Pháp: Phản ứng của đội cận vệ khi Tổng thống bị “bủa vây”

Thứ Năm, 07/11/2013, 07:05

Tình huống này diễn ra cách đây vài năm tại Brussels, nơi vừa diễn ra cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Một quan chức cao cấp Pháp trong Văn phòng Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu tiếp một nghị sĩ rồi sau đó mời ông ta "ra ngoài hút thuốc" khi cuộc nói chuyện chuyển sang vấn đề tình báo kinh tế. Lúc đó, vị quan chức thổ lộ rằng, cơ quan phản gián vừa thông báo văn phòng của ông bị đặt lén rất nhiều micrô. Giống như văn phòng của các cộng tác viên thân cận với ông cũng bị một cơ quan tình báo Mỹ nghe lén. Và Paris đã ra chỉ thị là không nên gây ầm ĩ để tránh gây căng thẳng ngoại giao với một nước đồng minh.

Cơ quan bảo vệ yếu nhân Pháp có các chuyên gia "làm sạch sẽ". Mang theo những chiếc vali Oscor chứa đầy thiết bị điện tử trị giá 20.000 euro, các chuyên gia về truyền thông này quét những tần số và phổ vô tuyến rồi lưu trữ và phân tích các tín hiệu khả nghi. Thiết bị dò tìm đó sẽ rà khắp mọi nơi để xem có micrô nghe lén đặt trong phòng hay ở lối ra vào một tòa nhà không. Nếu có nghi ngờ, các điện thoại bàn và trạm chuyển tiếp phải được thường xuyên kiểm tra để đảm bảo không bị chuyển nhánh.

Khi đi công du nước ngoài, Tổng thống và Thủ tướng được bảo vệ một cách đặc biệt. "Các sĩ quan an ninh sẽ kiểm tra các khách sạn mà phái đoàn lưu trú để chắc chắn không bị gài micrô, và đội cận vệ Pháp sẽ kiểm tra những cuộc thăm viếng. Người ta không thể để một kẻ lạ mặt lảng vảng trong dãy phòng thượng hạng rộng từ 150 đến 800m2".

Cũng tương tự như thế, chiếc Airbus A330 của Tổng thống đậu tại sân bay sẽ có các nhân viên an ninh  luân phiên trực bên trong suốt thời gian công du. "Phi cơ chở theo các phương tiện liên lạc mật của chúng tôi phải được kiểm soát 24/24 giờ, nhất là khi đỗ tại một nước bạn, dù bộ phận an ninh địa phương luôn đề nghị được  canh phòng giúp chúng tôi" - một quan chức an ninh cho biết.

Ở Điện Elysées hay Điện Matignon, sự an toàn về liên lạc giữa Tổng thống và Thủ tướng được giao cho giới quân sự và Trung tâm Liên lạc chính phủ trực thuộc Phòng Tổng thư ký của Bộ Quốc phòng và Cục An ninh Quốc gia. "Những người đứng đầu đất nước nói chuyện bằng điện thoại di động rất dễ bị nghe lén, nhưng họ đã được cảnh báo về nguy cơ đó. Đối với những cuộc điện đàm cơ mật, một quân nhân giữ nhiệm vụ truyền tải luôn có nhiều điện thoại đã bảo mật để Tổng thống sử dụng" - một cận vệ thổ lộ.

Vào tháng 8 vừa qua, khi vụ việc Edward Snowden bùng ra, Văn phòng Thủ tướng đã thông báo cho các bộ và Bộ Tư lệnh quân đội "không nên sử dụng các điện thoại thông minh bán trên thị trường nhưng chưa được kiểm định, đặc biệt là loại Blackberry mà giới an ninh gọi là "cái rây" (ý nói thông tin rò rỉ dễ dàng), mà nên chọn loại điện thoại Teorem rất an toàn của Hãng Thales. Máy này được đặt hàng 14.000 chiếc vào năm 2009 với giá 3.300 euro/chiếc, từ năm 2011 nó đã xuất hiện trong các văn phòng chính phủ nhưng không thuyết phục được mọi người vì phải mất 30 giây mới kết nối được liên lạc.

Tổng thống Pháp tiếp xúc với người dân.

Tổng thống Francois Hollande rất thích theo phong cách "gần gũi với mọi người", điều này đã khiến cơ quan an ninh phải nhiều phen bở hơi tai. Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào năm 2012, ông đã khiến mọi người náo loạn khi quyết định dùng… tàu hỏa. "Không ai được báo trước, và tin tức chỉ được đưa ra vào giờ chót để đảm bảo an ninh tối đa" - một cảnh sát kể lại. Thế là các hành khách sững sờ khi nhìn thấy Tổng thống Pháp bước lên toa hạng nhất, xung quanh là 10 cận vệ đeo tai nghe.

"Các hành khách không bị khám xét nhưng một bức màn bảo vệ được lập ra quanh Tổng thống. Không thể để cho một kẻ nào đó đến ngồi cạnh ông" - một sĩ quan an ninh kể lại. Trong khi đó, một đoàn xe lao sang thủ đô nước Bỉ để chờ rước "nhân vật chính" khi hội nghị kết thúc. Đoàn xe phải mất 2h45 để trở về Paris. Đoàn xe di chuyển một cách kín đáo, không môtô hộ tống, không đèn chớp hay còi hụ. Trái với những gì đã làm từ trước, lần này đoàn xe tuân thủ Luật Giao thông, chạy hạn chế tốc độ và dừng đèn đỏ.

Do nhức óc để giải quyến vấn đề an ninh, các sở ngành chuyên môn của an ninh Pháp đã đề ra một hệ thống xe môtô thông thường để áp sát 2 bên chiếc xe DS 5 của Tổng thống khi dừng đèn đỏ. Thói quen sử dụng tàu hỏa cũng không kéo dài được. "Thứ nhất vì không thể tưởng tượng được Tổng thống qua đêm trên một đoàn tàu hỏa để đi Berlin hay Roma. Kế đó vì yếu tố bất ngờ sẽ nhanh chóng tan biến" - một chuyên gia nhận định.

Muốn cắt đứt với lề thói của người tiền nhiệm Sarkozy, Tổng thống Francois Hollande đã đề ra các quy tắc di chuyển mới cho phái đoàn Tổng thống. Nếu có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tàu hỏa sẽ được ưu tiên hơn phi cơ. Phí tổn cho phái đoàn 20 người là 6.000 euro trong khi nếu dùng 2 chiếc phi cơ Falcon sẽ tốn 20.000 euro. Do Tổng thống Hollande có thói quen dùng tàu hỏa để đến Brussels trong khi lịch của các hội nghị thượng đỉnh đều được mọi người biết rõ, vì thế một số đoàn tàu sẽ dễ trở thành mục tiêu tấn công. Sự đều đặn đó sẽ rất nguy hiểm.

"Hàng chục phóng viên sẽ chờ chực trên sân ga và cố tìm cách thâm nhập vào toa xe của Tổng thống. Một kẻ tâm thần nào đó sẽ có thể len lỏi vào. Tóm lại là không thể chấp nhận được" - một cảnh sát cho biết.

Cũng trong tinh thần đó, Cơ quan an ninh khuyên Tổng thống và phu nhân không nên ngụ tại biệt thự ở đường Cauchy - quận 10 - Paris vì những cửa kính rộng là cơn ác mộng của đội an ninh. Trái với Tổng thống Mỹ là sau khi đắc cử sẽ lệ thuộc và tuân hành theo yêu cầu của cơ quan an ninh, Tổng thống Pháp tự do quyết định hệ thống an ninh cho riêng mình

Mê Linh (tổng hợp)
.
.