cánh với các đồng minh tổ chức kháng chiến và chuẩn bị quay trở về đất Pháp. Năm 1946, Cơ quan Phản gián và thu thập tư liệu hải ngoại (SDECE) chính thức được thành lập với những nhân vật bảo trợ đều là chính khách thuộc đảng Xã hội Pháp. Sau khi chiến tranh kết thúc, ưu tiên hàng đầu của tình báo Pháp là đối phó với khối Đông Âu và Liên Xô.

Năm 1969, George Pompidou chỉ định Alexandre de Marenches lãnh đạo SDECE. Khác với các tiền nhiệm của mình, Marenches thường xuyên gặp gỡ các giám đốc của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và cả các tổng thống Mỹ. Nỗi ám ảnh của Marenches là cuộc chiến của phương Tây chống lại Liên Xô. Marenches cũng mở rộng các chiến dịch tình báo sang châu Á và đối đầu với Trung Quốc.

Đến năm 1982, Tổng cục Tình báo đối ngoại (DGSE) ra đời từ sự sáp nhập hai cơ quan tình báo SDECE và DST (Cục Tình báo nội địa). Dĩ nhiên, thời đại mới phát sinh ra những ưu tiên mới: chống khủng bố và bảo đảm an ninh kinh tế cho nước Pháp.

Sau khi đắc cử tổng thống Pháp vào năm 2007, Sarkozy bắt đầu một loạt nhiều cải cách trong lĩnh vực tình báo. Các nhiệm vụ ưu tiên bây giờ là giải quyết những cuộc khủng hoảng con tin và chống khủng bố, thậm chí Sarkozy không do dự sử dụng sức mạnh nếu cảm thấy cần thiết.

Bộ mặt mới của DGSE

Nhận được 44% "ý kiến ủng hộ" từ người Pháp, ngày nay DGSE bắt đầu cố gắng cải tổ và tìm kiếm những điệp viên mới trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Các chuyên gia toán học - mật mã, kỹ sư phụ trách an ninh thông tin, các chuyên gia dịch dữ liệu giao tiếp, nhà sinh học, nhà hóa học và kể cả các nhà ngôn ngữ học uyên thâm, nhà địa lý học, phi công, thợ khóa cũng như thợ may… và hàng năm DGSE  lặng lẽ tiến hành nhiều chiến dịch đầy tham vọng.

Bên trong tổng hành dinh của DGSE trên đại lộ Mortier giữa thủ đô Paris.

Ngay từ đầu năm 2011, DGSE đã tổ chức 24 buổi nói chuyện trong các trường đại học, nghiên cứu 400 bộ hồ sơ ứng viên. Trước đây, tình báo Pháp chỉ bao gồm những nam điệp viên  và quân nhân, nhưng ngày nay cơ cấu đã thay đổi - trong số 5.000 nhân viên hiện có, 70% là dân sự. Tỷ lệ phụ nữ gia nhập DGSE cũng tăng từ 6% đến 25% trong 15 năm qua.

DGSE cũng chú ý triển khai mạng lưới nữ điệp viên khắp nơi trên thế giới, cả đến những quốc gia Vùng Vịnh. Hiện nay, tân điệp viên nhận lương khoảng từ 36.000 đến 38.000 euro/năm chưa trừ thuế. Đối với những điệp viên được đánh giá thuộc loại giỏi có thể được trả lương đến 50.000 euro/năm. 

Đầu năm 2012, một cuộc điều tra dư luận về DGSE được tờ Figaro tiến hành. 63% số người được thăm dò cho biết có nghe nói đến "nhãn hiệu" DGSE, so với chỉ 47% vào năm 2003. Ngoài ra, 44% số người được thăm dò tuyên bố có thiện cảm với DGSE, nhất là sau vụ giải cứu hai nhà báo Pháp Hervé Ghesquiere và Stephane Taponier. Ngoại trừ một số người than phiền DGSE "thiếu tôn trọng cuộc sống riêng tư" của người dân, thì nhìn chung, 76% người Pháp tin tưởng DGSE  - dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Erard Corbin de Mangoux - bảo đảm được an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Năm 2011, các điệp viên DGSE đã hoàn thành 7.000 bản phân tích tình báo và phạm vi hoạt động của cơ quan trải dài từ vịnh Guinea đến dãy Hymalaya. Ngoài những nỗ lực chống khủng bố hiện nay, DGSE còn tập trung thu thập thông tin về vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như tội phạm có tổ chức hay cướp biển

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.