Pháp đã giải thoát 2 con tin tại Afghanistan như thế nào?

Thứ Hai, 11/07/2011, 17:30

Phải mất 18 tháng điều nghiên thực địa và nhiều cuộc điều đình căng thẳng mới có thể giải thoát được 2 con tin Hervé Ghesquière và Stéphane Taponier.

Tại DGSE (Tổng nha An ninh Quốc ngoại) người ta luôn theo dõi những vụ bắt cóc công dân Pháp ở nước ngoài, vụ giải thoát 2 phóng viên Stéphane Taponier và Hervé Ghesquière được xem như là một thành công thực sự, rõ ràng và không mắc sai lầm. Nhưng người ta vẫn không quên thất bại bi thảm trong vụ giải thoát Michel Germaneau vào tháng 7/2010 cũng như nhiều con tin khác vẫn còn bị giam giữ vô hạn định: một sĩ quan DGSE bị bắt từ tháng 7/2009 tại Somalia; 4 nhân viên của Hãng Areva & Satom bị bắt cóc vào tháng 9/2010 tại Niger; 3 công dân Pháp thuộc một tổ chức nhân đạo bị mất tích tại Yemen vào ngày 28/5 vừa qua.

Về lĩnh vực bắt cóc con tin, tất cả đều là những trường hợp độc nhất. Và vụ bắt cóc 2 phóng viên Pháp tại Afghanistan cũng như thế. Hai con tin đó là phóng viên nổi tiếng của một đài truyền hình quốc gia, đó cũng là một áp lực đối với các nhà điều đình. Họ không thích phải liên tục chịu sức ép từ giới truyền thông. Tuy nhiên họ vẫn phải làm việc với điều đó và nhìn khía cạnh tốt của vấn đề. Chuyến viếng thăm Kabul vào tháng 5 vừa qua của người yêu Hervé Ghesquière và mẹ của Stéphane Taponier được các nhà điều đình xem như là một yếu tố tích cực. Số nhân viên của DGSE tại đấy rất đông.

Khi 2 phóng viên đó bị bắt cóc tại Afghanistan ngày 30/12/2009, ngay lập tức DGSE đã thiết lập một guồng máy quy mô, huy động các nguồn nhân lực, đặc biệt là tại Afghanistan và Pakistan, cùng mọi phương tiện kỹ thuật hiện có. Họ liên thông với DRM (Cục Tình báo Quân đội), mọi cuộc gọi từ mạng lưới điện thoại toàn cầu đều bị theo dõi, liên lạc vô tuyến được thu nhận, các vệ tinh được chỉnh hướng, những máy bay không người lái được tung ra đôi khi 24/24 giờ, đến mức nhu cầu của quân Pháp trên thực địa có lúc cũng chịu thiệt thòi.

Có lẽ các nỗ lực đã rất tốn kém. Nhưng ngoài việc nước Pháp không bao giờ tính toán những nỗ lực khi phải cứu giúp các công dân - kể cả dù họ tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm, như những kẻ vượt biển thám hiểm hay chinh phục điều vô ích - điều này không có nghĩa là ngân sách và nhân lực đổ ra tại Afghanistan chỉ dành cho mục đích đó. Nhiều nhân chứng trực tiếp kể lại những hiểu biết quan trọng mà DGSE thu thập được tại Afghanistan: các nhóm, các đội, các tổ, tiểu tổ, quá trình đưa ra quyết định, những mối quan hệ và liên thông của Taliban mà đến nay vẫn chưa được biết rõ.

Một viên chức của DGSE nhận xét: "Đó là điều cần phải làm vì với những bọn bắt cóc đó, mọi tên lính gác đều muốn áp đặt tiếng nói riêng". Một nhân viên tình báo đảm trách vụ việc giải thích: "Vụ này đã giúp cho chúng tôi học được nhiều điều: bọn Taliban hoạt động như thế nào giữa chúng, mối quan hệ phức tạp ra sao. Nhờ thế chúng tôi đã tiến triển nhiều".

Về tiến trình 18 tháng dẫn đến việc giải thoát 2 con tin, có thể tóm tắt khá đơn giản. Lúc đầu Lực lượng Quốc tế của NATO cố định vị nơi giam giữ các con tin, điều này không khó lắm: họ vẫn còn ở tại Kapisa, khu vực đóng quân của quân đội Pháp, và địa điểm giam giữ nhanh chóng được xác định.

Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin tuyên bố trên Đài RTL rằng ưu tiên sẽ là khoanh vùng bọn bắt cóc và chiếm đóng những khu vực lân cận để ngăn chúng trốn sang Pakistan. Chúng phải ở trong vùng của quân Pháp kiểm soát. Sau đó, khi bọn bắt cóc liên lạc, cần phải tìm những người trung gian đáng tin cậy, loại bỏ những kẻ lợi dụng. Cuối cùng là điều đình trong bối cảnh thật phức tạp: bọn bắt cóc địa phương trong thung lũng Alasay muốn đòi trả tự do cho nhiều tù nhân đang bị chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai giam giữ. Cấp trên là phe Taliban ở Peshawar (Pakistan) cũng muốn có các đòi hỏi riêng. Ngoài ra còn có phe ở Quetta, nhóm chỉ huy dưới quyền giáo sĩ Omar. "Chúng phải đồng ý để thống nhất hành động" - Đại sứ Pháp Jean Amécourt ở Kabul cho biết. Tuy nhiên đến tháng 1/2011, sự nhất trí đã đạt được giữa các nhóm địa phương và việc trả tự do đã gần kề.

Vẫn còn quá sớm để biết được lý do rõ rệt của thất bại đầu tiên. Nhưng cần chú ý rằng từ lúc đó Chính phủ Pháp luôn khẳng định rằng mọi việc đang tiến triển tốt với điều kiện là đừng xem mong muốn của bọn bắt cóc là thực tế như vào cuối năm 2010. Một nguồn tin tiết lộ rằng: "Từ nhiều tháng qua chúng tôi rất tin tưởng. Guồng máy thật phức tạp, sự liên lạc giữa các nhóm rất khó khăn và những thông điệp mất rất nhiều thời gian để đến đúng nơi. Nhưng đèn xanh đã bật".

Có một điều chắc chắn là tuyên bố của Chính phủ Pháp về dự tính rút quân đội khỏi Afghanistan không ảnh hưởng đến quyết định của bọn bắt cóc. Quyết định này đã không thay đổi sau khi những đòi hỏi của chúng được thỏa mãn, nhất là sau khi 2 tù nhân được chính quyền Karzai phóng thích. Còn về vấn đề "tiền chuộc" thì đó là điều kiêng kị, không thể nói ra.

Điểm tích cực nhất là cuộc điều đình này đã giúp người ta biết rõ những đường dây quyết định của phe Taliban tại Afghanistan cũng như Pakistan và nhận thức được rằng các thủ lĩnh có vẻ ương ngạnh và thiển cận thực ra lại rất cởi mở và dễ điều đình "trên các cơ sở thực tiễn". Một viên chức tình báo cao cấp có tham dự vào vụ việc đã nhận xét: "Giờ đây người ta biết rằng ngay cả với những kẻ cứng đầu nhất và các tổ chức phức tạp nhất, người ta cũng có thể điều đình và có được quyết định từ họ"

Minh Luân (theo Le Point)
.
.