Pháp bán cho Nga “công cụ chế ngự”

Thứ Tư, 13/08/2014, 14:20

Paris sẽ bán 2 chiến hạm cho Moskva để Hải quân Nga lấy lại sức mạnh. Hợp đồng giao dịch này được ký từ năm 2011 dưới thời Tổng thống Sarkozy đang trở thành một rắc rối ngoại giao giữa lúc Nga đang bị chỉ trích là có dính líu đến cuộc xung đột tại Ukraina.

Từ thời Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây, Hải quân NATO đã biết cách đối phó với Hải quân Nga. Thế nhưng cách đây 1 năm, khi một tuần dương hạm của NATO chạm trán với một chiến hạm của Nga đang tuần tiễu ngoài khơi Syria, thuyền trưởng tuần dương hạm không tin vào mắt mình khi thấy chiến hạm Nga vận hành hệ thống vũ khí.

"Họ không có ý định khai hỏa nhưng chỉ muốn thể hiện sự đối đầu. Thông điệp rất rõ ràng: Syria là vùng cấm" - thuyền trưởng kể lại.

Những chiếc khu trục hạm Nga giờ có mặt trên khắp các đại dương và việc tái lập sức mạnh cho lực lượng hải quân đã trở thành một ưu tiên: trong vòng 6 năm nữa, 117 tỉ euro sẽ được bỏ ra để tái trang bị. Hơn 20 chiến hạm mới sẽ gia nhập Hạm đội Hắc Hải, trong đó có 6 tàu ngầm. Vấn đề là từ tháng 3 rồi, việc sáp nhập Crimea và cuộc xung đột tại Ukraina làm gia tăng mọi lo ngại. Và nhiều người tại châu Âu và Mỹ đang thắc mắc về vai trò của Pháp trong bối cảnh này.

"Tôi đã bày tỏ mối quan ngại và không chỉ có mình tôi. Tốt nhất là Chính phủ Pháp nên bấm nút "Ngưng" - Tổng thống Obama đã tuyên bố hôm 5/7.

Những ngày gần đây, tại cảng Saint-Nazaire của Pháp đã có mặt 400 thủy thủ Nga đang thực tập trên chiến hạm Vladivostok thuộc lớp Mistral sẽ được giao cho Nga vào tháng 10 tới. Chiến hạm này có khả năng thực hiện những chiến dịch dài ngày trên biển, đây là chiến hạm lớn nhất do Pháp đóng sau chiếc hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle.

Chiếc Mistral tại cảng Saint-Nazaire.

Hợp đồng giao dịch do Tổng thống Sarkozy ký kết dự trù sẽ giao chiến hạm thứ nhì, chiếc Sevastopol, vào năm 2015. Vũ khí này của Hải quân Pháp dài 199m, có thể chở 16 trực thăng, 13 chiến xa và 450 binh lính, đã trở thành biểu tượng phục hưng của Nga mà không chỉ trong hải quân.

"Chiến hạm Mistral là một công cụ hùng mạnh và chế ngự. Nó biểu trưng cho mong muốn của Nga nhằm lấy lại uy tín và vượt ra khỏi không gian lục địa. Tổng thống Putin đã chọn lựa một sức mạnh không cần tìm kiếm vị thế trong sự toàn cầu hóa kinh tế. Trong nhãn quan của ông, điều quan trọng không phải là quyến dụ mà phải được kiêng dè" - Thomas Gomart, Giám đốc phát triển chiến lược của Viện Quan hệ Quốc tế, giải thích. Còn nếu nhìn từ góc độ Paris, các lợi điểm thực tiễn của hợp đồng - 1,2 tỉ euro và 500 việc làm trong 4 năm - đã vượt trên những quan điểm ngoại giao.

Trong khi đó, Moskva lại muốn nắm bắt các kỹ năng kỹ thuật  còn thiếu. Từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, hạm đội của Nga thiếu hoàn toàn sự đầu tư: Hạm đội Thái Bình Dương suy sụp một cách thảm hại:  3 tàu ngầm chiến lược, 9 tàu ngầm hạt nhân tấn công, mà 3 chiếc còn hoạt động không có hàng không mẫu hạm… Trong số 9 chiến hạm lớn chỉ 5 chiếc đủ khả năng đảm nhiệm sứ mệnh, tất cả đều có tuổi hơn 20, thậm chí 30 năm. "Hải quân Nga gồm các tàn tích của hạm đội Liên Xô" - chuyên gia Vadim Kozyulin tại Viện Nghiên cứu Chính trị PIR cho biết.

Tuy nhiên, từ năm 2011 thời thế đã thay đổi. Tại các quốc gia vùng Baltic, một sĩ quan cao cấp lo lắng: "Rõ ràng là Nga sẽ sử dụng chiến hạm đó. Câu hỏi sẽ là để chống lại ai? Mà không có gì chứng tỏ rằng sẽ không phải là chúng ta".

Hiện tại Pháp không có ý định hủy bỏ hợp đồng. Chính phủ đã bảo đảm và Nga đã trả xong 2/3 số tiền. Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đã hoãn quyết định đến tháng 10 khi Ủy ban Liên bộ nghiên cứu về xuất khẩu thiết bị chiến tranh nhóm họp. Nhưng việc bán chiến hạm vẫn sẽ diễn ra.

Thật ra nếu Pháp hủy bỏ hợp đồng, tất nhiên Nga sẽ không ngồi yên chịu thiệt. Nga bảo vệ các quyền trong hợp đồng và sẽ đòi bồi thường nếu hợp đồng không được thực hiện. Hợp đồng cũng có quy định các biện pháp chế tài trong trường hợp không tuân thủ cam kết, nhưng cả 2 phía đều chưa cho biết chính xác số tiền bồi thường là bao nhiêu.

Tại Bộ Quốc phòng, người ta luôn miệng nhắc rằng 2 chiếc Mistral sẽ không thể thay đổi diện mạo của Hải quân Nga, hơn nữa chúng được bán nhưng không có vũ trang. Nga phải cần từ 18 đến 24 tháng để tự trang bị cho 2 chiến hạm tại xưởng ở Saint-Petersbourg.

Tại các quốc gia cận duyên gần Nga, nỗi lo lắng tập trung vào tính đa năng của chiến hạm. Nó có thể đưa binh lính và thiết bị lên tàu từ trên không và trên biển trong thời gian kỷ lục. Chiến hạm Mistral có khả năng vận hành rất cao và đã chứng tỏ trong cuộc di tản công dân Pháp tại Liban năm 2006 và khi Pháp can thiệp vào Libya năm 2011. Chính đặc tính đa năng đó đã khiến giới chức quân sự Nga quan tâm.

"Nhờ tính đa năng, chiếc Mistral sẽ là ưu thế quan trọng trong các cuộc xung đột địa phương như tại Ukraina và vùng Kavkaz" - một chuyên gia quân sự Nga nhận định. Hiện thời Lục quân Nga chưa có các binh chủng sẵn sàng được triển khai giống như thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài mục tiêu của quân đội Nga là thành lập các đơn vị nhỏ cơ động hơn lối triển khai quân cổ điển của Hồng quân Xôviết ngày trước.

Đúng như tên gọi, chiếc Sevastopol sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương trong vịnh Ulysse. Sứ mệnh của nó là bảo vệ quần đảo Kuriles, đảo Sakhaline và các mỏ khí đốt. Nga có tham vọng trở thành một cường quốc tại Thái Bình Dương. Với con đường lên biển Bắc, nơi có nhiều thương thuyền Trung Quốc và châu Âu qua lại, đó là mục tiêu địa chính trị của Nga.

Chiếc Sévastopol cũng tăng cường ưu thế của Nga trên Biển Đen. Từ khu vực sáp nhập Crimea, nó sẽ có thể tiếp cận vùng biển ấm và nhất là cảng Tartous của Syria, địa điểm hậu cần và là bản lề ảnh hưởng của Nga tại Địa Trung Hải

Minh Luân (theo L'Express)
.
.